Mùa dịch, bàn Kinh Dịch

Đang mùa dịch Covid-19, bàn về Kinh Dịch âu cũng vì chữ “dịch”. “Dịch” trong Covid-19 thì kinh hoàng, “dịch” trong Kinh Dịch là kinh điển. Hai thứ này có vài điểm tương đồng. Trước tiên cả hai đều mang tên “dịch”, tuy rằng khác nghĩa. Dịch Covid-19 thì đã rõ. Nhưng “dịch” trong Kinh Dịch là gì? Cần phải hiểu rõ ý nghĩa của nó. Điểm tương đồng kế tiếp là cả hai đều xuất phát từ một nơi, Trung Hoa. Covid-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, cách nay mấy tháng. Kinh Dịch xuất phát từ thời nào, diễn tiến của nó ra sao?  Điểm tương đồng thứ ba là hai thứ này đều huyền bí, ít người hiểu rõ. Hiện nay các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu con vi khuẩn, tìm chưa ra thuốc. Kinh Dịch thì thâm sâu, chỉ nghe tên thôi đã thấy cao siêu. Vậy thì Kinh Dịch dùng để làm gì? Từng ấy câu hỏi thiết nghĩ cũng thành một đề tài thảo luận.
 
Vì Dịch học là một môn học rất thâm sâu mà tác giả cũng không hiểu bao nhiêu nên bài viết chỉ có thể nói lên một phần nho nhỏ của vấn đề. Tác giả chú trọng đến việc thành lập quẻ và cách đọc quẻ vì không hiểu cách cấu tạo của quẻ sẽ không đi sâu vào Kinh Dịch được. Bạn đọc muốn tìm hiểu cho rõ nghĩa, có thể tìm đọc các sách ghi trong phần tham khảo ở cuối bài. Các quyển sách tham khảo này, trừ quyển Duy Văn Sử Quan, đều miễn phí và có thể tìm thấy dưới dạng PDF trên Internet.
 
Dịch học đặt nền tảng trên hai khái niệm đối chọi nhau, đó là tính dương và tính âm. Dương biểu tượng cho trời, sức mạnh, sự thịnh vượng, điều tốt lành, thuộc về nam giới, v.v. Dương được thể hiện qua hình vẽ bằng một vạch dài liên tục .  Âm biểu tượng cho đất, sự yếu mềm, sự thất bại, điều không tốt, thuộc về nữ giới, v.v. Âm được thể hiện qua hình vẽ bằng một vạch dài gián đoạn .  Hai vạch âm, dương còn được gọi là “nghi” hay “hào”.  Cả hai vạch âm và dương được gọi là “lưỡng nghi”.  Nói như trên không có nghĩa là âm xấu và dương tốt. Dương đặt không đúng chỗ thì xấu mà âm đặt đúng chỗ lại cho quẻ tốt.
 
Từ hai vạch này sinh ra bốn hình gọi là “tứ tượng”. Từ tứ tượng sinh ra tám hình khác gọi là tám quẻ, tức là “bát quái“ (quái nghĩa là quẻ).  Bát quái là căn bản của mọi biến hoá, được áp dụng trong nhiều lãnh vực. Từ bát quái sinh ra 64 quẻ mới, rồi từ 64 quẻ lại sinh ra 4096 quẻ nữa.
 
Bát quái có thể dùng trong nhiều lãnh vực. Xưa khổng Minh trong Tam Quốc Chí cũng dùng bát quái mà dàn binh, bố trận. Trận bát quái biến hoá khôn lường, do sự xê dịch của các quẻ, người thường không hiểu hết. Vì thế Tư Mã Ý phải thua.  Quẻ dịch còn được dùng để bói toán. Xưa Lưu Bị trước khi sang Đông Ngô cưới em gái Ngô Quyền, Khổng Minh bốc một quẻ xem hung kiết ra sao. Khổng Ming bốc trúng quẻ tốt vì thế Lưu Bị mới yên lòng sang Đông Ngô.  Bát quái là nguồn gốc để diễn giải Dịch học. Bát quái rất quan trọng cho nên người xưa mới vẽ ra hình bát quái, gọi là bát quái đồ.

