Cuộc chiến Việt Nam: chuyên gia IBM làm gì tại Việt Nam?
Trong nhiều tài liệu liên quan đề tài chiến tranh Việt Nam, có một thông tin trước nay ít được đề cập. Đó là bộ máy kỹ thuật vi tính trong guồng máy chiến tranh Mỹ tại chiến trường Việt Nam, trong đó có chuyên gia máy tính thuộc công ty IBM (International Business Machines). Họ đến Việt Nam với sứ mạng gì?
Theo nguyệt san Vietnam (của giới cựu binh Mỹ), từ 1965-1973, có 250 kỹ thuật viên IBM làm việc tại Nam Việt Nam. Tất cả đều tình nguyện, vì nhiều lý do: có người thích lương cao, người muốn thăng tiến sự nghiệp và thậm chí có người chỉ sang Việt Nam bởi tò mò. Họ trực thuộc quản lý của Bộ tư lệnh hỗ trợ quân sự Hoa Kỳ (MACV) tại Nam Việt Nam. Khi cuộc chiến leo thang từ 1965-1968, hỗ trợ của bộ máy kỹ thuật phân tích dữ liệu càng cần thiết và do vậy không thể không có kỹ thuật viên máy tính, từ các căn cứ ở Long Bình, Biên Hòa, Cam Ranh, Nha Trang, Qui Nhơn và Đà Nẵng. Với chủ trương “vi tính hóa” cuộc chiến của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, hàng lô máy tính siêu mạnh thời điểm đó đã được chở sang Việt Nam, từ hệ thống Seek Data II, PIACCS và Igloo White lắp tại Tân Sơn Nhất đến thiết bị AUTODIN đặt tại trụ sở USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ).
Đầu thập niên 1970, quân đội Mỹ tại Việt Nam đã tự hào có trong tay vài cỗ máy tính mạnh nhất thế giới. Tất cả chuyên gia IBM đều độc thân (điều kiện bắt buộc) và tuổi dưới 30. Họ được cấp thẻ đặc biệt để có thể vào hầu hết vị trí bí mật, với chỉ huy sở đặt tại số 115 đường Minh Mạng (nay là đường Ngô Gia Tự, quận 10). Họ sống trong những căn nhà gần đó. Thông tin từ văn phòng IBM-Sài Gòn được báo cáo cho văn phòng IBM-Honolulu rồi được chuyển về Mỹ. MACV còn cung cấp cho chuyên gia IBM một khu vực trước kia là văn phòng Hội chữ thập đỏ. Đó là một nông trại thời Pháp với tường cao, cổng lớn và dây thép gai chằng quanh. Nơi này trở thành văn phòng quản lý của IBM trong hơn 5 năm. Không bao giờ cúp điện tại đây. Một máy phát điện diesel khổng lồ sẽ hỗ trợ mỗi khi có tình huống xấu.
Thiết bị quan trọng nhất trong văn phòng là máy nhận tín hiệu vô tuyến Collins SSB và cột ăngten cực mạnh có thể truyền sóng khắp Nam Việt Nam và sang tận Thái Lan. Collins SSB hoạt động 24/24. Chuyên gia IBM cũng làm việc 24/24, suốt bảy ngày trong tuần. Mạng Collins SSB làm việc tốt đến mức nó từng ít nhất một lần được không quân Mỹ sử dụng khi hệ thống liên lạc của họ bị hỏng. Cần mở ngoặc nói thêm rằng, qua hợp đồng làm việc cho quân đội Mỹ, IBM cũng tranh thủ móc được nhiều hợp đồng thuần túy thương mại với giới kinh doanh Nam Việt Nam, đặc biệt các ông chủ ngân hàng trong Chợ Lớn.
Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên của Mỹ mà vấn đề xử lý dữ liệu được sử dụng tại tất cả bộ phận quân đội. Có hàng trăm trung tâm xử lý dữ liệu lớn nhỏ khắp Nam Việt Nam và do đó nhiệm vụ chuyên gia IBM còn huấn luyện lính Mỹ lẫn lính VNCH cách sử dụng máy tính cũng như học các ngôn ngữ lập trình thời đó (COBOL, FORTRAN, PL/1) cũng như hệ điều hành 360 (Operating System/360), trong một hệ thống gọi chung là PIACCS (Pacific Interim Air Force Command and Control system – hệ thống quản lý và chỉ huy không quân chuyển tiếp Thái Bình Dương); và Seek Data II – công cụ tối quan trọng cho điều khiển chiến tranh không quân (thoạt đầu, hệ thống máy tính chỉ là bộ xử lý 1401 hoặc 1460 nhưng sau đó nâng cấp lên S/360 Model 40).
Seek Data II có ba sứ mạng:
1/ Gửi lệnh tác chiến qua PIACCS để đến một căn cứ không quân cụ thể (mệnh lệnh gồm thời gian và địa điểm tấn công; loại máy bay sử dụng; thông tin về mục tiêu; yêu cầu về hậu cần…). Các mệnh lệnh này được lưu trong hệ thống 360/50, được điều chỉnh và gửi đi dựa theo thông tin tình báo.
2/ Ngoài ra, còn có CREST – hệ thống báo cáo chiến sự. Sau mỗi cuộc oanh tạc, phi công phải đệ trình kết quả cho trung tâm tình báo; kết quả này được PIACCS chuyển đến trung tâm xử lý thông tin tại căn cứ không quân Hickam (Hawaii) rồi toàn bộ được tổng hợp trong bản báo cáo chung đệ trình cho giới sĩ quan cấp cao để làm cơ sở cho kế hoạch tấn công kế tiếp.
3/ Cuối cùng, sứ mạng thứ ba của Seek Data II là quản lý không vận. Đây là kế hoạch điều phối hành quân qui mô về người lẫn khí cụ bằng không quân trên khắp chiến trường Đông Nam Á.
Được xem là một thành phần đặc biệt trong quân đội Mỹ, chuyên gia IBM tại Nam Việt Nam cũng là những người đầu tiên thiết kế thành công “1403 Vietnamese print train” (dãy in tiếng Việt; giúp soạn và in văn bản bằng tiếng Việt có dấu). Xin mở ngoặc, ứng dụng đầu tiên của bộ mã in tiếng Việt đã được sử dụng trong chương trình “Người cày có ruộng” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (đó là lần đầu tiên mà toàn bộ ruộng đất Nam Việt Nam được thống kê trong các cỗ máy tính IBM, bằng tiếng Việt).
Cũng cần nói thêm, nguy hiểm và nguy cơ đe dọa tính mạng tất nhiên không loại trừ cho nhóm nhân viên IBM. Không lâu sau sự kiện kinh hoàng Tết Mậu Thân 1968, hai chuyên gia phần cứng – Bob và Jerry (tác giả bài báo trên Vietnam giấu tên thật hai nhân viên này) – đã suýt thiệt mạng. Hôm đó, họ làm việc đến khuya và ngủ lại trại quân đội ở Phú Lâm (nay thuộc quận 6). Khoảng nửa đêm, họ choàng tỉnh bởi loạt đạn. “Ra khỏi đây nhanh!” – Bob hét lên; và hai người chỉ được cứu khi toán lính Mỹ kịp đến. Một cựu nhân viên IBM khác kể thêm: “Hôm đó, tôi nhận được điện từ một trung úy ở Củ Chi. Anh ấy nhờ tôi sửa chiếc máy tính 407 hỏng. Lúc đó trời xế chiều nên tôi ngần ngừ. “Không, anh phải đến ngay. Anh có thể đáp một trực thăng ở Đệ Nhất Khách sạn (Tân Bình). Tôi sẽ bảo đảm cho anh tối nay” – tay trung úy nài nỉ. Sau một hồi giằng co, tôi quyết định chỉ đi vào sáng hôm sau. Tối hôm đó, Việt Cộng đã tấn công trại lính Mỹ tại Củ Chi. Toàn bộ máy tính bị bắn nát và anh trung úy đã bị trúng đạn vỡ sọ…”.
Các cuộc gọi bảo trì bất ngờ như kể trên đôi khi còn gây tình huống khóc dở mếu dở, như trường hợp Jack. Một hôm, Jack được yêu cầu đến sửa chiếc máy tính hỏng trên một tàu hải quân Mỹ neo tại cảng Sài Gòn. Công việc tưởng đơn giản nhưng cuối cùng kéo dài và con tàu rời khỏi cảng mà người ta quên thông báo Jack. Một chiếc tàu khác gần đó được gọi đến nhưng người ta không biết rằng nó đang trên đường đến Philippines. Thế là Jack kết thúc hành trình tại Vịnh Subic, trong túi không có thông hành lẫn một xu lận lưng. Cuối cùng, Jack đáp máy bay quân sự về Đà Nẵng và quá giang một máy bay nữa để về Sài Gòn. Trong hơn một tuần Jack bị “mất tích”, báo chí Sài Gòn đã đăng tin rằng “một sĩ quan Mỹ đã bị Việt Cộng bắt cóc, cắt cổ và xác được tìm thấy trong rừng cao su ven Sài Gòn”! Cần nói thêm, hầu hết nhân viên IBM đều được MACV trang bị súng M-2, lựu đạn, súng ngắn 38 hoặc 45 ly.
Đầu thập niên 1970, kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh được triển khai và nhiệm vụ chuyên gia IBM được rút lại. Nhiều thiết bị máy tính được chuyển cho quân đội VNCH . S/360 Model 50 tại MACV được quân đội VNCH mua lại (có hai chiếc 360/50 vẫn còn ở Nam Việt Nam sau khi Sài Gòn thất thủ). Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết. 60 ngày sau, cánh cửa văn phòng IBM tại 115 Minh Mạng đóng lại lần cuối cùng. Trừ một người tình nguyện lưu lại thêm vài tháng, toàn bộ nhân viên IBM đã được lệnh thu xếp thiết bị về nước. Lịch sử tham chiến của IBM tại Việt Nam kết thúc.