Nghiên Cứu Khoa Học Tại Các Quốc Gia Tiên Tiến
Nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật (R&D) là một phương pháp rất hữu hiệu cho việc phát triển xã hội trong nhiều lãnh vực như công nghệ, kinh tế, ý tế, xã hội, văn hoá, v.v. Nhờ có nghiên cứu và phát triển mà tiến bộ kỹ thuật (innovation) mới có thể nâng cao đời sống con người. Sự tiến bộ về khoa học và kỹ thuật là chìa khoá cho tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, tiêu trừ bệnh tật, xoá nạn mù chữ và làm cho mức sống của mọi người ít bị chênh lệch hơn.
Nghiên cứu là một lãnh vực có mục đích tìm ra các kinh nghiệm mới, các phát minh mới, khám phá mới. Lĩnh vực này nghiêng về phần lý thuyết, kết quả của nó không phải là một sản phẩm cho người tiêu dùng. Thí dụ khi một nhà khoa học tìm ra một phân tử có thể chữa được một căn bệnh, khám phá đó chưa được cấu tạo thành một viên thuốc có thể bán ra thị trường. Nghiên cứu là công việc của các trung tâm nghiên cứu, của các trường đại học hoặc của các phòng thí nghiệm trong các doanh nghiệp.
Phát triển là công việc của các kỹ nghệ gia hay doanh nhân, chế tạo ra sản phẩm từ kết quả của một nghiên cứu. Theo thí dụ trên, khi một nhà khoa học đã khám phá ra một phân tử để chữa bệnh, các nhà bào chế thuốc phát triển ra các loại thuốc chữa bệnh, dưới dạng thuốc viên, thuốc nước hay thuốc chích, có bao bì hẳn hoi và mang bán trong các nhà thuốc.
Một thí dụ rất điển hình về tầm quan trọng của nghiên cứu và phát triển là kết quả của công trình nghiên cứu điện tử của nước Mỹ vào thập niên 1960. Các hoả tiễn Mỹ đưa các phi thuyền lên không gian vào thời điểm đó rất nhỏ so với các hoả tiễn không gian cồng kềnh của Liên Sô. Lý do là vào lúc đó, nước Mỹ đã thành công trong việc chế tạo các dụng cụ hay bộ phận điện tử nhỏ bé có kỹ năng tân tiến hơn.
Phát triển kỹ thuật tuy có tốn kém nhưng các nhà sản xuất sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư vì họ biết sẽ gặt được thành quả mong muốn. Trái lại phí tổn của một nghiên cứu còn cao gấp bội vì nghiên cứu là một cuộc phiêu lưu không biết khi nào sẽ thành công. Nhiều khi một công trình nghiên cứu phải bỏ dở vì hết ngân sách. Theo thống kê của các nhà bào chế thuốc, phi tổn để tìm ra một viên thuốc chữa bệnh trung bình tốn một tỷ USD.
Vì nghiên cứu là nền tảng cho các phát minh giúp các xí nghiệp chế tạo ra thương phẩm. Vì thế hai lãnh vực này có liên quan chặt chẽ với nhau. Ngày nay các doanh nghiệp lớn thường hoạt động chung với các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học để hỗ trợ nhau. Doanh nghiệp cần các phát minh mới lạ của giới khoa học và giới khoa học cần tài trợ của các doanh nghiệp để có phương tiện nghiên cứu. Đôi khi có một vài công trình to lớn cần đến sự hợp tác rộng lớn của nhiều nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, thậm chí với sự hợp tác của nhiều quốc gia. Để đạt đến khả năng hợp tác này, thế giới đã phải trải qua nhiều thập kỷ để thay đổi luật pháp và hoạt động thương mại.