Cứ theo truyền thuyết thì người vẽ ra hình bát quái là vua Phục Hy thời Tam hoàng. Nhưng cũng có thuyết nói hình này là do vua Vũ nhà Hạ vẽ ra. Sau lại có thuyết bảo rằng hình bát quái là do vua Văn Vương nhà Chu mà có. Tục truyền rằng vua Phục Hy ra bờ sông Hà gặp con long mã là con ngựa thần trên đầu đội một bức hoạ, người đời gọi là Hà đồ.  Bức hoạ này con long mã mang lên cho vua để biết cách trị quốc. Từ bức Hà đồ vua vẽ ra hình Bát quái. Lại có truyền khẩu bảo rằng vua Vũ nhà Hạ đi trị thuỷ ở sông Lạc, một chi nhánh của sông Hà, gặp con rùa thần nổi lên trên lưng có hình vẽ gồm những vòng trắng và đen, người đời gọi là Lạc thư. Từ Lạc thư vua vẽ ra hình Bát quái.  Cả hai hình này người đời sau gọi tắt là Đồ Thư. Tuy có truyền khẩu nhưng không ai thấy hình hai bức vẽ. Cả ngàn năm sau, cháu đời thứ mười hai của đức Khổng tử là Khổng An Quốc làm quan to dưới thời Hán Vũ đế, không biết căn cứ ở đâu, mới vẽ ra hai bức hoạ này là hai tấm hình (theo nguyễn Hiến Lê) sau đây.

Trong hai hình trên, những vòng trắng thuộc về dương, những vòng đen thuộc về âm. Những nhóm vòng tròn trắng có số lẻ, Những nhóm vòng tròn đen có số chẵn. Mỗi số có ý nghĩa riêng biệt rất thâm sâu. Hiểu hết ý nghĩa của các số trong Hà Thư sẽ hiểu lý lẽ của Bát quái  nhưng bài viết không bàn đến vì quá dài.

 

Ai là tác giả của Kinh Dịch? Theo ông Hoàng văn Chí viết trong “Duy Văn Sử Quan” thì quyển Kinh Dịch thời xa xưa đã thất lạc không còn nữa. Người Trung Hoa chỉ còn tấm hình bát quái để dán bùa trước cửa nhà. Quyển Kinh Dịch còn lại đến bây giờ là quyển “Chu Dịch” viết vào thời nhà Chu ghi lại cách bói toán của mười hai nhà bói toán thời ấy. Theo ông  Phan Bội Châu viết trong “Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải” thì bộ sách này do bốn vị Đại thánh làm nên là Phục Hy, Văn Vương, Chu Công và Khổng tử.  Còn theo như ông Nguyễn Hiến Lê viết trong “Kinh Dịch, Sách của người Quân Tử” thì bộ Kinh Dịch này không do một người viết mà do nhiều người viết, có thể bắt đầu từ Văn Vương nhà Chu, người con thứ là Chu Công nối tiếp cha. Sách được tiếp tục viết bởi nhiều người khác cho đến thời Tây Hán thì hình thành như Kinh Dịch ngày nay,  rồi sau đó vẫn được tiếp tục viết suốt nhiều đời sau. Ban đầu là một bộ sách bói, sau các học giả mới đem triết học vào Kinh Dịch bàn về Vũ trụ quan, Nhân sinh quan.  Kinh Dịch về sau chịu ảnh hưởng đến từ triết học của Lão tử. Cứ theo như lý luận của các vị trên thì triết học trong Kinh Dịch chỉ chính thức bắt đầu sau thời Tần Thuỷ Hoàng. Sở dĩ nói như thế là bởi vì khi Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh đốt sách, chôn học trò thì cho giữ lại các sách viết về nghề nghiệp mà nghề bói lúc bấy giờ là nghề rất được vua quan ưa chuộng.

Sách về Kinh Dịch có hai hình thức: kinh và  truyện. Kinh có hai quyển dùng để ghi những quy tắc. Hai quyển kinh là Quái Từ (nói về quẻ) và Hào Từ (nói về hào) Truyện dùng để chú thích, giải nghĩa các lời trong kinh.  Truyện có bảy truyện tổng cộng mười chương gọi là Thập Dực. Truyện ngày xưa không phải như tiểu thuyết thời bây giờ. Người đọc hay có cảm tưởng Kinh Dịch khó hiểu. Ông Ngô Tất Tố viết trong quyển “Kinh Dịch Toàn Bộ” mà ông dịch sang tiếng Việt rằng Kinh Dịch sở dĩ khó hiểu là bởi vì được viết theo thể loại văn chương của người “đồng bóng “.
 
Riêng về  thuyết Khổng tử viết Kinh Dịch thì ông Hoàng văn Chí nói rằng Khổng tử không có viết quyển sách nào về Dịch cả, nếu có viết thì có thể Khổng tử chỉ viết kinh Xuân Thu là quyển sử của nước Lỗ thời Xuân Thu. Còn ông Nguyễn Hiến Lê thì tỏ vẻ nghi ngờ viện lẽ trong các sách cho là Khổng tử viết thường có câu “Tử viết”, tức là Khổng tử nói. Đã là tác giả thì không nói “Tử viết”.
 
Theo khoa khảo cổ học thì cách bói toán bằng quẻ dịch được tìm thấy chỉ có từ thời nhà Chu.  Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều thẻ trên đó có hình vẽ các quẻ . Còn về thời nhà Thương trước đó họ chỉ tìm thấy nhiều chiếc mai rùa có đục lỗ để bói toán nhưng không thấy có vẽ quẻ. Sách viết rằng bói theo quẻ dịch rất dễ vì mỗi quẻ dịch đều có sẵn phần giải thích chỉ cần bốc quẻ rồi đọc lời giải thích để đoán quẻ. Vì Kinh Dịch đã có từ mấy ngàn năm nay nên lý thuyết về Dịch học cũng biến đổi theo giòng thời gian. Có nhiều trường phái, thậm chí còn có cả người Âu chuyên nghiên cứu về Kinh Dịch. Vì thế nhiều khi có mâu thuẫn về lý thuyết hoặc phương pháp giữa các trường phái khác nhau. Bây giờ ta thử xem các quẻ được thành hình như thế nào.

Kinh Dịch lúc ban đầu theo thuyết nhị nguyên, tức là vạn vật từ âm, dương mà có. Sau đến cuối đời nhà Chu đổi lại theo thuyết nhất nguyên nói khởi thuỷ có “Thái cực”, tức là một cái gì cao nhất, to nhất, trước nhất, rất thâm sâu mà trí óc con người không thể nào hiểu nổi (Trần Trọng Kim). Về sau đến đời nhà Tống, chịu ảnh hưởng của Lão tử,  Chu Đôn Di đổi lại lúc ban đầu vạn vật không có gì hết nên gọi là “Vô cực” và từ Vô cực mới sinh ra Thái cực. Thái cực sinh  ra âm và dương, tức là Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh ra bốn hình gọi Tứ tượng. Tứ tượng sinh ra tám quẻ gọi là Bát quái. Xếp tám quẻ này lại thành Bát quái đồ. Từ Bát quái sinh ra 64 quẻ nữa gọi là Lục thập tứ quái. Sau đó 64 quẻ lại sinh ra 4096 quẻ nữa nhưng các sách Kinh Dịch chỉ giải thích tới 64 quẻ mà thôi. Cũng may vì sách của các ông ấy viết dài dòng văn tự lắm, nếu mà viết cả tới 4096 quẻ thì chắc đọc cả đời cũng không hết, ấy là chưa nói đến cái hiện tượng đọc đoạn sau  quên đoạn trước.

Như đã viết ở trên, Lưỡng nghi là hai vạch (hào) âm và dương. Vạch dương liền nhau và vạch âm đứt đoạn : , . Bây giờ lấy một hào dương đặt lên trên hai vạch của Lưỡng nghi xong rồi lại lấy một hào âm cũng đặt lên hai vạch của Lưỡng nghi thì sẽ tạo ra Tứ tượng, như hình sau đây :

Tứ tượng được đặt tên từ số 1 tới số 4 là Thái dương, Thiếu dương, Thái Âm và Thiếu âm. Thái có nghĩa là dày, Thái dương nghĩa là dương thịnh.  Thiếu có nghĩa là mỏng, Thiếu dương nghĩa là dương yếu.  Theo ông Nguyễn Hiến Lê, có sách gọi hình số 2 là Thiếu âm và hình số 4 là Thiếu dương. Ông Nguyễn Duy Cần, trong sách “Dịch Học Tinh Hoa”, giải thích về ý nghĩa của các tượng, thí dụ hình số 2 tức là Thiếu dương: Ở giai đoạn này, âm khí  (vạch trên cao) chưa được khắc phục hoàn toàn mà dương khí (vạch bên dưới) đang bắt đầu tăng trưởng. Tứ tượng giải thích các hiện tượng thiên  văn. Tứ tượng tượng trưng cho Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần (mặt trời, mặt trăng, định tinh và hành tinh. Ngày nay ta hay thấy hình Thái cực đồ trong đó Tứ tượng được vẽ ra như sau:

Trong hình vẽ trên đây, vùng trắng (có khi màu đỏ) là Thái Dương. Trong vùng trắng có vòng tròn màu đen gọi là Thiếu âm. Khi nào Dương suy, Âm sẽ từ từ lớn lên và Thiếu âm trở thành Thái âm trong khi đó Thái dương thu nhỏ lại thành Thiếu Dương. Tương tự vùng đen là Thái Âm và trong đó có vòng trắng là Thiếu dương. Như vậy theo Kinh Dịch, trong dương lúc nào cũng có âm và ngược lại. Cả hai trạng thái âm dương cùng sống hoà quyện với nhau, tức là giao dịch và thay đổi vị trí cho nhau, tức là biến dịch. Tuy có thay đổi nhưng không mất, tức là bất dịch. Đấy là ý nghĩa của chữ “dịch” trong Kinh Dịch. Về ba trạng thái của “dịch”, ông Phan Bội Châu, trong quyển sách “Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải”, cho thí dụ:

Bất dịch : “thiên là trời, trời bao giờ cũng khinh thanh tại thượng”,  “thuỷ là nước, nước bao giờ cũng có chất trôi chảy”. “Bất dịch là nguyên thể”.

Giao dịch: “âm điện giao hoán với dương điện mà sinh điện khí tác dụng; nam tinh giao hoán với nữ tinh mà thành được nhân loại sanh dục”, “Giao dịch là ứng dụng”.

Biến dịch: “gang, chì vốn là giống cố thể , mà bỏ vào lò lửa nấu, hoá thành lưu chất; tằm vẫn là giống nấp, nhưng khi đã vào kén làm nhộng, hoá ra bướm thời thành giống bay”.

Ông Nguyễn Hiến Lê còn nghĩ rằng chữ “dịch” còn có nghĩa là giản dị, xét theo cách bói quẻ quá dễ dàng. Thực vậy, suy luận về chữ “dịch” viết theo chữ Hán là. người Trung Hoa đọc là Yì. Hán Việt có hai cách đọc: đọc là “dịch” có nghĩa là xê dịch và đọc là “dị” có nghĩa là dễ dàng. Người trung hoa nói Kinh Dịch là Yì Jīng nên không biết họ muốn nói “Kinh Dịch” hay “Kinh Dị” hay cả hai .

