TÌM LẠI THỜI GIAN



Khi lạc-lõng giữa xứ người xa lạ, bận rộn với học hành, làm việc, gia-đình…không có thì-giờ để nghĩ ngợi vơ vẩn, thường ai cũng nghĩ là cuộc đời chỉ nên hướng về phía trước để chuẩn bị cho ngày mai với đầy những cố gắng gian truân! Khoa-học giả tưởng có thể cho người ta được sống trong tương-lai hay trở về quá khứ, nhưng trong trường hợp nầy, chúng ta thật sự đã tìm lại được thời gian quý-báu mà chúng ta tưởng đã mất rồi!

Vì kỷ niệm xưa đã bừng dậy cả một thời thơ ấu đáng yêu khi chúng ta nhìn lại những hình ảnh của chính mình thời học sinh hay của Thầy cô, bạn bè, người quen khi xưa chung một mái trường…Thời học-sinh trung-học có thể nói đó là một thời đáng nhớ nhất, vì học sinh đang ở một lứa tuổi còn non trẻ, lại chuẩn bị để trưởng thành, mà sự dìu dắt của Thầy Cô là một sự cần thiết và vô cùng quan trọng trước khi bước vào đời. Khi đọc những cảm nghĩ của những người thân nhưng ở thật xa, ta lại tưởng nhớ ra những khuôn mặt thời bé thơ… đôi khi cũng thấy mình như trẻ lại thật kỳ-diệu vì ai nấy giờ đây cũng mấy chục tuổi đời. Tự nhiên cảm xúc dâng lên và thấy lòng ấm lại! Rồi những hoài niệm xưa tưởng đã vùi chôn trong ký-ức lại từ từ hiển hiện… bên cạnh những niềm vui, cũng có những nỗi buồn! Nhưng biết chắc là tất cả đã trải qua hết rồi nên ta sẽ thấy lòng an bình trở lại. Nhớ về những niềm vui để lòng phấn chấn, ôn lại những chuyện buồn để tự suy xét và rút thêm kinh-nghiệm. Kể ra đó cũng là một quá trình cần thiết để thành người hôm nay. Biết mình, biết người, và hiểu đời thêm cũng thật là một điều đáng quý!

Có thể đó chỉ là những suy nghĩ duy lý và đơn giản như là ôn lại kỷ-niệm xưa để giải buồn cho qua ngày tháng như bao nhiêu người đã nghĩ khi vào Website của trường xưa. Nếu không có những trao đổi trên Email Group (Diễn-đàn THTD) và những cuộc gặp-gỡ trực tiếp với những thành-viên (Thầy trò, bạn bè ) thì có lẽ cái duy lý cũng ngừng ở một chỗ nào đó chứ không thể tiến xa nữa để đến tầng trên cao là giá trị tinh thần vì ở đó ta được gặp lại ta, nhìn lại những người khi xưa còn thơ trẻ mà bây giờ lại ở một trình độ già dặn hơn vì Thầy Cô cũng như học trò đều đã đến mức độ trưởng thành quá đủ để thấu hiểu nhau và thông cảm nhau sâu đậm hơn. Ta mới thấy ta thật sự đã trưởng thành chưa? Để thử đánh giá xem thời-gian qua đã thay đổi con người như thế nào! Để biết được tâm hồn chính ta hay những người khác trải qua thời-gian dài ra sao? …đó cũng là một điều vô cùng thú vị!

Ta cũng tìm thấy được một tình cảm gắn bó với Thầy Cô dù khi trước phải nghiêm khắc trong khi giảng dạy giờ đã thành ra dễ-dãi. Những người bạn thật gần gủi nhưng không dám làm quen khi xưa, bây giờ thời gian xa cách quá dài đã trở nên xa lạ nhưng nhận ra ngay chỉ qua vài câu nhắc nhở. Với những bậc đàn anh đàn chị lúc trước không biết nhưng bây giờ lại liên kết với nhau bằng một sợi dây khắn khít “THTĐ” mang cho ta một cảm giác thật yên bình khi chung quanh toàn là những tình thân. Trong xã-hội đầy nhiễu loạn, bước vào một môi trường không có những ganh tỵ nhỏ nhen ấu trĩ, mọi người đều thông cảm thương yêu lẫn nhau trong tinh thần hiếu biết, trong những giây phút quý-giá còn lại của cuộc đời… thật là một diễm-phúc lớn lao!

