Thử tìm hiểu nguyên nhân chiến tranh Do Thái – Ả Rập

Thử tưởng tượng hai nhà hàng xóm cãi nhau. Chúng ta là kẻ bàng quan, hiểu được nguyên do của sự việc không phải dễ. Khi nói chuyện với hai bên, mỗi bên đều cho chúng ta biết cái lý của họ và tất nhiên nhà nào cũng đúng vì lý do hai bên đưa ra đều có tính chủ quan. Chuyện hàng xóm đã khó như vậy, huống hồ chuyện chiến tranh giữa hai chủng tộc Do Thái và Ả Rập là việc đại sự quốc gia. Thế nhưng vì khó nên chúng ta mới bõ công đi tìm, chữ dễ quá thì mọi chuyện đã minh bạch. Viết những dòng này để độc giả thấy rằng cho dù chúng ta có đưa ra những nguyên nhân có lý luận hẳn hoi, những nguyên nhân đó cũng có thể sai vì lý luận thường có tính chủ quan và lựa chọn.

Tựa đề bài này không viết “người Palestine” mà Ả Rập vì tên gọi “người Palestine” chỉ được sử dụng từ năm 1948, sau khi nước Israel được thành lập. Cả hai dân tộc Do Thái và Ả Rập cùng có một tổ phụ và họ có hơn 6000 năm văn hiến. Họ thường hay tuyên dương đức tin của họ trong rất nhiều hoàn cảnh. Để hiểu rõ về họ, thiển nghĩ cần tìm hiểu vấn đề qua ba khía cạnh: tôn giáo, lịch sử và tất nhiên chính trị.

1. Kinh Thánh Do Thái giáo viết gì?

Người Do Thái cũng như người Ả Rập tôn thờ chung một đấng tối cao là Thiên Chúa. Họ có Kinh Thánh riêng. Tuy nhiên đạo Hồi(Thanh giáo) của người Ả Rập đã thu nhập nhiều điều từ Kinh thánh Do Thái giáo (Kinh Cựu Ước), trong đó có đoạn nói về ông Abraham mà chúng ta sẽ tìm hiểu ngay sau đây. Kinh Thánh nói về ông Abraham và con cháu ông được viết trong kinh Sáng Thế Ký (tiếng Pháp: Genèse, tiếng Anh: Genesis). Chữ “sáng” nghĩa là sáng lập; chữ “thế” như thế kỷ, thế hệ và chữ “ký” nghĩa là ghi chép.

Cách nay 2000 năm trước Công Nguyên, ông Abraham và vợ là bà Sara đã lớn tuổi mà không có con nối dòng. Ông Abraham mới lấy thêm bà Agar. Bà Agar là người hầu của ông bà Abraham, đã từng phục vụ trong cung vua Pharaon Ai Cập, sau bỏ đi theo hầu ông Abraham. Giữa bà Sara và bà Agar có chuyện gì xích mích nên bà Agar bỏ nhà trốn đi. Thiên Chúa mới bảo bà Agar phải trở về và vâng lời bà Sara. Bà Agar trở lại và sinh cho ông Abraham một người con trai để nối dòng, đặt tên là Ismael. 13 năm sau bà Sara sinh được một người con trai và được ông bà đặt tên là Isaac. Lúc bấy giờ ông Abraham đã được 86 tuổi. Bà Sara vì chỉ muốn để cho con mình nối nghiệp cha nên đã bảo ông Abraham đuổi hai mẹ con bà Agar đi. Ông Abraham rất buồn rầu vể chuyện này nhưng Thiên Chúa bảo ông phải nghe lời bà Sara. Chiến tranh bắt đầu từ đây!

Thế là hai mẹ con bà Agar phải ra đi, hành trang chỉ có một ổ bánh và một bình nước. Đến khi hết nước trong sa mạc bà Agar đã bỏ con lại mà đi vì không muốn nhìn con trai chết vì khát nước. Thế nhưng chuyện không thể nào chấm dứt ở đây nên Chúa đã sai Thiên Thần hiện ra chỉ cho bà Agar cái giếng nước. Sau Ismael lấy vợ là một người Ai Cập và cả hai người trở thành tổ phụ của dân tộc Ả Rập. Trong Kinh Thánh, Chúa nói với ông Abraham rằng: “Ta đã nghe lời cầu xin của ngươi. Ta ban phúc lành cho Ismael và ban cho rất nhiều con cháu đến cùng cực. Ta sẽ ban cho Ismael 12 hoàng tử và Ismael sẽ là tổ phụ của một quốc gia vĩ đại” (Sáng Thánh Ký chương 17, đoạn 20; viết tắt 17:20).

