Hình Ảnh đẹp – Xả stress mùa dịch

Mấy tháng nay chắc hẳn các bạn đã mệt mỏi vì những con số người nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19. Chưa kịp thở thì tin tức về các cuộc biểu tình đòi hỏi công lý cho anh da đen bị cảnh sát da trắng đè gối lên cổ đến thiệt mạng. Còn mệt mỏi hơn nữa là những lời bàn ra tán vào đầy chủ quan. Thôi tạm quên chuyện đó đi, mời các bạn xem một số hình ảnh nằm ngoài nước Mỹ, không liên quan gì đến hai tai họa nói trên, cùng với bài viết ngắn về những tấm ảnh được chụp. Enjoy! VCH

***

ĐỒI CHÈ Ô LONG (SAPA)

Du khách đến Sapa thường chỉ quanh quẩn các địa điểm quen thuộc. Ngoại trừ dân nhiếp ảnh, ít ai biết tới đồi chè Ô Long, một nơi đẹp đến nao lòng.

Đồi chè này nằm cách thị trấn Sapa (Lào Cai) khoảng 8km về hướng Tây Bắc, có độ cao khoảng 1800m. Với từng hàng chè uốn lượn theo sườn đồi được trồng xen kẽ với cây mận rừng đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, khiến khách du lịch Sapa lưu luyến không muốn dời chân.

Chúng tôi tới đây từ 5 giờ sáng khi đồi chè còn tối đen để chuẩn bị chụp bình minh sau khi đã lo xong “thủ tục đầu tiên”, và phải dời khỏi đây trước 7 giờ khi công nhân tới làm việc. Sau đó ghé một quán cà-phê gần đó, trả 100 ngàn đồng VN cho ly cà-phê để được chụp từ trên cao xuống đồi chè. Giá ly cà-phê này đắt gấp ba ly cà-phê ngoài phố mà chả ai than phiền, để có thể chụp cảnh đồi chè với hoa mận trong nắng.

Chiều đến, sau khi đã chụp cảnh sinh hoạt trong căn nhà của người Dao Đỏ, chúng tôi quay lại chụp lần nữa lúc hơn 4 giờ khi công nhân đã ra về. (Dĩ nhiên phải trả “tiền quà cáp” lần thứ hai). Chỉ được chừng nửa tiếng thì mặt trời lặn xuống khỏi ngọn núi cao, mất đi màu đỏ rực của hoa. Đành chụp nhau vậy.

Mặc dù cách thị trấn Sapa không xa nhưng đường đi tới đồi chè không dễ kiếm. Cho dù có tìm tới tận nơi thì cổng cũng đóng, không vào được. Theo người có kinh nghiệm cho biết thì đồi chè Ô Long này có chủ là người Đài Loan không có mặt ở đây, giao cho một gia đình người H’Mông cai quản. Muốn vào chụp thì cần liên lạc trước với gia đình H’Mông này về “tiền quà cáp”, bằng không thì xách xe chạy về. Mà tôi thấy đa số đứng xớ rớ ngoài cổng một lúc rồi bỏ về. Họ từ rất xa tới nhưng không biết “thủ tục đầu tiên”. Cũng đành!

Đồi Chè Ô Long – Sapa

LÃO GIÀ LƯƠNG SƠN BẠC

Trong một lần đi săn ảnh ở miền Bắc gồm hai chuyến: chuyến đầu đi vùng Hà Giang và Cao Bằng, vào cả hang Pắc Bó xem mặt mũi nó ra sao; chuyến sau đi xuống Pù Luông (Thanh Hóa), rồi lái ngược lên Bắc Sơn (Lạng Sơn). Giữa hai chuyến là mấy ngày trống chưa biết làm gì thì có người bạn rủ đi Hưng Yên gặp một nhân vật có cái tên rất giang hồ là Lương Sơn Bạc. Tôi nhận lời ngay.

