PHƯỚC DUYÊN
Lê Tấn Tài
Một vị sư lặng lẽ đứng trước cửa nhà, tay cầm bình bát. Người trong nhà đặt một món ăn vào bát, chắp tay niệm “A Di Đà Phật”. Vị sư đáp lại lời niệm bằng sự trang nghiêm. Đây chính là phương pháp tu khổ hạnh của các Tỳ kheo qua hình thức khất thực.
Khất thực thể hiện tinh thần từ bỏ mọi sở hữu vật chất, sống dựa vào sự cúng dường của thí chủ. Với các tu sĩ, khất thực giúp giảm bớt lòng tham dục và sự chấp thủ. Quá trình này đòi hỏi sự khiêm cung, lòng tri ân và nuôi dưỡng tâm từ bi, đồng thời tránh xa tâm kiêu mạn. Trong lúc khất thực, các tu sĩ giữ tâm chánh niệm, không phân biệt giàu nghèo hay ngon dở, đón nhận thực phẩm bằng tâm bình đẳng.
Hơn nữa, đây còn là dịp để Phật tử thực hành hạnh bố thí, tích lũy phước báu và tạo duyên lành với Tam Bảo. Điều này thể hiện mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa tu sĩ và Phật tử. Người tu hành thực hiện hạnh buông xả, còn Phật tử hành trì bố thí và gieo duyên lành. Cả hai cùng góp phần trên con đường thực hành giáo lý nhà Phật, tuy vị trí khác nhau nhưng đều chung mục đích hướng về sự giác ngộ, an lạc.
Khất thực cũng rèn luyện tinh thần tri túc – biết đủ và tránh lãng phí. Thức ăn nhận được chỉ đủ để duy trì thân mạng trong ngày, không tích trữ, giúp tu sĩ không dính mắc vào vật chất hay sự hưởng thụ. Không chỉ là một hình thức tu tập, khất thực còn mang ý nghĩa hoằng pháp. Đức Phật xem đây là lối sống hài hòa với xã hội, tạo điều kiện để cả tu sĩ và Phật tử cùng nhau tiến bước trên con đường giải thoát. Tinh thần “lấy ít, biết đủ” của khất thực thể hiện sự tự do vượt lên mọi ràng buộc và hướng đến cuộc sống thanh thoát, an lạc.
Hình ảnh những vị sư khoác áo cà sa, thanh tịnh và trang nghiêm bước đi trên con đường khất thực là một biểu tượng nhắc nhở về sự giản dị, lòng từ bi. Đây là khoảnh khắc giao thoa giữa đời sống thế tục và con đường đạo pháp, giữa người xuất gia và Phật tử tại gia.
Người xuất gia thực hành hạnh buông xả, không mong cầu, an trú trong hiện tại và sống nhờ vào sự bố thí của thập phương. Người tại gia tích lũy công đức bằng sự bố thí, nuôi dưỡng thiện tâm và gieo trồng hạt giống duyên lành. Dù ở hai vị trí khác nhau, cả hai đều cùng đi trên con đường tu tập giác ngộ, hướng đến giải thoát.
Bước chân của vị sư lặng lẽ mà vững chãi, câu niệm “A Di Đà Phật” nhẹ nhàng mà sâu sắc, tựa lời nhắc nhở tĩnh lặng về sự an trú trong hiện tại.
Giữa cơn mưa gió của cuộc đời, bao phiền não, khổ đau và thử thách dễ khiến lòng người chao đảo, mệt mỏi. Thế nhưng, chính những khổ đau đó lại là bài học để con người kiên cường hơn, thấu hiểu bản thân và cuộc đời sâu sắc hơn. Những khó khăn ấy chính là chất liệu để chúng sinh tìm thấy ý nghĩa đích thực của sự tồn tại, giống như hoa sen chỉ có thể nở rộ từ trong bùn lầy.
Vị sư lặng lẽ bước đi trên con đường dài, đôi chân trần in dấu lên lớp bụi của trần ai, nhưng tâm hồn sư lại nhẹ tựa mây bay, chẳng bận lòng về một lối về nào cả. Chiếc y bạc màu thấm đẫm dấu vết của thời gian, của nắng gió mưa sương, phai nhạt theo tháng ngày đong đưa, không vướng bận lợi danh. Tay cầm chiếc bình bát, lòng không chấp trước, gợi lên tinh thần buông xả cao cả của người tu hành, bước chân sư nhẹ như mây trôi, là lòng an trú trong hiện tại giữa bao sóng gió và phiền não. không vướng bận lối về.
Bóng dáng vị sư bình lặng giữa đời thường là hình ảnh nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự thanh tịnh trong tâm hồn, về con đường trở về chính mình, vượt qua mưa gió cuộc đời để tìm đến sự an nhiên, giải thoát.
Mưa nặng hạt, từng giọt tí tách rơi xuống, thấm ướt đôi vai gầy guộc nhưng vị sư vẫn không hề lay động. Gió lớn nổi lên, cuốn theo bụi đường như muốn thử thách lòng kiên định của người tu hành. Những vệt nắng lặng lẽ xuyên qua tán lá, đổ bóng xuống dáng hình gầy nhưng vững vàng ấy. Cả không gian như lặng yên để nhường bước cho một tâm hồn thoát tục.
Con đường sư đi không chỉ là đường đời, mà còn là con đường giải thoát. Dù bao gió bụi hay phong ba bủa vây, đôi mắt sư vẫn nhìn xuống, không lộ niềm vui hay nỗi buồn. Thân xác lấm lem bụi trần, nhưng tâm hồn đã vượt thoát khỏi vòng xoáy của tham, sân, si.
Có mấy ai hiểu được nỗi gian truân của người tu? Nắng gió, mưa bão chỉ là lớp vỏ bên ngoài, còn cuộc hành trình vượt qua phiền não, vô minh, mới thực sự là trần ai. Vị sư ấy bước đi như đang hóa thân vào cõi đời, như một ngọn đèn nhỏ trong đêm tối, soi rọi con đường cho những kẻ còn mê lầm nơi trần thế.
Dù đường dài hun hút, dù đời còn đầy cát bụi, sư vẫn đi – lặng lẽ và kiên định, mang theo lòng từ bi và ánh sáng của sự giải thoát. Ai biết được trần ai, chỉ riêng sư – người đã nếm trải, đã buông bỏ và tự mình đi trên con đường của giác ngộ.
San Jose cuối năm 2024