Những Người Khai Hoang

Miền Viễn Tây Hoa Kỳ trước năm 1895, được gọi là “Miền Tây hoang dã”, bởi vùng đất phía tây sông Mississipi còn rất hoang vu. Phim ảnh, truyền hình và các sáng tác văn học Mỹ đã mô tả rất nhiều về những người khai hoang mạo hiểm, chiến đấu cam go nơi vùng đất lạ. Phim ảnh thường chiếu cảnh những người Mỹ bản địa, sĩ quan cảnh sát, những người bắn súng, những kẻ săn tìm, những người đánh bạc, những đoàn xe ngựa căng bạt vải trắng của dân khẩn hoang và đặc biệt là những anh chàng cao bồi, thái độ hiên ngang, khinh khỉnh, uống rượu như nước lã, nhiều kỹ năng, thích phiêu lưu…Thực tế, cuộc đời những người khai hoang Mỹ không hào hùng, mê hoặc như thế. Phần lớn họ phải làm suốt ngày những công việc bẩn thỉu, khó khăn. Khẩu súng trường là phương tiện chống đỡ chính yếu của họ. Vốn khéo léo, lành nghề với cây rìu, cái bẫy và chiếc cần câu, họ dọn những con đường đi, dựng những căn lều đầu tiên bằng gỗ súc và chống trả những người da đỏ bản địa có đất đai bị họ chiếm. Họ siêng năng, cần cù, dọn quang những vùng đất mọc đầy cây to bằng việc đốt gỗ lấy tro làm phân bón, trồng ngũ cốc, rau, quả; sử dụng các cánh rừng để nuôi hươu, gà tây rừng và lấy mật; đánh cá ở những con suối gần nhà; chăm sóc đàn gia súc, một vài con bò, con heo. Những chàng cao bồi là những người cô đơn, quanh năm tất bật chăn thả gia súc tại những hoang mạc mênh mông, hẻo lánh hầu như chỉ có họ cùng với đàn gia súc. Họ ngồi trên lưng ngựa, cô độc rong ruổi qua những con đường bụi đỏ, nơi đó có những chuyến tàu hỏa hối hả băng qua, trốn chạy những tên cướp bịt mặt, những chiến binh da đỏ mặt vẽ rằn ri… Hầu hết họ sống cuộc đời tẻ nhạt, đặt bên rìa xã hội. Sự cô đơn ấy được thể hiện trong nhiều ca khúc và câu thơ buồn bã của cao bồi.

Khu rừng U Minh cũng giống như Miền Viễn Tây, là một vùng đất mới được khai phá khoảng trên 300 năm. U Minh với rừng tràm xanh biếc, ngào ngạt hương tràm, nhưng đầy bất trắc, rừng thiêng nước độc, chướng khí giăng đầy; giữa rừng là nơi sinh sống của sấu, cọp, ong, muỗi, rắn… Thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc nên tính cách người U Minh: cần cù, chịu khó, nghĩa khí, hào hiệp, can trường. Ngày nay, thế hệ hậu sinh đâu biết đến cuộc sống của tiền nhân. Hiếm hoi lắm mới được Sơn Nam kể lại những mẩu chuyện về đời sống hằng ngày của người dân miền Nam cơ cực, vất vả, thiếu thốn trong buổi đầu khai hoang, đánh cọp, bắt sấu, bắt rắn… trong tập truyện “Hương Rừng Cà Mau”.

Từ Rạch Giá đi về phía Nam đến phà Tắc Cậu, qua rạch Xẻo Rô là đặt chân lên vùng Miệt Thứ. Miệt Thứ bắt đầu từ Thứ Nhì (không có Thứ Nhứt) cho tới Thứ Mười Một, là tên chung chỉ vùng đất rộng lớn bao gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang) đến tận huyện U Minh của Cà Mau. Xưa kia nói đến Miệt Thứ, người ta hình dung ngay một nơi xa xôi, hoang vu không người ở. Nơi đây, kênh rạch chằng chịt, ngoằn ngoèo giống như rắn bò. Hai bên bờ cỏ mọc dầy, lá dừa nước sum suê, um tùm, muốn đi qua phải dùng dao rựa đốn vẹt hai bên mới có chỗ trống. Trên là rừng tràm, dưới là dừa nước, dưới nữa là cỏ lác, nên mặt trời ít khi rọi tới, chiều mới xuống đã thấy tối.
“Khách đi đường ngỡ mình lạc lối trong hang, thứ hang thiên nhiên, bất tận. Có tiếng vượn hú. Từ bên này, con vượn bồng con, nắm sợi dây rau câu, lấy trớn đu mình sang nhánh ở bờ bên kia để hái trái rừng. Trái quá chát, vỏ quá dày, vượn nhăn mặt, bực tức ném mạnh. Trái vừng sa vào giữa lưới nhện giăng hờ, lơ lửng. Lưới rung rinh không đứt hẳn; con nhện hoảng hốt, thả sợi tơ dài, sa xuống. Chợt thấy mặt nước, nó toan rút lên. Nhưng trể quá rồi! Con cá bông phóng mỏ theo, táp mạnh… Cá lớn bằng cây cột nhà, vảy xanh vảy trắng thêu từng vòng ngời lên khắp thân mình. No mồi, cá lặn sát đáy, lội nhanh. Bầy cá con hối hả di chuyển theo mẹ, hàng trăm con lấm tấm như rắc cườm đầy mặt nước, mất dạng trong bóng mát đằng kia. Bờ sông im lìm, mặt nước thẫn thờ trả lại bóng dáng hiền hòa của cây chồi mọc sát mé bãi, bông vừng buông thõng xuống từng xâu chuỗi hường, chen lấn, nối tiếp nhau như bức mành mành. Nhánh vừng khó cắn, lá vàng rụng mất hẳn. Ðôi đọt non nhú lên, mỏng mịn, chưa nhuốm được màu xanh vì thiếu nắng, ở xa, trông như những cánh bướm khổng lồ đang phập phồng, ngứa ngáy, chưa đậu yên chỗ là đã chớm bay.” (Hương rừng)