Ông ta chỉ là một ông già 80 tuổi làm nghề đan đó (một dụng cụ bắt cá), vậy mà dân nhiếp ảnh suốt từ bắc tới nam ai cũng biết tới. Một ông già với cái xe đạp thồ cũ kỹ chở đủ loại đó lớn nhỏ cao gấp rưỡi đầu người. Ở tuổi 80 giữ cho xe đạp với ngần ấy cái đó không đổ đã là gay go, vậy mà ông đạp hơn 60 cây số lên tận Hà Nội. Ông ta nói chuyện có vẻ là người đã từng trải, lăn lóc nhiều, rất xứng với cái tên.

Ông cho biết người bạn thân nhất bây giờ là con gà trống Đông Tảo, một loại gà hiếm quý để tiến vua ngày xưa mà có người muốn mua với giá 5 triệu đồng (hơn 200 đô-la) nhưng ông không bán. Ông loay hoay làm việc liền tay, chỉ thỉnh thoảng mới ngừng để rít một hơi điếu cày, ngửa mặt nhả khói, mắt lim rim… Ông đang tưởng nhớ một thời ngang dọc hay nghĩ tới người vợ vừa mới qua đời mà khói hương trên bàn thờ còn nghi ngút?

Lão Đan Đó – Hưng Yên

THĂM DỚ

Hè năm ngoái khi đi chụp ảnh ở Hội An, một nhiếp ảnh gia địa phương hỏi tôi có thức dậy nổi 4 giờ sáng để đi chụp cảnh thăm dớ ở Cửa Đại không. Tôi có tật thức khuya, thường chỉ ngủ từ 3 giờ sáng nên hơi lưỡng lự rồi cũng nhận lời. Vừa đi bộ ra bến sông, mắt vừa díu lại và cay xè. Rồi tiếng máy thuyền và gió sông làm tôi tỉnh dần. Bầu trời vẫn đen kịt. Khoảng nửa tiếng thì thuyền ra đến cửa sông.

Bóng một người đàn ông đội nón lá trên một ghe nhỏ đang thăm dớ (một loại vó của miền Trung) hiện dần trên bầu trời đang ửng sáng. Mặc dù chụp đủ mọi đề tài nhưng tôi rất thích chụp cảnh ngư dân kéo vó, quăng chài, vượt sóng… Họ cần cù, siêng năng, táo bạo quá. Nhìn bác ngư dân cặm cụi trong đêm tối, tôi tự nhủ mình từ nay về sau nếu có phải thức dậy 2, 3 giờ sáng để chụp ảnh người dân lao động đang vật lộn với miếng ăn thì sẽ không than phiền một tiếng nào nữa.

Thăm Dớ Cửa Đại – Hội An

“LÀM ƠN LÀM PHƯỚC CHO CHÚT TIỀN MUA CƠM ĐI CÔ BÁC…”

Trên đường vào viếng chùa Cổ Thạch (Bình Thuận) tôi nghe giọng đàn bà của một ông lão mù xin ăn. Ngừng lại biếu ít tiền và hỏi thăm. Ông cụ cho biết gốc gác của ông từ đảo Phú Quý nên có giọng trọ trẹ nghe như giọng đàn bà.

Đã 82 tuổi và bị mù hoàn toàn từ hơn 40 năm nay, không còn nhận ra giá trị của tờ giấy bạc khác nhau ra sao, chỉ biết cẩn thận xếp lại cất vào túi.

Tôi hỏi, mù thế này thì làm sao mò thấy đường về nhà? Ông cho biết có một anh xe ôm mỗi chiều tối ghé đưa giúp ông về nhà.

Cuối tuần có nhiều khách thập phương đi lễ nên kiếm đủ ăn, còn ngày thường thì khó sống hơn.

Vì phải vội đi theo mấy người bạn nên tôi không kịp hỏi vì sao ông cụ bị mù và hiện sống với ai… Chỉ kịp bấm vội mấy tấm sao cho thấy rõ đôi mắt của ông và đôi bàn tay ngửa ra, đủ để cho người xem biết về tấm ảnh mà không cần phụ chú là “Ông già mù ăn xin”. Nhìn quanh thì người giàu sống phung phí cũng lắm và người nghèo túng cơ khổ cũng nhiều.

