Tìm Phương Hướng Bằng Thiên Văn

Có nhiều cách để tìm phương hướng chỉ dựa vào thiên nhiên, sau đây là những cách thông thường dễ sử dụng.

 1. BẰNG MẶT TRỜI

Ai cũng biết mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây, Thực ra điều này không hoàn toàn đúng. Trong thực tế, do độ lệch của trục trái đất, nên vị trí mọc và lặn của mặt trời trong năm không cố định, mà thay đổi theo chu kỳ: Mặt trời chỉ mọc đúng hướng Đông và lặn đúng hướng Tây vào tiết Xuân Phân (20-21 tháng 3 AL) và Thu Phân (23-24 tháng 9 AL) mà thôi. Những ngày Hạ Chí (21-22 tháng 06 AL) thì mặt trời mọc ở Đông Bắc và lặn ở Tây Bắc. Những ngày Đông Chí (21-22 tháng12) thì mặt trời mọc ở Đông Nam và lặn ở Tây Nam.

Lưu ý là buổi trưa, mặt trời hơi chếch về hướng Nam (áp dụng tại Việt Nam hay các nước ở Bắc Bán Cầu khác), lúc nầy bóng mọi vật đổ về hướng Bắc. Khoảng 8 –9 giờ sáng, mặt trời ở hướng Đông Nam. Từ 15-16 giờ chiều thì ở hướng Tây Nam.

Thien van

 

2. BẰNG ĐỒNG HỒ VÀ MẶT TRỜI

a) Khi bạn ở Bắc Bán Cầu: Dùng một que nhỏ (cỡ cây tăm) cắm thẳng góc với mặt đất, que sẽ cho ta một cái bóng. Ta đặt đồng hồ sao cho bóng của cây tăm trùng lên kim chỉ giờ. Đường phân giác của góc hợp bởi kim chỉ giờ và số 12 cho ta hướng Nam, vậy đối diện là hướng Bắc (N).

b) Khi bạn ở Nam Bán Cầu: Các bạn xoay đồng hồ sao cho bóng que trùng lên trên số 12. Đường phân giác của góc hợp bởi số 12 và kim chỉ giờ sẽ cho ta hướng Bắc (N). Như vậy, hướng đối diện là hướng Nam.

 2 mat troi NB

 

3. BẰNG BÓNG GẬY VÀ MẶT TRỜI

Còn gọi là phương pháp Owendoff. Dùng một cây gậy thẳng dài khoảng 90cm, cắm thẳng góc với mặt đất. Bạn ghi dấu đầu bóng của cây gậy, lần thứ nhất gọi là điểm A.

3 bong gay

Sau đó khoảng 20 phút, bóng gậy sẽ di chuyển qua chỗ khác, bạn lại đánh dấu bóng của đầu gậy lần thứ hai, gọi là điểm B. Nối điểm A và B lại, ta có một đường thẳng chỉ hướng Đông Tây. Nếu chân trái của bạn đứng ở điểm A và chân phải đứng điểm B thì phía trước mặt bạn là hướng Bắc.

 4. BẰNG SAO VÀ CHÒM SAO (ban đêm)

Ban đêm các bạn có thể dùng sao để định hướng. Có nhiều sao và chòm sao để tìm phương hướng, nhưng dễ nhất là những chòm sao sau đây.

a) Sao Bắc Cực

Muốn tìm sao Bắc Cực, trước hết các bạn phải tìm cho được chòm Đại Hùng Tinh.

4 sao bac cuc

Chòm Đại Hùng Tinh giống như cái muỗng lớn, gồm 7 ngôi sao, các bạn lấy hai ngôi sao đầu của cái muỗng, kéo dài một đoạn thẳng tưởng tượng bằng 5 lần khoảng cách của hai ngôi sao đó, sẽ gặp một ngôi sao sáng lấp lánh, dễ nhận thấy đó là sao Bắc Cực. Sao này luôn luôn ở hướng Bắc.

Cũng có thể tìm thấy sao Bắc Cực từ chòm Tiểu Hùng tinh. Chòm này có 7 ngôi sao nhưng nhỏ hơn Đại Hùng tinh. Ngôi sao chót của cái đuôi Tiểu Hùng tinh là sao Bắc Cực.

 

b) Chòm sao Liệp hộ (Orion)

Còn gọi là sao Cày, sao Ba, sao Thần Săn, sao Chiến Sĩ.

5 chom sao5. 1 Orion

Chòm Liệp Hộ có hình dáng một người mang kiếm ngang thắt lưng (thắt lưng là 3 ngôi sao sáng xếp thành hàng ngang, còn 3 ngôi sao hơi mờ là thanh kiếm).

