Khổ tu

KHỔ TU
Lê Tấn Tài

Tu là quá trình chuyển hóa bản thân từ vô minh đến giác ngộ, tìm kiếm và khám phá con đường dẫn đến an lạc. Ông bà ta nói “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” để nhấn mạnh rằng tu tập giúp vượt qua phiền não và khổ đau, hướng tới an nhiên tự tại. Đi tu không chỉ giới hạn ở việc vào chùa và cạo tóc, mà còn bao gồm quá trình khám phá tâm linh và áp dụng những lời Phật dạy trong cuộc sống hàng ngày.
Do sinh hoạt đời thường khác nhau, nên Phật chia làm hai cấp bậc tu hành: tu tại gia (cư sĩ) và tu xuất gia (tu sĩ). Cư sĩ dù sống trong đời thế tục với các trách nhiệm gia đình và xã hội, vẫn nguyện sửa đổi, chuyển hóa tâm tính, ngôn ngữ và hành vi của mình theo lời Phật dạy. Tu sĩ từ bỏ cuộc sống gia đình, nguyện suốt đời tu học theo giáo lý của Phật để đạt được an lạc và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Phát nguyện đi tu là một quyết định trọng đại, đòi hỏi sự hy sinh và kiên trì, nhưng mang lại ý nghĩa sâu sắc và hạnh phúc tinh thần cho người thực hiện. Cụ thể, “phát nguyện” có nghĩa là đưa ra một lời hứa, lời thề hoặc cam kết tâm linh để theo đuổi con đường tu tập, từ bỏ các ham muốn thế tục, và sống theo các quy tắc đạo đức của Phật giáo. Các bước chính khi phát nguyện đi tu thường bao gồm:
Tâm nguyện: Người phát nguyện phải có ý chí mạnh mẽ và quyết tâm cao độ để theo đuổi con đường tu hành, đạt đến giác ngộ.
Sám hối: Trước khi chính thức phát nguyện, người tu thường thực hiện nghi lễ sám hối, nhằm thanh tẩy tâm hồn, loại bỏ tội lỗi và những điều sai trái đã làm.
Lễ phát nguyện: Lễ phát nguyện thường được tổ chức tại chùa hoặc thiền viện, dưới sự chứng giám của các vị tăng ni và Phật tử. Trong lễ này, người phát nguyện sẽ đọc lời nguyện trước Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Nhận giới: Sau khi phát nguyện, người tu hành sẽ thọ giới, tức là nhận và tuân thủ các giới luật của Phật giáo. Có các bậc giới khác nhau tùy theo mức độ tu hành, từ giới cư sĩ tại gia đến giới tu sĩ tỳ kheo.
Tu hành: Sau khi phát nguyện và thọ giới, người tu sẽ sống theo các quy tắc đã thề nguyện, thực hành các pháp môn tu tập như thiền định, tụng kinh, niệm Phật, và tham gia các hoạt động Phật sự.
Phật có tới 84,000 pháp môn cho tăng ni, tùy căn cơ và hạnh nguyện của từng người. Thật ra “84,000 pháp môn” trong Phật giáo chỉ có ý nghĩa biểu tượng và đại diện cho tất cả các phương pháp, giảng dạy và lời nguyện của Đức Phật để giúp con người đạt đến giác ngộ và giải thoát. Đức Phật chỉ ra con đường duy nhất để giác ngộ là Tứ Thánh Đế (còn gọi là Tứ Diệu Đế) và Bát Chánh Đạo. Đây là bốn chân lý căn bản và tám phương thức mà Đức Phật đã khám phá và truyền dạy cho chúng sinh thực hiện diệt khổ và đạt được giải thoát.
Ngày nay, Phật giáo bao gồm nhiều tông phái khác nhau, mỗi tông phái có phương pháp tu tập và triết lý riêng biệt. Dưới đây là một số tông phái chính trong Phật giáo:
-Mật Tông, chủ yếu ở Tây Tạng, Mông Cổ và một số vùng của Nepal và Bhutan, sử dụng nhiều phương pháp tu tập mật chú và thiền định, truyền thừa tâm linh trực tiếp từ thầy sang trò, nhấn mạnh vào kỷ luật tu hành và học tập kinh điển.
– Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) tập trung vào sự giải thoát cá nhân thông qua việc tu tập và tự giác ngộ, chỉ thừa nhận Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không có nhiều vị Bồ Tát như trong Đại Thừa, được truyền bá rộng rãi ở các nước Nam Á và Đông Nam Á như Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia.Kinh điển chủ yếu là Kinh Tạng Pali, gồm Tam Tạng Kinh Điển: Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng. (Chú thích: Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda) và Phật giáo Tiểu Thừa là hai khái niệm có sự khác biệt và không thể dùng thay thế cho nhau một cách chính xác. Tiểu Thừa là thuật ngữ được các tín đồ Phật giáo Đại Thừa (Mahayana) sử dụng để chỉ những trường phái Phật giáo được cho là ít chú trọng đến việc cứu độ tất cả chúng sinh. Từ “Tiểu Thừa” không được các tín đồ Theravāda chấp nhận và coi đó là một sự miệt thị.)