“Ðất này hoang vu từ hồi tạo thiên lập địa. Nghe đâu ông Mạc Cửu tới khai khẩn vùng Hà Tiên nhưng ổng ưa ở vùng biển để lập chợ mua bán, lập sòng bạc. Ruộng bỏ hoang. Thế là ông Mạc Cửu tiêu tan sự nghiệp. Chợ Hà Tiên lần lần sụp đổ. Ông Mạc Cửu ở bên Tầu qua, đem theo nhiều quân sư quạt mo nhưng chẳng ai chú ý tới chuyện làm ruộng. Họ chê đất này ngập lụt. Họ dòm đất này rồi uống rượu, ngâm thơ, bày đặt đủ điều lăng nhăng. Ðất này giáp mí với cái Ðông Hồ. Nghe đâu, mấy ông Tàu nói rằng ở Ðông Hồ, ban đêm có tiên hiện xuống…Ông Mạc Cửu bất tài, không khai thác nổi xứ này. Rồi tới trào này: Tây lắc đầu, chẳng biết làm thế nào để lập làng lập xóm. Bác vật Tây chê đất này phèn, ngập lụt, khó khăn, thiếu kinh rạch, muỗi mòng. Mấy ông điền chủ không them khai khẩn, sợ tốn tiền đóng thuế mà chẳng thâu được huê lợi…” (Ruộng Lò Bom)

Dân khai hoang đến đây làm ruộng và chỉ duy có họ mới biết làm được ruộng ở xứ đất ngập phèn.
“Tư Cồ cầm cây dao dài, đặt nhẹ xuống xuồng. Rồi anh ta cầm cây dầm, bơi ra khỏi chòi chừng vài chục thước, nhảy xuống nước…Nước cao ngang cổ. Hai tay Tư Cồ cầm dao, chém cỏ, chém gốc cỏ dưới nước. Cỏ nổi lên từng giề, vàng lườm màu phèn, trông giống như mấy giề rau câu, hải thảo ngoài biển… Cỏ bị chặt đứt gốc trôi lều bều. Hai tháng nữa, nước giựt xuống. Cỏ đã thúi, trở thành loại phân tốt, rải đầy trên mặt đất. Hai tháng nữa, tức là tháng Hai tháng Ba âm lịch, trời nắng cháy. Vợ chồng Tư Cồ sẽ trở lại đó, đốt cỏ. Rồi gieo lúa giống, lại lúa Xom Mà Ca từ lúc gieo đến lúc trổ bông là bốn tháng.” (Ruộng Lò Bom)

Mùa nước nổi, trâu hết cỏ ăn, người làm ruộng phải di chuyển những đàn trâu lên vùng cao.
[“Chú Tư chép miệng: Không nên cãi mạng trời. Muốn cãi cũng không được. Không lẽ họ giết trâu mình? Trăm con, chết chừng đôi ba con là nhiều. Muốn vững bụng hơn, mình cho thằng Nhi theo coi chừng… Thằng Nhi há miệng ngạc nhiên không dè mùa nước năm nay nó lại được đi du lịch bất ngờ như vầy. Chú Tư hỏi: Muốn đi không mậy? Chặng đầu, họ mới len trâu tới chân núi Ba Thê, mình đuổi theo nhập bầy còn kịp, đây qua đó chừng nửa ngày đường. Lấy cái nóp mới của tao mà đem theo. Dọc đường muỗi mòng, mưa gió nhớ đi theo sát hai con trâu của mình, đừng ham chơi lêu lổng. Nói với tằn khao (đầu nậu, cai thầu) rằng mình chịu đóng cho y mười giạ lúa tiền công len trâu…”
Tháng mười, nước giựt xuống. Ðến cuối tháng, mặt ruộng lộ ra, cỏ non nhú mọc xanh tươi đến tận chân trời.
“Ðêm ấy, quá canh ba, có tiếng kêu vang dội: Ba ơi ba! Má ơi má! Trâu mình nè…Chú Tư, thiếm Tư mừng quýnh, tốc mùng chạy ra: Thằng Nhi về đó, coi dị hợm hơn mọi ngày, máng trên vai một đống gì cao nghệu. Chú Tư xanh mặt. Nó thảy đống ấy xuống đất: Đ.M. chết hết một con. Ðem cặp sừng bộ da của nó về nè! Nặng gần chết. Đ.M. không lẽ bỏ luôn.”
“Chuyến đi len trâu này, đứa con của chú mhiễm nhiều tật xấu nhưng nó khôn lớn hơn, nghe thấy được nhiều việc mà ở nhà chú không nghe thấy. Chú ra sân. Dưới ánh trăng suông, con trâu Pháo bước tung tăng, nhịp móng xuống lớp phù sa mát rượi, đứng trên mặt đất hôm nay mà sao thấy hơi khác lạ hơn mặt đất hôm nao, cũng ở chốn này. Nó hinh hỉnh lỗ mũi như cố phân biệt mùi thơm của cỏ núi hoa rừng với mùi thơm của mùi lúa sạ đang độ chín.”] (Mùa len trâu)