Lão Già Ở Cổng Chùa Cổ Thạch – Bình Thuận

MỘT GÓC ĐÈO K’LONG K’LANH TRONG SƯƠNG MÂY

Đèo K’Long K’Lanh cách thành phố Đà Lạt khoảng một giờ ngồi xe trên con đường đi Nha Trang. Đây là cung đường quanh co, vòng bên này, quẹo nẻo kia rồi bất chợt đâm vào đám mây sương, mờ ảo như hình ảnh trong truyện cổ tích.

Xe có thể đậu ngay bên lề đường để chụp ảnh mà không phải leo trèo gì cả.

Dù không có kinh nghiệm về nhiếp ảnh vẫn có thể chụp được ảnh đẹp. Chụp bên trái, chụp bên phải, chụp góc rộng hay dùng ống kính tele đều cho ra những hình ảnh thơ mộng. Tấm ảnh một góc đèo bên dưới được chụp bằng ống kính 200mm vào buổi sáng sớm (blue hour).

Trong chuyến đi săn ảnh này, buổi sáng hôm trước chụp cảnh hồ Tuyền Lâm trong sương mù, rồi sáng hôm sau cảnh đèo K’Long K’Lanh trong sương mây. Cả hai cảnh đều mờ ảo như chốn bồng lai làm ngây ngất lòng người. Bấy nhiêu là đủ “lời to” cho chuyến đi rồi.

Đèo K’Kong K’Lanh – Đà Lạt

ÔNG GIÀ TÂY NGUYÊN

Có ai lớn lên ở miền Nam trước 75 mà không từng nghe “em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…”? Vậy mà phải đến nửa thế kỷ sau tôi mới có cơ hội đặt chân tới cái thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ” này. Máy bay bị dời giờ bay (chuyện cơm bữa ở VN) nên tới Pleiku cũng đã khá khuya, chỉ còn kịp ghé ăn một tô phở khô, một đặc sản của Tây nguyên, không giống phở Bắc mà cũng khác với hủ tiếu của miền Nam. Hai món ăn khác cũng khá nổi tiếng là món gỏi lá với hơn 40 loại lá rừng và món xôi măng.
Sáng hôm sau dời Pleiku đi Kon Tum. Dọc đường vẫn còn thấy rải rác các địa danh Đắc-Tô, Plei-Me… nhưng Tân Cảnh và đồi Charlie chỉ còn là những cái tên lịch sử.
Chúng tôi đến Kon Tum để tìm chụp ảnh “người mẫu mới”, một ông già người Thượng có bộ râu rất đẹp với dáng điệu ung dung, có vẻ từng trải và biết sống. Tuy bộ râu dài như vậy nhưng ông ta mới 75 tuổi thôi, nay được anh em nhiếp ảnh chiếu cố thay cho bà cụ ngoài 80, người mẫu ảnh đã giúp các nhiếp ảnh gia Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về thể loại chân dung. (Tôi hy vọng không có bạn nào thắc mắc tại sao hình chụp bà cụ già lại liên tiếp thắng giải chứ không phải mấy cô hoa hậu). Bà cụ nay không còn nữa. Ông già 75 tuổi này tuy mới “hành nghề” nhưng có vẻ rất chuyên nghiệp. Ông ta có một căn bếp nhỏ vách phên, bếp củi bập bùng vừa để nấu nước vừa làm nguồn sáng cho các phó nháy. Ngoài ra còn bình rượu cần, ống vố hút thuốc v.v. khá đầy đủ đồ nghề để chụp mà không cần sắp xếp gì thêm. Thế là chúng tôi có một buổi bấm máy liên tục không biết mệt, quên hẳn cái nóng như thiêu đốt của vùng ba biên giới. Lại thêm cái bếp củi vẫn đang lách tách bốc lửa…

Ông già Tây nguyên – Kon Tum

 

Lưu Anh Dũng

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply