Món ăn côn trùng

MÓN ĂN CÔN TRÙNG
Lê Tấn Tài

Các món ăn làm từ côn trùng đã xuất hiện từ lâu và được xem là một phần của ẩm thực truyền thống ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các khu vực như châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Trong nhiều thế kỷ, côn trùng đã trở thành nguồn thực phẩm quan trọng tại nhiều nơi. Ở Nhật Bản, các loài côn trùng như châu chấu, tằm và ong bắp cày từng là món ăn phổ biến tại các vùng nội địa, nơi thịt và cá hiếm hoi. Thói quen này phổ biến trong thời kỳ khan hiếm lương thực của Thế chiến II. Côn trùng không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng phong phú mà còn mang lại lợi ích môi trường, do việc nuôi trồng côn trùng ít tác động đến tài nguyên thiên nhiên.
Hiện nay, thực phẩm từ côn trùng được xem như một giải pháp tiềm năng cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu và trở thành một nguồn thực phẩm phổ biến được công nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ côn trùng, bột protein côn trùng đến các món ăn chế biến sẵn. Một số quốc gia đã có những bước tiến trong việc khuyến khích tiêu thụ côn trùng, thậm chí còn tích cực thúc đẩy. Gần đây, Singapore đã cho phép 16 loại côn trùng, bao gồm dế, tằm, châu chấu và ong mật, được sử dụng làm thực phẩm. Dế và tằm thường được bán như món ăn vặt tại các chợ đêm ở Thái Lan, trong khi tại Mexico City, thực khách sẵn sàng chi trả hàng trăm đô la cho món ấu trùng kiến, một loại cao lương mỹ vị từng được người Aztec (đế chế thống trị khu vực từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16) ưa chuộng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần sáu con dế đã đủ để cung cấp lượng protein cần thiết cho một người trong một ngày. Nuôi trồng và chế biến côn trùng là một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh tìm kiếm những nguồn thực phẩm bền vững và giàu dinh dưỡng. Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 2 tỷ người, tức khoảng một phần tư dân số thế giới, đã đưa côn trùng vào chế độ ăn hàng ngày. Các nhà ủng hộ ngày càng đông đảo, nhiều người khác cũng đã bắt đầu tham gia, với lý do rằng côn trùng là một lựa chọn vừa lành mạnh vừa thân thiện với môi trường.
Theo báo cáo của Global Market Insights, một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ, thị trường thực phẩm từ côn trùng dự kiến sẽ tăng từ doanh thu 55 triệu USD năm 2017 lên khoảng 710 triệu USD vào năm 2024 do nhu cầu ngày càng cao đối với thực phẩm giàu protein và tiện lợi. Châu chấu, cào cào và dế là những loại phổ biến nhất, thường được chế biến thành đồ ăn nhẹ hoặc thực phẩm giàu protein dưới dạng bột hoặc thanh.
Một lĩnh vực khác dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ là sản xuất thức ăn chăn nuôi, lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp. Việc nuôi côn trùng để làm thức ăn chăn nuôi không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn đòi hỏi ít tài nguyên hơn so với việc trồng các loại cây thức ăn như đậu nành, ngô và ngũ cốc. Nhằm khai thác tiềm năng này, Liên minh Nuôi Côn trùng Hoa Kỳ đang vận động FDA và USDA công nhận côn trùng là một nguồn thực phẩm và thiết lập các tiêu chuẩn sản xuất. Tại Liên minh Châu Âu (EU), Quy tắc Thực phẩm Mới năm 2018 đã bắt đầu xây dựng khung pháp lý bao gồm cả côn trùng trong sản xuất thực phẩm chính thống.
Có một số lý do quan trọng khiến côn trùng được xem là thực phẩm của tương lai:
– Giàu dinh dưỡng: Côn trùng chứa nhiều protein, vitamin và khoáng chất. Chúng cũng có hàm lượng chất béo thấp và cung cấp các axit amin thiết yếu cho cơ thể. Ngoài ra, côn trùng còn là nguồn cung cấp dồi dào omega-3, canxi và sắt, khiến việc tiêu thụ côn trùng trở nên hấp dẫn đối với những người quan tâm đến sức khỏe.
– Thân thiện với môi trường: Nuôi côn trùng đòi hỏi ít nước, đất và thức ăn hơn so với chăn nuôi truyền thống. Quá trình này cũng thải ra ít khí nhà kính hơn, giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
