Cái tâm khó hiểu
Cái tâm dường như là một đề tài rất bao la. Nói rằng bao la vì nó đã được nhiều nhà bàn đến từ bao nhiêu thế kỷ qua và bây giờ vẫn còn được bàn tiếp. Có phải chăng tại vì cái tâm đều hiện hữu trong mỗi người chúng ta nhưng chúng ta không biết nó ở đâu. Nó huyền bí; nó biến đổi, khi thì tĩnh lặng, lúc lại sinh động; nhiều khi chúng ta có cảm tưởng chính nó chủ động chúng ta. Cái tâm chắc rất quan trọng đến đời sống tâm linh của con người bởi vì các nhà tôn giáo đều lưu tâm đến nó. Ngay như đức Phật Thích Ca cũng từng khuyên chúng sinh của ngài phải giữ tâm an lạc. Vậy cái tâm là gì, nó nằm ở đâu, hình thù nó ra sao và nó cần được “bảo quản” như thế nào?
Người Trung hoa, người Pháp, người Anh họ đều dùng một chữ (tâm, Coeur, heart) để vừa diễn tả cái tâm vừa diễn tả trái tim trong cơ thể con người. Như vậy cái tâm của chúng ta nó nằm trong trái tim? Hiện nay giới khoa học chưa chứng minh điều đó, mổ trái tim ra không thấy cái tâm. Tuy nhiên người đời thường hay có nhiều câu nói có vẻ như những lời tiên tri để khẳng định trái tim chứa đựng cái tâm, chẳng hạn như những câu “con tim bối rối”, “trái tim bồ tát”, vv. Triết gia người Pháp, ông Blaise Pascal, còn nói “con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết (1)”. Ông Blaise Pascal vừa cho chúng ta biết một điều quan trọng: cái tâm không phải là lý trí. Trái tim là vật cụ tượng. Cái tâm là vật siêu hình?
Người Việt mình nghĩ thế nào về vấn đề này? Cụ Nguyễn Du thì viết trong Truyện Kiều “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Vậy cái tâm nó nằm trong lòng của mỗi người? Trịnh Công Sơn có vẻ cũng nghĩ như vây nên mới viết rằng “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng (Để gió cuốn đi)”. Nhiều người Việt cũng tin như thế. Khi có chuyện gì bực mình, lo lắng thì họ thường nói bị lộn ruột, bị nôn ruột, ruột đau chín chiều, vv.
Nói đến cái tâm là nói đến tâm hồn, tâm can, tâm giao, tâm bệnh, tâm lý, tâm linh, tâm địa, tâm đắc, tâm huyết, tâm khảm, tâm tình, tâm tính, vv. Có nghĩa là xét đến cái tâm trạng. Cái tâm có lúc tốt mà cũng có khi xấu. Có điều chúng ta có thể biết chắc qua kinh nghiệm sống là cái tâm nó giống như khí trời. Chúng ta không trông thấy không khí nhưng chúng ta cảm thấy nó và chúng ta cần nó để thở. Cũng như thế, chúng ta cần cái tâm để sống cho chính mình và để giao tế với xã hội.
(2), (3) Trong số các triết gia Trung Hoa, có ông Chu Hi sống vào thời Nam Tống, là người đã lập nên triết thuyết “Lý học”, còn gọi là “Tống nho”, “Đạo lý”. Người Pháp họ dịch thành “Néoconfucianisme”. Trong triết thuyết này, Chu Hi nói rằng bản căn của vũ trụ vạn vật là cái “lý”. Từ cái lý mà sinh ra cái “khí”, tức là hai khí âm dương. Âm dương tụ lại sinh ra trời đất. Trời đất sinh ra vạn vật trong đó có con người. Cái lý là vật siêu hình (hình nhi thượng) và luôn luôn có tính thiện. Cái khí là vật cụ thể (hình nhi hạ) vì nó có thể biến thành chất lỏng. Con người sinh ra hấp thụ cái lý mà có được cái tính; hấp thụ cái khí mà có được hình hài. Vì cái tính được di truyền từ cái lý luôn luôn thiện nên cái tính của con người cũng có tính thiện. Chu Hi cho rằng cái tâm của mỗi người làm chủ cái tính của mình. Khi cái tâm còn trong trạng thái an tịnh thì cái tính luôn luôn thiện. Nhưng khi cái tâm bị động thì cái tính nó biến thành cái tình. Cái tình có thể thiện hay ác tùy vào chủ ý của mỗi người. Vì thế con người phải luôn giữ cho cái tính không biến thành cái tình. Muốn được như thế thì Chu Hi đề ra là cần phải tĩnh tâm, bằng phương pháp tĩnh tọa.
Phép tĩnh tâm theo Chu Hi đề ra hoàn toàn trái ngược với thiền tọa trong Phật giáo. Vì Phật giáo chủ trương “chư hạnh vô thường, chư Pháp vô ngã”, tất cả đều là không nên tĩnh tâm theo Phật giáo là không suy nghĩ gi cả để đi đến cái không. Nhưng phương pháp tĩnh tâm của Chu Hi thì trái ngược lại. Tĩnh tâm trong đạo Tống nho là ngồi yên lấy sự kính trọng (mọi sự vật) để giữ cái tâm cho sáng suốt; phải suy xét tường tận cái “lý” để hiểu được cái “sở dĩ nhiên” của sự vật ngõ hầu tư tưởng của mỗi người không bị mê hoặc; và để biết được cái “sở đương nhiên” của sự vật để khi hành động không bị lầm lẫn.
