Làm Thế Nào Để Thăm Dò Dư Luận ?
Thăm dò dư luận là một trong những ứng dụng của kỹ thuật thăm dò hay khảo sát của ngành thống kê. Thăm dò nói chung là dùng một phương pháp thống kê để dự đoán tính chất hay sở thích của một tập thể quần chúng, thí dụ màu xe hơi nào được ưa chuộng nhất vào những năm sắp tới. Riêng thăm dò dư luận thường được dùng để tìm hiểu chính kiến của đa số quần chúng. Nổi bật nhất là các cuộc thăm dò trước các mùa bầu cử. Các cuộc thăm dò chính trị được quần chúng biết đến đều do các công ty thăm dò thực hiện. Đối với các công ty này, thăm dò dư luận chính trị chỉ giúp họ thực hiện khoảng 1% của tổng số doanh thu nhưng kết quả thăm dò đúng sẽ giúp công ty nổi tiếng và có thể thu hút nhiều khách hàng trong những lãnh vực khác. Trước khi thăm dò dư luận chính trị ra đời thì các cuộc thăm dò dư luận khác đều nằm trong lãnh vực thị trường có mục đích tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng và mở rộng thị trường. Thăm dò dư luận chính trị, theo phương pháp của ngành thống kê, lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1936 bởi nhà báo George Gallup nhân mùa bầu cử tổng thống tại Mỹ. George Gallup vừa là nhà báo, nhà thống kê học và nhà xã hội học. Năm 1936, ông đã thành lập công ty American Institut of Public Opinion để thực hiện các cuộc thăm dò. Ông Gallup đã thực hiện cuộc thăm dò trên một nhóm khoảng mười ngàn người mà ông cho là đại diện cho mọi từng lớp cử tri Mỹ. Ông đã tiên đoán, vào tháng 10 năm 1936, rằng người thắng cử tổng thống Mỹ sẽ là ông Roosevelt với tỷ số 56%. Trong khi đó thì tờ tạp chí Litarary Digest cũng làm một cuộc khảo sát ý định bỏ phiếu trên tổng số hai triệu người Mỹ và tiên đoán người thắng cử sẽ là ông Landon, ứng cử viên của đảng Cộng Hoà. Kết quả là ông Roosevelt đã thắng với 60,8% và tờ báo Litarary Digest sau đó phải đóng cửa vì không còn khách hàng. Trước khi sử dụng kỹ thuật thăm dò của ngành thống kê, ngay từ đầu thế kỷ 19 (1824), giới báo chí Mỹ cũng đã từng thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến cử tri bằng cách chất vấn độc giả. Cách thăm dò này mang tên “Straw Votes”.
Từ năm 1936 đến nay, sinh hoạt trong ngành thăm dò rất thịnh hành với nhiều tổ chức nghiên cứu rất nổi tiếng. Các hãng xưởng, tổ chức xã hội, đảng phái chính trị luôn ngấm ngầm sử dụng kết quả thăm dò dư luận để lựa chọn phương pháp hành động hoặc tìm một hướng đi. Vậy ngành thăm dò dư luận dựa trên những quy tắc gì, sử dụng cách thức nào để có thể tiên đoán tương lai, nhất là dự đoán kết quả bầu cử ?
Các cuộc thăm dò dựa trên hai nguyên tắc:
1. Thăm dò có thể được thực hiện trên một nhóm người được lựa chọn từ một tập thể quần chúng. Nhóm người này được gọi là “mẫu” (sample, échantillon). Kết quả thực hiện trên nhóm người mẫu có thể được coi như là kết quả của cuộc thăm dò trên toàn thể quần chúng. Nguyên tắc này được khoa thống kê gọi là “suy luận thống kê” (statistical inference).
2. Mỗi cá nhân trong nhóm người mẫu được coi như có khả năng cho ý kiến trên vấn đề đặt ra và cá nhân đó có khả năng xác định lập trường của mình đối với vấn đề đó.