Vùng ruộng sạ này có khác! Bờ bến ở tận chơn trời, không tìm được một căn nhà sàn, một ngọn tre mà nương tựa. Thằng Kim chở ba nó bị bệnh nặng, nhưng chưa đến vùng có xóm nhà thì ba nó tắt thở.
[“Nghe thằng Kim thuật lại hoàn cảnh của cha nó, ông Hai Tích thở dài, gọi bà Hai nấu cơm thêm để thằng Kim cùng ăn. Thằng Kim nuốt không vô; hồi xế trưa đến giờ tâm trí nó bận rộn vì một câu hỏi mà nó không dám thốt ra: “Chôn ba nó ở đâu? Làm sao mà chôn?”.
” Bà Hai gọi ông Hai ra phiá sau. Hai vợ chồng nói qua lại thì thào. Ông Hai trở ra:
– Ý của cháu như thế nào? Miệt này, mùa này ai rủi ro thì cũng vậy. Bác coi cháu như người nhà nên mới nói thiệt. Phải chôn gấp nội chiều nay, lòng vòng chờ sáng mai không lợi ích gì.
– Thưa bác, chôn ở đâu?
– Nói chôn cho đúng tục lệ chớ đất ở đâu mà chôn? Tứ bề là nước. Có hai cách: một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo lên mặt nước, chờ khi nước giựt mới đem chôn lại dưới đất. Như vậy mất công lắm, diều quạ hoành hành. Chi bằng bó xác lại rồi dằn cây dằn đá mà neo dưới đáy ruộng…
– Trời ơi, phải biết vậy, ba tôi đi tới xứ này làm chi…
– Cháu đừng khóc. Trời định vậy. Ở đây ai cũng vậy, người có của, ai tới xứ này? Trách cha, trách mẹ, trách trời là thêm tội. Cháu thắp nhang đi, lạy không được thì xá ba xá. Bác ra tay dùm. Trời chạng vạng, lát nữa tối tăm, khó lắm.”
“Bước ra sau hè để coi bóng mặt trời rồi ông Hai Tích lật đật trở lại phía trước, tay cầm chai rượu. Ông dở cái nón che mặt lão Bích, phun rượu kéo tay chân xác chết ra cho ngay ngắn. Hai chiếc nóp gói kín xác kẻ bạc mạng. Bà Hai vào nhà rút mười sợi dây choại, chuyền xuống. Sau rốt, hai ông bà lum khum khiêng xuống xuồng cái thớt trên của cây cối xay lúa cũ…Ngay bàn thờ giữa, khói hương cháy đỏ. Ý của ông Hai và bà Hai là cầu siêu cho vong hồn người bạc mạng.”] (Một cuộc biển dâu)

Ngày đó, đường xá xa xôi cách trở, đi đâu cũng khó khăn, miền U minh lại càng xa hơn nữa. Nỗi lo lắng của một gia đình khi gã con làm dâu ở xứ xa, coi như mất con, thật là thiệt thòi. Ông Cả ở Bình Thủy tỉnh Cần Thơ lại gã con gái về làm dâu Xứ Cạnh Đền. Nội cái tên nghe cũng dị hợm, cái xứ đĩa lềnh như bánh canh, muỗi kêu như sáo thổi, trời vừa chạng vạng là phải vô mùng để ăn cơm.
[“Thế là tháng chạp năm đó, nhà ông Cả treo bông kết tuội để gả con, giữa tiếng dị nghị của bao chàng trai tơ ở rạch Bình Thủy. Cô Út về làm dâu đất Cạnh Đền.”
Vài năm sau, hai ông bà muốn xuống Cạnh Đền thăm con nhưng ngại mình già sức yếu, đường xa xôi, phải vượt qua sông Cái Lớn. Nằm đêm, lắm khi bà khóc lóc mà trách ông.
“Nhưng ông tin tưởng rằng đứa rể của ông ở vùng Cạnh Đền xa xôi kia, giờ phút này đang cặm cụi làm ăn nhớ cha mẹ vợ, không bao giờ uống rượu nói xàm vì chàng là kẻ có ăn học. Suốt tháng ngày, ông chống gậy đi quanh quẩn bên gốc tre già ở mé sông, mắt mòn mỏi nhìn bóng dáng các ghe thương hồ qua lại… Ông Cả im lặng, nghĩ đến cái ngày gần đất xa trời của mình. Nó không còn bao xa nữa. Ngày đó, ai phò giá triệu, ai rinh quan tài? Nhìn bụi tre già dưới bến mà ông tủi thân: Măng non mọc kề bên gốc. Phận ông có khác; con gái, con rể và đám cháu ngoại ở chốn xa xôi kia làm sao được gần gũi để ông thấy mặt lần đầu – và cũng là lần chót – khi ông tàn hơi. Nước mắt muốn tươm ra, ông cố dằn lại. Ông hiểu đời ông chưa tới mức đen tối, còn chút ánh sáng lập lòe trong tương lai vô biên vô tận:”] (Cô Út về rừng)

Vùng rạch Thuồng Luồng là vùng có nhiều rắn và cũng có nhiều thầy rắn giỏi. “Họ có thể cứu sống nạn nhơn, bảo đảm trăm phần trăm, nếu người bị cắn không để lâu quá hai giờ đồng hồ. Họ dùng toàn thuốc Nam dễ kiếm như gừng, cỏ ống, vôi, trầu, nhựa ống điếu, trứng rệp… Họ lại còn dám nuôi trong nhà vài con rắn để bắt chuột. Lúc họ uống nước trà, rắn nằm vắt vẻo trên đòn dông nhà, nhìn xuống gục gặc đầu. Ðêm nào có trăng thì rắn đi ngao du, lên tận trên đọt lá dừa để bắt chim trong ổ hoặc rình mổ mấy con dơi rượt muỗi bay qua chớp nhoáng…Ba thằng Lợi nổi danh hơn các thầy rắn vừa nói trên. Thuốc của ba nó vò viên sẵn, khỏi tốn thời giờ tìm kiếm. Thuốc ấy mạnh lắm, trừ tuyệt nọc, nghĩa là một hai năm sau đi nữa bịnh nhơn không cảm thấy nhức xương sống mỗi khi lập đông trở về. Phi thường nhứt là có toa thuốc khi thoa vào tay, rắn không bao giờ dám mổ.” (Cây huê xà)

Rộc Lá, ấp Tây Sơn, là con rạch nhỏ ngoằn ngoèo, bắt nguồn từ một gò đất cao giữa đồng, chảy thẳng vào một cái lung, phần đất thấp hơn, đầy những rau muống, cóc kèn, ô rô và cá. Vùng đất mới khai phá nầy được thiên nhiên ưu đãi.
[“Ở Rộc Lá này, cá tôm quá nhiều so với mấy nơi khác trong ấp. Từ tháng mười đến tháng giêng, cá lội từng bầy trở về sông Cái, suốt ngày suốt đêm không ngừng. Ban ngày, cá đi đớp bọt, trắng bờ rạch. Ban đêm thức giấc vào bất cứ lúc nào, ta cũng nghe cá lóc táp mồi, cá trê chép miệng kế bên nhà. Nguồn lợi to tát vô cùng!”
Với kinh nghệm trong đời sống hằng ngày, ông mù – vì khói lửa của trận Âu châu đại chiến kỳ nhứt – nói về chuyện cá ăn câu:
“Cá có hang ở sông Cái. Mùa mưa, cá tìm đường lên ruộng, vào rừng mà đẻ. Bắt đầu mùa hạn, cá bỏ ruộng, bỏ rừng quay trở về hang cũ ở sông. Sự khôn ngoan của con người là chặn chuyến về của loài cá. Chặn cho đúng nơi, đúng lúc. Vào đầu mùa, cá thường ăn mồi khi nước lớn. Giữa mùa, cá ăn lúc chạng vạng, lúc trăng sửa soạn mọc. Hừng sáng, chừng đâm mây ngang, cá trở lại ăn một lần chót. Khó nhứt là chọn nơi để giăng câu. Cá sợ ngọn nước ngoài biển chảy tràn vào sông. Gặp nước mặn, cá hết nhớt ngoài da, con mắt xốn xang, nhưng nơi nước quá ngọt lại ít có cá vì cá chưa đi tới. Cá tập trung nơi lằn ranh nước lờ lợ và nước ngọt.”] (Người mù giăng câu)

Trong rừng tràm, bầy ong thường bay về làm tổ. Muôn ngàn hũ mật như trời ban cho dân U Minh. Mật ong rừng tràm là tốt nhất. Nghề gác kèo ong ra đời từ khi dân khai hoang đến lập nghiệp. Hàng năm, khi hoa tràm nở rộ thì nhiều đàn ong mật bay về làm tổ, và thường làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà, từ đó dân ăn ong nghĩ ra cách làm nhà cho ong, và nghề gác kèo ong ra đời như vậy.
“Sau đôi ba lần theo dõi rồi dừng lại như vậy, Tư Lập bỗng cười vang, múa men tay chưn như đứa trẻ thấy kẹo. Hàng trăm con ong bay chập chờn trước mặt, đáp xuống, vọt lên cao, không dời chỗ. Chú ngóng xem hướng gió trên ngọn cây, ra lịnh cho thằng Kim đứng im rồi chú đi khuất, chập sau mang về một nắm rễ cây gừa. Hộp quẹt bật lửa lên. Nắm rễ gừa ngún cháy, khói bay đều… Chú phồng má thổi mạnh, khói tung bay mịt mù chưa tan là chú thổi thêm lần nữa, chân bước nhanh tới. Hiển hiện sau lớp khói mỏng kia, vật gì lạ thường như một trái cây khổng lổ, lớn bằng cái nia, đen ngòm rực rỡ như nạm muôn ngàn hột thủy tinh chấp chóa…Tư Lập cầm nhánh cây khô gạt mạnh vào ổ, ong rớt xuống cỏ từng mảng, lần lần tan ra. Ổ ong khoe mày trắng tinh như sáp, treo trên khúc cây gác nghiêng – cây kèo…Ðặt dưới xuồng, ổ ong nứt ra, mật vàng tươi chảy đọng vũng. Tư Lập chụp cây dầm, bơi trối chết, lướt qua sậy, qua năn. Thằng Kim cúi đầu sát ván, nhắm mắt, e nhánh hai bên quật nhằm. Nó cười tươi khi thấy mái chòi hoang hiện ra trước mặt, Tư Lập trao cây dầm cho nó thò tay xé tàn ong” (Hương rừng)

Dân khai hoang lam lũ, nhưng cởi mở, lạc quan cũng biết tự làm vui mình bằng những câu vọng cổ cũng như khoái xem hát bội.“Mỗi mùa, thay vì dành ba chục ngày để phát cỏ, giờ đây nhờ phép nhiệm màu của thầy Quít, họ chỉ cần ra sức bốn năm ngày là xong chuyện. Mấy mươi ngày còn lại, họ tha hồ đờn ca vọng cổ” (Đóng gông ông thầy Quít).
[“Vùng đất lúc bấy giờ hoang vu lắm sấu lắm cọp, “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” có ai dám bơi xuồng ban đêm bao giờ! Đằng này, dân mình hồi đó còn nghèo lắm, ruộng chưa hết phèn, đình chưa cất, hương chức làng chưa có…Bởi vậy chỉ có hát bội là cách giải trí độc nhất của người đi khai phá đất mới.”
Họ mời gánh hát bội đến hát, nhưng phải nuôi cơm toàn ban nam nữ, phải cất rạp sẵn…Sân khấu được dựng lên giữa rừng. “Chung quanh sân khấu nọ, mình xốc cừ làm vòng thành, gốc cừ này khít gốc kia chừng một gang tay. Ai muốn coi cứ việc bơi xuồng vô vòng rào nọ. Xong xuôi đóng cửa lại. Cọp phải bơ vơ ngồi trên bờ rạch. Sấu thì đành ngóng mỏ, ngoài vòng. Trong này, mình ngồi trên xuồng mà coi sáng đêm ăn thua. Tuồng Tàu dài lắm.”
“Lần lần, dân chúng thỏn mỏn về số gạo đóng góp nuôi đào kép. Ba chục ngày là ba chục vùa gạo!”
Và rồi gánh hát ra đi.
“Nhưng chưa hết, vì còn mấy ông cọp nọ. Có lẽ mấy ông mê hát bội hơn loài người. Chừng một hai tháng sau, cái sân khấu nọ tốc nóc, bao nhiêu nọc tràm làm hàng rào đã lung lay ngả nghiêng trên dòng nước, chừng đó người ta thấy một đôi ông cọp thường tới lui ngồi cú rũ dưa gốc cây gừa bên bờ rạch. Nhất là đêm có trăng, mấy ông le lưỡi dài thòn, như nhớ tiếc bao nhiêu con mồi ngon, bao nhiêu tiếng kèn tiếng trống. Biết đâu về sau này mấy tiếng “coi hát cọp” là do sự tích của mấy ông hồi xưa không chừng!”] (Hát bội giũa rừng)

Người Khơme và dân khai hoang sống chung thân thiện với nhau. Họ cũng hào hứng tham gia sinh hoạt hội hè.
[“Thiên hạ đồn rằng lục cụ Tăng Liên có phép mầu nghe được tiếng chim kêu, gió thổi và nghe cả đến tâm sự từng giọt nước, từng hạt bụi trong lòng đất… Ngày hôm qua, theo sự hướng dẫn của cụ, chú phó hương quản Hem đã đào được một chiếc ghe ngo. Không biết ghe này chôn vùi từ bao lâu rồi; chỉ biết là đất phù sa đã lắp lên gần một thước. Lục cụ Tăng Liên bèn thắp nhang giữa ruộng, đọc kinh lâm râm… Ðem ghe ngo của nhà chùa để đua, ăn mừng một ngày lễ chẳng liên quan gì đến dân mình nghĩ cũng khó xử thật. Không tham dự là chống lại với nhà nước Lang Sa, còn tham dự thì mất cả ý nghĩa thiêng liêng. Lục cụ bước ra khỏi liêu, đi vòng qua trại lá để ngắm chiếc ghe ngo. Cụ nói : Ðua thì cũng được. Ngặt mình không sửa soạn trước. Rủi thua thì mất danh xóm này. Phải bào lại cho láng, sơn hai lớp thật kỹ. Chú phó hương quản biết không? Ghe không trơn láng đi chậm lắm, dầu mình cố sức bơi. Cẩu thả như thế này…”
“Chiều hôm đó, tiếng hát vang dậy, tiếng cồn nhịp nhàng đưa đến ngày một gần. Lục cụ đoán đó là điềm chiến thắng. Cụ rửa mặt, lên chùa thắp nhang để tạ ơn đức bên trên.”
Quả thật, toán đua ghe của chùa thắng giải nhất được ông Đốc Phủ ban thưởng một lá cờ tam sắc. Lục cụ buồn buồn nói: “Thôi. Mình cứ lấp đất lại cho chiếc ghe đó yên thân, khỏi bận hồn người xưa. Nay mai, vài chục năm nữa, chiếc ghe của chùa mình cũng vậy. Vạn vật đều biến đổi. Duy có nụ cười của đức Quan Âm bốn mặt… Bốn mặt của Ngài nhìn bốn phía để cứu khổ chúng sinh, khuyên ai nấy trầm tĩnh vì sự đời mãi đổi thay, thay đổi.”] (Chiếc ghe Ngo)

Trong nhóm người đi khai hoang, thỉnh thoảng xuất hiện nhiều nhân vật độc đáo, có những tài năng nổi bật riêng, như chuyện người đi bắt sấu.
“Tới ao sấu, ông năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ông với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ bờ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi ông biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc. Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời ông năm Hên chạy lại. Sấu hả miệng hung hăng đòi táp ổng. Ông đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại dính chặt hai hàm răng như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn muốn hả miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sấu bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm xách cây mác nhằm sau lưng sấu mà sắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình…” (Bắt sấu rừng U Minh Hạ)

Ngày xưa để có gạo ăn, người ta giã lúa thành gạo, một việc làm khó nhọc. Để đỡ cực hơn, người ta xay lúa thành gạo. Hằng năm mùa Tết ông Năm ở hòn Cổ Tron vô đây xay lúa mướn.
[“Qua tháng mưa, ổng thất nghiệp trở về hòn; ổng đui hết một con mắt, nói chuyện sành sỏi, nghe ngộ lắm.”
“Vùng rừng bùn lầy, khai thác chưa xong, làm sao họ nói đến tiểu công nghệ? Chú phó hương quản mải lục soát trong trí nhớ. Làng gồm bốn ấp, tháng Tết rảnh rang, ai nấy bỏ nhà đi chơi. Ấp Ðông Bình, sát mé biển chuyên về chài lưới; thường thường mấy tay khá giả ở đó đi ghe ra chợ Rạch Giá đánh me, đánh vố. Hết tiền thì họ ngồi nhà mà đờn ca vọng cổ hoặc nói chuyện tiếu lâm. Hồi mùng ba Tết, chú phó hương quản đến đó một lần, họ kéo chú lại bắt ép uống rượu đến say mèm rồi mới chịu thả ra. Vui quá! Lại còn “ông Năm xay lúa” từ ngoài hòn Cổ Trơn vào xay lúa mướn! Thiên hạ bao vây ổng, hỏi han rối rít. Cái ông già này mới cừ khôi, đứng xay từ hừng sáng tới mười giờ đêm mà không nghỉ tay, sắc mặt luôn luôn tươi rói. Bất chấp Tết nhứt, ông ra nghề từ bữa mùng bốn, xay lúa ròng rã tới hôm nay, ai cần thì cứ gọi ông đến cho vui nhà vui cửa.”
Và nghe ông già Năm vừa xay lúa vừa nói chuyện thời tiết:
” Dạ, lệ thường mặt trời mọc hướng Ðông lặn hướng Tây. Nhưng gần sa mưa hay gần Tết thì mặt trời đi xéo. Vì vậy ngày và đêm không đều, “tháng năm chưa nằm thì sáng, tháng mười chưa cười thì tối”. Từ Ðông Nam hồi về Tây Bắc, tức là bài ca vọng cổ muốn nói lúc tháng mười; ngọn gió đó là gió Tết. Mặt trời ít khi đi ngay hướng Ðông Tây, thưa cậu.”] (Ông già xay lúa)

Có một ông bác vật đến Xẽo Bần ở, mọi người sẳn sàng chào đón ông mà không hề thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Tại đây ông bác vật dạy họ cách làm xà bông.
[“Lúc này Nhựt Bổn đánh giặc với Ðồng Minh. Ðường giao thông tiếp tế bị ngăn cản. Vì vậy, thiếu xà bông. Giá xà bông từ hai cắc một kí lô đến sáu cắc. Nay mình chế tạo xà bông bổn xứ, bán chừng bốn cắc thì thiên hạ xúm lại giành mua như tôm tươi, mặc dầu xấu hơn chút ít!
– Ở Xẽo Bần nầy, làm sao đủ vật dụng?
– Sao không đủ! Mình cần dùng có hai món: dầu dừa với nước tro. Dầu dừa đã sẵn sàng: Ra Hòn Tre mua dừa khô về thắng lại. Nước tro thì nào là tro than đước, tro bẹ dừa, tro cây mắm. Nhứt là câu mắm, mọc đầy bãi biển, tro nó mặn hơn hết và rẻ vốn hơn hết…
– Số 32, bà con thấy chưa. Bây giờ tôi đổ nước lạnh từ từ. Nước tro bớt mặn, ống thủy nổi không phải ngay số 32 mà thấp hơn: con số 31, 30, 29. Phải mặn đủ chữ nước tro mới hiệp với dầu dừa để thành xà bông. Bằng không hai thứ ấy cứ lỏng bỏng. Ống thủy này bây giờ mắc lắm, bên Tây không còn gởi qua được. Bí mật của nghề làm xà bông là vậy… Thôi, mai này bà con lại đây, tôi nấu thử cho coi.”
Xóm Xẻo Bần học được nghề làm xà bông của ông bác vật. “Bao nhiêu xà bông sản xuất ở ngọn Xẽo Bần được tung ra khắp thị trường miền Hậu Giang. Cạnh tranh có hiệu quả với loại xà bông chế tạo bằng tro dừa ở Bến Tre vì tro cây mắm ở đây mặn hơn. Mỗi khi đi bán từ xa trở về, họ không quên mua tặng cho dượng vài gói trà Kỳ Chưởng.”] (Bác vật xà bông)

Người khai hoang sống hòa hợp, gắn bó với nhau, sinh động trong suy nghĩ và hành động rất cụ thể, chân thành, hào sãng, chấp nhận lãnh đủ bốn cái ngu của đời trong câu nói: “ Ở đời có bốn cái ngu / Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”
“Ông Hai Kiểm xụ mặt, tưởng tượng đến những hậu quả tai hại mà ông gánh lấy. Chính ông đã làm mai mối cho Tư Hưng cưới vợ. Bên gái đòi một đôi bông búp, hai chiếc vòng đúng một lượng vàng. Vì muốn tác hợp cho hai trẻ là người dưng nhưng ông Hai Kiểm vẫn làm gan lãnh nợ, vay dùm cho gia đình Tư Hưng số tiền khá to. Chủ nợ hỏi: Rồi làm sao vợ chồng nó đủ sức
trả? Ông Hai Kiểm đáp :Vợ chồng nó sẽ nuôi heo nái, bán heo con lần hồi.” (Bốn cái ngu)

Vùng đất hoang dã, nhưng vẫn giữ được nét nên thơ, mang nét đặc trưng của một vùng sông nước bình yên. Những con người sống ngay thẳng, trọng nghĩa khinh tài, có chí tang bồng, có chiều sâu cảm xúc. Tình người nồng thắm, lúc nào cũng sẳn sàng kết bạn tri kỷ, một thứ tri kỷ nói ít hiểu nhiều.
[Làm báo thì cần nhiều trí óc lắm phải không thầy phái viên? Tiếc là hồi nhỏ cha tôi chết sớm. Hồi đó, ổng làm thầy giáo cũng đặt thơ bát cú, tứ cú. Cha tôi chết, má tôi giữ mấy pho sách, dạy lại tôi. Ðó là sách Quốc Văn giáo khoa thư, thầy còn nhớ không?
– Nhớ chớ. Làm sao mà quên được! Hồi nhỏ tôi hớt “ca rê”, tay xách tòn ten bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.
Tư Có nói: Chắc là thầy muốn nói bài “chốn quê hương đẹp hơn cả” chớ gì?
Rồi chú đọc một hơi: Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: ông đi du sơn du thủy…
– Ðó đa! Ðó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá… Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương… từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan… Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đống áo dài.
– Thì hình nào cũng khăn đống áo dài. Trừ ra cái hình thằng nhỏ chăn trâu cầm roi: ai bảo chăn trâu là khổ… Không, chăn trâu sướng lắm chứ.
Thầy phái viên phụ họa theo như cùng hợp xướng:
– Ðầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như voi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượng trên đám cỏ…] (Tình nghĩa giáo khoa thư)

Hòn Cổ Tron trong quần đảo Nam Du, là một hòn đảo hoang sơ, có nhiều huyền tích xưa. Ở đây, người ta bắt gặp một nhân vật kỳ bí như trong cổ tích. Ông ta sống phóng khoáng, tự do.
“Ông Từ Thông ra hòn Cổ Tron cất chòi mà nương náu không biết từ bao nhiêu niên kỷ rồi. Tóc của ông lốm đốm bạc, khi thì thả dài xuống khỏi lưng quần. Khi thì bới thành búi to sau ót, gài lại bằng một cọng gai kim quít. Một bộ quần áo nghĩ cũng hơi dư mặc đối với ông! Nhiều khi năm ba tháng liên tiếp ông phơi lưng trần với nắng, bên mấy gốc săn đá cổ thụ, lá cành xơ xác vì những cơn gió triền miên của biển khơi. Khi trời nực thì có những khe suối trong veo đón mời. Ông cứ ung dung mà uống, mà tắm một cách tự nhiên, vô tình khuấy rối giấc mơ của đàn bướm trắng đang xao động bay lên chập chờn như muốn rời mấy nhánh mai hoằng lơ thơ cúi nghiêng mình chấm mí nước…Ông Tư Thông cơ hồ quên cả loài người và loài người cũng hầu như quên rằng mình có một đồng lại ở ngoài mỏm đá chơi vơi kia. Ðiều ấy, chúng ta không nên trách ai cả, chẳng qua là… hải giác thiên nhai.” (Hòn Cổ Tron)

Có những nhân vật kỳ lạ cho nên cũng có những mối tình lạ kỳ. Không chỉ là câu chuyện tình đẹp, mà còn là mối tình lãng mạn, đơn phương của dì Bảy.
[“Có qua đây, dầu vô tình đến cách mấy đi nữa họ cũng phải chú ý đến một cái tên, hay nói đúng hơn là một giọng hát: giọng hát của con Bảy đưa đò. Nó xa lạ nhưng quen thân, ấm áp. Khi cất lên thì nó cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao lấp lánh, giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả dòng sông, chuyển rung mặt nước dẫu khi thuyền đã xa khuất. Nó trở thành một lớp mù sương mờ ảo che lấp bóng dáng người hát. Khách ngẩn ngơ nhìn theo không còn thấy gì nữa, tâm trí bâng khuâng giữa cảnh sông rạch âm u với nhánh “bần gie con đậu sáng ngời”.
Rổi một hôm Con Bảy đưa đò gặp một người khách lạ. Duyên may, một đời chưa chắc gặp hai lần. Nhưng người khách lại nói: “Cô hò đã hay mà lại có duyên. Tôi còn biết gì mà dạy thêm. Họa chăng chỉ có một tấm lòng này…”
“Một tấm lòng!” Con Bảy mãi suy nghĩ về ba tiếng đó, chừng giựt mình nhìn lại thì chàng đã khuất dạng trong lớp sương khuya.”
“Bây giờ, con Bảy đưa đò đã già; người ở chợ Vàm lại kêu bằng dì Bảy đò. Cứ mỗi sáng, dì ngồi đó nhưng tâm trí bâng khuâng theo câu hát nói trên. Chàng trai trẻ năm xưa như con nhạn bay xa. Phận của dì ví như con le bơi lội lẩn quẩn trong ao hồ nhỏ hẹp. Mấy năm rồi, dì không còn đưa đò nữa. Ngang kinh Xáng đã có cây cầu sắt. Trên, xe hơi chạy. Dưới, tàu đò đưa. Ngay tại Vàm, xóm nhà cũ lần lần tản ra, nhường chỗ cho một nhà lồng chợ.”] (Con bảy đưa đò)

Còn lạ kỳ hơn nữa, câu chuyện tình của cô gái thuộc dòng hoàng phái sống bên cội hoàng mai cổ thụ trước sân. Ông hương giáo về sống ở U Minh, chuốt tre đan giỏ độ nhựt, nhưng con gái mắc bệnh nan y – bệnh cùi, cần phải lấy mật của ong ngủ sắc luyện ngọc làm thuốc chữa bệnh. Tư Lập một tay khét tiếng nghề ăn ong được ông hương giáo nhờ lấy mật ong đem về.
[“Chú bán tín bán nghi vì thấy “ngọc” chỉ là mớ nhụy bông quến lại thành ké mà loài ong dự trữ bên góc ổ. Từ đấy, ông hương giáo mời Tư Lập ở luôn trong nhà cho có bạn. Ngày đêm, ông chong hàng chục ngọn nến bạch lạp chung quanh mớ “ngọc” để luyện, hy vọng rằng khi đúng một ngàn ngày nó sẽ trị được bịnh nan y của Hoàng Mai. Tư Lập như không chú ý đến điều vô lý đó, cứ ra vào nhìn trộm hình dáng giai nhân rồi nằm trằn trọc… mãi đến một đêm nọ, chú nghe hơi thở nào ấm nồng, nhồn nhột sau gáy…Cảm động làm sao! Ngạc nhiên làm sao! Khi níu cái chéo tay áo của người đẹp. Một mùi hôi hám từ trong tay áo bay ra. Tư Lập thấy rõ ràng bên trong: ngón tay của nàng rụng mất hồi nào, chỉ có năm cuộn vải nhỏ vấn khéo léo thay thế…Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ong nữa. Hàng trăm tấm kèo bằng cây mun, chú giao lại cho ông hương giáo. Chú về ở Long Xuyên. Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến thì vui. Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại thì không được.”
Chú lại trở về lấy mật ong cùng với thằng Kim và sai nó đem mật ong cho hương giáo sau khi chú kể câu chuyện tình của chú.
“Nghe xong thằng Kim đi từng bước chậm rãi đến nhà ông hương giáo. Câu chuyện tình của Tư Lập hãy còn lâng lâng trong trí nó. Gió chiều nhẹ thổi. Mùi bông tràm ngào ngạt. Nó nhìn từng gốc cây, lắng nghe từng tiếng lá trở mình mà khoan khoái trong lòng. Rừng U Minh này đối với nó cơ hồ không còn gì là bí mật khó hiểu nữa.”
“Ðến nhà ông hương giáo, nó được thết đãi cơm nước tử tế. Ông hương giáo không nói chuyện nhiều. Nó nói dối rằng… chừng lát nữa Tư Lập sẽ đến. Nhưng Tư Lập có đến đâu!…
Sáng hôm sau, thằng Kim từ giã ông hương giáo rồi đến ngồi bên mé rạch. Bông vừng tươi thắm, cây cối hai bên bờ giao đầu lại, mát mẻ. Nó chờ đón bất cứ xuồng ghe ai, đi về đâu cũng được, để quá giang. Sau lưng nó, trên thềm nhà, trong bóng mát, hình dáng của Hoàng Mai với đôi mắt và mớ tóc trùm kín trong chiếc khăn. Chiếc tay áo của nàng lòng thòng che khuất mấy ngón tay, từ từ nâng lên như tiễn đưa một hình bóng…”] (Hương rừng)

Vùng đất U Minh ngày xưa được hiểu là xứ đen tối, mù mịt. Cuộc khai hoang quyết liệt, cam go, phức tạp, nhưng cũng rất anh hùng và đầy tự hào. Có quá nhiều huyền thoại nơi “sơn cùng thủy tận”. Có những câu chuyện thật đến tê tái lòng người. nhiều người lưu lạc rày đây mai đó, sống bằng nhiều nghề khác nhau như: làm ruộng, bắt cá, nuôi ong, thầy rắn, thầy thuốc, đở đẻ, đưa đò, kiếm củi, len trâu… và đặc biệt hơn hết là nỗi đau đớn, xót xa không biết gửi thân xác ở đâu trên con đường khẩn hoang. Nhiều người tài năng phi thường, như tài bắt sấu, tài lấy mật ong, tài phán đoán thời tiết, tài phát cỏ… Điều đó cho chúng ta thấy bản lĩnh kiên cường của những người đi mở đất, không trốn chạy, sẵn sàng đối diện với những nguy hiểm; đa số, họ đều có một tâm hồn, phẩm chất tốt đẹp. Trong quá trình chinh phục vùng đất mới, không biết đã có bao nhiêu con người đã ngã xuống, đã mất mát và gặp biết bao nhiêu nỗi đau, bao nhiêu bi kịch. Họ mất đi, nhưng vùng đất khai khẩn vẫn còn mãi cho thế hệ mai sau.

 

Lê Tấn Tài

Tai Le

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply