Phim Ngắn

PHIM NGẮN

Lê Tấn Tài

 

Phim ngắn khá gần gũi với mọi người nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay, môi trường Internet chính là mãnh đất màu mỡ nhất để lưu trữ và truyền tải một cách mạnh mẽ những tác phẩm của các nhà làm phim độc lập, những nhà làm phim trẻ…
Thể loại phim ngắn (short films) hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng và thống nhất. Người xem phim thường hình dung phim ngắn một cách chung chung. Nếu như một phim truyện (feature films) thông thường có thời lượng tối thiểu khoảng một giờ thì thời lượng của một phim ngắn thường phải ngắn hơn dưới 60 phút. Hiện nay, việc phân định thời lượng thành 3 xu hướng chính:
– Thứ nhất, định nghĩa phim ngắn như một thể loại có độ dài từ 15 phút trở xuống, nghĩa là bằng với những phim ngắn thời điện ảnh xưa.
– Thứ hai, thời lượng của phim ngắn được giới hạn trong vòng 30 phút trở xuống. Quan niệm này khá phổ biến.
– Thứ ba, xu hướng được công nhận nhiều nhất bởi các tổ chức liên hoan phim và giải thưởng danh tiếng trên thế giới, định nghĩa phim ngắn như một thể loại có độ dài tối đa lên đến 40–45 phút. Cụ thể là đã có rất nhiều hội đồng chuyên môn hay cơ sở dữ liệu điện ảnh đã cùng chia sẽ quan điểm này với nhiều tương đồng và khác biệt.
Tóm lại, một bộ phim ngắn là bất kỳ hình ảnh chuyển động nào không đủ dài để được coi là một bộ phim điện ảnh. Học viện Điện ảnh và Khoa học Điện ảnh xác định một bộ phim ngắn là “một bộ phim có thời lượng 40 phút hoặc ít hơn”. Hay nói cách khác, phim ngắn là một tác phẩm điện ảnh hội tụ đầy đủ những công đoạn kỹ thuật giống như quá trình sản xuất một tác phẩm điện ảnh thuần túy, nhưng với quy mô nhỏ về kinh phí đầu tư, sản xuất ít hơn, cũng như thời lượng ngắn hơn.

Nếu như Oscar chia phim ngắn thành ba dạng: phim tài liệu ngắn, phim hoạt hình ngắn và phim ngắn quay thực (live action short films) với ghi chú rõ ràng: “Phim tài liệu ngắn sẽ không được chấp nhận trong hạng mục phim ngắn quay thực” (Document short subjects will not be accepted in the live action category). Tương tự, trong quy chế tham dự giải BAFTA, ở hạng mục phim ngắn cũng lưu ý: “Những phim này phải là hư cấu” (The film must be fiction), nhưng lại có dòng chú tiếp theo sau đó nhằm nới lỏng quy định trên, phòng trường hợp có những ngoại lệ nhất định: “Hội đồng xét duyệt có thể sử dụng quyền hạn của mình để chấp nhận những nội dung có kịch bản căn cứ trên sự thực.” (However, the jury may use its discretion to accept dramatised factual subjects.)
Chúng ta thường nghe đến “video ngắn” (hay video clip, gọi tắt là clip) như “clip ca nhạc”, “clip phóng sự”, “clip phỏng vấn”, “clip quảng cáo”… Từ điển Longman định nghĩa thể loại này như sau: “Một trích đoạn ngắn của một bộ phim hay một chương trình truyền hình, được thể hiện một cách độc lập, điển hình là những mẫu quảng cáo”. Qua đó, ta có thể thấy rằng một “clip” có hai tính chất, thứ nhất là tính ngắn, thứ hai là tính độc lập. Vậy, với những tính chất tương tự, phim ngắn có gì khác so với một video clip?

