Ảnh động là những ảnh có hoạt động, chạy qua chạy lại, hoặc chữ, hoặc hình ảnh, hoặc hình ảnh cử động. Ảnh động là sự thể hiện liên tiếp nhiều ảnh tĩnh, mỗi ảnh xuất hiện trong một thời gian ngắn. Căn bản của việc tạo ảnh động là tạo ra các ảnh tĩnh có cùng kích thước rồi ghép chúng lại thành một dãy với thứ tự nhất định và đặt thời gian xuất hiện của từng ảnh, sau đó lưu lại dưới dạng một tập tin (file) ảnh động.
Ảnh tĩnh thể hiện cố định một nội dung nào đó, còn ảnh động là sự kết hợp và thể hiện của nhiều ảnh tĩnh khác nhau ở một vài chi tiết trong khoảng thời gian ngắn.Ảnh động có 2 loại:
– Ảnh động truyền thống còn gọi là ảnh Gif, thông thường là những bức ảnh được hình thành từ những chuyển động liên tục do nhiều bức ảnh ghép lại bởi các phần mềm chuyên dụng như: Easy GIF animator, Photoscape hoặc Photoshop, hoặc do việc cắt và xử lý từ một video, clip.
Ngựa phi không mệt mỏi
Bông tuyết đầy trời
Nhảy dây liên tục
– Ảnh động Cinemagraph (ghép từ Cinema và Photograph) – một khái niệm mới ra đời từ năm 2011- là một dạng ảnh động độc đáo và thực hiện rất công phu, được lưu dưới dạng file.gif (Graphics Interchange Format: Định dạng trao đổi hình ảnh). Giống như hầu hết ảnh động Gif thông thường, với các yếu tố di chuyển, tuy nhiên nét độc đáo của Cinemagraph là khả năng tùy biến vùng chuyển động và vùng không chuyển động, có nghĩa chỉ một phần của đối tượng giữa bức ảnh chuyển động lặp đi lặp lại hoặc chuyển động tiếp diễn, trái ngược với sự tĩnh lặng của phần còn lại của bức ảnh. Đặc điểm này có thể tập trung lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng mà người nghệ sĩ muốn truyền tải bằng Cinemagraph.
Chỉ có vạt áo phất phơ bay
Mái tóc và ống quần lay nhẹ
Chiếc taxi chạy bên ngoài
Vai áo lung linh
Chỉ bình xịt tóc chuyển động
Một cái xoay đầu nhẹ
Người cha đùa với con
Mái tóc bồng bềnh
Ngọn cỏ gió đùa
Người chụp ảnh chụp liên tục
Tóm lại, khác biệt quan trọng giữa Animated Gif và Cinemagraph là Cinemagraph chỉ thể hiện chuyển động của một đối tượng trong bức ảnh, nhờ đó cho ra đời nhiều hiệu ứng sáng tạo hơn ảnh động truyền thống, đem lại cảm giác rất thú vị cho người xem.
Để làm được ảnh dạng Cinemagraph, cần phải quay video trước rồi dùng phần mềm tách từng mảng hình. Sau đó, chọn mảng hình phù hợp với chuyển động rồi lại ghép chúng lại với nhau. Điểm cần chú ý khi tạo hình dạng này là khung hình đầu tiên và cuối cùng phải giống nhau để tạo ra sự liên tục.
Các chuyên viên kỹ thuật ứng dụng đã phối hợp cùng các hãng điện thoại để đưa khả năng này vào các điện thoại thông minh, phục vụ nhu cầu của người dùng. Năm 2012, ứng dụng chụp ảnh động Cinemagraph trên nền tảng Windows Phone lần đầu ra mắt, qua đó người dùng có thể mở rộng hay thu hẹp vùng chuyển động để tạo ra ảnh động Cinemagraph nhanh chóng và đơn giản.
Cinemagraph do nhiếp ảnh gia Mỹ Jamie Beck cùng chồng là nghệ sĩ kỹ thuật điện tử (digital artist) Kevin Burg thực hiện. Khi hai nhiếp ảnh gia nầy lần đầu cho ra mắt bộ ảnh động, người xem không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lung linh bí ẩn của những bức ảnh độc đáo này. Tác phẩm của họ trở thành “hiện tượng” gây tranh cãi tại Mỹ khi cho ra đời công nghệ “biến tĩnh thành động”. Quan điểm của họ như sau:
“Một Cinemagraph luôn bắt đầu từ một bức ảnh tĩnh (Photograph). Theo định luật ngón tay cái (kỹ thuật dựa trên kinh nghiệm), chúng tôi tạo ra Cinemagraph từ đối tượng có thể sẽ làm nên một hình ảnh tĩnh đẹp. Ý tưởng cho tác phẩm Cinemagraph thông thường là việc nắm bắt được bản chất của đối tượng trong ảnh thông qua hành động hoặc khoảnh khắc mà ảnh tĩnh không thể lưu lại được. Khi chúng tôi quyết định chụp một bức ảnh tĩnh, và biến nó thành một Cinemagraph, đó là khi có nhiều hơn một câu chuyện được lưu giữ trong khung hình tĩnh. Chúng tôi thực sự cảm thấy đây là thời cơ để ngắm nhìn mọi thứ chúng ta biết trên thế giới, hiển thị nó theo cách mới. Đó là thời cơ đặc biệt của những nghệ sĩ và nhà sáng tạo hình ảnh.”
Quan điểm nầy giống với triết lý Đông Phương “lấy động dưỡng thân, lấy tĩnh dưỡng thần”. Người bình thường trong cuộc sống sinh hoạt, phép “dưỡng thân” nên lấy “động” làm cơ sở chính yếu, lượng sức mà làm, kiên trì bền bỉ, “dưỡng thần” chú trọng cự tuyệt nghe nhìn, trừ tạp niệm, thông qua tĩnh tọa tu luyện, đạt tới vô vật, vô ngã. Tuy nhiên tĩnh và động là hai khái niệm tương đối, cần phải so sánh và quy chiếu. Ví dụ như khi ta đi xe máy, ta so với xe máy là đứng yên, nhưng với cái cây bên đường lại chuyển động. Ngồi yên suy tư là tĩnh, chạy nhảy là động. Nhưng khi nào thì ta tĩnh, khi nào thì ta động? Nếu quan sát thế giới quanh ta, ta có thể thấy ngay cái gì là gốc, cái gì là ngọn: đại đương nổi sóng, nhưng không có đại dương thì không có sóng. Nước đại dương luôn luôn có đó và tự nước thì tĩnh lặng, chỉ khi có gió mặt nước mới thành sóng (và các tầng nước sâu vẫn lặng). Đất ta đang bước đi trên đó phải lặng thì ta mới có thể đi. Cờ bay được vì có cột cờ đứng vững…. “Tĩnh” luôn luôn là nền, là gốc rễ, là chỉ huy của “động”. Tĩnh là thể (bản chất); động là dụng (công dụng). Tĩnh là thường hằng (vĩnh viễn); động là phù du (nhất thời).
Ảnh động Cinemagraph khéo léo tạo ra những vùng “động trong tĩnh” để có các file.gif đầy tính triết lý và nghệ thuật. Các bức ảnh nầy được giới chuyên môn đánh giá cao về tính nghệ thuật và sự sáng tạo độc đáo khi kết hợp nghệ thuật với công nghệ.
Ảnh động Cinemagraph đem đến cho người xem cảm giác sống động như thật, “động nằm trong toàn thể tĩnh”, hay “lấy tĩnh biến thành động rồi lại trở về tĩnh”, tự chứa đựng trong ảnh một khoảnh khắc sống trong nháy mắt để trải nghiệm và lưu giữ mãi mãi, giống như tư tưởng Thiền: “Bạn chỉ cần nắm bắt điều gì đó khác biệt. Trông thấy những khoảnh khắc cuộc sống nhỏ bé vẫn luôn tồn tại xung quanh bạn và thực sự nhận thức chúng. Bạn dừng lại tất cả mọi thứ khác xung quanh và chỉ tập trung vào duy nhất khoảnh khắc đẹp đẽ đó, khoảnh khắc “sống”
1 Response
[…] mời click vào đây để xem […]