Nếu nguyên tắc thứ hai trên đây là một điều hiển nhiên thì nguyên tắc thứ nhất vẫn đưa ra hai câu hỏi là tại sao phải dùng đến nhóm người mẫu và làm sao để thành lập nhóm người này. Ngoài hai nguyên tắc kể trên, kết quả của mỗi cuộc thăm dò còn dựa trên ba yếu tố khác, đó là khi nào thăm dò, thăm dò ở đâu và phỏng vấn như thế nào.
Việc sử dụng nhóm người mẫu được khoa thống kê học giải thích là điều cần thiết vì việc phỏng vấn hết tất cả mọi người trong quần chúng đều rất tốn kém thời giờ và tiền bạc mà nhiều khi lại không thể thực hiện được, vì lý do kỹ thuật, tài chánh và có thể pháp lý.
Có nhiều phương pháp để chọn lựa nhóm người mẫu. Những phương pháp này có thể được xếp thành hai loại : loại theo phương pháp ngẫu nhiên (hay sác xuất, probabilistic) và loại theo phương pháp thực nghiệm (empirical).
Các phương pháp ngẫu nhiên có nhiều hiệu quả hơn phương pháp thực nghiệm nhưng khó thực hiện vì nhà thăm dò phải sở hữu danh sách cùng tính chất của tất cả các thành viên trong quần chúng để chọn lựa các người mẫu bằng cách rút thăm (ngẫu nhiên). Loại phương pháp này ít được sử dụng vì cần nhiều phương tiện, tài chánh và luật pháp. Ngược lại các phương pháp thực nghiệm không đòi hỏi nhà thăm dò phải có đầy đủ dữ liệu về mọi người trong quần chúng nên thường được dùng đến. Cách thành lập nhóm người mẫu của các phương pháp thực nghiệm đều có tính cách chủ quan.
Lấy hai thí dụ sau đây để giải thích rõ về hai loại phương pháp vừa nêu ra. Nếu nhà thăm dò có được danh sách và đặc tính của mọi người trong quần chúng thì nhà thăm dò có thể thực hiện một cuộc bốc thăm để thành lập nhóm người mẫu. Thí dụ này sử dụng phương pháp ngẫu nhiên. Bây giờ nếu nhà thăm dò ra đứng trước một siêu thị rồi lựa một vài khách mua hàng có mặt, theo một tiêu chuẩn chủ quan nào đó, để hỏi ý kiến về một món hàng nào đó thì trong trường hợp này, nhà nghiên cứu không có đầy đủ danh sách người mua hàng, nên chọn người mẫu bằng phương pháp thực nghiệm, có sao làm vậy vì thế rất chủ quan và thường thiếu chính xác.
A. Các phương pháp ngẫu nhiên
Các phương pháp ngẫu nhiên chọn nhóm người mẫu bằng cách rút thăm. Mỗi cá nhân trong quần chúng đều có cùng cơ hội như nhau để trở thành một thành viên trong nhóm người mẫu. Các phương pháp này vì thế cho phép thu được các mẫu có tính đại diện cao. Hơn thế nữa, phương pháp ngẫu nhiên cho phép dự tính một tỷ lệ (biên độ) sai biệt. Thí dụ, nếu kết quả thăm dò đạt 57% và khoảng cách sai số phỏng đoán là 2% thì kết quả thực hiện có thể dự đoán giữa 55% và 59%. Sau đây là các phương pháp ngẫu nhiên chính.
A.1 Phương pháp ngẫu nhiên đơn giản : mỗi cá nhân trong quần chúng đều có cùng một cơ hội để được chọn vào nhóm người mẫu. Đây là hình thức rút thăm đơn giản. Nhà thăm dò làm một cuộc rút thăm và thành lập mẫu từ những người đã được rút thăm. Phương pháp này ít được sử dụng.
