Thiền trong thơ Phạm Thiên Thư
THIỀN TRONG THƠ PHẠM THIÊN THƯ
Lê Tấn Tài
Nhà thơ Phạm Thiên Thư đã từng 9 năm sống đời tu sĩ với pháp danh Thích Tuệ Không. Trong những năm tu tập, ông tiếp cận sâu sắc với triết lý Phật giáo, có thể nói, sự kết hợp giữa tinh thần tu sĩ và trí tưởng tượng của một nhà thơ đã tạo nên “vị tu sĩ lãng mạn” như chúng ta biết đến.
Phạm Thiên Thư bắt đầu đi vào thế giới thơ ca tại Đại học Vạn Hạnh. qua các tác phẩm: “Động hoa vàng”, “Đoạn trường vô thanh”, “Đôi lời Thược dược”, “Huyền ngôn xanh”, “Hát ru Việt sử thi”, và đặc biệt là những tác phẩm thi hóa kinh Phật như “Kinh Ngọc”, “Kinh Hiền”, “Kinh Hiếu”, “Kinh Thơ”… tất cả cùng hòa quyện và hòa nhịp thành một bản hợp âm trầm bổng tuyệt vời của nghệ thuật thơ ca và âm nhạc.
Là một nhà tu, Phạm Thiên Thư đã mang Thiền vào thơ của mình, với những bài thơ tình diễm tuyệt. Điều gì đã đưa ông tới bên bờ tình yêu khi ông là một tín đồ chân chính của Thiền đạo? Thực tế, không phải lúc nào nhà thơ cũng bày tỏ tình cảm yêu đương. Bên cạnh những dòng thơ ánh sáng của sự giác ngộ, những ai tu tập Thiền có thể tin rằng họ đã tìm ra một con đường dẫn tới giải thoát giữa cuộc sống hối hả. Trong khi đó, người sống trong cuộc sống vật chất cũng không thể phớt lờ được sự cao thâm ẩn chứa phía sau mỗi câu thơ, như những dòng suối mát mẻ chảy vào những cánh rừng sâu thẳm.
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi
(Động Hoa Vàng)
Sự đan xen lạ lùng giữa đời và đạo của Phạm Thiên Thư đã khiến mọi người ngỡ ngàng. Nhà sư này thể hiện tình yêu một cách đặc biệt, lãng mạn hơn cả những người đàn ông thông thường. Tình yêu trong thơ vẫn mang những cảm xúc thuần khiết, một chút e dè khi hai người yêu nhau nhưng không dám ôm ấp nhau, sợ rằng tình yêu sẽ tan biến như sương mù.
Em làm trang tôn kinh
Anh làm nhà sư buồn
Đêm đêm buồn tụng đọc
Lòng chợt nhớ vương vương
Đợi nhau từ mấy thuở
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương…
(Pháp Thân)
“Đoạn Trường Vô Thanh” khời đầu bằng cái “Không” của vạn vật. Tư tưởng hư ảo, một khía cạnh không thể thiếu trong đạo Phật, tái hiện cuộc sống với tất cả những biến động và phức tạp của nó. Lòng người như bát ngát mây xanh, đong đầy khát khao và ước mơ, trong khi thân thể trở nên mong manh như sương tụ trên cành đông mai. Cuộc sống như những cơn gió thổi qua, nhấp nhô và đầy bất ổn, mỗi bước đi là một phần của hành trình dài đầy nỗi lo âu và mâu thuẫn.
Lòng như bát ngát mây xanh
Thân như sương tụ trên cành đông mai.
Cuộc đời chớp lóe, mưa bay,
Càng đi càng thấy dặm dài nỗi không.
(Đoạn Trường Vô Thanh)
Cuộc sống chỉ là một phần nhỏ trong không gian và thời gian vô tận của vũ trụ. Sự tương phản giữa kiên nhẫn, và bất lực khi đối mặt với những thách thức. Đời người được ví như một giấc mơ êm đềm, nơi mọi cảm xúc, mọi trải nghiệm là một phần của thế giới hư ảo, tạm thời, và ít ai có khả năng thoát ra khỏi vòng xoáy của sự tồn tại vật chất và tinh thần.
Trăm năm là mấy nhịp cầu
Bước chân kiếm hỏi bể dâu ngậm lời
Tử sinh một cõi con người
Thấp, cao, thành, bại, khóc cười dở dang
Buồn vui trong giấc mơ màng
Mấy ai thoát khỏi con đàng khói mây.
(Đoạn Trường Vô Thanh)
“Động hoa vàng”, hay “cõi giới tâm thức nguyên sơ”, là một thi phẩm sâu lắng, là hành trình lãng đãng của nàng thơ diễm tuyệt, mang trong đó chất thiền sâu sắc. Chúng như một chân trời bao la, nơi những cánh chim trở về hòa mình vào bản nguyên của thiên nhiên, với sự hân hoan và phấn khích của nhà thơ.
Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm
(Động Hoa Vàng)
Hồn thơ Phạm Thiên Thư đắm chìm trong một hành trình phiêu lưu đầy lôi cuốn qua những phương trời hương sắc kỳ thú của thiên nhiên đầy mê hoặc, như bước vào nơi sương mù bao phủ và ánh trăng hiện lên như một bức tranh huyền ảo, hay những bông hoa dị thảo kỳ diệu lung linh trong ánh sáng mênh mông của thơ ca, làm cho không gian trở nên lấp lánh, huyền bí giữa trời thơ và đất mộng.
Thuyền ai buông lái đêm rằm
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào
Cửa sương nhẹ mở âm vào
Lay nghiêng bầu nậm rượu đào trầm ca
(Động Hoa Vàng)
Từ góc vườn an bình, nhà thơ ngồi tựa lưng vào cây thảnh thơi, lắng nghe âm thanh của dế kêu vang vọng trong sự yên tĩnh của khu vườn hoang vắng đêm muộn, thưởng thức giai điệu của chim vành khuyên hót líu lo trong sự rạng rỡ của buổi sáng hoặc trong những phút chập chờn cuối ngày, khi ánh nắng hoàng hôn dần tắt, và những cánh bướm vàng bồng bềnh bay qua những góc cuối của đường đi, trong làn khói mây nhẹ nhàng, đọng lại từng hơi thở cuối cùng của ngày.
Dế buồn dỗ giấc mù sa
Âm nao lãng đãng tơ ngà sương bay
…Con khuyên nó hót trên bờ
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
…Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
(Động Hoa Vàng)
Thi nhân nhìn sâu vào lòng nhân thế, khám phá tâm hồn con người và vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên, để có cái nhìn rõ ràng, hiểu biết sâu sắc hơn hai mặt của thực tế: sự gặp gỡ và sự chia ly, sự trùng phùng và sự xa cách, tất cả đều là một phần tự nhiên của cuộc sống, một phần của sự giao thoa giữa những cơn mưa và nắng, giữa bốn mùa thay đổi không ngừng.
Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động nam hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn
(Động Hoa Vàng)
Phạm Thiên Thu huyền thoại hóa tình yêu theo một truyền thuyết thiền kể về một thiền sư bất ngờ giác ngộ khi phát hiện rằng “ni cô cũng là phụ nữ”. Trong thế giới sâu thẳm của sự giác ngộ, không có sự chia rẽ giữa nam nữ, chỉ cách nhau một sợi tơ mỏng manh. Từ đấy xuất hiện của một điều kỳ diệu và thanh cao, như việc thắp lửa trong tim, mở rộng tâm hồn, làm sáng tỏ những góc khuất, mang lại sự thanh thản và hạnh phúc.
Ni về khép cửa chùa tu
Sớm mai mở cổng quét thu vườn hồng
…Sư lên chót đỉnh rừng thiền
Trong tim chợt thắp một viền tà dương
(Động Hoa Vàng)
Sự thanh tịnh và tinh khiết của tâm hồn, như hoa đào nở rộ trong không gian, kết nối giữa bản thân và vũ trụ, giữa niềm vui, trí tuệ và giác ngộ. Tâm hồn thơ của Phạm Thiên Thư được nuôi dưỡng từ tư tưởng cao thâm của Thiền tông, điều này làm cho tác phẩm của ông luôn phong phú, sáng tạo và hài hòa giữa cuộc sống và triết lý Phật giáo. Bùi Giáng từng khen: “Nguồn thơ Phạm Thiên Thư chảy từ cõi uyên nguyên Phật giáo, tràn ngập vào lục bát Việt Nam, trở thành một dòng riêng biệt bát ngát.”
Ngón tay nở nụ đào hương
Cầm nghiêng Tịnh độ một phương diệu vời
Một dòng hoa nổi trên trời
Một dòng hoa nở trong người trầm tư
Cánh nào mở cõi không hư
Phiến băng tuyết khảm một tờ Kim Cang
(Động Hoa Vàng)
Trong trật tự của thiên nhiên, con người vốn vô sở trụ, như bầu trời xanh, như cỏ cây, như những cơn mưa, như ánh nắng vàng… tất cả đều là vô vi. Muôn loài đều tồn tại mà không liên quan đến bất kỳ khái niệm hay định nghĩa nào, và chúng đều bình đẳng trong không gian vô ngại, mênh mông. Từ miền uyên nguyên đó, Phạm Thiên Thư thênh thang, nhẹ nhàng, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với nhịp đập cuộc sống.
Thế thôi phố bụi xe hồng
Hồ ngăn ngắt dục đôi dòng nhạn bay
Đưa nhau đấu rượu hoa này
Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm
(Động Hoa Vàng)
Cõi thiền của Phạm Thiên Thư là gì? Những vần thơ mênh mang với những đám mây trắng phủ lên những ngọn đồi hoang dại xa xôi, mơ màng trong không gian vô hạn của sự sống và cái chết, từ vô biên đến vô hạn. Chỉ khi mê man, đắm chìm trong vòng xoáy của thế gian phù trần, con người mới nhanh chóng tỉnh thức. Tỉnh giấc sau đó, mọi thứ trong cuộc sống trở nên như đã kết thúc, tiến vào thế giới bình an, từ bi, bỏ đi tất cả những danh vọng, ham muốn và những rối ren của tâm trí, trải rộng tình thương đối với tất cả chúng sinh trên cõi đời này. Tuệ Sỹ viết: “Suốt đời học Thiền, suốt đời vẫn đày đoạ thân tâm, đày đoạ trong cái Không và cái Tĩnh. Đày đoạ đó mà kỳ thực không là đày đoạ. Cũng vậy, suốt đời làm thơ thì suốt đời khổ luỵ, lao đao, nhưng không là khổ luỵ, lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca, làm sao hiểu nổi?”
Cho thơ hòa với mênh mang
Cho mênh mang đọng hạt đàn vô thanh
Đất dày nhập với trời xanh
Đoạn trường xưa hóa trường thành lưng mây
(Đoạn Trường Vô Thanh)
Phật giáo khẳng định rằng, tâm hồn thanh tịnh của con người đã sẵn tồn tại, và chúng ta không cần phải làm gì ngoài việc nhận biết và hòa nhập với nó. Từ đó, Phạm Thiên Thư sáng tác “Kinh Ngọc” (Qua suối mây hồng), trong đó ông thi hóa kinh Kim Cương, biến mỗi lời Phật dạy thành những đóa sen thơm.
thân như sương đầu cỏ
tụ mười cõi trăng sao
nhập dòng thơ thâm diệu
mộng thức dưới hoa đào
(Ngợi Kinh)
Một người bạn của Phạm Thiên Thư cho biết, những ngày cuối đời, ông nhớ nhớ quên quên, nhưng với những ký ức “ngày xưa” vẫn rõ ràng, trong khi những chi tiết như “Hoàng Thị” thường bị quên. Hàng ngày, ông ngồi im lặng trong quán cà phê “Hoa Vàng” do ông làm chủ, như một vị thiền sư trầm mặc. Thỉnh thoảng, khi vắng khách, ông cầm chiếc chổi nhỏ, quét dọn những chiếc lá vàng rụng rải rác, như muốn xua tan những bụi bặm của cuộc sống trần tục.
Thôi từ tạ nhé tri âm
Như sương ta cũng âm thầm nát tan
Sớm mai phơi chuỗi ngọc lam
Trang nghiêm một thoáng nhân gian bọt bèo
(Đoạn Trường Vô Thanh)