– Hiệu quả kinh tế: Côn trùng có thể được nuôi trên quy mô lớn với chi phí thấp. Chúng có thể ăn các phế phẩm từ nông nghiệp và thực phẩm, góp phần giảm lãng phí và tái chế chất thải hiệu quả, từ đó hạ giá thành sản phẩm.
– Đa dạng hóa nguồn thực phẩm: Sử dụng côn trùng làm thực phẩm giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm, giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên truyền thống như thịt và cá.
– Bảo vệ hệ sinh thái: Nuôi côn trùng có tác động ít hơn đến môi trường tự nhiên, từ đó góp phần bảo vệ hệ sinh thái và duy trì sự bền vững cho các thế hệ tương lai.
Theo Tiến sĩ Matwick Matiwck (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) những loại thực phẩm từng được coi là “kỳ lạ” hoặc thậm chí không được xem là thực phẩm có thể dần trở nên phổ biến. Trong tương lai, khi thế giới đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng từ khủng hoảng khí hậu và lương thực, côn trùng có thể trở thành “siêu thực phẩm” và sẽ được săn đón giống như diêm mạch (còn gọi là quinoa có hàm lượng dinh dưỡng cao) hay các loại trái mọng (berries là loại trái cây nhỏ, mọng nước và thường có vị ngọt hoặc chua).
Món ăn từ côn trùng có thể là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Nhiều người lần đầu tiên thử côn trùng thường cảm thấy ngạc nhiên về hương vị và kết cấu của chúng. Đầu bếp Joseph Yoon, sống tại New York, chia sẻ: “Chúng ta cần phải tập trung vào việc làm cho các món ăn từ côn trùng trở nên ngon miệng hơn. Việc nhấn mạnh rằng côn trùng bền vững, giàu dinh dưỡng và có thể giải quyết vấn đề an ninh lương thực không đủ để khiến chúng dễ ăn, chứ chưa nói đến việc trở nên hấp dẫn.” Bởi thế, các nhà hàng ở Singapore đầu bếp đã phải tìm cách “phân nhỏ” côn trùng để chế biến, vì mọi người không phải lúc nào cũng sẵn sàng thử “nguyên con”. Các ngành công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn đang sản xuất các loại snack từ dế, châu chấu và nhộng tằm, cùng với các loại bánh quy, bánh mì và thậm chí mì ống từ bột côn trùng…
Côn trùng là một phần độc đáo và phong phú của ẩm thực Việt. Các loại côn trùng như dế, nhộng tằm, châu chấu, và cà cuống không chỉ được chế biến thành những món ăn ngon mà còn giàu dinh dưỡng. Ví dụ, dế thường được chế biến thành các món nướng, rang muối ớt, hay chiên bột, chiên giòn, ăn kèm với nước mắm, tương ớt và các loại rau sống. Nhộng tằm béo ngậy, một món ăn phổ biến ở Tây Nguyên, được xào với lá chanh tạo nên hương vị đặc biệt. Châu chấu rang lá chanh là một món ăn giòn, thơm. Xôi trứng kiến, món ăn đặc sản của vùng Ninh Bình, có hương vị độc đáo.
Để bảo vệ sức khỏe, một chế độ ăn uống hợp lý và cân bằng là vô cùng quan trọng. Các dưỡng chất có trong thực phẩm đóng vai trò duy trì và nâng cao sức khỏe toàn diện. Vitamin và khoáng chất góp phần vào các quá trình sinh hóa của cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật, và duy trì sự khỏe mạnh của tim mạch, xương và các cơ quan khác. Việc lựa chọn thực phẩm khôn ngoan và cân đối chính là chìa khóa để duy trì sức khỏe bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi kết hợp đa dạng các loại thực phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn, chúng ta có thể tận hưởng những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời từ thực phẩm. Ngày càng có nhiều người phương Tây nhận thức rằng côn trùng cung cấp đủ 9 loại axit amin thiết yếu tương tự như protein từ thịt động vật. Các món ăn từ côn trùng không chỉ mang đến trải nghiệm ẩm thực mới mẻ, độc đáo mà còn chứa giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời thân thiện với môi trường. Việc tiêu thụ côn trùng đang được đề xuất ngày càng nhiều như một giải pháp thay thế bền vững cho nguồn protein truyền thống.

No photo description available.
 
 
 
 

Tai Le

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply