Đi Tìm Những Cách Thưởng Thức Âm Nhạc
Âm nhạc là một nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả tư tưởng, cảm tình và cảm giác. Tất cả mọi người, nếu biết xử dụng cái tâm của mình, đều có thể sáng tạo và thu nhận âm nhạc. Cái tâm nói ở đây là phần lý trí có khả năng điều khiển tư tưởng và hành vi của chính mình. Âm nhạc dễ đưa con người đến với sự tĩnh lặng. Khi tức giận, tiếng đàn nghe gay gắt. Lúc bình tâm, tiếng đàn nghe khoan thai.
Sách xưa phân biệt lý nhạc và âm nhạc. Người am tường về lý nhạc chuyên về các quy luật, lễ nghi trong âm nhạc. Người chuyên về âm nhạc là các nghệ sĩ hát và xử dụng nhạc cụ. Ngày nay hai loại này đều được gọi là âm nhạc. Bài viết này chủ ý ghi lại một vài cách thưởng thức âm nhạc của người đời.
Ngày xưa một nhạc sĩ sáng tác một bản nhạc, được một ca sĩ trình diễn trước thính giả coi như đã mãn nguyện lắm rồi. Ngày nay, sáng tác xong một bản nhạc chưa đủ vì bản nhạc phải có thêm phần hoà âm, ca sĩ hát, tất cả thu vào CD rồi phát hành. Nghe nhạc ngày trước khác với lối nghe nhạc hiện tại vì kỹ thuật âm thanh thay đổị. Cách nay mấy chục năm, Ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nghe một bản nhạc Trịnh Công Sơn với Ghi Ta thùng trên sân cỏ hay trong quán cà phê đã được cho là hay lắm. Bây giờ muốn cho ăn khách, ngoài dàn đại nhạc, ca sĩ diễn tả trên sấn khấu, còn phải thời trang hoá giai điệu, rên rỉ thêm một chút và đôi khi giọng hát ca sĩ phải tăng cường sức hò hụi của cơ bắp. Nói chung, cách thưởng thức âm nhạc thay đổi theo thời đại.
Xưa vào thời Liệt Quốc, Bá Nha làm quan nước Tần, về thăm quê bên nước Sở, giữa đường nghỉ chân ở bến đò trên sông Hắc Thủy. Tối đến đang đánh đàn Cầm thì dây đàn bị đứt. Bá Nha cho gia nhân đi lùng xung quanh thì gặp Tử Kỳ, làm nghề đốn củi, đứng nghe lén tiếng đàn. Bá Nha cho vào hỏi han và đánh đàn cho Tử Kỳ nghe. Bá Nha đánh đến đâu thì Tử Kỳ hiểu ra đến đấy. Chỗ kia nước chảy, chỗ này mây bay. Năm sau Bá Nha trở lại chỗ hẹn thì được biết Tử Kỳ đã qua đời. Bá Nha đập bỏ cây đàn vì cho rằng tiếng đàn của mình không còn người nghe. Đức Khổng Tử cũng là một tay chơi đàn rất nổi tiếng vì ngài đã từng là nho sĩ, tức là thầy cúng. Âm nhạc theo quan niệm của Khổng Tử vì thế không phải để giải trí nên khi đánh đàn và nghe đàn phải tắm rửa sạch sẽ và tâm hồn không được xao động, đó là lễ nhạc. Danh cầm Nguyễn Vĩnh Bảo ở Việt Nam, nói khi nghe tiếng đàn của ai, ông đoán ra được tâm tính của người đó.
Cũng thời Liệt Quốc, ở nước Tấn, thời Tấn Bình Vương, có ông Sư Khoáng giỏi âm nhạc nhất nước làm đến chức thái sư âm nhạc. Sư Khoáng lúc đầu nghe tiếng đàn của mình không vừa ý lắm nên tự nghĩ vì mắt còn nhìn thấy dục vọng nên tâm hồn chưa thanh khiết. Sư Khoáng bèn đốt lá ngải xông khói vào mắt mình cho mù hai mắt. Từ đó tiếng đàn của Sư Khoáng lên đến bậc diệu thủ. Khi Tấn Bình Công hội chư hầu thì nước Sở đem quân tấn công nước Trịnh, vua Tấn định đem binh cứu nước Trịnh bèn hỏi Sư Khoáng bói cho một quẻ bằng âm nhạc. Sư Khoáng thổi sáo bản Bắc Phong nghe rất hay nhưng khi thổi bản Nam phong thì bị nhiều khúc mắc. Sư Khoáng bảo Tấn Bình Công rằng nước Tấn vì ở phương bắc nên sẽ yên ổn, nước Sở ợ phương nam sẽ có nội loạn. Vua Tấn nghe lời không tiến binh cứu nước Trịnh. Ít lâu sau nước sở rối loạn, nước Trinh được yên ổn.
Một lần khác Tấn Bình Công hội chư hầu, Lỗ Vương đi dự với quan thái sư Quyên cũng giỏi âm nhạc. Một đêm khi vua Lỗ nghỉ đêm bên bờ sông Bạc Thủy nghe được tiếng đàn lạ từ dưới nước vọng lên. Lỗ Vương cho mời thái sư Quyên đến nghe tiếng đàn. Thái sư Quyên nghe xong ghi nhớ lại khúc nhạc. Khi gặp Tấn Bình Công, thái sư Quyên đánh lại khúc nhạc đó cho vua Tấn Nghe nhưng Sư Khoáng cản lại không cho tiếp tục vì cho rằng đó là khúc nhạc vong quốc. Theo lời giải thích của Sư Khoáng thì cuối đời nhà Thương, có quan coi về âm nhạc là Sư Diễn cùng với vua Trụ chế ra khúc này gọi là khúc My My. Vua Trụ mải mê với khúc nhạc này mà mất nước. Khi Vũ Vương tấn công vào kinh đô thì Sư Diễn ôm đàn nhảy xuống sông Bạc Thủy. Ai đi qua mà giỏi về âm nhạc sẽ được nghe khúc nhạc đó. Khúc nhạc này gọi là khúc Thanh Thương, ai nghe xong mê mẩn tâm thần. Lại còn khúc Thanh Thủy chỉ ai có ân đức mới được nghe. Sau đó còn khúc Thanh Dốc chỉ dành cho thần tiên. Vua Tấn ỷ y không nghe lời đòi nghe cho bằng được khúc Thanh Dốc. Sư Khoáng không dám trái mệnh vua nên phải gẩy khúc Thanh Dốc, tức thì chim bay về nhảy múa, bão chớp ầm ỹ, Tấn Bình Công sợ quá ngã xuống bị bệnh.
Ngày xưa âm nhạc được dùng rất nhiều trong lễ nhạc nhưng cũng là thú tiêu khiển của vua quan. Nhiều khi nước này bị nước kia đánh, chỉ cần đưa sang cống một đoàn nữ nhạc là phe mạnh rút binh. Chính nàng Tây Thi nước Việt đã được huấn luyện đàn hát ròng rã ba năm mới được đưa sang gặp Ngô Phù Sai.
Truyện kể ông Tả Quân Lê Văn Duyệt cũng thích xem hát bội mà thường thì ông ta cầm dùi trống để thưởng phạt. Nếu hay người cầm dùi trống đánh vào mặt trống một tiếng « tung » hay ba tiếng « tung ». Đây là tiếng khen sẽ có tiền thưởng. Khi phạt người cầm dùi đánh vào cạnh trống một tiếng « cắc » như bịt miệng ca sĩ lại. đây là tiếng chê.
Lối đánh trống này cũng giống như lối đánh trống khi nghe hát Ả Đào. Lối hát Ả Đào ở ngoài bắc Việt Nam, còn gọi là Ca Trù, nổi tiếng nhất ở phố Khâm Thiên Hà Nội. Lối hát này không theo nhạc Ngũ Cung mà xử dụng một loại nhạc đặc biệt ở nước ta với cây đàn Đáy. Các cụ nhà nho ta xưa kia khi làm xong một bài thơ thường tìm đến đây để được nghe hát sáng tác của mình. Nơi đây tuy nổi tiếng là xóm ăn chơi nhưng thực ra là nơi sinh hoạt văn nghệ rất tinh cao của kẻ sĩ ngày xưa nhưng nhà nào cũng có cổng hậu để đề phòng các bà lớn xông vào bất chợt thì cụ ông chuồn sang cổng hậu mà đi chỗ khác. Chuyện kể cụ Dương Bá Trạc và cụ Trần Trọng Kim mang thơ xuống phố Khâm Thiên nghe hát Ả Đào. Vì cụ Dương Bá Trạc làm cách mạng chống Pháp nên tuy hai cụ bà không làm gì cả nhưng mật thám Pháp lại xông vào cổng chính để bắt cụ Dương. Hai cụ liền chạy ra cửa sau rồi chạy vào đồn Hiến Binh Nhật ở gần đấy. Sau đó hai cụ sang sinh sống một thời gian bên Tân Gia Ba cho đến ngày cụ Trần về nước làm Thủ Tướng.
Ngày nay khi nghe một bản nhạc, có người chỉ thích nghe hoà nhạc và thẩm định hay dở qua tiếng nhạc biểu diễn. Có người lại chỉ thích nghe lời bài hát và có người cần nghe vừa nhạc lẫn lời. Riêng về nhạc sân khấu Cải Lương thì tiếng đàn rất cần thiết nhưng vì bài bản phần nhiều giống nhau nên lời ca và tuồng tích là điều quan trọng.
Nhạc Tây phương hay Tân Nhạc Việt nam thuộc loại nhạc Cung (tonnale). Bản đàn được quy định bởi một chủ âm (ton) và một tam trình (tierce). Một bản nhạc được quy định bởi cao độ (ton) và điệu (Trưởng hay thứ). Bản đàn của một nhạc sỹ là một sáng tác bất di bất dịch. Người diễn tấu phải tôn trọng bản đàn của tác giả không được thay đổi. Người nghe nhạc tận hưởng các âm thanh hoà quyện vào nhau như khi ngắm một bức tranh một cách toàn diện không chú ý nhiều đến chi tiết.
Phạm Văn Vĩnh
– Sách Xuân Thu Chiến Quốc
– Trần Văn Khê – Sự tích Bá Nha Tử Kỳ
– Mạc Định Hoàng văn Chí – Duy Văn Sử Quan
– Huỳnh Minh – Gia Định Xưa
– Nguyễn Vĩnh Bảo – Introduction à la musique traditionnelle du Viet Nam (Bài viết bằng tiếng Pháp, Khái Niệm về nhạc truyền thống Việt Nam)
-Tiếng rung, tiếng mổ trên trang https://dantranhpvv.wordpress.com/