Trong một nền kinh tế tự do, dầu muốn dầu không, chính phủ không thể không can thiệp vào các hoạt động kinh tế bằng các biện pháp chế tài, tài chính và thuế khoá. Ưu tư của chính phủ trong một nền kinh tế thị trường là tình trạng đưa đến độc quyền (Trust) của một nhóm xí nghiệp. Trong tình trạng độc quyền, các xí nghiệp toa rập với nhau (collusion) tự quyết định về giá cả bằng cách hạ sản lượng. Tình trạng này dẫn đến nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Độc quyền có nghĩa là sản phẩm không có cạnh tranh. Người tiêu dùng nếu không chấp nhận sản phảm thì không có thể có một sản phẩm khác thay vào. Trong trường hơp đó, nhà sản xuất tha hồ mà định giá hàng hoá và số lượng hàng hoá bán ra. Vì không có hàng hoá cạnh tranh nên các xí nghiệp không bắt buộc phải cải tiến hàng hoá của mình. Tình trạng này đã xảy ra tại Mỹ vào những năm ở cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Năm 1863, John D. Rockerfeller hợp nhất các công ty lọc dầu hoả và các công ty phân phối dầu thành một công ty lớn, Standard Oil. Từ năm 1868, Standard Oil đã trở thành công ty dầu khí lớn nhất thế giới có khả năng kiểm soát thị trường. Doanh thu của Standard Oil được tính gần 1040 tỷ Mỹ kim tính theo thời giá hiện nay. Sự thành đạt này đã thúc đẩy các doanh nghiệp khác rập khuôn để đưa đến General Electric (1892) và US Steel (1901). Như đã nói ở đoạn trên, tình trạng độc quyền dẫn đến hậu quả xấu cho người tiêu dùng và cho nền kinh tế vì giá cả hàng hoá cao cho một sản phẩm không cần có chất lượng. Biện pháp của các nhà lập pháp Mỹ bị đặt trước tình trạng này là làm sao để thị trường có cạnh tranh giữa các nhà sản xuất để hàng hoá vừa có phẩm chất tốt vừa có giá cả phải chăng. Để đạt được kết quả, chính phủ Mỹ đã lần lượt ban hành hai đạo luật chống độc quyền (Antitrust law) gồm Sherman Act (1890) và Clayton Act (1914) . Đạo luật Sherman cấm các công ty không được toa rập với nhau (Collusion) để thao túng thị trường, cấm độc quyền và cấm lạm dụng vị trí ưu thế thị trường (dominant position). Đạo luật Clayton cấm không được phân biệt người mua khi định giá (price discrimination), cấm bán độc quyền và bán nối kết (tied selling), cấm tập trung và xung đột lợi ích đối với bất kỳ người nào điều hành nhiều doanh nghiệp cạnh tranh (competing business).
Nhiều quốc gia khác trên thế giới, trước và sau hai đạo luật Mỹ, cũng đã từng ban hành nhiều đạo luật chống độc quyền. Tại Pháp, hai đạo luật thúc đẩy cạnh tranh thị trường đã được ban hành từ thời Cách Mạng Pháp. Đó là đạo luật Allarde (1791) bãi bỏ các tập đoàn (corporation) và luật Chapelier (1791) cấm một số nghề nghiệp kinh doanh chung với nhau. Năm 1957, sáu thành viên sáng lập Thị Trường Chung Âu Châu gồm Bỉ, Đức, Pháp, Hoà Lan, Lục Xâm Bảo và Ý Đại Lợi đã quy định trong hai điều 85 và 86 trong Hiệp Ước Roma thúc đẩy cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên vì các đạo luật trên nhằm chủ trương một nền kinh tế có cạnh tranh nên cấm các công ty cùng một lãnh vực không được hợp tác với nhau. Điều này đã làm cho việc nghiên cứu khoa học trở thành những công trình đơn lẻ, ngân sách eo hẹp, thiếu trao đổi kiến thức khoa học vì thế việc nghiên cứu thiếu hiệu quả. Nhật Bản là nước đầu tiên vào thập niên 1960 đã nhận ra yếu điểm này và Nhật Bản đã sửa đổi luật pháp để giúp các công ty hợp tác với nhau trong nghiên cứu khoa học.
Kết quả của chính sách nghiên cứu Nhật Bản đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Âu Mỹ về một chính sách nghiên cứu mới ở cấp quốc gia với sự hợp tác giữa các công ty tư nhân. Chính sách mới này vừa giúp tăng phương tiện cho việc nghiên cứu, vừa rẻ tiền cho ngân sách quốc gia, vừa có lợi ích xã hội mà vẫn ngăn ngừa tình trạng một công ty chiếm ưu thế thị trường. Vì thế các quốc gia Âu Mỹ nhận thấy cần phải sửa đổi các đạo luật chống độc quyền (Antitrust law) và tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu. Vì thế vào năm 1984, các quốc gia Âu Mỹ đã đưa ra hai công cụ để thúc đẩy ngành nghiên cứu: công cụ thứ nhất có tính cách pháp lý cho phép các công ty tư nhân được quyền hợp tác với nhau trong lãnh vực nghiên cứu. Công cụ thứ hai có tính cách tài chánh để hỗ trợ các dự án nghiên cứu. Tại Âu Châu, các quốc gia trong Thị Trường Chung Âu Châu (sau này trở thành Cộng Đồng Âu Châu) đã sửa đổi luật pháp quốc gia cho phù hợp với luật Cộng Đồng (Hiệp Úớc Roma, 1957, đã cho phép hợp tác nghiên cứu theo điều khoản 85.3 tuy nhiên điều khoản này cho đến thời điểm này chưa được các quốc gia trong Cộng Đồng áp dụng) và ban hành ở cấp Âu Châu Chương Trình Khung Về Nghiên Cứu Và Phát Triển (Framework Program for Research and Development). Tại Mỹ, Quốc Hội Mỹ đã phê chuẩn đạo luật National Cooperative Research Act (NCRA) nới lỏng đạo luật Sherman Act (1890) và Clayton Act (1914).
Các đạo luật mới cho phép hợp tác nghiên cứu quy định ba hình thức hợp tác:
Hiệp Hội Nghiên Cứu (Research Consortium) : Đây là hình thức quan trọng nhất với sự hợp tác về kiến thức và tài chánh của các viện đại học, trung tâm nghiên cứu và các công ty tư nhân. Các thành viên của hiệp hội có thể đi đến quyết định để thành lập một cơ sở nghiên cứu chung. Mỗi hiệp hội ký kết giữa các thành viên một hợp đồng chung quy định chương trình nghiên cứu, đóng góp tài chánh và kiến thức, vai trò điều hành, thu nhận kết quả phát minh, quyền được phổ biến phát minh trong khuôn khổ đại học, trong luận án tiến sỹ của các nghiên cứu sinh đóng góp trong chương trình nghiên cứu, v.v.
Liên Doanh Nghiên Cứu (Research Joint Venture) : Liên doanh nghiên cứu được định nghĩa trong đạo luật NCRA năm 1984 là “sự liên kết của hai hoặc nhiều đơn vị trong khuôn khổ hợp đồng với mục đích: 1) phân tích hoặc thử nghiệm lý thuyết, 2) phát triển hoặc thử nghiệm các kỹ thuật kỹ thuật cơ bản, 3) sự phát triển thực tế của các kết quả lý thuyết hoặc kỹ thuật cho mục đích thực nghiệm hoặc trình diễn và 4) tích lũy, trao đổi hoặc phân tích thông tin nghiên cứu ” (Department of Justice, Public Law No 98-462).
Thoả Thuận Hợp Tác Nghiên Cứu : Là một thoả thuận giữa hai hoặc nhiều công ty với mục đích cùng nhau hợp tác hoạt động nghiên cứu. Hình thức này bảo đảm tính bảo mật của kết quả nghiên cứu, định nghĩa chính xác các chương trình nghiên cứu, các cam kết pháp lý cùng quyền lợi được các công ty xác định trong một hợp đồng.
Ngoài ba hình thức hợp tác kể trên, các hình thức hợp tác khác đều bị coi là trái pháp luật, đặc biệt là các thoả thuận nhằm chiếm vị trí ưu thế hay có mục đích cản trở cạnh tranh thương mại trên thị trường.