Nói vể Isaac. Một hôm Chúa bảo ông Abraham phải giết Isaac để hiến tế lên Thiên Chúa. Ông Abraham buồn lắm nhưng ông vâng lời Thiên Chúa nên đem Isaac lên bàn đá để hiến tế. Nhưng khi ông giơ dao lên định hành quyết thì Thiên Chúa đã cản lại. Sau ông Isaac lập gia đình và trở thành tổ phụ của dân Do Thái. Nói rõ hơn thì ông Isaac sinh ra ông Jacob. Ông Jacob sinh ra 12 người con trai và một người con gái. 12 con trai của ông Jacob sinh ra 12 chi họ lập thành dân tộc Israel(Do Thái). Chúng ta nhận thấy Chúa rất công bằng: Cho hai dân tộc Ả Rập và Do Thái mỗi bên 12 chi họ. Nói về tên gọi “Israel”, một đêm nọ, Chúa cho Thiên Thần đến thử sức với ông Jacob rồi sau đó phán rằng:”Từ nay tên của nhà ngươi sẽ không còn là Jacob nữa mà là Israel, vì ngươi vừa chiến đấu chống lại Chúa cũng như người dưới thế và ngươi đã toàn thắng” (Sáng Thánh Ký 32:22-29). Vì thế mà dân Do Thái còn được gọi là con cháu Israel thay vì con cháu Jacob.

Khi ông Abraham đã 90 tuổi thì Thiên Chúa phán với ông ta rằng: “Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi vùng đất Ca-na-an này, nơi ngươi hiện đang sống như một kẻ lưu lạc. Đất này sẽ là tài sản của ngươi mãi mãi. Và ta sẽ là Chúa của dòng dõi ngươi” (Sáng Thánh Ký 17:8).

Vào khoảng từ năm 1010 trước Công nguyên, có ba nhóm dân tộc nói tiếng Semitic cạnh tranh nhau trên vùng đất này:

  • Người Ca-na-an, lấy tên từ vùng đất Ca-na-an, và sau này được người Hy Lạp gọi là người Phê-ni-xi,

  • Người Philistine đuổi người Ca-na-an đi. Người La Mã đã đặt tên cho vùng đất này là Palestine để tưởng nhớ người Philistine,

  • Cuối cùng là vua David của người Do Thái đã chiếm trọn vùng đất này và thành lập thủ đô Jerusalem trong đó vua cho đặt Hòm Giao Ước(Arche d’Alliance; Ark of the Covenant) trong cung điện để chứa đựng các bảng luật mà Chúa đã ban cho ông Moise (Moses) khi dẫn dân Chúa thoát khỏi vòng nô lệ của vua Ai Cập. Nói đúng hơn thì người Do Thái họ đã thành lập hai quốc gia trên vùng đất này: 10 chi họ họp lại thành nước Israel, 2 chi họ còn lại dựng lên nước Judeo .

Viết những điều trên để chúng ta nhận thấy:

  • Người Do Thái và người Ả Rập là hai anh em cùng cha khác mẹ,

  • Những đoạn trên cũng giúp chúng ta hiểu lý do tại sao người Do Thái, sau bao năm lưu lạc, luôn tìm về tập trung tại vùng đất Palestine ngày nay và họ cương quyết bảo vệ vùng đất này, vì họ tin là đất mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Họ gọi đó là “Đất hứa”.