– Đại Thừa phát triển mạnh ở các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, nhấn mạnh vào việc cứu độ chúng sinh, không chỉ tập trung vào sự giải thoát cá nhân mà còn giúp đỡ mọi người cùng đạt được giác ngộ. Kinh điển phong phú, bao gồm nhiều bộ kinh quan trọng như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Nhã… Đại thừa có nhiều chi phái:
Thiền Tông, nhấn mạnh vào thiền định và trực giác để đạt giác ngộ. Thường dựa vào các bộ kinh như Lăng Nghiêm, Kim Cương và các công án Thiền.
Tịnh Độ Tông tập trung vào việc niệm Phật A Di Đà và tin vào sự cứu độ của Ngài để tái sinh vào cõi Tịnh Độ.
Hoa Nghiêm Tông, dựa trên Kinh Hoa Nghiêm, nhấn mạnh sự liên kết và tương duyên của tất cả mọi sự vật hiện tượng.
Thiên Thai Tông, dựa trên Kinh Pháp Hoa, kết hợp nhiều phương pháp tu tập khác nhau.
Trong Phật giáo, phẩm hạnh của một vị chân tu được định nghĩa bởi nhiều đức tính và hành động thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Một tu sĩ cần phải:
Giữ giới luật (Sīla) là nền tảng của việc tuân thủ nghiêm ngặt các giới luật của Phật giáo.
Tinh tấn (Vīriya) là sự nỗ lực và kiên trì trong việc tu tập, thiền định, học hỏi và thực hành giáo pháp.
Chánh niệm (Sati) là sự tỉnh thức và nhận biết trong từng hành động, lời nói và suy nghĩ. Chánh niệm giúp các tu sĩ kiểm soát và điều chỉnh hành vi của mình theo hướng tích cực và thiện lành.
Trí tuệ (Paññā) là sự hiểu biết sâu sắc về giáo lý Phật pháp và khả năng nhận thức rõ ràng về bản chất của cuộc sống, sự khổ đau và con đường giải thoát. Trí tuệ giúp các tu sĩ tránh lầm lạc và biết cách dẫn dắt người khác.
Từ bi (Karunā) và Hỷ xả (Mettā) là lòng thương yêu và sự bao dung đối với tất cả chúng sinh. Một tu sĩ luôn có lòng từ bi, sẵn lòng giúp đỡ, cứu khổ mà không mong đền đáp, thực hành hỷ xả, buông bỏ oán hận và không bám chặt vào những điều tiêu cực.
Thanh tịnh và Thanh đạm là sự sống đơn giản, không ham mê vật chất, không xa hoa. Các tu sĩ thường giữ gìn sự thanh tịnh trong tâm hồn và cuộc sống hàng ngày.
Khiêm tốn và Nhẫn nhục là sự khiêm nhường, không tự kiêu về kiến thức hay sự tu tập của mình, đòng thới thực hành nhẫn nhục, chịu đựng khó khăn mà không than trách.
Hành thiền (Bhāvanā) là việc thực hành thiền định để phát triển tâm trí, đạt được sự an lạc và giác ngộ. Thiền giúp các tu sĩ đạt đến sự tĩnh lặng và kiểm soát tâm trí một cách sâu sắc.
Những phẩm hạnh này không chỉ giúp tu sĩ tiến bộ trên con đường tu tập mà còn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Các tu sĩ, qua việc tu tập và hành động của mình, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá và giữ gìn giáo pháp của Đức Phật. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy ngài Tu Bồ Đề rằng, “Pháp của Như Lai không hề có thấp cao” tức tu pháp nào cũng được, tùy theo căn cơ và tu đến nơi đến chốn.
Phật giáo cũng như các tôn giáo khác có những lối tu khác nhau, đặc biệt là tu khổ hạnh. Các giáo phái tu khổ hạnh là những tôn giáo hoặc phong trào tín ngưỡng mà các tín đồ thực hành các hình thức khổ hạnh hoặc tự hành xác để rèn luyện tinh thần và cơ thể, nhằm đạt được sự thanh tịnh về tâm linh và sự gần gũi với thần linh hoặc các mục tiêu cao cả khác. Dưới đây là một số ví dụ nổi bật về các giáo phái tu khổ hạnh:
-Đạo Jain (Jainism): là một tôn giáo cổ xưa có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tín đồ của đạo Jain, đặc biệt là các nhà sư, thường tuân theo các nguyên tắc khổ hạnh rất nghiêm ngặt, bao gồm ăn chay trường, kiêng cữ các thực phẩm cụ thể, và thậm chí thực hành việc tuyệt thực đến chết (Sallekhana) như một cách để thanh lọc tâm linh.
