Thiết kế cảnh quan sinh thái

THIẾT KẾ CẢNH QUAN SINH THÁI

Lê Tấn Tài

Thiết kế cảnh quan sinh thái (Ecological Landscape=Cảnh Quan Sinh Thái hoặc Sustainable Landscape=Cảnh Quan Bền Vững) là một hình thức thiết kế nhằm giảm thiểu tác động phá hoại môi trường, kết hợp các nguyên tắc thiết kế xanh, tạo ra các khu vườn, công viên, khu đô thị và không gian xung quanh ngôi nhà với các hệ thống sinh thái tự nhiên, hệ thống thu thập sử dụng nước mưa, các loại cây cối đa dạng… tạo môi trường sống bền vững, tốt cho sức khỏe con người và các sinh vật.

Thiết kế được áp dụng trong nhiều lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị, nội thất và cảnh quan, có tính thẩm mỹ cao, tập trung vào việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường và tối đa hóa các lợi ích kinh tế, xã hội, tạo động lực cho việc bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên môi trường cho tương lai. Các ví dụ về thiết kế sinh thái như việc xây dựng các tòa nhà xanh (green building) thân thiện với môi trường, các khu vườn mái xanh (green roof) trên các tòa nhà để giảm thiểu nhiệt độ và đô thị hóa. Ở Việt Nam, lăng Tự Đức ở Huế là một mô thức hoàn hảo của kiến trúc cảnh quan truyền thống Việt Nam, tôn trọng tối đa và can thiệp tối thiểu vào hình thái tự nhiên. Cầu Tràng Tiền Huế là một ví dụ của kiến trúc Pháp ứng dụng vào cảnh quan Việt Nam, gắn kết hữu cơ và chất thơ với sông Hương. Những ngôi đình, chùa là những công trình kiến trúc cảnh quan gắn liền với thiên nhiên và văn hóa dân gian, phân bổ hài hoà các luồng nước và cây xanh.

Thiết kế cảnh quan sinh thái kết hợp kiến thức từ các lĩnh vực như sinh thái học, vật liệu học, kỹ thuật cảnh quan, cần tuân thủ theo một số nguyên tắc như: kiến trúc độc đáo, mới lạ; có dòng chảy sinh lực; có màu xanh thiên nhiên; có điểm nhấn với đá tự nhiên; ánh sáng đa dạng, có hồn; sử dụng các vật liệu và kỹ thuật xây dựng thân thiện với môi trường, như tăng cường khả năng hấp thụ nước mưa, giảm thiểu ô nhiễm, tạo các vùng sống đa dạng, hỗ trợ các sinh vật sống, các nguồn năng lượng tái tạo, các kỹ thuật trồng cây tạo bóng, tối đa hóa sự tương tác giữa con người và thiên nhiên thông qua các không gian sống xanh, khu vườn, hồ bơi tự nhiên. Thiết kế này đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng các loài thực vật địa phương, phù hợp với địa hình và điều kiện môi trường. Các loại cây cối tạo ra các hệ sinh thái đa dạng, thu hút các loài chim, bướm và các sinh vật khác, giúp cân bằng sinh thái và tăng cường sức khỏe của môi trường. Một trong những ý nghĩa quan trọng nhất và cũng là cơ bản nhất của việc thiết kế cảnh quan chính là tạo ra không gian nghỉ ngơi, thư giãn. Hiện nay, khi mà xã hội ngày càng phát triển, mật độ xây dựng lớn đã khiến những không gian xanh sinh thái bị giảm sút. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người.

Có rất nhiều phong cách thiết kế cảnh quan, mỗi phong cách đều có những đặc điểm và tính năng độc đáo riêng, tùy thuộc vào sở thích cá nhân, khí hậu khu vực và tài sản của mỗi người. Một số phong cách thiết kế cảnh quan phổ biến bao gồm:
– Vườn kiểu Anh: đặc trưng phong cách này là những bãi cỏ xanh mướt, những luống hoa đầy màu sắc và hàng rào được cắt tỉa gọn gàng, thường kết hợp với đài phun nước hoặc ao nhỏ và các yếu tố cổ điển như lối đi bằng đá và băng ghế mộc mạc.
– Vườn Nhật Bản: nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên, như đá, nước, thực vật, gợi lên cảm giác thanh bình và yên bình, thường có những con đường cong, vườn đá, nhiều loại cây và hoa.
– Vườn Địa Trung Hải: lấy cảm hứng từ những khu vườn của vùng Địa Trung Hải, khí hậu ấm áp, khô ráo và hệ thực vật đầy màu sắc với các loại cây chịu hạn, như cây oải hương (lavender) và cây ô liu, thường có tường trát vữa, cổng sắt và khu vực tiếp khách ngoài trời.
– Vườn đương đại: thiết kế hiện đại, hình dạng hình học, đường nét rõ ràng và cây trồng tối giản, cảnh quan cứng như bê tông hoặc đá lát, bao gồm các tính năng nước và ánh sáng sáng tạo.
– Cottage Garden (Vườn Lều): đặc trưng bởi vẻ ngoài giản dị, mộc mạc gợi lên cảm giác hoài cổ và chủ nghĩa lãng mạn, thường có rất nhiều loại hoa và cây đầy màu sắc, có thể bao gồm các yếu tố như lưới mắt cáo, chuồng chim và đồ trang trí trong vườn.
– Vườn nhiệt đới: tạo ra một bầu không khí tươi tốt, kỳ lạ với màu sắc rực rỡ, tán lá đậm và các điểm nhấn ấn tượng như cây tre hoặc cây dừa, gồm hồ bơi hoặc thác nước và có thể kết hợp các yếu tố của thiết kế Châu Á hoặc Nam Mỹ.

Sau đây một vài cảnh quan điển hình thiết trí theo phong cách sinh thái.

Beautiful Japanese Garden In Nagoya
Vườn Tokugawa cách ga Nagoya khoảng 5km, thiết kế theo phong cách truyền thống Nhật Bản. Vườn được xây dựng vào thế kỷ 17 là một trong những khu vườn lịch sử lớn nhất, một trong những điểm đến du lịch phổ biến tại Nhật. Đây là một khu vườn tự nhiên, không khí yên bình, tĩnh lặng, mang tính lịch sử đặc trưng của nền văn hóa Nhật Bản, nổi tiếng với nhiều cây lá đỏ, thác nước và hồ nước tự nhiên với nhiều đàn cá koi tung tăng bơi lội. Tuy nhiên với việc bảo tồn và phát triển bền vững, vườn được coi là một ví dụ về thiết kế theo phong cách sinh thái với các biện pháp bảo vệ động vật và cây cối hiếm, sử dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước và tái sử dụng nước mưa.

 

Resort St Regis Bora Bora
Resort St Regis Bora Bora là một hòn đảo trong quần đảo Polynesia thuộc Pháp, thiết kế theo phong cách sinh thái, tôn trọng môi trường, tận dụng các tài nguyên thiên nhiên, với các villa xây dựng trên mặt nước bao quanh bởi cát trắng và rừng nguyên sinh. Những villa này xây bằng gỗ và đá, sử dụng năng lượng tái tạo và chế độ tiết kiệm nước. Đảo nầy kế bên đảo Tahiti, nơi có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, các loài động vật và thực vật quý hiếm được bảo vệ.

 

Landscape Design Styles
Ngôi nhà là niềm tự hào và niềm vui của chủ nhân và ai cũng muốn nó trông thật tuyệt vời từ trong ra ngoài. Ý tưởng thiết kế cho vườn nhà là vô tận, không cần phải tốn nhiều tiền để biến cảnh quan xung quanh nhà thành một phần thiên nhiên tuyệt đẹp. Video này trình bảy những mô hình cảnh quan theo phong cách sinh thái mang vẻ đẹp đơn giản và tự nhiên của thiên nhiên..

 

Tai Le

Giáo Sư

You may also like...

Leave a Reply