 

2. Đất hứa Palestine

Như đã viết ở trên, đất Ca-na-an là nơi ông Abraham đến lập nghiệp vào khoảng 2000 năm trước Công Nguyên. Nhưng chỉ gần 200 năm sau, vua Pharaon Ai Cập chiếm vùng đất này, bắt dân Do Thái về làm nô lệ trong vòng gần 300 năm rồi mới được ông Mô-Sê (Moses, Moïse) dẫn trở về, sau 40 năm đi lạc trong sa mạc. Phải đợi đến khoảng thời gian 1000 năm trước Công Nguyên, vua David mới thành lập nước Israel đặt thủ đô tại Jerusalem. 400 năm sau Israel bị vua Babylone chiếm cứ và dân Do Thái bị đầy sang nước Babylone trong vòng 70 năm. Sau thời gian này, vua nước Ba Tư chiếm cứ nước Babylone và vua cho phép dân Do Thái được hồi hương, sống dưới quyền cai trị của vương quốc Ba Tư. 200 năm sau, đại đế Alexandre của đế quốc Hy Lạp trị vì vùng đất này trong vòng 250 năm trước khi nhường chỗ cho đế quốc La Mã. Vào năm 70 sau Công Nguyên, Dân Do Thái nổi dậy chống lại luật lệ La Mã. Trong cuộc chiến này, người La Mã đã đàn áp và phá hủy Jerusalem, đốt cháy đền thờ thứ hai và trục xuất người Do Thái làm nô lệ trên khắp Đế quốc La Mã. Đây là cuộc lưu đày thứ hai của họ. Vì Đế quốc La Mã quá rộng lớn nên người Do Thái thực sự đã sống rải rác khắp thế giới gần 1900 năm cho đến năm 1948. Họ bị phân tán, chia cắt, sống ở những vùng đất xa lạ và không bao giờ được chấp nhận ở những vùng đất đó. Người Do Thái thường xuyên phải đối mặt với nhiều thảm họa, đặc biệt tại Châu Âu. Từ Tây Ban Nha, Đức, Tây Âu đến Nga, nơi diễn ra nhiều vụ thảm sát, đáng kể nhất là cuộc diệt chủng(Shoah) do Đức Quốc Xã chủ trương. Những tình huống phi nhân bản này chắc hẳn là lý do vì sao người Do Thái nhất quyết tập trung về sống tại Palestine.

Đất Palestine đúng ra bao gồm nước Israel, Dải Gaza và vùng West Bank (Bờ Tây, Cisjordanie). Trước đây tất cả mọi người sinh sống trên miền đất này, kể cả người Do Thái, được gọi là người Palestine”. Nhưng kể từ khi nước Isarel được thành lập thì đất Palestine được hiểu là chỉ gồm Dải Gaza và vùng West Bank và người Palestine” là người dân sống tại đây. Họ thực ra là người Ả Rập. Để tránh hiểu lầm, bài viết vẫn tiếp tục gọi đất Palestine gồm có cả nước Israel và “người Palestine” là người Ả Rập chống lại người Do Thái.

Trước năm 1922. Đất Palestine thuộc về quyền cai trị của đế quốc Ottoman(Thổ Nhĩ Kỳ). Kể từ năm 1922 cho đến năm 1948 thuộc quyền cai trị của Anh quốc. Vào thời gian này, tổng cộng dân số tại đây là 1,2 triệu người Ả Rập và 600000 người Do Thái. Vào năm 1947, Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết 181 chia Palestine thành hai quốc gia, một quốc gia Do Thái (56% lãnh thổ), một quốc gia Ả Rập (44%) và một khu vực dưới sự quản trị quốc tế (Jerusalem và Bethlehem). Người Do Thái chấp nhận nhưng người Palestine từ chối. Nội chiến đã xẩy ra. Các nước Ả Rập quyết định tấn công Israel để dành lại lãnh thổ.

3. Chiến tranh giữa Israel và các nước Ả Rập

4 trận chiến giữa Israel và các nước Ả Rập do Ai Cập dẫn đầu vào những năm 1948-1949, 1956, 1967 và 1973 với mục đich xóa sổ nhà nước Israel. Tuy nhiên kết quả lại ngược lại là cứ sau mỗi trận chiến, Israel lại nới rộng lãnh thổ và chiếm thêm đất của các nước khác. Trong khoảng thời gian này, ông Arafat thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Jerusalem dưới sự bảo trợ của Ai Cập. Sau nhiểu năm suy tính, Ai Cập thấy rằng chỉ còn một cách là chấp nhận sống chung hòa bình với Israel nên vào năm 1978, Israel và Ai Cập ký Hiệp định hòa bình tại Washington dưới sự bảo trợ của Tổng thống Hoa Kỳ. Sau thời gian này, Israel sát nhập Đông Jerusalem và chiếm luôn cao nguyên Golan của Syria. Kể từ đây không còn chiến tranh giữa các nước Ả Rập và Israel. Năm 1994 Israel và Jordanie ký Hiệp định hòa bình với nhau. Phải đợi đến năm 2020, với sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ, Israel mới thiết lập quan hệ ngoại giao với 4 nước Ả Rập, là các quốc gia Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Sudan và Maroc.

4. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO)

Vào năm 1964, ông Arafat thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Jerusalem dưới sự bảo trợ của Ai Cập. Tổ chức PLO quy tụ các phong trào đấu tranh gồm đảng Fatah, Mặt trân Bình dân Giải phóng Palestine (FPLP) và Mặt trận Dân chủ Giải phóng Palestine (FDLP). Thực tế thì đảng Fatah nắm quyền điều khiển PLO vì Fatah là do ông Arafat bí mật thành lập tại Kuwait vào năm 1959. Năm 1969, Fatah và FDLP ủng hộ việc thành lập một quốc gia “Palestine Dân chủ và Thế tục” trong đó mọi tín đồ Do Thái giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo có quyền sống bình đẳng. Tổ chức PLO áp dụng chính sách khủng bố. Chiến dịch biệt kích “Tháng Chín Đen” 1972 tại Thế vận hội Olympic Munich đã dẫn đến cái chết của một số vận động viên Israel. Chiến thuật ném đá Intifada bắt đầu từ năm 1987.

Tuy PLO được các nước Ả Rập công nhận là tổ chức chính thức đại diện người Palestine nhưng trên thực tế không có quốc gia Ả Rập nào muốn có sự hiện diện của tổ chức này trên đất nước của họ. Hơn thế nữa họ còn dùng vũ lực để trục xuất PLO. Các chiến binh PLO lần lượt rút đi từ Jordanie, sang Liban và cuối cùng sang Tunisie. Tại Tunisie vào năm 1985, trụ sở PLO bị đặt bom làm thiệt mạng 50 chiến binh PLO và 20 người Tunisie. Từ khi có chiến tranh sau ngày 7/10/2023, các nước Ả Rập đều lên tiếng yêu cầu nhân đạo với dân Gaza nhưng không có nước nào chấp nhận cho người dân Gaza đến nước họ để lánh nạn!

Năm 1988, PLO tuyên bố Israel có quyền được sống “trong hòa bình và an ninh”; hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa khủng bố và công nhận Israel là đối tác của Palestine để đàm phán nhằm giải quyết xung đột.

Năm 1993, Hiệp định OSLO được ký kết giữa chính phủ Israel của Thủ tướng Yitzhak Rabin và PLO. Thành lập Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA) tại Gaza và Jericho vào năm 1994. Năm 1995, hai bên ký Hiệp định OSLO 2 phân định ranh giới trong các lãnh thổ bị chiếm đóng nhưng không may Thủ tướng Yitzhak Rabin bị một người Do Thái theo Chủ nghĩa Dân tộc Cực đoan ám sát. Năm 1996, thành lập và bầu cử Hội đồng Lập pháp Palestine. Ông Yasser Arafat được bầu làm Tổng thống của PNA, tổ chức này đã loại bỏ khỏi Hiến chương Quốc gia Palestine các điều khoản chối bỏ sự tồn tại của Israel. Cũng vào năm này, ông Benyamin Netanyahu trở thành Thủ tướng Israel sau chiến thắng bầu cử của đảng Likud. Hiệp đinh OSLO hết hy vọng sống còn bắt đầu từ đây. Israel là một nước dân chủ đa đảng trong đó có một số đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, như đảng của các ông Netanyahu, Sharon, Bennett, không chấp nhận giải pháp hai quốc gia và nhất là toàn thể thành phố Jerusalem phải thuộc về Israel.

Kể từ khi Hiệp định OSLO rơi vào tình trạng bế tắc, các chính phủ Israel đều thuộc các phe chính trị quá khích không chấp nhận giải pháp hai quốc gia; nhiều hành động cho dân chiếm đất, bắt bớ, đàn áp đã xẩy ra, thậm chí có một thời gian vào năm 2001, ông Arafat còn bị quản thúc tại thành phố Ramallat. Cũng trong thời gian này, cuộc đấu tranh của phía Palestine được thể hiện qua các hình thức biểu tình, ném đá (Intifada) nhưng không còn khủng bố, đánh bom như trước. Năm 2005 ông Mahmoud Abbas trở thành Tổng thổng của Chính phủ Quốc gia Palestine (PLA). Sau cuộc bầu cử Quốc hội 2006, phe của ông Mahmoud Abbas mất quyền kiểm soát tại Dải Gaza nhường chỗ cho tổ chức Hamas, tiếp theo là nội chiến giữa hai phe PLO và Hamas vào năm 2007.