Nhìn chung, giữa phim ngắn và các dạng video ngắn không có nhiều sai biệt về mặt thời lượng, từ vài phút đến khoảng 40 phút. Tuy vậy, video ngắn đều mang tính chất thời sự, giới thiệu, quảng cáo, đậm tính minh họa và ít chú trọng đến giá trị nghệ thuật nên chúng thường rất ngắn, chỉ vài phút, đôi khi chỉ vài chục giây, thường thấy ở các video quảng cáo. Phim ngắn, do mang tính tự sự nên thời lượng phải vừa đủ để kể, truyền tải thông điệp và ý tưởng cốt truyện, nghĩa là khoảng 10 phút trở lên.
Như vậy, tuy rằng phim ngắn và video clip tương tự nhau về mặt thời lượng, nhưng nội dung của video clip thường mang tính xã hội và tính đại chúng, thường xoay quanh những vấn đề thời sự, đời thường, đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ phân tích, thẩm thấu, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Ngược lại, phim ngắn, với tư cách là một thể loại nghệ thuật điện ảnh, nội dung của chúng không xây dựng đơn giản, không mang tính phổ biến nhiều như các video clip. Phim ngắn phải có một kết cấu hoàn chỉnh, một kịch bản mang tính hình tượng cao, giàu tính sáng tạo. Đối tượng thưởng thức phim ngắn phần lớn có thị hiếu thẩm mỹ ở một mức độ nhất định, vừa đủ, để có thể tiếp nhận được những tín hiệu nghệ thuật từ các hình tượng điện ảnh trong phim ngắn. Phim ngắn cũng không mang nặng tính quảng cáo, quảng bá, không bị quy định bởi thị trường thương mại. Thay vào đó, việc chuyển tải nội dung nghệ thuật được đặt lên hàng đầu. Phim ngắn tạo cho người xem cảm giác ngắn, không phải vì chúng ngắn thực, mà là vì chúng còn nói rất nhiều điều thông qua vỏn vẹn mấy mươi phút ấy. Chính cái lực nén cô đọng nầy đã làm nên giá trị nghệ thuật đặc thù cho phim ngắn. Phim ngắn là những sản phẩm hoàn chỉnh và độc lập, là những công trình sáng tạo và là những đứa con tinh thần của đạo diễn. Chúng có đời sống riêng và một sức hút riêng.

Phim ngắn khác với phim truyện như thế nào? Đặc điểm quan trọng phân biệt phim ngắn với phim truyện, ngoài về độ dài, chính là ở sự tự do về phong cách thể hiện. Trái với phim truyện bị ràng buộc vào chữ “truyện” ngay ở cái tên, phim ngắn không bị ràng buộc vào cốt truyện cụ thể. Phim ngắn cho phép nhà làm phim được giấu nhiều chi tiết, mà ở phim dài thường bắt buộc phải có, để cốt truyện được liền mạch. Về hình ảnh, phim ngắn chấp nhận những cách biểu đạt sáng tạo nhất, riêng biệt nhất. Khi được hỏi về định nghĩa phim ngắn, cô Maike Mia Höhne – Giám đốc phụ trách phim ngắn của LHP Berlin cho biết: “Phim ngắn là tất cả những gì phim dài không thể tạo ra được”. Phát ngôn này cho chúng ta biết sự khác biệt của phim ngắn, cho thấy sự bao la của phim ngắn. Sự đa dạng này cũng chính là nền tảng quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của phim ngắn.

Phim ngắn đã được đưa vào hầu hết các hệ thống giải thưởng điện ảnh uy tín trên thế giới và cũng tùy thuộc vào từng hệ thống giải thưởng mà thể loại phim ngắn có những quy định về thời lượng khác nhau khi tham dự các liên hoan phim. Trên thực tế, vai trò và những đóng góp của thể loại phim ngắn rất quan trọng, đã có rất nhiều những tác phẩm phim ngắn để lại trong quần chúng những thông điệp, những câu chuyện hết sức thuyết phục.
Một phim ngắn cần phải hội đủ các điều kiện sau:
– Kịch bản phim càng ngắn càng tốt, bởi vì ngắn hơn, ít tốn kém hơn. Tất nhiên, kỹ thuật số giúp các nhà làm phim giải tỏa các vấn đề thời gian, chi phí tiền bạc…
– Giữ tính thực tiễn
– Phải có tính cách trực quan. “Phim là một phương tiện thị giác”. “Hiển thị, đừng nói.” Đó là những quy tắc vàng của đặc điểm phim ngắn. Một bộ phim ngắn có rất ít hoặc không có đối thoại là một bộ phim tuyệt vời.

Ý nghĩa triết lý trong phim ngắn rất quan trọng. Một phim rất ngắn, chỉ vài phút thôi, có thể truyền tải những thông điệp sống: tình yêu thương, sự chia sẻ, lòng bao dung…Chỉ cần chiếu những phim ngắn này ở các trường học, chắc chắn sẽ lay động tâm hồn và hun đúc nhân cách sống cho các cháu nhỏ còn hơn những bài học khô khan và lạnh ngắt trên sách vở.
Cốt truyện phim ngắn thường ẩn chứa một thông điệp hoặc triết lý sống vô cùng ý nghĩa và sâu sắc, mang lại cho chúng ta nhiều cảm hứng và động lực trong cuộc sống. Với những nội dung như vậy, phim ngắn hướng dẫn con người cân bằng cuộc sống, đạt một trạng thái bình yên, lắng đọng như một hồ nước mà người ta chỉ có thể nhìn thấu đến đáy nếu mặt nước không bị xao động. Do đó, phim ngắn đã là phương tiện truyền thông, có phạm vi ứng dụng rộng rãi phổ biến phương cách sống thiền – một phong cách sống tỉnh thức trước thực tại…