Vậy phải làm sao? Chu Hi bảo phải biết “cách vật” và “trí tri”. Cách vật, trí tri là hai việc đầu tiên mà Khổng tử đã khuyên mỗi người nên làm trong cuộc đời mình, tuần tự gồm các giai đoạn: “cách vật, trí tri, chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cách vật, trí tri theo Chu Hi là phải quan sát, xem xét cho kỹ sự vật để hiểu cái đạo lý của nó. Thời còn học Tiểu học, chúng ta đã có dịp học môn “Cách trí”. Có lẽ tên môn học này là do “cách vật, trí tri” mà thành.
Cùng thời với Chu Hi còn có triết gia Lục Cửu Uyên. Họ Lục chê cái học của Chu Hi và thầy của Chu Hi, là Trình Y Xuyên, đi sai con đường của Khổng Mạnh. Lục Cửu Uyên đề cao tư tưởng Duy tâm. Ông ta cho rằng cái tâm là bản căn của vũ trụ vạn vật. Có nghĩa là trước khi có trời đất vạn vật thì đã có cái tâm, bất sinh, bất biến, luôn luôn thiện. Cái tâm của mọi người, mọi sự vật, từ đời nọ sang đời kia đều hấp thụ cái tâm của bản căn nên tất cả cái tâm của mọi vật, từ đời nọ đến đời kia, đều giống nhau. Để giữ cho cái tâm luôn tốt, ông khuyên phải giữ được hai đức tính, đó là phải biết “tri sỉ (biết xấu hổ)” và có lòng thành. Về phương pháp thì ông bảo đi theo con đường trung đạo của Khổng tử, tức là không dụng tâm thái quá, nên ôn nhu thì ôn nhu, nên cương cường thì cương cường. Đó là hợp với lẽ trời.
Vào thời nhà Minh, có triết gia Vương Dương Minh, đệ tử nhiều đời của Lục Cửu Uyên, cho rằng lời giải thích về “cách vật, trí tri” của Chu Hi làm cho người ta đi sai đường, cứ đi theo sự vật để tìm đạo lý. Theo ông ta thì “cách vật” có nghĩa là làm điều thiện, tránh điều các. Còn “trí tri” là khuyếch sung đến tận cùng cái “lương tri” của mình. Họ Vương giải thích lương tri là cái “linh giác” của tâm. Không học mà biết, không nghĩ mà hiểu. Nhờ lương tri mà ta biết thế nào là thiện, thế nào là ác. Có lẽ VươngDương Minh, muốn nói đến cái trực giác, trực cảm (intuition) chăng?
Người Tây phương họ dịch chữ “Thiền” của Phật giáo là “Méditation”. Dịch như thế có lẽ không đúng “Thiền tọa” của Phật giáo chăng? Vì “Méditation” hàm ý suy nghĩ, động não đến cùng để tìm ra lời giải hoặc tập trung tinh thần và thể xác cho một đề tài tôn giáo (4). Có thể người Tây phương đã quen với cách tĩnh tâm trong Công giáo mà phần đông họ đều là tín đồ.
Tĩnh tâm trong Công giáo (5) có khi còn được gọi là “cấm phòng” và “linh thao”. Ba cụm từ “tĩnh tâm”, “cấm phòng”, “linh thao” đều được dịch từ tiếng Pháp, lần lượt là “récollection” có nghĩa là hồi tâm lại để suy nghĩ và cầu nguyện; “retraite” có nghĩa là rút lui, lùi lại, giam mình ở trong phòng; “exercices spirituelles” nghĩa là luyện tập tinh thần. Nói một cách chung chung thì tĩnh tâm là tìm về một nơi an tĩnh, trong một thời kỳ thinh lặng, để suy nghĩ, cầu nguyện trước khi phải làm một việc gì quan trọng cho bản thân hay cho cộng đồng. Giáo luật Công giáo chỉ bắt buộc các tu sĩ hàng năm phải tĩnh tâm trong một thời gian nào đó, vài ngày, một hai tuần lễ, nhiều nhất dài 40 ngày. Các tín đồ không bị bắt buộc phải tĩnh tâm. Tuy nhiên các tu viện, giáo xứ có thể tổ chức các buổi tĩnh tâm cho các tín đồ tự nguyện. Lệ tĩnh tâm có từ rất lâu đời. Chính Chúa Giê Su trước khi rao giảng Tin mừng cứu độ cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tĩnh tâm.
Trên đây là các phép tu tâm của các tôn giáo Đạo lý, Tâm đạo, Phật giáo và Công giáo. Tuy nhiên các tôn giáo này đều là đạo nhập cảng. Người Việt chúng ta luôn chuộng hàng ngoại nên đã để cái đạo ông bà bị mai một. Đạo ông bà cũng cho chúng ta phương pháp dưỡng tâm, rất giản dị mà công phu, đó là giữ cho trọn bốn chữ “ăn hiền ở lành”.
Paris 01/02/2024
Phạm Văn Vĩnh
Chú thích:
-
Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît point (Blaise Pascal)
-
Nho Giáo (Trần Trọng Kim)
-
Đại Cương Triết Học Trung Quốc (Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê)
-
Méditation (Larousse) :
- 1. Action de réfléchir, de penser profondément à un sujet, à la réalisation de quelque chose: Cet ouvrage est le fruit de ses méditations.
- Synonymes : approfondissement – étude – pensée – recherche – réflexion – spéculation
- 2. Attitude qui consiste à s’absorber dans une réflexion profonde: Se plonger dans la méditation.
- 3. Concentration du corps et de l’esprit sur un thème ou un symbole religieux.
- Tĩnh tâm là gì? (Học Viện Đa Minh)
Cám ơn Vĩnh nha.
Đạo ông bà cũng cho chúng ta phương pháp dưỡng tâm, rất giản dị mà công phu, đó là giữ cho trọn bốn chữ “ăn hiền ở lành”.
Đơn giản thôi ha….