Ông Nguyễn Duy Cần, trong quyển “Dịch Học Tinh Hoa”, viết rằng ngày xưa chữ “dịch” không viết như ngày nay mà nó giống như hình vẽ một con rắn giống như con kỳ nhông (tắc kè) bên Việt Nam. Qua hình tượng của con kỳ nhông đổi màu tuỳ vào chỗ nó đang ở, ta có cảm tưởng đạo Dịch biến hoá tuỳ chốn và tuỳ lúc. Vì thế ông Phan Bội Châu nói người học Dịch tất phải biết chữ “Thời”.  Tuy Dịch học cốt ở bất dịch nhưng vì chữ thời mà biến dịch. “Một ngày  một đêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ cho đến một tháng, một năm, một thế kỷ, một vũ trụ biến hoá thay đổi chẳng phút nào dừng, thì gian hay biến dịch như thế; nên không gian cũng thường thường theo thì gian mà biến dịch (Phan Bội Châu)”.

Để hiểu lý âm dương, ta có thể nghe theo lời giảng của ông Phan Bội Châu về cái lý của vũ trụ.  Lúc ban đầu chưa có trái đất, chỉ có không khí ở giữa không gian, tức là Thiên, gọi là trời. Trong không khí của trời có hai khí, gọi là Nhất âm và Nhất Dương.  Âm, Dương họp lại với nhau mà tụ lại thành trái đất, tức là Địa.  Đã có trái đất, tức khắc trong khoảng trời đất có Tứ tượng tức là Thuỷ, Hoả, Mộc, Kim cũng gọi bằng Thái dương, Thiếu Âm, Thiếu dương, Thái âm.     

Bây giờ lấy một hào dương đặt lên trên bốn hình của Tứ tượng theo thứ tự 1,2,3,4 hình vẽ ở trên (dương trước, âm sau) xong rồi lấy một hào âm cũng đặt lên bốn hình của Tứ tượng theo thứ tự hình 3,4, 1,2 (âm trước, dương sau) thì sẽ tạo ra tám quẻ (Bát quái), như hình sau đây :


Tám quẻ này là tám quẻ căn bản trong Dịch học, còn gọi là quẻ đơn (Đơn quái). Mỗi quẻ có ba hào, đánh số từ dưới lên cao, tức là ba hào 1,2,3.   Hào ở giữa, tức hào số 2 còn gọi là hào trung là quan trọng nhất. Trong tám quẻ, có quẻ Càn được cấu tạo bởi ba hào dương, tượng trưng cho trời. Quẻ Khôn được cấu tạo bởi ba hào âm, tượng trưng cho đất. Khi ta nói cái lẽ Càn Khôn chính là cái lẽ của trời đất.  Tám quẻ này được gọi  như sau:

Càn, còn gọi là Kiền: Càn vi thiên, có nghĩa là trời, mạnh mẽ, thuộc về đàn ông. Quẻ này có ba hào dương.

Li : Li vi hoả, là lửa chỉ sự sáng.

Cấn: Cấn vi sơn, là núi chỉ sự yên tĩnh.

Tốn: Tốn vi phong, là gió, đi vào.

Khôn: khôn vi địa, là đất, có đức nhu thuận, là đàn bà.

Khảm: Khảm vi thuỷ, là nước chỉ sự hiểm trở.

Đoài: Đoài vi trạch, là đầm lầy chỉ sự vui vẻ.

Chấn: Chấn vi lôi, là sấm chỉ tính động .

Tám quẻ này còn nhiều ý nghĩa khác trong các lãnh vực gia đình, màu sắc, phương hướng, loài vật, v.v.

Từ tám quẻ, vẽ ra hình bát quái. Hiện nay có hai hình bát quái. Hình thứ nhất  cho là do vua Phục Hy vẽ ra được gọi là Tiên Thiên Bát Quái.  Hình thứ hai  cho là do vua Văn Vương vẽ ra được gọi là Hậu Thiên Bát Quái. Hai hình bát quái này được vẽ (theo nguyễn Hiến Lê) như sau:

 

Xin lưu ý, người xưa đảo lộn cách gọi tên các phương hướng. Ngày nay phương bắc là phương nam của thời xưa; phương đông đổi thành phương tây.

Từ hai hình trên, có rất nhiều sách giải thích ý nghĩa đọc rất thú vị nhưng rất dài, độc giả thích tìm hiểu cứ tìm đọc những sách trong phần tham khảo thi rõ.  Hai hình trên không có trong Kinh Dịch. Chắc là do người đời sau đặt ra, có thể vào thời nhà Hán. Tiên Thiên Bát Quái tượng trưng cho vũ trụ hồi đầu và Hậu Thiên Bát Quái tượng trưng cho vũ trụ về sau. Tuy nhiên không có sách nào nói hồi đầu và hồi sau là hồi nào, bắt đầu và chấm dứt ở đâu.  Có sách lại nói Tiên Thiên Bát Quái chỉ những sự việc tinh tú trên trời và Hậu Thiên Bát Quái chỉ những việc ở dưới đất. Nói chúng Kinh Dịch có nhiều trường phái nên nhiều khi các học giả đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, nếu không muốn nói là mâu thuẫn.

Bây giờ từ tám quẻ của Bát quái vẽ ra 64 quẻ mới. 64 quẻ này có thể vẽ căn cứ theo đồ hình Tiên Thiên Bát Quái hay Hậu Thiên Bát Quái. Sau đây là một trong những cách lập quẻ từ Tiên Thiên Bát Quái.

Các quẻ trong 64 quẻ này gọi là trùng quái. Mỗi quẻ có 6  hào, được cấu tạo bởi hai quẻ của Bát quái chồng lên nhau. Thí dụ lấy quẻ Càn chồng lên quẻ Càn ta có một quẻ Trùng quái gọi là quẻ Thuần Càn. Cách chồng quẻ phải có thứ tự và đi theo hình Tiên Thiên Bát Quái. Bắt đầu đi từ quẻ Khôn (hoặc quẻ Càn) vẽ trên hình Tiên Thiên Bát Quái đi ngược chiều kim đồng hồ ta lấy bốn quẻ đơn (quẻ bát quái) là Khôn, Cấn, Khảm, Tốn. Đến đây lại bắt đầu bằng quẻ ở bên trái của quẻ Khôn (bên phải quẻ Càn) trên đồ hình, tức là quẻ Chấn. Từ quẻ Chấn đi theo chiều kim đồng hồ lấy bốn quẻ đơn là Chấn, Ly, Đoài, Càn.  Tổng cộng theo thứ tự ta có được tám quẻ bát quái xếp thành:

Khôn, Cấn, Khảm, Tốn, Chấn, Ly, Đoài, Càn.

Tới đây chưa có quẻ nào trong 64 quẻ được đặt ra . Bây giờ ta bắt đầu lập 8 quẻ đầu trong 64 quẻ. Như đã nói ở trên, mỗi quẻ Trùng quái là do hai quẻ đơn trong Bát quái chồng lên nhau. Để làm việc này, đầu tiên lấy tám quẻ bát quái theo thứ tự Khôn, Cấn, Khảm, Tốn, Chấn, Ly, Đoài, Càn chồng lên quẻ bên trái là Khôn. Lần thứ hai vẫn chồng tám quẻ bát quái lên quẻ kế tiếp là Cấn. Lần thứ ba thì chồng lên quẻ kế tiếp là Khảm. Cứ như thế cho đến quẻ cuối cùng là Càn. Tổng cộng ta có 64 Trùng quái.

Trong 64 quẻ này có 8 quẻ được tạo thành bởi hai quẻ đơn giống nhau chồng lên nhau nên tên gọi bắt đầu bằng chữ Thuần theo sau là tên của quẻ đơn, thí dụ quẻ Càn chồng lên quẻ Càn tạo thành quẻ Thuần Càn; quẻ Khôn chồng lên Khôn gọi là quẻ Thuần Khôn.

