Mãi mãi nghiêng mình
Nếu bầu chọn một người Tây mà người Việt ai ai cũng nên kính trọng, tôn vinh, thì đó là bác sĩ Yersin. Ông là người đặt nền móng đầu tiên cho toàn bộ nền y khoa hiện đại Việt Nam.
Ông là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ. Ông cũng là người sáng lập và phát triển hệ thống các viện Pasteur ở Việt Nam (Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt), tham gia sản xuất vắc xin và thuốc men chữa bệnh hàng triệu người Việt chúng ta. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh chữa bệnh của ông nằm ở suối Dầu Khánh Hoà là trại ngựa lớn nhất châu Á khi đó, hiện nay vẫn lớn nhất Đông Nam Á. Ông từng mong muốn Diên Khánh là nơi sản xuất thuốc men dược phẩm của cả châu Á.
Một góc Trại chăn nuôi Suối Dầu ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa – tiền thân là cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm do Yersin xây dựng năm 1896.
Ảnh : báo Phapluat
Ông là học trò xuất sắc của Louis Pasteur, sau khi đào tạo xong, Pasteur yêu cầu các học trò của mình toả ra khắp thế giới để “vang danh thiên hạ, giúp nhân loại” và Yersin đã chọn Việt Nam để cống hiến trọn đời mình cho khoa học và cho người Việt Nam. Nghe lời thầy và lên tàu lênh đênh trên biển, mặc cho gió bão khôn lường, vẫn dọc ngang quả đất để dấn thân, phụng sự. Đó là hình ảnh vô cùng đẹp của một trí thức.
Ông là người mang cây cao su, cà phê, ca cao về trồng ở VN, đến bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu. Ông và bạn bè đã mang nhiều giống cây ôn đới về trồng ở VN như cà rốt súp lơ su su lay-ơn cẩm tú cầu xà lách xoong….(hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp đều là do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua thí nghiệm). Ông còn quy hoạch nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi gà và đà điểu ở Ninh Hoà, tìm ra và quy hoạch, xây dựng thành phố Đà Lạt, đẩy mạnh việc thử nghiệm và trồng quy mô lớn cây cà phê ở Tây Nguyên. Ông cũng là nhà khoa học tìm ra vắc xin dịch hạch của thế giới và đồng thời là 1 tỷ phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin. Ông là cổ đông chính của ngân hàng HSBC. Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn chuyển đều đặn về quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.
Ông luôn yêu cầu Pháp phải xây dựng nhiều trường học ở các tỉnh của Việt nam và ý kiến cho Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, chúng ta vẫn còn đang khai thác. Con đường quốc lộ 1A chỉ là một con đường đất nhỏ xíu có 2-3 mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông “bày vẽ” cho kè đá, rải nhựa, mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được. Ông nói phải ưu tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang qua hết các tỉnh để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng lợi từ giao thông. Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Những gì ông có thể nghĩ ra, ông đã làm tất cả cho Việt Nam, cho người Việt với một tấm lòng yêu thương vô hạn. Người dân Nha Trang vẫn còn nhớ ông đem phim về chiếu cho họ xem, khi trẻ con vào xem và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân định la rầy nhưng ông ngăn bảo “đừng la mắng trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ”.
Ông sống 1 mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời. Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành kỳ lạ, rồi thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng. Ngôi nhà của ông ở Nha Trang là một trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém….
Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng sự văn minh của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới khi ấy, ông vẫn xuống tàu đi về phương Đông, một miền đất nghèo ở một xứ sở xa lạ. Ông đã chọn Việt Nam làm nơi sinh sống, làm việc và an nghỉ cuối đời.
Đám tang ông là đám tang lớn nhất Việt Nam từ xưa đến nay, gần như 100% dân Nha Trang xuống đường đưa tiễn, để tang trong mấy ngày, khóc hết nước mắt. Người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, các thành phố lớn khác từ bắc đến nam thành kính và luôn nhắc tới tên ông. Cả châu Á yêu quý ông, nhất là người Hongkong, nơi ông đã thành công trong việc giúp hàng triệu người dân ở đây và khu vực tỉnh Quảng Đông thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch bệnh. Úc mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối vì không đủ sức. Hongkong thì tìm cách giữ ông lại, nhưng ông vẫn khăng khăng về Việt Nam. Khi ông mất, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn.
Yersin với tầm nhìn vĩ đại, ông không chỉ làm khoa học mà còn giỏi nhiều thứ. Ông đã mang sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng vật nuôi, khám phá và xây dựng Sapa Đà Lạt Bà Nà…thành những nơi du lịch nghỉ dưỡng, tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài Gòn Hà Nội Nha Trang Đà Nẵng Hải Phòng, ranh giới các tỉnh….mà chúng ta ngày nay hay có cụm từ “ngày xưa người Pháp đã quy hoạch chỗ này là, chỗ kia là..”. Ông đã giúp người Việt chúng ta có được nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, những công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế…đều do ông khởi xướng. Do chính quyền Pháp khi đó rất tín cẩn ông, vì ông có uy tín, đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc ngách ở Lào, Việt Nam và Campuchia đều có dấu chân ông. Núi cao vực sâu, thú dữ, bệnh tật…không hề làm ông nản bước.
Nếu bạn đã từng 1 lần được tiêm chủng, chích ngừa…thì hãy biết ơn người đã cứu mạng mình. Công lao của ông với dân tộc này, với đất nước này là không bao giờ kể hết.
Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin trên mạng và các nhà sách, thư viện. Đó là một người mà người Việt chúng ta phải mãi mãi nghiêng mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để dạy ở các cấp học để thế hệ chúng ta mãi mãi biết ơn.
Và mỗi người hãy bắt chước ông. Mạnh dạn dấn thân, phụng sự cho sứ mệnh của cuộc đời mình. Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe – cái nhà-miếng đất – cái bằng – cái công danh tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, đừng ở mãi vùng an toàn, vùng thoải mái nữa. Thử thách và thử thách….
Năm 2019 phải đột phá và đột phá. Đọc thêm về ông đi và ngẫm lại mình. Cũng là người, sao mình tham lam bé mọn đến vậy? Tại sao và tại sao?