Lễ hội tắt đèn Bắc Ninh
Một vài nơi ở đồng bằng miền Bắc như làng La thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội), làng Niệm Thượng hay làng Ngô Xá tỉnh Bắc Ninh… có một lễ hội khá độc đáo.
Ảnh minh họa/INT.
Được mùa. Làng mở hội chen
Cồng chiêng nghiêng ngả. Trống kèn lắc lư
Canh hai hương cháy đỏ lừ
Nến như dư bấc. Đèn như cạn dầu
Cõi tình hạn hán từ lâu
Nghe cau căng nhựa. Nghe trầu ứ men.
Canh ba lễ hội tắt đèn
Cỏ ken nghiêng cỏ. Người chen ngã người
Bãi bờ nén tiếng kìm hơi
Nghe bung dải yếm. Nghe rời thắt lưng
Gió lần đêm tối như bưng
Nghe hom chạm giỏ. Nghe thừng bện nan.
Sáng đèn. Trống báo hội tan
Cỏ giăng mắc cỏ. Người dan díu người
Áo khăn chưa nỡ tách rời
Tần ngần nước mắt nói lời chia tay
Cổng đền hương khói cay cay
Nẻo về gió ngáp sương bay khật khừ…
Lê Đình Cánh
Lời bình của Đặng Toán
Đó là Lễ hội tắt đèn. Và nói đến Lễ hội tắt đèn, người yêu thơ lại nhớ tới bài thơ cũng độc đáo không kém viết về lễ hội đó của nhà thơ Lê Đình Cánh.
Theo các tài liệu dân tộc học và văn hóa học thì trong màn “tắt đèn” đó, trai gái trong làng có thể âu yếm, ôm ấp hay thậm chí “đi xa” hơn nữa với nhau mà không gặp bất cứ sự cản trở nào.
Tác giả đã dùng chiếc “máy ảnh thơ” của mình quay một video clip sinh động về lễ hội thú vị trên.
Bài thơ có ba khổ, mỗi khổ sáu câu đầy đặn, cân đối, diễn tả đúng trình tự của đêm lễ hội:
“Được mùa. Làng mở hội chen
Cồng chiêng nghiêng ngả. Trống kèn lắc lư
Canh hai hương cháy đỏ lừ
Nến như dư bấc. Đèn như cạn dầu
Cõi tình hạn hán từ lâu
Nghe cau căng nhựa. Nghe trầu ứ men”.
Đọc khố thơ đầu, chắc sẽ có người băn khoăn: Dài dòng quá! Chỉ cần dùng câu thứ nhất với câu thứ ba là đủ: Được mùa, nên canh hai đêm nay làng sẽ mở hội!
Nhưng nếu suy ngẫm thêm ta sẽ nhận thấy chủ ý của tác giả. Ông muốn tạo ra một không gian riêng biệt, đặc sắc của lễ hội có một không hai.
Và ông đã làm được điều đó nhờ “Cõi tình hạn hán từ lâu/ Nghe cau căng nhựa. Nghe trầu ứ men”. Có phải sinh lực đang dồi dào không? Có phải năng lượng đang tràn trề không?
Vậy còn chờ gì nữa?
“Canh ba lễ hội tắt đèn
Cỏ ken nghiêng cỏ. Người chen ngã người
Bãi bờ nén tiếng kìm hơi
Nghe bung dải yếm. Nghe rời thắt lưng
Gió lần đêm tối như bưng
Nghe hom chạm giỏ. Nghe thừng bện nan.”
Một loạt động từ “chen, nén, kìm, bung, rời, lần, chạm, bện…” bên cạnh mấy chữ “bãi bờ”, “dải yếm”, “thắt lưng” gợi tính phồn thực của lễ hội. Đây là đêm “tháo khoán”, nam nữ được tự do, không cần giữ gìn ý tứ nữa.
Màn tắt đèn và trai gái trao duyên là tục bắt buộc phải có của hội. Có lẽ các cụ xưa quan niệm rằng tục này liên quan đến mùa màng, đến sinh sôi nảy nở. Điều đó thể hiện mong ước bản năng rất nhân sinh, nhân văn của sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã.
“Sáng đèn. Trống báo hội tan
Cỏ giăng mắc cỏ. Người dan díu người
Áo khăn chưa nỡ tách rời
Tần ngần nước mắt nói lời chia tay
Cổng đền hương khói cay cay
Nẻo về gió ngáp sương bay khật khừ…”
Ở khổ thơ cuối, một lần nữa ta lại thấy, loạt từ láy như “giăng mắc, dan díu, tần ngần, cay cay, khật khừ…” khi đặt đúng tâm trạng, đúng tình huống đã tạo được sắc thái biểu cảm nhất định.
Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến nghệ thuật sử dụng tiểu vế đối trong bài thơ. Gần như toàn bộ những câu bát của bài đều được tác giả dụng công như vậy.
Cách chơi này đã tạo cho bài thơ cái thế cân đối, hài hòa. Lời thơ mang đậm chất dân gian dân dã. Tất cả đã tạo nên thành công của bài thơ cũng như khẳng định nét đặc sắc của thơ Lê Đình Cánh.
Nguồn GD&TĐ