5. Tổ chức Hamas

Hamas, 1987, có nghĩa là Phong trào Kháng chiến Hồi giáo” gồm một nhánh chính trị và một nhóm vũ trang (Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam), hoạt động chủ yếu tại Gaza từ năm 2007. Các thành viên sáng lập trước đó ở trong tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Frères Musulmans, Muslim Brotherhood). Họ được Iran yểm trợ hậu cần, quân sự và tài chính. Họ cũng đựợc nước Qatar hỗ trợ ngân sách quốc gia, với sự đồng ý của Israel. Ngoài ra Qatar cũng để cho thủ lãnh nhánh chính trị và cũng là Thủ tướng Gaza, ông Ismael Haniyeh, sống trên lãnh thổ của họ.

Chủ trương của Hamas là tiêu diệt Israel và biến toàn lãnh thổ Palestine thành một quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên Hamas cũng nói rằng một quốc gia Palestine bao gồm các phẩn lãnh thổ theo quy định ngày 4 tháng 6 năm 1967 với thủ đô là Jerusalem có thể dẫn đến một thỏa hiệp ngừng bắn. Tuy nhiên Do Thái không bao giờ nhượng bộ về thủ đô Jerusalem.

Hamas bị khoảng 30 quốc gia thân Tây phương, trừ Thuy Sỹ và Na Uy, liệt vào danh sách quân khủng bố. Hầu hết các nước Ả Rập và Hổi giáo, Nga, Trung Quốc, Brazil không liệt Hamas vào danh sách quân khủng bố. Một số nước ủng hộ Hamas về mặt ngoại giao như Syria, Algeria, Sudan, Malaysia, Afganistan.

Từ năm 1993 đến 2005, Hamas thường mở các cuộc tấn công dân Do Thái nhưng từ năm 2006 trở đi, họ chỉ tấn công qua hình thức pháo kích. Tất nhiên lần nào cũng có trả đũa của quân đội Israel vào lãnh thổ Gaza.

Cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 dường như có một lý do khác sẽ nói ở sau.

6. Hai tổ chức Hezbollah và Houthi

Hai tổ chức này cùng với Hamas thuộc phe với Iran.

Hezbollah có nghĩa là ”Đảng của Thiên Chúa”. Một tổ chức chính trị và vũ trang Hồi giáo được nhiều nước, trong đó có Ả Rập Saudi, liệt vào danh sách quân khủng bố. Hezbollah được thành lập bí mật vào năm 1982 tại Liban và chính thức xuất hiện từ năm 1985 với mục đích thành lập một quốc gia Liban Hồi giáo, tiêu diệt nhà nước Israel, đuổi các thế lực Mỹ, Pháp và Israel ra khỏi Liban. Tuy nhiên vào năm 2009, lãnh tụ Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố một hiến chương mới trong đó chỉ còn “kháng chiến chống lại thế lực Israel” và đề cao một quốc gia Liban tân tiến. Tổ chức này đi theo đường lối của Iran và được nước này hỗ trợ tài chánh và quân sự. Hezbollah còn là đồng minh của Syria trong cuộc chiến tranh tại nước này. Các hành động gây hấn của tổ chức này đã khiến Israel tấn công vào miền nam Liban năm 2006.

Houthi là một tổ chức vũ trang và chính trị được ông Hussein Badredline al-Houthi và anh em trong gia đình thành lập vào năm 1994 để chống lại chính quyền Yemen, Ả Rập Saudi và sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông. Houthi được Iran hỗ trợ tài chánh và quân sự.

Trong cuộc chiến từ ngày 7 tháng 10 năm 2023, Iran, Hezbollah và nhóm Houthis tại Yemen là các lực lượng tiềm năng quân sự đồng minh với Hamas.

7. Một giả thuyết vì sao Hamas tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10

Như đã nói ở trên trong phần viết về Tổ chức Hamas là kể từ năm 2006, Hamas đã từ bỏ các cuộc tấn công trực tiếp vào dân Do Thái và thay vào đó bằng các cuộc pháo kích. Tuy nhiên vào ngày 7 tháng 10 vừa qua, họ đã trở lại với chiến thuật cũ là tấn công thẳng vào lãnh thổ Israel. Sự kiện này đã khiến Israel mở chiến dịch mạnh mẽ chưa từng có vào Dải Gaza.

Sau khi sự kiện ”ngày 7 tháng 10”, Hoa Kỳ đã gởi sang Địa Trung Hải 2 hạm đội và Ả Rập Saudi tuyên bố, trong thời gian đầu, vẫn tiếp tục hòa đàm với Israel. Nhiểu ý kiến nghĩ rằng việc Ả Rập Saudi và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao là một mối đe dọa cho Iran và các đồng minh của Iran. Vì thế Iran đã chỉ đạo cho Hamas thực hiện cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 nhằm phá vỡ triển vọng một liên minh Ả Rập Saudi – Israel chống lại phe Iran.

Chúng ta có lý do để đặt câu hỏi vì sao Iran và Ả Rập Saudi đều là người Hồi giáo mà lại chống đối nhau từ nhiều năm nay.

Tranh chấp giữa người Hồi giáo tại Trung Đông có liên quan đến vấn đề tranh dành quyền kế vị Tiên tri Muhammad(Mahomet), trên các phương diện tôn giáo và chính trị. Iran và Ả Rập Saudi tranh nhau vị thế này. Hồi giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên trên bán đảo Ả Rập. Ông Mahomet được các tín đồ Hồi giáo cho là vị Tiên tri cuối cùng của Thiên Chúa. Hiện nay Hồi giáo có một số giáo phái nhưng quan trọng nhất là phái Sunni và Shiite(Chiite). Tại Trung Đông, Ả Rập Saudi lãnh đạo phái Sunni và Iran phái Shiite. Maroc và Jordanie họ có phái riêng mà Quốc vương của họ là Giáo chủ. Phái Sunni chiếm 85% tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Phái Shiite chỉ chiếm đa số tại Iran, Irak, Azerbaidjan và Bahrein.

Phái Sunni đặt nền tảng trên Kinh thánh Coran(Kuran) và Kinh Sunna. Kinh Sunna ghi chép các lời giảng của Tiên tri Mahomet (tương tự như sách Luận Ngữ trong Khổng giáo ghi những lời giảng của Khổng tử). Người kế vị Tiên tri Mahomet được Giáo đoàn bẩu ra. Người kế vị Tiên tri mang chức vị Calife và lãnh thổ của toàn thể giáo hội mang tên Califat.

Phái Shiite cho rằng người kế vị Tiên tri Mahomet phải là một người thuộc dòng họ của Tiên Tri. Người kế vị Tiên tri mang chức vị Imam và là người có quyền thế trên hết các quyền hành khác trong xã hội Hồi giáo. Phái Shiite đặt nền tảng trên một tôn ti trật tự tuyệt đối. Chúng ta có thể đặt câu hỏi về liên hệ huyết thống giữa Tiên tri Mahomet (người Ả Rập) và Imam Iran.

Sau khi ông Mahomet qua đời, Giáo đoàn đã bầu ông Abou Bakr, một người bình thường bạn đồng hành của ông Mahomet lên kế vị. Tuy nhiên ông Ali, người trong dòng họ và cũng là con rể của ông Mahomet nói rằng ông Mahomet đã trao quyền kế vị cho ông Ali. Các bộ lạc bắt đầu bất đồng với nhau. Sau ông Abou Bakr còn hai người kế vị nữa do Giáo đoàn bầu ra nhưng sau đó ông Ali đã thắng thế và trở thành người kế vị thứ tư. Nhiều bộ lạc không đồng ý đã rời bỏ Giáo đoàn. Tranh chấp bắt đầu từ đây.

Bài viết có mục đích tìm hiểu khách quan và không có ý thiên vị phe phái nào, chỉ đổ thêm dầu vào lửa một cách vô ích.

Paris 10/11/2023

Phạm Văn Vĩnh

You may also like...

1 Response

  1. Tri Nguyen says:

    Cảm ơn Vĩnh đã bỏ công sưu tầm để có một bài viết hay.

Leave a Reply