Tản mạn về bài thơ Bạc Tần Hoài của thi sỹ Đỗ Mục

Đỗ Mục là một thi sỹ đời Đường vào thế kỷ thứ chín. Ông làm nhiều bài thơ trong đó có bài « Bạc Tần Hoài » (Đỗ bến Tần Hoài). Bài thơ của ông tả lại một đêm mùa đông thi sỹ đậu thuyền bên một bến sông Tần Hoài. Một đêm có trăng rọi xuống bờ cát, có khói sương phủ trùm làn nước lạnh mùa đông.  Mùa đông vì Đỗ Mục viết chữ  « Hàn » trong câu thơ thứ nhất. Trăng rọi bờ cát nhưng chắc trăng mờ ảo vì còn có khói sương. Thi sỹ nhìn thấy gần bờ sông có một quán rượu và nghe tiếng hát bài « Hậu Đình Hoa ». Thi sỹ trách người « Thương Nữ » đã không biết đến cái nhục mất nước mà còn ở đấy ca hát « Hậu Đình Hoa ». Sông Tần Hoài là một phụ lưu ở hữu ngạn thuộc hạ lưu sông Dương Tử (Trường giang). Sông Tần Hoài dài 110 Km, phần lớn chảy qua thành phố Nam Kinh và được coi là con sông huyết mạch tại  đây (1). Nội Dung của bài thơ và bốn bản dịch sang tiếng Việt sau đây đã được trích ra từ trang WEB « thivien.net »  (2).

Bạc Tần Hoài

Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng “Hậu đình hoa”.

Dịch nghĩa

Khói lan toả trên nước lạnh, ánh nguyệt lan trên cát
Buổi đêm đậu thuyền tại bến sông Tần Hoài cạnh quán rượu
Cô gái trẻ không biết đến nỗi hận mất nước
Ở bên kia sông còn hát khúc “Hậu đình hoa”.

 

Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Nước lồng khói toả, cát trăng pha,
Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia.
Con hát biết chi hờn mất nước,
Cách sông còn hát “Hậu đình hoa”.

 

Bản dịch của Trần Trọng San

Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát,
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Cô gái không hay buồn nước mất,
Bên sông còn hát “Hậu đình hoa”.

 

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát,
Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia.
Gái ca đâu nghĩ nước nhà,
Cách sông vẫn hát khúc ca “Hậu đình”.

 

Bài hát “Hậu Đình Hoa“ được sáng tác vào thế kỷ thứ sáu, cuối thời Nam-Bắc triều bên Tàu. Bắc triều dưới thời nhà Tuỳ và Nam triều dưới thời vị vua cuối cùng nhà Trần, tức Trần Hậu Chủ. “Hậu Đình Hoa“ là bài hát “Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa” do Trần Hậu Chủ sáng tác (3).

Trần Hậu Chủ có hai người thiếp là Trương Lệ Hoa và Khổng Quý Tân. Nhà Vua không màng việc triều chính chỉ đam mê tửu sắc. Vua cho xây ba cung thông nhau là các cung Lâm Xuân, Ỷ Kết và Vọng Tiên, trang hoàng thật lộng lẫy.  Vua ở cung Lâm Xuân. Người thiếp thứ nhất Trương Lệ Hoa ở cung Ỷ Kết và Khổng Quý Tân ở cung Vọng Tiên. Vua suốt ngày ăn chơi với mỹ nữ, làm thơ xướng hoạ, đặt ra nhiều khúc nhạc cho cả ngàn mỹ nữ học hát. Ngày nay bài hát Hậu Đình Hoa được coi là một âm điệu đưa đến sự sụp đổ của đất nước (3). Quân của vua Bắc triều Tuỳ Văn Đế đánh vào tới kinh đô nhà Trần. Trần Hậu Chủ thoát thân bằng cách dắt Trương Lệ Hoa và Khổng Quý Tân xuống giếng trốn, nhưng cuối cùng cũng bị quân nhà Tuỳ bắt.  Thời đại Nam Bắc Triều chấm dứt từ đây nhường chỗ cho thời đại nhà Tuỳ (4).

Các bản dịch sang tiếng Việt mà người viết đã có dịp đọc được đều dịch “Thương nữ” ở đầu cầu thứ ba thành “Cô gái”, “Con hát”, “Ả đào” hay “Gái ca”, v.v. Vậy nếu đúng theo ý nghĩa này thì tại sao Đỗ Mục lại không viết “Ca thủ”, “Ca nương”, “Ca nữ” hay “Ca nhi” thay vì “Thương nữ” ?

Tham khảo các tự điển Hán Việt, trong đó có cả quyển tự điển Thiều Chửu, thì thấy chữ “Thương” dùng trong bài thơ chỉ có thể là “người đi buôn bán”, “Họ Thương”  hay “Triều đại nhà Thương”. Vậy nếu “Thương nữ“ là một cô gái đi buôn thì có gì liên quan đến cái nhục mất nước ? Người nhà buôn họ chỉ biết có một công việc là mua đi, bán lại làm sao cho có nhiều lợi nhuận. Còn việc thay đổi chính thể họ không quan tâm. Bây giờ nếu nói “Thương nữ” là cô gái hát họ Thương thì cũng không có lý vì thi sỹ đậu thuyền cách xa tửu quán làm sao có thể biết ca sỹ mang họ Thương. Vậy thì “Thương nữ” chắc phải hiểu là các cô gái thuộc triều đại nhà Thương. Điều này rất có thể vì khi Vũ Vương dẹp vua Trụ của nhà Thương để lập nên nhà Chu thì một số người nhà Thương chạy thoát, sang Việt Nam gọi là giặc Ân thời Phù Đổng Thiên Vương, một số giương buồm ra biển sang Mỹ châu, phần còn lại bị Vũ Vương cho giết hết đàn ông, con trai và bắt con gái nhà Thương làm nô lệ. Thế nhưng nếu nói Đỗ Mục muốn nói đến các cô gái nhà Thương hát Hậu Đình Hoa thì cũng không hợp lý bởi vì khúc Hậu Đình Hoa chỉ được sáng tác vào thế kỷ thứ 6 trong khi nhà Thương đã bị nhà Chu soán ngôi cả ngàn năm trước TL.  Hay là Đỗ Mục muốn nói các cô gái này là hậu duệ của chủng tộc Thương ? Chữ Thương của người Tàu ngày xưa tuy ám chỉ những người đi buôn nhưng hình như ngày xưa ở bên Tàu chỉ có người nhà Thương mới làm nghề buôn bán. Có thuyết cho rằng người Hán, hậu duệ của nhà Chu, vì khinh rẻ người nhà Thương nên mới xếp nghề buôn vào bậc thứ tư trong giai cấp xã hội thời ấy gồm sĩ, nông, công, thương. Vậy có thể nghĩ rằng vào thời Đỗ Mục, chỉ có những người gốc gác nhà Thương mới hành nghề xướng ca ở trà đình, tửu điếm?  Thi sỹ chơi chữ khiến hậu sinh phải nhức đầu! Hay là nên giữ nguyên hai chữ “Thương nữ” trong bản tiếng Việt?
 
13/09/2020
Phạm văn Vĩnh

 

Tham khảo:

(1) 秦淮河 (Tần Hoài Giang)

(2) Bạc Tần Hoài trên Thivien.net

(3) 后庭花 (Hậu Đình Hoa)

(4) Nam Bắc Triều (Trung Hoa)

You may also like...

2 Responses

  1. Tri Nguyen says:

    Hay lắm Vĩnh.
    Cảm ơn nha.

  1. December 8, 2022

    […] Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát, Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia. Cô gái không hay buồn nước mất, Bên sông còn hát “Hậu đình hoa” (Bản dịch của Trần Trọng San). Đọc tiếp @ https://www.trunghocthuduc.com […]

Leave a Reply