Còn các quẻ khác thì tên gọi được cấu tạo bởi ý nghĩa của quẻ đơn bên trên, cộng ý nghĩa của quẻ đơn bên dưới, cộng thêm ý nghĩa của Trùng quái. Thí dụ như đã ghi ở trên khi nói về tám quẻ Bát quái thì quẻ Càn vi thiên, tức ý nghĩa của Càn là trời, dương tính, mạnh mẽ. Quẻ Khôn vị địa tức là đất, tính nhu, âm tính . Quẻ Khôn chồng lên quẻ Càn cho ra Trùng quái tốt lành, cát, hanh nên là Thái như thư thái, thái bình. Quẻ này vì thế được gọi là Địa Thiên Thái. Quẻ Càn ở đây vì nằm dưới quẻ Khôn nên không thể là trời mà là dương. Quẻ Khôn nằm trên quẻ Càn không thể là đất mà là âm. Âm dương hoà hợp mà nên sự lành. Xem hình quẻ Địa Thiên Thái như sau :


Tất cả 64 quẻ Trùng quái đều có 6 vạch, tức 6 hào. Khi nghiên cứu về hào, phải xét từ dưới lên trên. Khi đặt tên quẻ, phải gọi từ quẻ đơn bên trên trước rồi mới đến quẻ đơn bên dưới. Sáu hào trong quẻ gọi từ dưới lên trên là hào Sơ, hào 2, hào 3, hào 4, hào 5 và hào Thượng. Hào 2 và hào 5 còn được gọi là hào Trung và quan trọng nhất.  Quẻ đơn bên dưới được gọi là Nội quái và quẻ đơn bên trên gọi là Ngoại quái.  Như vậy quẻ Địa Thiên Thái trên đây có Nội quái là quẻ Càn và Ngoại quái là quẻ Khôn.

Cho đến đây chúng ta đã tìm hiểu cách thành hình các quẻ từ câu “Dịch có Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát Quái, Bát quái sinh Lục thập tứ quái, v.v”. Nếu chúng ta đếm ra số, ta sẽ thấy có 1 Thái cực, 2 nghi, 4 tượng, 8 quẻ đơn, 64 Trùng quái, 4096 quẻ tiếp theo, v.v. Tất cả các con số này có thể viết gọn lại bằng 2n với n = 0,1,2,3,4,5, …  Có thể là trùng hợp hay có cái gì liên quan giữa Kinh Dịch và Toán học phương Tây?