Xin giới thiệu sau đây một vài phim ngắn truyền tải những nội dung có tính cách như những thông điệp cho cuộc sống:

Thì sông cứ chảy
Đây là một video clip rất ngắn do Mai Huyền Chi viết kịch bản, Tạ Nguyên Hiệp quay phim, Chánh Phương sản xuất và phát hành. Nội dung phim chỉ có vài hình ảnh lướt qua đời sống của những người lang bạt trên sông nước ở Long Xuyên. Cuộc đời của những đứa trẻ trong những gia đình nầy không còn cánh cửa nào khác để nhìn thấy tương lai rộng lớn hơn. chúng giống như sông cứ chảy và số phận con người cứ trôi theo hướng đi của cha mẹ chúng. “Con muốn được đi học”, “Con muốn làm ra tiền trả nợ cho cha mẹ”, “Con muốn lấy chồng”…Tuy nhiên, những đứa trẻ bị bỏ rơi hôm nay vẫn giữ được tiếng cười và lời nói vô tư trong cảnh sống thực tại vô định của cuộc đời.

 

Đôi giày khác (The Other Pair)
Phim ngắn The Other Pair của Sara Rozik (Ai Cập), 20 tuổi, dựa trên một giai thoại về cuộc đời Ghandi, đã giành được giải thưởng tại Liên hoan phim Ai Cập và Âu Châu ở Luxor năm 2014 (Luxor Egyptian and European Film Festival), gây xúc động mạnh cho người xem. Đó là câu chuyện về hai cậu con trai – một người có đôi giày bóng lộn, hấp dẫn và một đôi giày dép bị mòn và rách. Đoạn phim ngắn nầy truyền cảm hứng và tạo động lực cho tất cả chúng ta về sự giúp đỡ, chia sẻ… Bộ phim tỏa sáng sự tinh khiết và lòng tốt, dễ dàng tìm thấy sự ngọt ngào, ngây thơ để chúng ta mở rộng trái tim và tấm lòng.

 

Khoảnh khắc (Momentos)
Đạo diễn Bồ Đào Nha Nuno Rocha sản xuất bộ phim Momentos năm 2011 theo định dạng MTV (Music Television hay Kênh truyền hình âm nhạc), là một bộ phim ngắn với mục đích: nhắc nhở bạn rằng cuộc sống là tốt, rằng gia đình và bạn bè sẽ “tìm thấy” bạn ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất. Phim giành được một số giải thưởng, từ Giải thưởng “Thành tựu Điện ảnh tại Liên hoan phim ngắn quốc tế” ở Hy Lạp (Cinematic Achievement Award at the International Short Film Festival) đến Giải thưởng “Khán giả tại Liên hoan phim” ở Pháp (Audience Award at a Film Festival). Đây là hoạt cảnh một người đàn ông vô gia cư đang ngủ trước cửa hàng trống rỗng, đột nhiên một chiếc xe dừng lại và hai người đàn ông bắt đầu mang các thùng vào bên trong. Người đàn ông cố gắng tìm hiểu việc gì đang xảy ra…

 

Lỗ Đen (The Black Hole)
Phim dự thi cuộc thi “Phim Ngắn Quốc Tế” và đạt được một trong 3 giải cao nhất. Phim rất ngắn nhưng chứa nhiều điều thú vị. Trong phim, “lỗ đen” ở đây được ví như lòng tham vô hạn của con người. Điểm nổi bật là con người mất sự kiểm soát khi đối mặt với cám dỗ. Đây là bộ phim tuyệt vời thực hiện với quy mô rất nhỏ.

 

Cá heo và Con chó (Dolphin and Dog)
Cá heo cứu con chó để kết thúc chuyện phim. Động vật hành động với tình yêu và lòng tốt. Hãy làm bạn với nhau! Nếu chó và cá heo có thể làm điều đó, còn chúng ta thì sao?

 

Lòng nhân đạo (Humanity)
Một cửa hàng ở Kerala (một tiểu bang ở Nam Ấn Độ trên Bờ biển Malabar) có treo một bảng đề bằng tiếng Malayalam dịch là “Chúng tôi không có máy tính hóa đơn cho người có lòng nhân đạo”. Bộ phim ngắn nầy chắc được lấy cảm hứng từ đó. Trong phim, cậu bé ràng rụa nước mắt vì được một bữa ăn no và ngon. Cám ơn Thượng Đế, tình yêu thương của ông khách tốt bụng đã tỏa rộng ra khắp trái tim của mọi người. 

Tai Le

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply