Thử tìm hiểu bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan

Về bài thơ Qua Đèo Ngang:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta

của bà Huyện Thanh Quan, hiện đã có nhiều bài bình luận về bài thơ nổi tiếng này. Bài viết này không nhăm mục đích bình thơ mà chỉ thử đi tìm hiểu một vài từ ngữ bà Huyện xử dụng trong tắc phẩm.

Cứ theo Wikipedia tiếng Việt  thì bà Huyện tên thật là Nguyễn thị Hinh, người Hà Nội. Chồng bà tên là Lưu Nghị, Tri Huyện Thanh Quan, nay là huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Bà Huyện Thanh Quan sống vào thời vua Minh Mạng và đã từng là thầy dậy học trong hoàng cung cho các công chúa, cung phi (1).

Thời đó, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Đèo Ngang thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, ở phiá bắc. Bây giờ thì Đèo Ngang nằm trong huyện Kỳ An, huyện cuối cùng về phiá nam trong tỉnh Hà Tĩnh. Quảng Bình giáp giới phiá nam Hà Tĩnh, được ngăn đôi bởi dãy Hoành Sơn, cao khoảng 400 mét. Hoành có nghĩa là ngang. Dãy Hoành Sơn chắn ngang nước Việt, sừng sững không cho gió bấc thổi xuống, gió nồm thổi lên. Vì thế khí hậu Hà Tĩnh là khí hậu miền bắc và Quảng Bình thuộc khí hậu trong nam. Thông thương hai tỉnh nhờ có Đèo Ngang.

Đèo Ngang cao 256 mét. Trên Đèo Ngang nhìn ra xa chỉ có núi đá và biển đông. Quảng Bình ở dưới thấp hơn Đèo Ngang. Trong tỉnh có con sông lớn tên là Roòn (Loan Giang) mà từ trên Đèo Ngang không nhìn thấy được. Vì lý do đó, nhiều người cho rằng bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này ở tỉnh Quảng Bình, dưới chân Đèo Ngang vì bà Huyện còn nhìn thấy “Lác đác bên sông chợ ( rợ ) mấy nhà “. Chính xác hơn, có người còn luận rằng bà Huyện làm bài thơ trong chuyến đi từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh vì bà “Bước tới ” chứ không có “Bước xuống ” Đèo Ngang. Tuy nhiên theo Wikipedia tiếng Việt thì bà Huyện làm bài thơ này khi đi vào Phú Xuân nhưng không giải thích lý do.

Học giả Phạm Quỳnh có vẻ không thích bài thơ  và cho rằng bài thơ tả người thì nhiều mà thiên nhiên thì ít (4). Thi sỹ Tản Đà cũng nói lúc ban đầu ông không thích bài thơ nhưng kể từ khi ông được một người bạn cho biết về một bản chữ Nôm của bài thơ thi «tấm lòng đối với người trước, khinh trọng có đổi thay.” (4).

Bà Huyện sống trong khung cảnh thanh bình, tại sao lại “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc “, “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia “? Qua hai câu này, không biết bà Huyện đang diễn tả tâm trạng đất nước của mình hay có lẽ lúc đi qua Đèo Ngang, bà Huyện nghe được tiếng kêu của con chim cuốc hoặc tiếng con chim đa đa nên nhớ lại tích xưa (2).

Vậy thi cái chuyện con chim cuốc và con chim đa đa là thế nào ?

Chim cuốc còn có tên là Đỗ Quyên, Tử Quy, Thục Vũ, Đỗ Vũ, Gà Gô. Chim có mỏ dài và cong. Lưng chim màu xám, bụng trắng có một vệt đen. Thường sống trong bụi rậm. Mùa hè chim kêu rỉ rả ngày đêm. Có người cho rằng chim cuốc kêu nguyên đêm, sáng ra khan cổ, máu chảy ra khỏi miệng rồi chết. Về việc bà Huyện viết « quốc quốc », « gia gia »,  có học giả cho đó là nghệ thuật dùng chữ của bà Huyện để cho ăn khớp với hai chữ « nước » và « nhà » (2).

Chuyện kể vua Đỗ Vũ nước Thục, yêu bà Biết Linh, vợ của một ông tướng dưới quyền. Vì thế bị ông tướng cướp mất ngôi vua. Đỗ Vũ phải trốn vào rừng, thương tiếc một sự nghiệp của thời vàng son, chết hoá thành con chim Đỗ Quyên. Bởi thế mới “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc “. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du hỏi “Ấy hồn Thục đế hay là Đỗ Quyên” chắc là tích này đây. Vì chim cuốc kêu vào mùa hè nên có thể bà Huyện viết bài thơ này vào một buổi chiều mùa hè ở Đèo Ngang.

Cuối đời nhà Thương, vua Trụ tàn ác, hoang dâm vô độ, giết người không gớm tay, bắt giam cả vua chư hầu là Văn Vương. Khi Văn Vương từ trần, con lên nối ngôi là Vũ Vương. Vừa lên ngôi,  vừa tức chuyện cha mình phải chết trong tù, lại thấy lòng người lầm than cực khổ than oán vua Trụ, Vũ Vương dấy binh đi dẹp Trụ. Nhiều người bỏ vua Trụ theo Vũ Vương, chẳng hạn Khương Tử Nha. Vua Trụ thua phải tự thiêu mà chết. Khi Vũ Vương dấy binh thì có hai người là Bá Di, Thúc Tề cản Vũ Vương viện cớ cha mới mất mà can qua là bất hiếu, làm bầy tôi vua Trụ mà phản chúa là bất trung.

Vũ Vương trả lời rằng vua là bạo quân trừ đi sao gọi bất trung, cứu trăm họ khỏi lầm than để tiếng thơm cho cha ta sao gọi bất hiếu ? Nói rồi cất quân diệt nhà Trụ mà lập nên nhà Chu. Sau này ở ngoài Huế có từ “phản chủ đầu trâu“, người ta cho là lấy từ tích “phản Trụ đầu Châu” mà ra.

Khi Vũ Vương thay thế nhà Trụ thì Bá Di, Thúc Tề bỏ lên núi sống. Không ăn cơm, chỉ ăn rau và hoa quả vì nghĩ cơm gạo là của nhà Chu, mình đã không theo nên không ăn. Nhưng có người bảo với hai ông rằng đất này giờ của nhà Chu thì một cộng cỏ cũng của nhà Chu huống gì cây rau, hoa trái trên rừng trên núi. Hai ông cho là có lý nên nhịn ăn mà chết. Chết đi hoá thành hai con chim suốt ngày kêu ” Bất thực túc Chu gia”, ” Bất thực túc Chu gia”, nghĩa là “Không ăn lúa nhà Chu“. Kêu mãi sau líu lưỡi chỉ còn hai chữ “gia gia”. Người đời đặt tên cho là chim da da sau đổi thành đa đa. “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia“. Truyện Tam Quốc Chí kể lại chuyện Ngô vương là Tôn Quyền sai anh ruột của Khổng Minh là Gia Cát Cẩn sang Tây Thục dụ Khổng Minh về với Đông Ngô. Gia Cát Cẩn hỏi Khổng Minh: “Em còn nhớ chuyện Bá Di, Thúc Tề không ? “. Khổng Minh trả lời :” Bá Di, Thúc Tề sống chết không rời nhau, anh với em đều là tôi nhà Hán, chi bằng rước anh về với Hoàng Thúc cho em được đêm ngày hầu hạ“.

Nhân bà Huyện nhắc đến chim. Ở ngoài Trung, hình như ở Quảng Nam hay Quảng Ngãi, có con chim Điều, sống ở trên cây, núi đá cao. Săn bắt rất cực khổ. Nhiều người bỏ mạng. Nhưng chim Điều có trong các vị thuốc loại Nhất Dạ Ngũ Giao của vua Minh Mạng nên hàng năm có lệ tiến cống chim Điều. Khi biết chuyện săn bắn lầm than, bà Huyện có lần xin vua Minh Mạng cho bỏ lệ cống chim Điều và nhà vua đã nhậm lời tâu cho bỏ lệ này.

Hiện nay vẫn có nhiều bài viết trên mạng đặt vấn đề phải viết chữ « rợ » hay chữ « chợ » trong câu « Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà ».  Có người nói phải dùng chữ « rợ » vì nó có nghĩa là những nhà chòi của người dân vùng đó. Thi sỹ Tản Đà cũng  từng nói (4) ông có được một người bạn cho biết đã tìm thấy một bản chữ Nôm trong đó bà Huyện viết chữ « rợ ». Tuy nhiên theo PGS TS Nguyễn thị Hảo (2) thì bà đã đọc được chữ « chợ » trong một bản in bằng chữ Nôm. Rất tiếc những bản chữ Nôm này chỉ là bản sao còn bản chính do bà Huyện viết thì nay chưa tìm thấy (2). Các cụ ngày xưa đã từng nói « tam sao thất bổn », cho nên không biết chữ nào mới đúng. Riêng cá nhân chúng tôi thì thiên về chữ « rợ » hơn vì nghĩ rằng hai chữ « chú » và « nhà » là lượng từ cho hai chữ « tiều » và « rợ ». Thí dụ nói « vài chú tiều », « dăm ba cái bàn », « vài nhà chòi », « vài nhà rợ » thì đúng. Nhưng nói « vài nhà chợ » thì sai, phải nói « vài cái chợ ». Hơn nữa ở cái chỗ núi non đồng không mộng quạnh đó thì đào đâu ra mấy cái chợ ? Về chữ « rợ » chúng tôi nghi ngờ chữ này có liên quan đến thành ngữ « man di mọi rợ » chăng ?

Có lần đọc trên mạng một bài tả về nghề nghiệp đánh cá voi ở miền Trung bình luận về chữ “vạn” và một bài viết của ông Phúc Trạch trên trang dactrung.net  phê bình chữ “rợ” hay “chợ” trong câu thứ tư của bài thơ. Theo ông Phúc Trạch, chữ “rợ” hay “chợ” không chỉnh với chữ “Tiều” của câu ba. Nay nhớ mang máng xin được kể lại như sau :

Nếu xét về luật bằng, trắc thì không có gì để nói nhưng chữ “Tiều” vừa để diễn tả một nghề nghiệp (hái củi), vừa để diễn tả một người (tiều phu). Vậy thì mang cái “chợ” hay cái “rợ” là mấy nóc gia của người miền cao nguyên ra đối thì không chỉnh lắm. Lẽ đâu bà Huyện không nghĩ tới. Xét về nghề nghiệp của thời bà Huyện thì có thể kể đến Ngư, Tiều, Canh, Mục. Chữ Ngư và Canh không đối luật bằng trắc với chữ Tiều. Như vậy chỉ còn nghề Mục. Nhưng ở sát bên sông có ai đi chăn nuôi, làm mục đồng. Xét cho cùng ở sát bờ sông chỉ có nghề chài lưới. Có người đưa ra chữ « vạn ». Chữ « vạn » có rất nhiều nghĩa, là mười ngàn, là hàng ngàn, là một trong ba mươi hai (32) đức tính của Đức Phật, v.v…. Ở miền Trung Việt Nam chữ « vạn » còn có nghĩa là làng đánh cá, nhà sàn trên sông. Nghề đánh cá, ngư phủ gọi là vạn chài. Người đứng đầu trong vạn là Vạn Trưởng. Thuyền bè của một vạn đều có phù hiệu riêng để người trong vạn còn biết mà hỗ trợ nhau. Và như vậy,  giả thuyết bà Huyện viết « « Lác đác bên sông vạn mấy nhà » có thể chấp nhận không ?

Thế bây giờ đến câu thứ bảy « Dừng chân đứng lại trời non nước », quý vị đọc xong có nghĩ rằng hai chữ « đứng lại » là thừa thãi không ? Cứ thành thực mà nói thì ngay sau khi đọc xong câu này, chúng tôi đã nghĩ là thừa vì bà đã viết « Dừng chân »  rồi tức là đã đứng lại.  Điển hình là khi ra đường mà nếu quý vị nghe nhân viên công lực hô  « Dừng lại »  thì tất nhiên quý vi phải  đứng lại. Thế nhưng có một hôm trên xe Bus thấy ông tài xế chợt thắng xe lại vì có người băng qua đường, xong rồi lại đi tiếp. Bấy giờ mới thấy có lẽ bà Huyện nói không thừa.  Vì lẽ rằng khi thắng xe, người ta có thể thắng một cái rồi lại đi hoặc là thắng rồi đậu xe lại. Cho nên bà Huyện có thể dừng chân rồi đi tiếp, dừng chân rồi ngồi xuống và đây thì bà đã dừng chân rồi đứng lại.  Cụ Ngô Văn Nhượng ở Diên Khánh, Khánh Hòa lại cho rằng bà Huyện viết « Dừng chân ngoảnh lại » (4). Chúng tôi rất thích chữ « ngoảnh » dùng trong câu thơ này. Nó cho chúng ta ấn tượng thi sỹ ngoảnh lại nhìn một khung cảnh hay một điều gì đã trải qua. Dù cho đứng lại hay ngoảnh lại thì bà Huyện làm gì ? Vì bà Huyện viết tiếp « trời non nước » nên chúng ta có thể nghĩ bà Huyện nhìn phong cảnh.  Nhưng nhìn phong cảnh xong rồi lại nghĩ tới « một mảnh tình riêng »  thì không hiểu là chuyện tình gì vì bà Huyện giữ kín trong lòng (« ta với ta »).  Cho nên « Trời non nước » ở đây phải chăng chỉ đơn thuần là phong cảnh hay con ẩn ý thế sự và đất nước ?

Trong khi đi tìm tài liệu, chúng tôi đọc được một bài viết trong « Chim Việt Cành Nam » (3) đặt câu hỏi có phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã trau chuốt lại bài « Đèo Ngang » có từ trước. Tác giả bài viết tìm thấy bài này trong quyển sách  của ông Lê Văn Phát viết bằng tiếng Pháp mang tựa đề

« Contes et Légendes du Pays d’Annam » viết chuyện cổ tích, huyền thoại dân gian. Trong quyển sách này có bài  « Đèo Ngang » kể lại một giai thoại dân gian lâu đời, có trước thời Bà Huyện Thanh Quan chăng. Chúng tôi đề cập đến bài viết này với một sự dè dặt tối đa vì quyển sách này đã được tác giả viết vào năm 1913 và không có điều gì chứng minh bài thơ này đã được sáng tác trước bài thơ của bà Huyện. Sau đây là bài “Đèo Ngang” theo ông Lê Văn Phát :

Đèo Ngang

Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen ba.
Non cao rải rác tiều vài lão,
Đất rộng lai rai xóm mấy nhà.
Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc,
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa.
Dừng chơn ngóng cổ miền non nước,
Một tấm lòng riêng ta với ta.

Vô danh

Xin cám ơn quý vị.

Tháng 12/2019

Phạm văn Vĩnh

Tham khảo :

(1) Wikipedia tiếng Việt – https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A0_Huy%E1%BB%87n_Thanh_Quan

(2) Đinh văn Tuấn – Về cái gia gia trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan – http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n15156/Ve-cai-gia-gia-trong-bai-tho-Qua-Deo-Ngang-cua-Ba-Huyen-Thanh-Quan.html

(3) Nguyễn Vĩnh Tráng – Phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã trau chuốt lại bài « Đèo Ngang » nguyên thủy – http://chimviet.free.fr/vanhoc/nguyenvinhtrang/nvtrn050_deongang.htm

(4) Chùa Bửu Minh – Qua đèo ngang tức cảnh của Bà Thanh Quan

 Chùa Bửu Minh Gia Lai – Qua đèo ngang tức cảnh của Bà Thanh Quan

You may also like...

2 Responses

  1. VoChieu K1 says:

    Cám ơn Vĩnh đã đóng góp Trang Nhà bằng những bài bình luận giá trị này

  1. May 16, 2021

    […] Thử tìm hiểu bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan – TrungHocThuDuc.com […]

Leave a Reply