Nói tóm lại, Kinh Dịch lúc đầu chỉ là một môn học về bói toán. Đến cuối đời nhà Chu, các học giả viết Truyện Dịch bắt đầu đưa Triết học vào Dịch học. Về sau triết học được phát triển mạnh từ thời nhà Hán và được các nho gia thời Tống tiếp tục. Triết lý Dịch học đặt nền tảng trên hai trạng thái âm, dương, dù cho rằng vạn vật bắt đầu từ Thái cực. Âm, dương chỉ là một biểu tượng, cả hai có thể thay thế bằng nhiều khái niệm khác như động, tĩnh; nóng, lạnh; ngày, đêm; mưa, nắng;  mùa màng năm tháng, v.v, giống đực giống cái kết tinh mà vạn vật sinh nở và biến hoá. Ngay cả trời, đất cũng chỉ là âm, dương, giao cảm với nhau mà sinh ra muôn loài. Dịch học quan niệm vạn vật trong vũ trụ đồng thể, có cùng một tính chất, không bao giờ đứng yên, luôn thay đổi  dựa trên ba tính chất, giao dịch, biến dịch và bất dịch. Triết lý Dịch học gồm Vũ trụ quan, giải thích các hiện tượng biến hoá trong vũ trụ, và Nhân sinh  quan, nói về sự tương quan giữa con người.
Dịch học quan niệm loài người do trời đất sinh ra và được hưởng cái đức của trời mà ta gọi là minh đức hay lương tri. Cũng nhờ được hưởng cái đức của trời mà con người được cho là linh hơn mọi vạn vật. Cho nên hậu nho xếp trời, đất và con người thành Tam tài. Nhiều tác giả về Dịch học giải thích tám quẻ Bát quái chỉ có ba hào là tượng trưng cho Tam tài. Tám quẻ ấy hàm chứa rõ ràng những gì con người cảm nhận về vũ trụ gồm trời, đất, núi, đầm, gió và lửa.  Trời có bốn đức là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh nghĩa là nguồn gốc của vũ trụ, làm cho vạn vật hanh thông, thích đáng cho vạn vật, đức chính và bền bỉ. Đất cũng có bốn đức tính là Nguyên, Hanh, Lợi, tẫn mã chi trinh (đức chính và bền bỉ của con ngựa cái). Con người vì đó mà  có bốn đức là nhân, lễ, nghĩa, trí.
Dịch học cốt ở tính trung hoà, làm cái gì cũng không thái quá mà cũng không yếu quá. Bởi tất cả dựa trên quan niệm âm, dương đưa đẩy nhau mà sinh sinh, hoá hoá. Nếu một bên cương quá hay một bên nhu quá tất không thành quả mà còn có khi gây ra tai nạn. Xưa đã có người giải thích hiện tượng động đất là do khí dương cương quá, khí âm cương quá không thoát nổi ra ngoài mà sinh ra địa chấn.
Đạo Dịch yêu chuộng sự sống trên đời, cho đời là vui thú. Khi chết đi thì cái phần lương tri của con người lại bay lên trở về trời, phần vật chất tan đi nhưng khi âm, dương hợp lại, phần minh đức sẽ trở lại. Cho nên sự ra đi chỉ là một sự biến dịch nhưng sự sống thì bất dịch. Tuy âm, dương là hai trạng thái khác nhau nhưng trong dương lúc nào cũng có âm; trong âm lúc nào cũng có dương.  Cái này suy thì cái kia thịnh. Áp dụng vào đời sống, có thể nói trong cái may lúc nào cũng tiềm tàng cái rủi và trong cái hoạ bao giờ cũng có cái may; trong vui vẫn có buồn và trong buồn vẫn có vui v.v.
Dịch học chịu ảnh hưởng nhiều về Nho giáo nên trong Dịch học cũng đề ra các khái niệm nhân sinh nói về cách cư xử của con người từ các vấn đề có liên quan đến sự học vấn, tu thân, gia đình, cha con, vợ chồng, quan nhân, bằng hữu , bác ái, hiếu đễ, đến những quan niệm về chính trị xã hội, tôn quân quyền, thiên ý, dân tâm, v.v.
Đạo Dịch chú trong đến chữ thời và chữ cơ. Chưa gặp thời thì không nên làm. Lúc nào đáng ra làm quan thì ra, lúc nào cần ở ẩn thì về. Gặp thời mà không có cơ hội cũng không nên làm, chỉ đi đến thất bại. Gặp cơ hội nhưng không gặp thời như Từ Thứ gặp Lưu Bị cũng không thành công. Hai chữ thời cơ là như thế.

Bài viết xin ngừng lại ở đây.

Paris 28/04/2020

Phạm văn Vĩnh

Tham khảo:

[1] Dịch Học,  Đạo Của Người Quân Tử – Nguyễn Hiến Lê

[2] Dịch Học Tinh Hoa – Nguyễn Duy Cần

[3] Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải – Phan Bội Châu

[4] Kinh Dịch Trọn Bộ – Dịch và chú giải – Ngô Tất Tố

[5] Nho Giáo – Trần Trọng Kim

[6] Duy Văn Sử Quan – Mạc Định Hoàng văn Chí             

You may also like...

Leave a Reply