Tôi đã nhận được diễm-phúc đó khi lần đầu họp mặt THTĐ ở Bắc Cali. Bước chân vào nhà Thầy Tuấn ở San Jose, dù chung quanh tôi toàn là nhưng khuôn mặt xa lạ trong hiện tại nhưng phút chốc bỗng trở thành thân quen! Khoá trẻ hơn và bạn cùng khoá thì vui vẻ chào đón, bậc đàn anh đàn chị thì chân thành hỏi han chăm sóc, lo lắng tận tình từ bày biện buổi tiệc cho đến giờ phút chót lãnh phần chùi rửa, dọn dẹp, không chút nệ hà… Còn các Thầy Cô dù không dạy trực tiếp hoặc không thể nhớ hết học trò nhưng tình cảm dành cho tất cả học trò vẫn rộng rãi, bao-la…Trong cuộc đời tôi, cho đến giờ phút đó, chưa có một cuộc gặp gỡ nào chớp nhoáng mà lại biến nhanh ra thân tình như vậy! Ôi một hạnh phúc thật bất ngờ cứ tưởng như trong mơ! Tôi đã mang theo niềm hạnh-phúc đó cho những chuỗi ngày tiếp theo để đối phó với cuộc đời một cách dễ chịu hơn…

Cho đến hôm nay, tôi lại có dịp đi về miền nam Cali để đến thăm thầy Đăng, một vị Thầy mà ai cũng nhắc đến với tình thương mến. Một số anh chị em THTĐức thân thương cũng dành thì giờ ghé thăm! Thầy Đăng đã may mắn và giữ được một sức khoẻ tốt để có-thể lo-lắng cho mọi người rất tỉ-mĩ. Tôi có cảm giác Thầy đã chăm sóc học trò bằng đôi tay của một từ-mẫu. Chúng em đa số đã không còn cha hay mẹ, Thầy đã cho chúng em tình thương cao quý qua những buổi dậy sớm để chuẩn bị những món ăn ngon và bổ-dưỡng cho học-trò (mà lẽ ra là Trò phải nấu ăn cho Thầy). Sau đó, từ những trái táo, trái chuối lát mỏng, Thầy đã cặm cụi sấy khô cho vào từng túi để học trò mang về lai rai dọc đường! Một sự chăm lo quý-giá mà em nghĩ rằng từ khi cha mẹ mất đi, em không bao-giờ còn hưởng được! Ở nơi đất nước xa lạ nầy, khi mà văn hoá cổ truyền của người Việt-Nam còn ràng buộc người đàn bà thì dù vất-vả ngoài xã hội nhưng vẫn phải quán-xuyến chuyện nhà thì em đã chấp nhận rằng mình không còn diễm-phúc được ai chăm lo nữa. Khi nhẩn nha những miếng táo khô dọc đường, em đã không phải buồn ngủ trên quãng đường dài lái xe, nhưng đôi lần em phải dụi mắt vì cảm-động! Thầy ơi! Sao lại có người Thầy tốt với tất cả mọi người như thế nầy? Cầu mong trời luôn cho Thầy khoẻ mạnh để đừng có một ngày, chúng em phải khóc như khóc mẹ mất lần thứ hai!

Đúng như lời chị Minh-Phượng đã nói: Thầy sẽ mãi an-lạc như một vị tiên ông! Để học trò như một đàn chim rủ nhau tìm về tổ ấm! Đó cũng là lời cầu nguyện của chúng em cho tất cả Thầy Cô THTĐức, vì công ơn và tình thương của Quý Thầy Cô đối với học trò, mãi mãi sẽ là những cánh cửa rộng mở để đón nhận chúng em trở về dù không được dưới mái trường THTĐức, nhưng là trong đại-gia-đình Trung-học Thủ-Đức thân yêu!

HỒNG-NHUNG

Nghe bài đọc