Thằng bé
The Kid là bộ phim câm, hài hước, phát hành năm 1921 do Chaplin viết, đạo diễn, và đóng vai chính – Gã Lang Thang (The Tramp) – cùng với người con nuôi Jackie Coogan đóng vai đứa bé bị bỏ rơi và Edna Purviance, vai người mẹ của đứa bé. Trong bộ phim nầy, người ta khó tìm thấy sự tưởng tượng nào phong phú và hoàn hão hơn trong tất cả các bộ phim khác của Chaplin, đó là giấc mơ của một kẻ lang thang mơ về một thiên đường, với những đôi cánh trắng muốt lung linh của các thiên thần, và những thiên cẩu bay lượn chung vui trong đoạn phim kết thúc, mặc dù câu chuyện vẫn còn nối tiếp với cảnh một cuộc hội ngộ hạnh phúc. Đây gần như là một bộ phim mà Chaplin, không hẳn chỉ là một chú hề như trong các bộ phim trước đó, mà còn thể hiện mình là một diễn viên kịch tính, là bộ phim đầu tiên có kịch bản thống nhất chặt chẻ (không phải là những đoạn phim ngắn kết nối lại với nhau) của Chaplin với vai trò đạo diễn, là một thành công lớn, doanh thu cao. Năm 2011, The Kid đã được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn để lưu giữ trong Cơ quan Đăng ký Phim Quốc gia Hoa Kỳ vì “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ”.
Chuyện kể về một đứa bé bị người mẹ đơn thân (single mom) bỏ rơi từ lúc mới sinh, ở ghế sau của một chiếc ô tô đắt tiền với một mẩu giấy viết tay cầu xin người tìm thấy chăm sóc và yêu thương đứa bé. Tuy nhiên, chiếc xe bị đánh cắp. Khi hai tên trộm phát hiện ra đứa bé, chúng bỏ nó bên vệ đường. The Tramp nghèo khổ sống bằng nghề sửa chữa các cửa kính, tìm thấy đứa bé. Thoạt đầu không muốn nhận trách nhiệm chăm sóc, cuối cùng anh mềm lòng đem về nuôi, gọi tên là John và vô cùng yêu thương nó.
Năm năm trôi qua, John lớn lên và được The Tramp huấn luyện thực hiện một trò lừa đảo: cậu bé ném đá phá vỡ kính cửa sổ, và The Tramp xuất hiện ngay lập tức, đề nghị sửa chữa chúng với một khoản phí.
Đứa bé sống bình yên giữa nghèo khổ, cho đến khi nó bị bệnh, một bác sĩ đến gặp anh. Ông ta phát hiện The Tramp không phải là cha của cậu bé. The Tramp cho Ông xem tờ giấy do người mẹ để lại, bác sĩ lấy tờ giấy và thông báo cho chính quyền. Nhân viên trại mồ côi biết được John là đứa trẻ mồ côi và kiên quyết cho người bắt nó vào trại để chăm sóc, không cần biết nó đang sống như thế nào. Hai người đàn ông đến đưa cậu bé về trại. Đó cũng là lúc mẹ đẻ của John xuất hiện, lúc này bà đã trở thành người giàu có và nổi tiếng, nhưng vẫn luôn ray rứt về việc bỏ rơi đứa con.
Hai bố con John phải chạy trốn khỏi căn nhà của mình, e rằng nhân viên trại mồ côi sẽ trở lại bắt đứa bé, và ngủ qua đêm trong một nhà trọ chật chội. Tình cờ, người chủ nhà trọ đọc được một mẩu tin trên báo tìm một đứa trẻ chừng sáu tuổi đúng với đặc điểm nhận dạng như đứa bé đang ở trong nhà trọ của mình. Mẩu tin này chính là của người mẹ đẻ của John đăng, sau khi tình cờ nhận được mẩu giấy mà chính bà đã viết để trên nôi đứa bé trước khi bỏ rơi nó ngày nào. Người quản lý đưa đứa bé đến đồn cảnh sát để sum họp với người mẹ.
Khi The Tramp thức dậy, anh điên cuồng tìm kiếm cậu bé mất tích, sau đó quay trở lại ngủ gật bên cạnh cánh cửa căn nhà tồi tàn đang bị khóa. Trong giấc ngủ, The Tramp bước vào giấc mơ, vui đùa hạnh phúc với các thiên thần, kể cả con nuôi, những người quen biết, tên vô lại và viên cảnh sát… Nhưng anh bị đánh thức bởi một viên cảnh sát thật, dẫn lên một chiếc ô tô, đưa anh đến một ngôi nhà sang trọng. Khi cánh cửa mở ra, người phụ nữ và John xuất hiện, hai cha con nuôi đoàn tụ. Người cảnh sát, bắt tay The Tramp và rời đi, trước khi người phụ nữ chào đón The Tramp vào nhà.
Phim gây cười tất nhiên từ chú hề Charlot, nhưng đặc biệt hơn gây cười từ khuôn mặt ngây thơ xinh xắn của Jackie đến các hành động láu cá của cậu bé (đoạn John lấy đá ném vỡ cửa kính để ông bố giả vờ vô tình đi qua và được chủ nhà gọi lại lắp kính mới), gây hài ở các tình huống của câu chuyện (cảnh đầu, Tramp như có duyên với đứa bé khi gặp hết sự cố này đến sự cố khác và đành phải đưa đứa bé về nhà nuôi nấng, cảnh đánh lộn giữa hai đứa bé, khi ông bố cố dìm đầu con mình xuống để bắt nó chịu thua…)
Cái tài của Chaplin có lẽ là xây dựng được một tác phẩm khiến người ta cười trong nước mắt, bi kịch xen lần hài kịch, cười ngã nghiêng đó rồi chậm nước mắt vì xúc động. (Đoạn hai nhân viên trại mồ côi giằng đứa bé ra khỏi tay người bố là đoạn phim xúc động nhất, lúc đó trong rạp ồ lên tiếng cười xen lẫn nhiều tiếng thút thít…) Một bộ phim hài với nụ cười, nhưng không phải chỉ để cười rồi không đọng lại một điều gì, và có lẽ là nước mắt, khi những tình tiết cảm động trong phim được chiếu lên, như trong đoạn phim cuối, khi Tramp mơ về một thế giới trong đó ai cũng có đôi cánh trắng muốt và trở thành thiên thần, không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội… Lúc cười, người ta ngợi khen cái hài hước tuyệt vời của Chaplin. Lúc khóc, người ta càng thêm thán phục người đạo diễn tài ba, tư tưởng cởi mở, nhiều thiện ý và giàu lòng nhân ái…
https://youtu.be/fBtpVEi1LTw
Cảm ơn Thầy, phim xem lại lúc nào cũng thấy cảm động và thích thú!