Nhờ vào những thay đổi lớn lao về luật pháp có lợi ích cho việc nghiên cứu mà nhiều công trình nghiên cứu đã được thực hiện và số lượng phát minh được ghi nhận rất cao.
Sau khi một công trình nghiên cứu đã thành công và tạo ra một phát minh. Các nhà nghiên cứu phải có biện pháp để bảo vệ phát minh của mình. Có hai hình thức bảo vệ. Cách thứ nhất là bảo mật phát minh, có nghĩa là dấu kỹ các công thức không cho người ngoài biết. Thí dụ phát minh của hãng Coca-Cola. Hãng Coca-Cola không xin bản quyền nhưng dấu kỹ công thức chế tạo nước uống Coca-Cola. Cách thứ hai là xin pháp luật bảo vệ quyền phát minh. Trong trường hợp bảo mật phát minh, nhà phát minh có thể độc quyền sản xuất và bán thương phẩm vô thời hạn, với điều kiện đừng để phát minh của mình bị người khác lấy mất. Trong trường hợp nhờ pháp luật bảo vệ, thời hạn cho bản quyền (patent, brevet) dành cho nhà phát minh trung bình dài 20 năm. Sau thời hạn bản quyền 20 năm, phát minh sẽ trở thành tài sản chung và các công ty khác có quyền sử dụng miễn phí phát minh để sản xuất hàng hoá. Hiện nay các quốc gia chưa đi đến một thoả thuận để cấp bằng phát minh trên bình diện thế giới. Nhà phát minh muốn phát minh của mình được bảo vệ ở nước nào thì phải làm đơn xin bằng phát minh ở nước đó. Kể từ năm 2003, Hội Đồng Âu Châu đã quyết định cấp bằng phát minh ở cấp độ Âu Châu. Tuy nhiên nhà phát minh nào muốn được một quốc gia nào trong vùng Âu Châu bảo vệ phát minh của mình thì phải xin phép tại nước đó. Sở dĩ có những phiền toái như thế vì vấn đề lệ phí mà các quốc gia thu được hàng năm trong thời hạn bản quyền (20 năm). Năm đầu tiên lệ phí trung bình phải trả cho một bằng phát minh tại Âu Châu khoảng 23 ngàn euros. Tại Mỹ khoảng 10 ngàn euros và tại Nhật Bản khoảng 16,5 ngàn euros. Thời gian được pháp luật bảo vệ dài một năm. Năm kế tiếp nhà phát minh phải đóng thêm lệ phí, ít hơn năm đầu, để phát minh được tiếp tục bảo vệ.
Tham khảo :
[1] Mathieu Manant (2013), Politique de la recherche, Université Paris-Saclay.
[2] Sabine Ferrand-Nagel, Economie de la santé, Université Paris-Saclay.
[3] Statutory Provisions and Guidelines of the Antitrust (Sherman & Clayton Acts) Divisionhttps://www.justice.gov/atr/file/761131/download
[5] National Cooperative Research Act https://www.justice.gov/atr/page/file/1197736/download
[6] David Flath, The Japanese Economy, Oxford University Press https://books.google.fr/books?id=_2DwAgAAQBAJ&pg=PA226&lpg=PA226&dq=Mining+and+Manufacturing+Technology+Association+Law,+1961&source=bl&ots=tVkEjFYCdC&sig=ACfU3U0nMHPCUUCyN-Lmp869hgLZRfzq6A&hl=fr&sa=X&ved=2ahUKEwjn98e44cLsAhUk2uAKHbwMDKIQ6AEwAnoECAQQAg#v=onepage&q=Mining%20and%20Manufacturing%20Technology%20Association%20Law%2C%201961&f=false
[6] Traité de Rome (1957) https://eur-lex.europa.eu/legal-content/FR/TXT/PDF/?uri=CELEX:11957E/TXT&from=FR
[7] F. Lévêque, Y. Ménière (2004), «The economics of patents and copyright », The Berkeley Electronic Press.
Cám ơn Vĩnh đã tham khảo và chia sẻ.
Đúng như Hai Hằng đã viết
“Đề tài hay. Đọc để hiểu hết cũng không dễ, nói chi viết.”