A.2 Phương pháp ngẫu nhiên phân tầng : Phân tầng tức là chia quần chúng thành nhiều nhóm khác nhau. Thí dụ tại Mỹ có 50 tiểu bang, phương pháp phân tầng này có thể chia quần chúng ra thành 50 nhóm, mỗi tiểu bang thành một nhóm. Rồi từ mỗi nhóm chọn ra một mẫu ngẫu nhiên đơn giản. Cuối cùng cộng 50 mẫu đơn giản lại thành một mẫu phân tầng. Phương pháp này giúp cho sự đại diện không bị tập trung ở một nhóm cá nhân nào trong toàn thể quần chúng. Đây có thể là mẫu lý tưởng nhất cho một thăm dò kết quả bầu Đại Cử Tri Đoàn trong kỳ tuyển cử Tổng Thống Mỹ. Để dùng phương pháp này, rất tiếc nhà thăm dò phải có đầy đủ danh tính của các cử tri.
A.3 Phương pháp lấy mẫu theo cụm : Phương pháp này, giống như phương pháp phân tầng, chia quần chúng ra thành từng cụm (cluster). Nhưng sau đó chỉ chọn ra một số cụm theo thể thức ngẫu nhiên để thực hiện thăm dò. Tất cả mọi người trong các cụm được lựa chọn đều được phỏng vấn.
A.4 Phương pháp lấy mẫu nhiều giai đoạn : Phương pháp này cũng chia quần chúng ra thành từng cụm. Cũng chọn ra một số cụm theo thể thức ngẫu nhiên để thực hiện thăm dò. Sau đó chọn từ mỗi cụm một mẫu ngẫu nhiên đơn giản để thăm dò chứ không phỏng vấn hết tất cả các cá nhân trong cụm như phương pháp lấy mẫu theo cụm.
A.5 Phương pháp lấy mẫu có hệ thống : Phương pháp này cũng chia quần chúng ra thành từng cụm. Tuy nhiên cuộc thăm dò chỉ được thực hiện trên một số cụm. Cụm đầu tiên được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Các cụm sau được lựa chọn theo cách thức nhảy bước. Có nghĩa là sau mỗi cụm đã chọn, bỏ vài cụm theo sau rồi mới chọn cụm kế tiếp. Thí dụ cụm đầu tiên được chọn là cụm thứ hai. Sau đó bỏ hai cụm rồi chọn cụm kế tiếp. Như vậy các cụm nối tiếp được chọn sẽ là cụm thứ 5, 8, 11, v.v.
Trên đây là các phương pháp ngẫu nhiên chính. Các phương pháp này có thể kết hợp lại với nhau, thậm chí với cả các phương pháp thực nghiệm, để hình thành những phương pháp khác.
B. Các phương pháp thực nghiệm
Phương pháp thực nghiệm còn được gọi là phương pháp không sác xuất. Các phương pháp này chọn nhóm người mẫu theo tính chủ quan, vì không có danh sách toàn thể quần chúng để thực hiện sự lựa chọn theo cách ngẫu nhiên. Sau đây là các phương pháp thực nghiêm chính.
B.1 Phương pháp hạn nghạch (quota) : Từ các đặc tính của quần chúng, nhóm người mẫu được lựa chọn theo đúng tỷ lệ đặc tính quần chúng. Thí dụ, quần chúng có 30% hành nghề trí óc, 40% hành nghề tay chân, 20% còn đi học và 10% thất nghiệp. Nhóm người mẫu cũng được lựa chọn cho đúng tỷ lệ trên. Phương pháp này thường được các nhà thăm dò sử dụng nhiều.
B.2 Phương pháp tình nguyện viên : nhóm người mẫu được thành lập bằng cách thu nhận những tình nguyện viên sẵn sàng trả lời các câu hỏi của cuộc thăm dò.
B.3 Phương pháp lấy mẫu tại chỗ : Phương pháp này lựa chọn người mẫu ngay tại nơi mà vấn đề được đặt ra. Thí dụ, trước cửa các siêu thị, trước cửa các thùng phiếu, v.v. Với phương pháp này, một cuộc thăm dò phải được thực hiệm ở nhiều nơi và vào nhiều thời điểm khác nhau.
C. Chọn phương pháp nào để lấy mẫu ?
Như đã nói ở trên, các phương pháp ngẫu nhiên luôn cho phép thực hiện nhóm người mẫu có độ đại diện quần chúng cao hơn các phương pháp thực nghiệm. Tuy nhiên các phương pháp ngẫu nhiên đòi hỏi phải có đầy đủ dữ liệu về toàn thể quần chúng. Điều này rất khó thực hiện vì chẳng những tốn công, tốn của, mất nhiều thì giờ mà đôi khi pháp luật không cho phép vì lý do an toàn cá nhân. Nói chung thì sự lựa chọn một phương pháp chọn mẫu tuỳ thuộc vào mục đích của thăm dò, ngân khoản để chi tiêu, khả năng kỹ thuật , phạm trù pháp luật và nhất là bản chất của quần chúng. Các nhà thăm dò thường dùng loại phương pháp thực nghiệm, nhất là phương pháp Hạn Ngạch, để thành lập mẫu.
D. Các phương tiện thăm dò
Hiện nay có tất cả bốn phương tiện để thực hiện một cuộc thăm dò:
D.1. Thăm dò qua điện thoại : Để có thể thực hiện thăm dò qua điện thoại, điều trước tiên là nhà thăm dò phải liên lạc được với người được thăm dò và sau đó còn phải được người được thăm dò đồng ý trả lời. Hình thức này giúp cho cuộc phỏng vấn có nhiều chính xác vì người phỏng vấn có thể xét đoán qua qua thái độ trả lời trực tiếp và cần ít thời gian thăm dò hơn các phương tiện khác. Tuy nhiên một cuộc phỏng vấn qua điện thoại không thể giúp trình bầy các dữ liệu qua hình ảnh và thời gian phỏng vấn không thể quá 30 phút. Trung bình tỷ lệ không thể thực hiện phỏng vấn ở độ từ 20 đến 40%.
D.2. Thăm dò qua thư bưu điện : Hình thức này thường được dùng đến khi có rất nhiều câu hỏi (khoảng 5, 6 trang giấy in). Thời gian thăm dò rất lâu vì thời gian thư từ qua lại cũng như thời gian cần thiết để kiểm điểm các câu trả lời. Nhà thăm dò không biết được ai là người trả lời và cũng không có thể dò xét thái độ của người trả lời. Tỷ lệ thư không hồi âm rất cao. Tuy nhiên hình thức này có thể giúp nhà thăm dò thực hiện một hoạt động truyền thông cùng lúc với cuộc khảo sát. Thí dụ, quảng cáo mội sản phẩm.
D.3. Thăm dò qua Internet : Hình thức thăm dò qua Internet giới hạn số người tham gia vì người được thăm dò bắt buộc phải dùng Internet. Hình thức này giúp trình bày mọi dữ liệu được thể hiện qua hình ảnh, phim ảnh cũng như các tài liệu âm thanh. Hình thức này cần rất ít thời gian thăm dò vì có khả năng xử lý tự động các câu trả lời. Thời gian phỏng vấn trung bình không thể quá 15 phút. Tỷ lệ không trả lời rất cao.
D.4. Thăm dò qua phỏng vấn trực diện : Hình thức thăm dò trực diện giúp cho người phỏng vấn và người được phỏng vấn dễ cảm thấy thoải mái với nhau trong khi đối thoại. Người được phỏng vấn sẽ tự tin hơn trong khi trả lời và người phỏng vấn có cơ hội thẩm định tính trung thực của người đối thoại. Hình thức này cũng giúp trình bày các tài liệu dưới các dạng hình ảnh, phim ảnh hoặc âm thanh. Thời gian phỏng vấn không thể quá 10 phút cho một cuộc gặp gỡ tình cờ và không quá một giờ đồng hồ nếu có hẹn trước. Phương pháp này rất tốn kém vì phí tổn di chuyển rất cao.
E. Nguyên tắc để thành lập bảng câu hỏi (questionnaire)
Mỗi bảng câu hỏi đặt cho mỗi cuộc thăm dò đều phải trúng với mục đích thăm dò và dựa trên một số nguyên tắc như sau đây:
E.1. Số câu hỏi được đặt ra phải ăn khớp với thời gian phỏng vấn được phỏng đoán tuỳ vào phương tiện dùng để thăm dò vừa nói ở trên.
E.2. Các câu hỏi nên được đặt theo thứ tự thời gian bắt đầu bằng những câu hỏi có tính các rất tổng quát rồi cuối cùng mới đặt đến các câu hỏi chính xác hơn và đôi khi có tính cách riêng tư. Điều này làm cho người được phỏng vấn cảm thấy thoải mái và yên tâm. Mục đích để câu trả lời được trung thực.
E.3. Nếu các câu hỏi đặt ra có liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau thì các câu hỏi nên được gom lại theo từng chủ đề và trước khi đi vào một chủ đề mới, cần có một đoạn giải thích có tính cách chuyển tiếp để người trả lời không bị bất ngờ mà nhầm lẫn khi cho câu trả lời.
E.4. Phần nhiều các cuộc thăm dò đều đặt một phần các câu hỏi có tính cách chọn lọc (filter questions). Có nghĩa là trong bảng trả lời có vài nhóm câu hỏi mà người trả lời sẽ lựa chọn một nhóm để trả lời. Loại câu hỏi này thường được dùng đến khi nhóm người mẫu bao gồm các tầng lớp xã hội, văn hoá hay giới tính, v.v. khác nhau. Trong trường hợp này, vị trí để đặt các phần câu hỏi rất quan trọng để người trả lời không bị bỡ ngỡ có thể đưa đến tình trạng bế tắc trong cuộc phỏng vấn.
E.5. Một câu hỏi có thể được đặt ra nhiều lần nhưng dưới những hình thức khác nhau. Mục đich để khẳng định tính trung thực của câu trả lời.
E.6. Các câu hỏi có liên quan đến hồ sơ cá nhân (profile question) nên được đặt ở phần cuối cùng và phải có tính các vô danh để người trả lời không bị sợ hãi đang bị điều tra. Phần nhiều các câu hỏi này đều có mục đích lưu trữ những thông tin có thể cần đến cho các mục tiêu trong tương lai và loại câu hỏi này thường có tích cách không bắt buộc.
F. Các dạng câu hỏi.
Một câu hỏi có thể được viết ra dưới hai hình thức khác nhau:
F.1. Câu hỏi mở (open ended question): Loại câu hỏi này cho phép người trả lời được tự do viết câu trả lời. Loại câu hỏi này ít được dùng tới vì cần nhiều thì giờ cho người thăm dò để đọc và phân loại các câu trả lời
F.2. Câu hỏi đóng (closed question): Đây là câu hỏi theo dạng trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi đã có sẵn một số câu trả lời được thiết lập trước. Người trả lời chỉ cần đọc và lựa chọn câu trả lời nào hợp với ý mình.
G. Liệu có cần một phương pháp thăm dò mới ?
Tham khảo:
[1] Loïc Blondeau – La fabrique de l’opinion : une histoire sociale des sondages – 1998 .
[2] Clair Durand – Méthode de sondage – Département de Sociologie – Université de Montréal – 2002.
[3] Le principe du sondage https://lemondedesetudes.fr/le-principe-du-sondage/
[5] Loïc Blondiaux – Le nouveau régime des opinions – Naissance de l’enquête par sondage – Dans Mil neuf cent. Revue d’histoire intellectuelle 2004/1 (n° 22), pages 161 à 171