Lễ hội ông Đùng bà Đà ở Quang Lang, Thái Bình
Làng Quang Lang có một ngôi đền thờ bà Chúa Muối – tên thật là Nguyệt Ánh. Theo truyền thuyết kể lại, một hôm, khi chở muối trên một chuyến đò, Nguyệt Ánh gặp thuyền của vua Trần Anh Tông trên sông Hồng. Mấy người chèo thuyền khát nước, liền gọi đò cô bán muối đến và xin nước uống. Nàng e lệ sượng sùng, khép nép, nước cầm tay, tà áo che mặt. Chợt thấy đôi bàn tay xinh xắn của nàng, vua đón sang thuyền mình và sau đó lập làm vợ ba. Sống trong cung điện nhưng nàng không nguôi nhớ về quê nhà, nhà vua đành phải đồng ý xuất lụa là vàng bạc rồi cho quân lính đưa Nguyệt Ánh về quê.
Không lâu sau, bà lâm bệnh nặng, đúng vào ngày 14/4 khi đang nằm trên giường bệnh, nhìn thấy lũ trẻ vác hình nhân nô đùa, bèn bật cười rồi qua đời. Nhà vua được tin thương tiếc đã sắc phong cho bà làm Phúc Thần. Người dân làng Quang Lang biết ơn bà lập đền thờ để con cháu đời đời tưởng nhớ công lao của bà – đó là đền thờ bà Chúa Muối ngày nay.
Đã bao đời nay, hàng năm cứ đúng vào ngày 14/4 tại chính ngôi đền thờ bà chúa Muối lại diễn ra lễ hội ông Đùng, bà Đà với điệu múa ông Đùng, bà Đà mang đậm chất folklore (văn hóa dân gian) – nhằm cầu mong sự sinh sôi, thịnh vượng.
Theo các vị lão làng, hình ông Đùng, bà Đà được đan bằng tre mỏng theo kiểu mắt cáo, thân hình cao tới 1,5m – 2m, hình chóp nón, đường kính phía dưới rộng, đủ cho một người chui lọt vào.
Sáng sớm ngày 14/4 âm lịch, các thôn trong làng mang các hình nộm ông Đùng, bà Đà vào đền thờ bà Chúa Muối để tiến hành các nghi thức tế lễ một cách nghiêm trang thành kính. Tục chính của lễ hội là múa Đùng được diễn ra vào lúc nhập nhoạng tối cùng ngày. Trong khi múa người ta xướng vang những câu tụng ca công đức của bà chúa Muối như: “Lạy Chúa! Muối của Chúa năm nay được mùa lắm! Lạy Chúa, lạy Chúa…”
Dưới góc nhìn văn hoá dân gian, lễ hội ông Đùng, bà Đà ấp ủ một triết lý phồn thực, đặc biệt là trong các động tác của điệu múa ông Đùng, bà Đà. Đó là một mô típ quen thuộc trong các lễ hội dân gian của người Việt, giống như hội Trám (Phú Thọ), hội múa mo Sơn Đồng (Hà Tây), hội cướp kén làng Dị Nậu (Phú Thọ)… Người ta thường nói “có nam có nữ mới nên xuân”, trong lễ hội các hình nộm mang cả dáng dấp ông Đùng và bà Đà. Khi múa lúc nghiêng ngả, quay sang phải, sang trái, cho ông bà có cơ hội “bày tỏ” tình cảm vui mừng với nhau. Các vai ông Đùng, bà Đà phải phối hợp sao cho có những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người Quang Lang giải thích đó là lúc ông bà đang “ăn nằm” với nhau. Càng về sau các động tác múa càng mạnh hơn và hưng phấn hơn.
Sau đó, đoàn múa ra khỏi đền và đi quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quang Đùng bố mẹ. Dân làng đi theo nhộn nhịp, vừa đi vừa hát múa. Lúc đám rước quay về tới đền thì dân làng vội vã xô nhau vào tranh cướp sao cho được một nan nứa trên hình nộm hai ông bà về cắm vào ruộng, vào vườn hay trên thuyền để lấy may.
Lễ hội ông Đùng, bà Đà là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng muối về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào. Nơi đó có sự giao hoà của con người cùng sông nước, đất trời, làm lòng người thêm tươi trẻ, cây cối thêm xanh tươi, thóc lúa thêm nhiều, báo hiệu một mùa muối dồi dào, bội thu.
ST