-Hồi giáo Sufi (Sufism): còn được gọi là Hồi giáo mật tông, là một phong trào thần bí trong Hồi giáo, xuất hiện rất sớm trong lịch sử Hồi giáo. Người Sufi tập trung vào việc ban cho tình yêu thương và sự tận tâm cho Chúa. Một số nhánh của Sufism thực hành khổ hạnh qua việc từ bỏ của cải vật chất, sống trong sự đơn sơ, và thực hành các hình thức thiền định và tự hành xác để đạt được sự tiếp xúc trực tiếp với Thượng Đế.
-Kitô giáo khổ hạnh (Christian Asceticism): là một khía cạnh quan trọng trong đạo Kitô giáo. Theo sứ điệp của Đức Kitô, việc chịu đau khổ và hy sinh bản thân để phục vụ tha nhân là dấu hiệu của sự tự do cao nhất của con người mong muốn hạnh phúc và tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Hạnh phúc thường liên quan đến việc hoàn thành chính bản thân mình và thể hiện chính mình Tuy nhiên, đau khổ cũng không phải là điều sai trái, và thắc mắc về sự đau khổ không nhất thiết là dấu chỉ của sự phản kháng hay không tin vào Thiên Chúa. Trong Kitô giáo, đặc biệt là trong các tu viện Benedictine và Cistercian, các tu sĩ thực hành khổ hạnh qua việc từ bỏ của cải, sống độc thân, ăn chay và cầu nguyện liên tục để tập trung vào việc phụng sự Thiên Chúa.
-Người Hành Xác (Flagellants): trong lịch sử Kitô giáo châu Âu, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh đen, có những nhóm người tự hành xác bằng cách tự đánh roi vào mình như một cách để sám hối tội lỗi và cầu xin sự cứu rỗi. Các hình thức khổ hạnh này thường nhằm mục đích rèn luyện tinh thần, làm chủ bản thân, và đạt được sự giác ngộ hoặc gần gũi hơn với các giá trị tôn giáo cốt lõi của tín ngưỡng mà họ theo đuổi.
Theo Phật giáo, mỗi lối tu đều có giá trị và hiệu quả riêng, tùy thuộc vào căn cơ và nguyện vọng của người tu tập. Tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là đạt giác ngộ và giải thoát khỏi luân hồi. Một số lối tu chính:
– Thiền Định: Thực hành thiền định với nhiều hình thức khác nhau như Thiền tọa (ngồi thiền), Thiền hành (đi thiền), và sử dụng các công án (câu hỏi hoặc tình huống nghịch lý) để kích thích tư duy và trực giác, đạt được sự tĩnh lặng trong tâm hồn và trực tiếp trải nghiệm giác ngộ. Phổ biến trong các tông phái như Thiền Tông ở Trung Quốc, Zen ở Nhật Bản, và Seon ở Hàn Quốc.
– Tịnh Độ: Tịnh hóa tâm trí và đạt được sự tập trung cao độ. Niệm danh hiệu các vị Phật và Bồ Tát như A Di Đà Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát, với lòng thành kính và niềm tin tuyệt đối vào sự cứu độ của Đức Phật để được tái sinh vào cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, nơi dễ dàng tu hành và đạt giác ngộ. Phổ biến ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Việt Nam.
– Mật Tông: Sử dụng các mật chú, mandala, nghi lễ phức tạp và quán tưởng các vị thần (yidam) để chuyển hóa tâm thức, nhanh chóng đạt giác ngộ thông qua các thực hành bí truyền và nghi lễ. Chủ yếu ở Tây Tạng, Nepal, Bhutan và Mông Cổ.
– Giới Luật: Duy trì sự thanh tịnh và kỷ luật trong đời sống tu hành, hỗ trợ việc tu tập đạt giác ngộ. Tuân thủ nghiêm ngặt các giới luật (quy tắc đạo đức và hành vi) dành cho cả tăng ni và cư sĩ. Thực hành trong tất cả các tông phái Phật giáo, đặc biệt là trong Phật giáo Nguyên Thủy.
– Kinh Điển và Học Thuyết: Hiểu sâu về giáo lý và triết lý Phật giáo để áp dụng vào đời sống tu tập. Thực hành trong tất cả các tông phái Phật giáo, đặc biệt trong các tông phái chú trọng học thuật như Thiên Thai và Hoa Nghiêm.
-Bồ Tát Hạnh: Phát triển tâm từ bi và trí tuệ, nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trước khi đạt giác ngộ. Thực hành sáu ba la mật (lục độ ba – la – mật): bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ. Chủ yếu trong Phật giáo Đại Thừa.
-Pháp Hoa Tông: Đạt giác ngộ thông qua thực hành theo Kinh Pháp Hoa, coi đây là kinh tối thượng. Tụng Kinh Pháp Hoa và hành trì theo các giáo lý trong kinh này. Chủ yếu trong Thiên Thai Tông ở Trung Quốc và Tendai ở Nhật Bản.
– Tự Lực và Tha Lực: Tự lực nhấn mạnh vào việc tu tập cá nhân, tha lực nhấn mạnh vào sự trợ giúp của chư Phật và Bồ Tát, bao gồm niệm Phật và cầu nguyện. Tự lực thường thấy trong Thiền Tông, tha lực trong Tịnh Độ Tông.
– Hạnh Đầu Đà (Đầu đà nghĩa là khổ hạnh): Một hình thức tu hành khổ hạnh trong Phật giáo, mà các tu sĩ và người tu hành áp dụng để rèn luyện tinh thần và thể xác, hạn chế nhu cầu cá nhân để tập trung vào thiền nhằm đạt đến giác ngộ và giải thoát. Người tu theo hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở, giảm bớt sự phụ thuộc vào vật chất, nâng cao tinh thần tự giác, kiên nhẫn, và tinh tấn trên con đường tu tập. Đây là một phương pháp rèn luyện nghiêm khắc, đòi hỏi người tu hành có ý chí mạnh mẽ và sự quyết tâm cao độ. Phổ biến ở nhiều quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy như Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka, Lào và Campuchia. Ở Thái Lan, Hạnh đầu đà được thực hành rộng rãi bởi các tu sĩ trong “Truyền thống rừng” (Forest Tradition), đặc biệt trong cộng đồng của các thiền sư nổi tiếng như Ajahn Chah.
Các hạnh đầu đà cụ thể mà người tu hành có thể thực hiện bao gồm:
Thứ nhất, về việc mặc: người tu hạnh đầu đà chỉ mặc ba y, không nhận thêm y thứ tư. Vải lượm ở nghĩa địa, ngoài đường, đống rác đem về chắp vá khâu lại thành y để mặc, gọi là y phấn tảo. Không nhận y do thí chủ may sẵn cúng dường.
Thứ hai, về việc ăn: người tu hạnh đầu đà chỉ ăn thức ăn trong bình bát, ăn bằng cách đi khất thực, khi khất thực phải đi tuần tự từng nhà, không phân biệt nhà giàu nhà nghèo, không phân biệt thực phẩm ngon dở. Ăn ngày một bữa, ngồi ăn chỉ một lần, khi đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại. Không cất chứa hoặc để dành thức ăn qua ngày hôm sau.
Thứ ba, về việc ở: người tu hạnh đầu đà ở gốc cây, ở rừng, ở nghĩa địa, ở giữa trời, ở chỗ nào cũng được miễn là an toàn. Đặc biệt, chỉ ngồi, nằm ít, khi ngủ cũng trong tư thế ngồi.
Các tu sĩ hành đạo theo hạnh đầu đà được quần chúng ngưỡng mộ vì “sư” là biểu tượng của sự đoạn diệt si mê mà ngày nay có cả trăm ngàn thứ si mê làm say đắm lòng người. Lòng dũng cảm, sự cao quý, và lối sống của các vị nầy trái ngược với lối sống của một số tăng ni sống xa hoa với điện thoại, xe sang, chùa to, kêu gọi Phật tử đem tài sản cúng chùa hầu được phước. Ngày xưa Phật Tổ chứng đắc rồi mới đăng đàn thuyết pháp. Ngày nay nhiều nhà sư, đời tu chưa bao nhiêu, chưa đủ bề dầy đạo đức, thuyết giảng sân si, ngã mạn, làm mất niềm tin ở tín đồ. Thời mạt pháp, chùa là nơi buôn bán và sư thầy là các nhà kinh doanh từ hóa vàng, cúng dường, dâng sao giải hạn đến thỉnh vong giải nghiệp… Chuyện kể về các nhà sư khổ hạnh thường được gắn liền với những hành trình tâm linh đầy gian khổ và hy sinh để đạt đến sự giác ngộ. Một câu chuyện như vậy có thể được tìm thấy trong cuộc đời của các nhà sư Ấn Độ cổ đại hoặc những thiền sư nổi tiếng. Hình ảnh một nhà sư gầy còm, mặc áo vá, đầu trần, chân đất, tái hiện hình ảnh Đức Phật 2000 năm trước, đi vào trái tim Phật tử, làm sống dậy đạo Phật đã thấm sâu vào lòng quần chúng.

Tai Le

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply