PHƯỚC ĐỨC TRONG ĐẠO PHẬT
Lê Tấn Tài
Theo đạo Phật, công đức và phước đức không gì khác ngoài những trạng thái hạnh phúc đạt được qua việc thực hiện các hành động thiện lương. Công đức bắt nguồn từ việc tu tâm và sự sáng suốt của bản tâm, từ đó mỗi lời nói, hành động và suy nghĩ đều phản ánh đạo lý làm người, không bị lệch lạc, không bị ràng buộc. Phước đức, hậu quả của công đức, là kết quả của việc làm thiện lành như giúp đỡ người gặp khó khăn, chia sẻ tài chính và tinh thần, tạo ra những hành động tích cực để gieo nhân tốt.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe những câu như: “Người này thật có phước, vừa giàu có, thông minh, xinh đẹp, khỏe mạnh, mọi thứ suôn sẻ, hạnh phúc đều đến với họ.” Ngược lại, cũng có khi nghe: “Người này không có phước, mọi việc họ làm đều thất bại, mọi kế hoạch đều không thành công, họ không thể làm theo ý mình, và xui xẻo đeo bám họ liên tục.” Khi chúng ta trải qua những khoảnh khắc hạnh phúc và thành công, thường nghĩ rằng nhờ ơn trên, nhờ sự ban phước của Trời Phật. Tuy nhiên, ít ai quan tâm đến câu hỏi: “Tại sao một số người lại được ưu ái như vậy, trong khi hàng triệu người khác phải đối diện với khó khăn và đau khổ? Điều này có công bằng không?” Con người thường có những ý nghĩ như vậy do sự ích kỷ. Khi họ trải qua hạnh phúc, họ không quan tâm đến người khác, chỉ tập trung vào bản thân mình, đó chính là dấu hiệu của lòng tham không giới hạn.
Thực tế, không có quyền lực siêu nhiên nào làm cho cuộc sống trở nên không công bằng như vậy. May mắn hay không may mắn, thành tựu chúng ta đạt được đều phản ánh hành động và quyết định của chính bản thân trong quá khứ, thậm chí trong hiện tại. Nguyên tắc “gieo nhân nào gặt quả ấy” chính là sự công bằng tuyệt đối.
Nhiều người tự hỏi: “Làm sao biết tôi đã tạo phước hay chưa? Làm cách nào để tạo phước?” Chúng ta cần hiểu rõ về khái niệm phước hữu lậu và phước vô lậu.
“Phước hữu lậu” là hạnh phúc được trải nghiệm qua các yếu tố vật chất như tài chính, sức khỏe, việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo , ăn chay niệm Phật, đi chùa tụng kinh, làm từ thiện, cúng dường, phóng sinh và các hành động tích đức khác thường được coi là những việc làm tốt để tích luỹ phước đức, tạo điều kiện tốt cho cuộc sống hiện tại và kiếp sau của mình. Tuy nhiên, hạnh phúc này không bền vững, thường dẫn đến thất vọng vì nó là vật chất nên không tránh khỏi sự biến đổi và mất mát.
“Phước vô lậu” đề cập đến hạnh phúc không bị giới hạn, không bị ràng buộc bởi các yếu tố vật chất, thời gian hoặc không gian. Đây là trạng thái hạnh phúc tối thượng trong Phật giáo, một trạng thái không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì, không bị thay đổi bởi sự biến đổi của thế gian. Phước đức thực sự không đến từ việc thực hiện các hành động ngoại vi. Lòng từ bi không gắn bó với các hình thức cụ thể bên ngoài mà nó nằm ở trạng thái tâm linh ẩn tàng trong mỗi người.
Khi giúp đỡ người khác, chúng ta cần hướng tâm và nguyện lòng để mang lại hạnh phúc và niềm vui thực sự cho họ, theo tinh thần Bố thí Ba la Mật, có nghĩa sự “cho đi” mà không suy nghĩ, không đắn đo. Chúng ta phát tâm bố thí một cách hoan hỷ, không cầu lợi, không cầu danh, không cầu đắc đạo… Hành trình của chúng ta trong cuộc sống thường bắt đầu từ sự tự nhận thức và hiểu biết sâu hơn về bản thân. Thay vì chỉ nhìn vào thành công và thất bại của người khác, phải hiểu đây không phải là quyết định của Đấng Thiêng Liêng, mà là sự nỗ lực và lòng kiên nhẫn của chính bản thân mình trong qua trình tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống.
Tu là cách để vượt qua những đau khổ và hiểu biết sâu hơn về tình thương và lòng từ bi. Từ bi là lòng thương yêu đối với tất cả chúng sinh, không điều kiện, không kỳ thị và không hạn chế, là khả năng cảm nhận và chia sẻ nỗi đau của người khác và mong muốn giúp đỡ họ vượt qua nỗi đau đớn đó. Khi chúng ta nhìn thấy ai đó gặp khó khăn và chúng ta chia sẻ miếng ăn của mình với họ vì lòng trắc ẩn, đó chính là biểu hiện của tình thương. Khi ta “cho đi” với lòng từ bi, tình thương sẽ trở về với ta, đó là phước. Đằng sau “Phước” là quy luật nhân quả của lòng yêu thương.
Tuy nhiên, không ít người hiểu lầm vấn đề này. Họ bắt đầu quan tâm đến việc tích lũy phước đức mà họ nhận được, và cuốn vào việc tìm kiếm lợi ích cho bản thân. Khi chúng ta chạy theo phước đức một cách mê muội, chúng ta không thể vượt qua được sông Mê. Phước đức là một dạng tài sản, và việc quá chú trọng vào nó có thể khiến chúng ta bị ràng buộc, không thể thoát khỏi chuỗi kiếp luân hồi. Thậm chí, ngay cả trong tu hành, nếu không gặp những khó khăn và thử thách, việc tu hành không còn ý nghĩa, chấp nhận sự đau khổ cũng là một dạng của phước. Sự đau khổ này giúp chúng ta hiểu được vô thường của thế gian. Đức Phật từ bỏ cung vàng điện ngọc (mà người đời cho là phước) vì Phật hiểu rằng điều đó chỉ khiến người ta dấn thân vào khổ đau. Tương tự, việc diệt ngã, từ bỏ lòng ích kỷ, sẽ giúp phước tự nhiên trỗi dậy.
Vì vậy, hãy tập trung vào việc hiểu biết sâu hơn về Đạo, với các khái niệm như “Phá Chấp – Vô Thường – Không” (Xem lại bài Bát Nhã tâm Kinh). Những khái niệm này sẽ hướng dẫn chúng ta đúng hướng. Đừng giữ lấy phước đức, hãy chia sẻ nó đi. Chỉ khi chúng ta không còn quá mê muội với phước đức, chúng ta mới thực sự tự do và giác ngộ.