BÁT NHÃ TÂM KINH
Lê Tấn Tài
(Bài này được viết lại từ bản cũ đã đăng trên các trang web Phật giáo những năm trước đây)
Khi còn nhỏ, mỗi khi về nhà Ngoại, tôi tình cờ đọc Bát Nhã Tâm Kinh từ tủ sách kinh của bà. Lúc đó, tôi chỉ đọc qua, hiểu mơ hồ về sức huyền bí của bản kinh (nếu tu tập mỗi ngày, phước lành sẽ đến). Nhưng gần đây khi đọc lại, tôi nhận ra nhiều ý nghĩa thâm sâu hơn. Tôi không phải là tu sĩ, không phải là cư sĩ, cũng không phải là học giả. Thời trẻ, tôi không quan tâm đến những triết lý xa xôi, khó hiểu. Nhưng khi già đi, trải qua nhiều thăng trầm, vật đổi sao dời, người đời đổi trắng thay đen, lên voi xuống chó, bệnh tử vô thường.., tôi bắt đầu thấu hiểu chữ “Không”. Chữ “Không” có điều gì đó mê hoặc, một lực hấp dẫn mạnh mẽ khiến tôi bị cuốn hút vào. Khi đọc Bát Nhã Tâm Kinh, tôi cảm thấy như có một luồng gió mới, một sức mạnh đang phá vỡ mọi quan niệm, thậm chí chối bỏ luôn cả hiện thực.
Tôi viết bài này dựa trên sự hiểu biết đơn giản của mình, không dẫn giải rối bời hay chú thích phức tạp. Thực ra, có hàng nghìn quyển sách và bài viết của các nhà sư và học giả cao thâm, nhưng cuối cùng, không ai có thể hiểu rõ hơn. Liệu có cần phải đọc nhiều, nghiên cứu từng chữ từng câu? Thật sự, có lẽ chỉ một chữ cũng đủ để giác ngộ, vì đến một thời điểm nào đó, giác ngộ sẽ đến như một tia chớp. Liệu Bát Nhã Tâm Kinh có phài là một chiếc lá trong một tàng cây lớn mà Đức Phật truyền đạt cho chúng ta?
oo0oo
Bát Nhã Tâm Kinh, tên viết tắt của Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh, là một tác phẩm viết ngắn nhất về Bát Nhã Ba La Mật mà Phật đã thuyết giảng lúc ngoài 60 tuổi. Trong phiên bản Hán dịch của Huyền Trang, bản kinh này gồm 260 chữ. Đây là một trong những bản dịch phổ biến nhất được truyền tụng trong giới Phật tử Nhật Bản, cũng như trong truyền thống Chân Ngôn Tông, Thiên Thai Tông và Thiền Tông.
Dưới đây là bản dịch tiếng Việt của Thích Trí Thủ, dựa trên bản dịch của Huyền Trang vào năm 649, thời đại nhà Đường.
“Bồ tát Quán tự tại khi hành Bát Nhã Ba La Mật Ða sâu xa soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách.
Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Xá Lợi Tử! Tướng không các pháp đây, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.
Cho nên, trong không, không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới.
Không vô minh cũng không vô minh hết; cho đến không già chết, cũng không già chết hết .
Không khổ, tập, diệt, đạo.
Không trí cũng không đắc, bởi không sở đắc.
Bồ Tát nương Bát Nhã Ba La Mật Ða, nên tâm không mắc ngại; vì không mắc ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo niết bàn.
Chư Phật ba đời nương Bát Nhã Ba La Mật Ða nên chứng A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.
Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Ða là chú thần lớn, là chú minh lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ hết mọi khổ ách, chắc thật vì không dối.
Nên nói chú Bát Nhã Ba La Mật Ða, nên nói chú rằng:
Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề, Tát bà ha.”
Bài kinh này thuyết giảng về các khái niệm trong Phật pháp như Bồ Tát, Bát Nhã, Ba La Mật, và nói về việc giải thoát khỏi khổ đau và ảo tưởng. Các ý chính bao gồm:
– Bồ Tát và Bát Nhã
Bồ Tát đại diện cho lòng từ bi của chúng sanh, là sự hoằng pháp và giúp đỡ người khác cầu đạo và giác ngộ. Khái niệm Bát Nhã tượng trưng cho cái sâu xa, bát ngát, đẹp đẻ và dịu dàng. Bát Nhã là sự lắng nghe và giúp đỡ chúng sanh. Một số người ví Bát Nhã như chiếc thuyền đưa dẫn chúng sanh vượt qua bờ bên kia sự đau khổ và trần thế. Ba La Mật đề cập việc đến bờ bên kia, hay đạt được trạng thái giác ngộ. Tâm Kinh nói phải tu tập thực hành sâu xa mới đạt đến Bát Nhã, mới có một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Cái diệu dụng của Tâm Kinh chính là sự xác tín với những người tu là loại trừ được hết mọi khổ đau vì toàn bộ kinh đã chối bỏ tất cả những gì hiện hữu, nhất là thân xác.
– Quán và Quán Tự Tại
Quán là khả năng quan sát mọi hiện tượng và đối tượng một cách chân thật, không bị lạc hướng bởi các yếu tố giả tạo, giúp người tu nhìn thế giới một cách sáng suốt. Việc quán tự tại của Bồ Tát không chỉ đơn thuần là việc nhận biết thế giới bên ngoài mà còn là việc tìm kiếm và hiểu biết về bản chất thật sự của chính mình. Điều này bao gồm việc lắng nghe tiếng kêu đau của thế gian, mở lòng từ bi để hỗ trợ và giúp đỡ người khác.
– Ngũ Uẩn và “Tôi”
Theo Tâm Kinh, để đạt được Bát Nhã, hành giả cần tu tập và thực hành thâm sâu. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển một cái nhìn hoàn toàn mới về cuộc sống. Trong hành trình này, người tu phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc hiểu rõ về ý thức của “tôi” – nguồn gốc của nhiều nỗi đau khổ. “Tôi” không chỉ bao gồm thân (sắc), mà còn kết hợp tinh thần (thọ, tưởng, hành, thức). Sự liên kết của ngủ uẩn, không những định hình “tôi” mà còn đóng góp vào việc hình thành trạng thái tinh thần và vật chất. Tiêu diệt thân là tự huỷ diệt – đây không phải là điều Phật dạy.
Thân là nền tảng cần thiết, đứng trước tâm vì không có thân, làm sao có tâm, có cảm giác và cảm xúc thông qua giác quan (thọ). Từ giác quan, chúng ta nhận biết các cảm giác (tưởng). Tưởng dẫn đến sự tưởng tượng, sáng tạo các kiến thức, ghen tị, giận dữ… Đây có thể coi là tri thức, một tri thức chưa chuyển đổi thành hành động (hành). Hành động sinh ra điều tốt hoặc xấu, và khi không có ý thức, hành động chỉ là vô tâm như cách trẻ con hành động không cần suy nghĩ. Hành mà có ý thức tức là đã tạo nghiệp. Thức (ý thức đứng sau cùng) phụ thuộc vào kinh nghiệm, thói quen và sự kích thích từ bên ngoài. Vì vậy, cuộc sống của chúng ta giống như việc diễn một vở kịch mà chúng ta nhầm lẫn là thực tế. Mọi vật thể không tự có ý thức, mà chúng ta chỉ nhận thức được chúng nhờ vào tác động của thức. Ngay cả khi chết, thân vẫn tồn tại nhưng không đủ để tạo ra ý thức, cảm xúc và nhận thức. Tất cả những trạng thái này phụ thuộc vào giác quan và ý thức của chúng ta.
Tâm Kinh nhấn mạnh không có cái “tôi” riêng biệt tồn tại. Thay vào đó, con người là sự hòa trộn của nhiều yếu tố do các duyên phần tương hợp tạo nên và ý thức là một quá trình tương tác và giao thoa. Cái “tôi” chỉ là giả tướng, không có thật, giống như tiếng kêu của một động cơ, khi gỡ bỏ các bộ phận trong động cơ thì tiếng kêu không còn nữa.. Khi chúng ta hiểu được điều này, chúng ta có thể giải thoát khỏi sự ràng buộc vào “tôi”, giúp giải quyết nhiều vấn đề và đau khổ trong cuộc sống.
– Vô Thường và “Không”
Tâm Kinh nói rõ sự tồn tại không phải là một trạng thái tĩnh lặng, mà luôn chuyển động và biến đổi theo không gian và thời gian. Mỗi vật thể đều không cố định và không có tự tính riêng biệt. Nguyên tử và các yếu tố tự nhiên đều là biểu hiện của sự biến đổi không ngừng. Trong giáo lý Phật, không có khái niệm về điều tốt hoặc xấu, chúng ta không nên bị gò bó bởi các đánh giá của thế gian. Thay vào đó, hãy trải qua mọi trải nghiệm và cảm xúc để hiểu sự chân thật của cuộc sống. Quan trọng nhất là không tăng thêm vào hay giảm bớt điều gì, mà hãy chấp nhận tất cả như một phần hòan mỹ của hiện tại.
Khái niệm “không có” không chỉ là việc vắng mặt một cái gì đó, mà là cái đó không tồn tại như chúng ta nhận thức. “Không” là “Trống Rỗng”, giống như bầu trời trong vắt hoặc khoảng trống của một căn nhà, một chiếc thùng, hay một cái chén. Do đó, điều chúng ta thường gọi là “có” chỉ là một dạng giả tưởng không có thật. Chẳng hạn màu sắc hay âm thanh chỉ là những làn sóng.
Sắc không khác biệt với “không”, vẫn có hình thể, vẫn hiển hiện ra đó dưới những hình dạng xuất hiện (nước trong bầu thì tròn, trong ống thì dài). Sắc là thân xác kết quả của sự kết hợp các nguyên tố (đất – chất đặt như xương, nước – chất lỏng như máu, gió – chất động như hơi thở, lửa – chất nóng như nhiệt độ) do duyên tạo thành, nên biến đổi theo không gian, thời gian và từ đó sinh ra mọi khổ đau. Duyên là những vật hỗ trợ cho nhân để sinh ra quả, giống như hột lúa (nhân) có sức phát sinh thành cây lúa (quả) khi có những điều kiện thuận tiện (duyên) như đất, nước, phân… giúp hột lúa sinh ra cây lúa.
– Chấp Ngã và Không Chấp Ngã
Einstein nói vật chất chính là năng lượng, như vậy năng lượng và vật chất là một. Khi chúng ta giải thoát khỏi sự ràng buộc này, chúng ta không còn bị vướng mắc vào điều gì nữa. Khi ý thức về cuộc sống thay đổi thành một trạng thái vô thường và không ổn định, mọi khổ đau tự nhiên sẽ tiêu biến. Nỗi khổ của con người là do cái “tôi” lớn quá nên luôn luôn bám víu và nghĩ rằng nó sẽ trường tồn vĩnh viễn. Ðó là “chấp ngã” hay là “ngã kiến” (chỉ thấy cái tôi).
– Thực Tại và Giả Tưởng
Nên hiểu rằng mọi thứ chỉ là giả tưởng và không tồn tại như chúng ta thường thấy. Cả thế giới hữu hình và các hiện tượng trong vũ trụ đều chỉ là các dạng của Pháp, một quy luật không có tính riêng biệt. Khoa học vật lý hiện đại cũng chứng minh rằng thế giới hữu hình chỉ là một dạng của Không Tướng (sự không có), không thật sự tồn tại. Các hiện tượng của vũ trụ mà chúng ta thấy, tưởng là Có nhưng thật sự là Không, không có thật, như sóng biển khi hợp khi tan nhưng bản thể của nó không bao giờ thay đổi (sóng tan chứ nước không tan). Mây, mưa hợp tan vô định. Hòn đá, hạt cát vở tan thành bụi. Tất cả chỉ là sinh diệt của vũ trụ. Tại sao ta sinh ra đời? Có phải là cái duyên của cái trứng và tinh trùng gặp nhau. Nếu có một trục trặc nào đó trong quá trình thụ thai thì đã không có ta. Sinh diệt là nổi lo lớn nhất của con người, nhưng sinh và diệt chỉ là một, chỉ là một sự chuyển hóa năng lượng và năng lượng thì được bảo toàn. Người đời thường bị ràng buộc trong cái giả tướng nên dùng đến những danh từ “lợi hại, thiện ác, tốt xấu…” rồi đặt thành quy luật để bảo vệ cái Thiện và bài trừ cái Ác. Ðừng lấy cái đức tính tốt nầy mà đả phá cái tánh xấu kia, phải nếm tất cả mùi vị cay đắng của cuộc đời rồi mới thấy được cái chân thật thường hằng. Không tăng, không giảm, là hiện tượng viên mãn. Thuỷ triều lên bên nầy thì xuống bên kia, trên một dòng sông, bờ bên nầy sói mòn thì bờ bên kia được bồi đắp. Tâm Kinh chối bỏ cái thuyết nhị nguyên làm phiền toái con người. Vì vậy, việc sinh ra và mất đi chỉ là một quá trình chuyển đổi năng lượng, không dễ dàng phân biệt được cái gọi là “sạch” và “dơ”, hoặc cái gọi là “tốt” và “xấu”.
– Chấp Đắc và Vô Đắc
Tìm kiếm giác ngộ không dựa vào việc đạt được điều gì đó, mà là chấp nhận sự không có gì cả, từ cái Trống Rỗng đến cái Không có gì hết. Tâm Kinh khẳng định phá chấp, không chấp vào bất cứ việc gì. Giải thoát là giải thoát khỏi sự khổ đau của bản thân mình. Không có thân, tức là không có lục căn (mắt, tai, mũi, luỡi, xúc giác và ý tưởng), đây là các cánh cửa để đưa buồn vui, sướng khổ vào trong chúng ta. Thấy, chính là do mắt. Thấy một bông hoa đẹp, chúng ta trầm trồ khen ngợi; nhưng khi thấy hoa tàn, chúng ta suýt xoa, tiếc rẻ. Nhưng liệu chúng ta có biết rằng hoa sớm nở sớm tàn, chỉ là sự vô thường? Đó chính là do tâm trí của ta tưởng tượng ra. Từ ý nghĩ đi đến tâm thức, biện biệt, khen chê, xấu tốt, thắng bại… Hoa có xấu hay đẹp là do ý thức của chúng ta.
Trong thập nhị nhân duyên, vô minh là yếu tố đầu tiên, là nguồn gốc của mọi khổ đau. Diệt vô minh chính là giải thoát. Tuy nhiên, Tâm Kinh lại dạy rằng: “Không có ngu ngốc và cũng không có khôn ngoan.” Ai là ngu, ai là khôn? Trong cuộc sống, khi bị mắng là ngu, nhưng đó lại là người khôn (“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao”). Loại bỏ khôn – ngốc đó chính là Bát Nhã. Tâm Kinh tiếp tục dạy: ‘Không có già, không có chết; nhưng cũng không có “không già” và không có “không chết”. Sống và chết là lẽ đương nhiên, không nên sợ hãi. Trên thực tế, chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian để lo sợ việc sống và việc chết. Mỗi giây phút hiện tại đều quý báu và có ý nghĩa. Chúng ta đã bao giờ sống thực sự với hiện tại, không hối tiếc về ngày qua và không trông chờ vào một ngày mai tốt đẹp? Ngũ uẩn là không thì sống chết cũng là không. Trong “Không”, không có gì sinh ra nên cũng không có gì mất đi.
Tâm Kinh phá chấp từ thấp đến cao, từ chấp ngã đến chấp pháp, cuối cùng phá hủy cả chấp trí và chấp đắc. Trí là phần cao nhất của lục độ (bố thí, ba la mật, giới, nhẫn, tinh tiến, định và trí huệ). Trí còn tạo ra sự phân biệt, khiến con người không thể hoàn toàn giải thoát, vì tâm trí luôn chứa đựng kiến thức. Tập thiền phải vô trí, chỉ trải qua trực tiếp mà không cần lý luận. Chỉ khi không có trí, chúng ta mới thoát khỏi suy nghĩ nhị nguyên, và chỉ khi không còn mong đợi gì nữa, vượt qua sự đắc chúng ta mới tiếp cận được “Không”. Những người thực hành Bát Nhã cao thâm không sở đắc, không còn trở ngại, không còn lo sợ, họ đã vượt qua những mộng tưởng và hy vọng ảo tưởng, họ đã đạt đến bờ bên kia, đạt đến niết bàn. Niết bàn chính là sự an lạc ở mỗi giây phút hiện tại. Niết bàn đã có sẵn ngay tại đây, không cần phải tìm kiếm xa xôi.
– Chú Bát Nhã Ba La Mật Ða
Là một thần chú quan trọng trong Phật pháp, nói về việc vượt qua mọi khổ đau và ảo tưởng, hướng tới sự giác ngộ. Nên biết Chú trong Tâm kinh rất thần diệu, rất sáng suốt, cao nhất, không có gì sánh bằng là cái công năng tóm thâu mọi nghĩa lý để từ đó phát sinh ra mọi diệu dụng, là một thứ linh ngữ, mật ngữ thiêng liêng mà ở trong trạng thái nào đó con người hiểu được, do đó với nguời nầy thì linh mà với người khác thì không linh. Cũng có thể đây là tiếng reo vui mừng khi đạt đến giác ngộ, không còn đau khổ. Cái kết quả nầy hiện thực, cho nên khẳng định lại một lần nữa Tâm Kinh là Chân Thật, không có gì lừa dối.
Chú linh diệu như vậy, cho nên hãy đọc Chú Bát Nhã Ba La Mật Ða. Tuệ Sỹ dịch câu Chú nầy như sau: “Đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia.” (Tiếng Phạn: “Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā”). Theo Suzuki thì Chú không dịch và không giải nghĩa, vì Chú không thể hiểu và cứ giử y như thế để tăng thêm uy lực của linh ứng, chỉ dịch âm theo tiếng Phạn để có tác dụng mầu nhiệm. Suzuki kết: “Sự thực, hình như toàn thể bản kinh được viết ra vì câu thần chú đó, và không có gì khác hơn”.
Muốn hiểu Tâm Kinh, không qua việc tích luỹ kinh nghiệm từ thế giới bên ngoài mà thông qua cái Phật tính sâu thẳm bên trong mỗi người. Từ “thực hành” xuất hiện liên tục trong các đoạn văn của kinh. Điều này có nghĩa rằng việc đọc Tâm Kinh không chỉ là việc đọc, mà còn là việc áp dụng, là hành động tự thân để khám phá những điều kỳ diệu mà nó mang lại. Tâm Kinh không nên được xem như là những câu chú, câu niệm có uy lực siêu nhiên có thể giúp con người thoát khỏi tai nạn, bệnh tật, khổ đau và luân phiên sinh tử. Thay vào đó, Tâm Kinh là hướng dẫn để chúng ta tự mình tìm kiếm và giải thoát.
Vậy liệu Tâm Kinh có thể coi là một “liều thuốc” giúp giải quyết tình trạng không ổn định của chúng sinh không? Trong các bản Tâm Kinh truyền thống, việc đào sâu vào nghĩa của các từ và triết lý cao siêu là quan trọng, nhưng cũng quan trọng không kém là khía cạnh của hành động. Chúng ta cần sống một cuộc sống không bị cuốn vào những ham muốn và mong đợi, để một ngày nào đó chúng ta có thể đạt đến trạng thái tinh khiết và nhẹ nhàng. Điều này yêu cầu chúng ta thay đổi suy nghĩ và quan điểm của mình, thay vì chỉ là thay đổi hành vi bề ngoài. Mọi cảm xúc và quan điểm của chúng ta đều xuất phát từ tâm trí của chúng ta.
Tâm Kinh đưa ra một quan điểm mới đối với cuộc sống, làm cho chúng ta xem xét mọi suy nghĩ và quan điểm theo một cách khác. Nó không chỉ là việc từ bỏ những kiến thức và quan điểm cũ, mà còn là việc mở lòng và nhìn nhận cuộc sống một cách mới. Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta cần phải tự kiểm tra bản thân, không đánh giá hoặc phê phán, để thực hành việc không vướng vào những suy tưởng, kiến thức, và quan điểm cá nhân mà chúng ta đã tích luỹ từ trước đó. Chúng ta cần học cách sống ở hiện tại, không dựa vào tham vọng hoặc lo lắng về tương lai, để thực hiện Tâm không, nghĩa là không bị lôi kéo bởi cái chúng ta muốn và tránh cái chúng ta không muốn, không so sánh giữa điều này và điều kia, không có sự sinh, không có cái chết, không có chúng sinh, không có Phật, không có Mê, không có Ngộ. Tương tự như không có bóng tối và không có ánh sáng. Khi chúng ta đạt được điều này, chúng ta đã giải thoát, đã đạt đến niềm vui trọn vẹn của tự do tâm linh. Nếu chúng ta không học được điều này, những vấn đề như danh dự, xã hội, tình yêu, và lạc thú không thể làm thay đổi tâm trạng của chúng ta.
Tâm Kinh dạy chúng ta phải làm cho mỗi suy nghĩ và niềm tin của chúng ta hoạt động theo một cách mới. Nó không chỉ đơn giản là từ chối những quan điểm và niềm tin cá nhân của chúng ta, mà còn là việc loại bỏ những rắc rối, tri thức và niềm tin mà chúng ta mang theo. Khi chúng ta thực hiện điều này, tâm hồn của chúng ta sẽ mở ra một chân trời mới, trong sáng và không bị gò bó bởi những hạn chế của thế giới.
Con người tự do vô hạn vì tâm trí không có ranh giới. Tâm hồn chúng ta cũng không có ranh giới vì nó là “tâm không.” Việc kết nối vô hạn bên ngoài với vô hạn bên trong là sự hiểu biết sâu sắc của người giác ngộ. Tuy nhiên, giác ngộ chỉ là một cách nói, bởi thực tế không có cái gọi là “bên kia” thực sự. Nó không có ở một nơi cụ thể nào đó, nhưng có ở mọi nơi. Không cần phải đợi đến kiếp sau mới có thể đạt đến niết bàn, ngay từ bây giờ, trong khoảnh khắc, nếu chúng ta thức tỉnh, chúng ta cũng có thể đạt đến niết bàn.