Nếu các bạn vạch một đường thẳng tưởng tượng từ thanh kiếm đi qua ngôi sao Capelle (sao Thiên Dương) là hướng tới Bắc Cực.

c) Chòm Nam Thập tự (Southern Cross)

Chòm sao Nam Thập Tự (hay Nam Tào, Chữ Thập Phương Nam, Nam Thập , gồm 4 ngôi sao xếp thành hình chữ thập, sao Nam Thập ở khoảng giữa chòm sao Nhân Mã và Thiên Thuyền,

Ở Nam Cực không có ngôi sao nào nằm ngay điểm cực nam như sao Bắc Đẩu ở cực bắc, cho nên người ta chỉ dựa vào những chòm sao xoay quanh điểm Nam Cực để định hướng, mà chòm Nam Thập là chòm sao dễ nhận thấy nhất.

6 nam thap

Ta gọi đường chéo dài của sao nam thập là đoạn AB. Các đoạn kéo đoạn AB đó dài ra bốn lần) rưỡi, định một điểm tưởng tượng. Điểm đó là điểm Nam Cực, nó cho ta hướng Nam địa dư, nằm ở cạnh chòm sao Kính bát phân (Octans). Ở Việt Nam, chúng ta chỉ có thể thấy sao Nam Thập từ chập tối trong khoảng tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.

 

5. BẰNG MẶT TRĂNG

Trăng thượng tuần: (từ mùng 1 đến mùng 10 Âm lịch). Nhưng chỉ thấy rõ trăng từ  mùng 4 Âm lịch. Trăng khuyết, hai đầu nhọn quay về hướng Đông.

Trăng trung tuần: (từ mùng 10 đến 20 Âm lịch). Như mặt trời, trăng mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây.

Trăng hạ tuần: (từ 20 đến 29-30 Âm lịch). Nhưng hết thấy rõ trăng từ 25 Âm lịch. Trăng khuyết, hai đầu nhọn quay về hướng Tây.

Trong dân gian có câu: Đầu trăng, khuyết đằng Đông. Cuối trăng, khuyết đằng Tây. Hoặc một câu đơn giản dễ nhớ: Đầu tháng Tây trắng. Cuối tháng Tây đen.

Nếu là thượng tuần thì phần “trắng” sáng (lưng cong) của trăng chỉ hướng Tây. Nếu là hạ tuần thì phần đen (tức hai đầu nhọn) của trăng chỉ hướng Tây.

6 mat trang dong tay

Ngoài ra các bạn có thể vạch một đường thẳng tưởng tượng đi qua hai đầu nhọn của mặt trăng thẳng xuống đất, điểm tiếp xúc đó là hướng Nam.

6. BẰNG RÊU MỐC

Gặp thời tiết xấu không nhìn rõ mặt trời, trăng, sao… các bạn có thể phỏng định phương hướng bằng cách nhìn vào thân cây. Ở vùng Bắc Bán Cầu, phía nào ẩm ướt nhiều là hướng Bắc (vì mặt trời không đi qua hướng này). Từ đó các bạn suy ra các hướng khác.

Cách này không chính xác lắm, bạn nên xem xét thêm nhiều thứ xung quanh.

 7. BẰNG CÂY XANH

Cây xanh không bao giờ mọc đối xứng, nhất là những cây mọc đơn độc, không phải chen lấn để tranh dành ánh sáng. Những cây này thường có xu hướng “nặng” ở một bên. Nhìn vào hình hai cây dưới đây thì các bạn nhận ra điều này.

7 bong cay

Cách này đòi hỏi các bạn phải có một cặp mắt tinh tế và một số kinh nghiệm nhất định.

Ở vùng Bắc bán cầu, mặt trời dành phần lớn thời gian của mình ở phía Nam. Tất cả các loại cây đều cần mặt trời để tồn tại và phát triển. Điều này dẫn đến việc cây mọc không đối xứng. Phía mà được ánh nắng mặt trời chiếu nhiều hơn – phía Nam – thì cành lá sẽ phát triển dày đặc hơn và có vẻ “nặng” hơn. Hiệu ứng này lrất dễ nhận thấy khi cây rụng lá.

Một sai lầm mà nhiều người trong chúng ta thường mắc phải, đó là nhìn vào một cái cây chỉ từ một góc rồi sau đó tự hỏi tại sao nó không cung cấp chúng ta những bí mật của nó. Thật ra những khác biệt của cây chỉ được nhận thấy khi bạn đi bộ chung quanh nó. Và vì vậy điều quan trọng là bạn nên làm một vài vòng quanh một thân cây nếu có thể.

Mặt trời cũng tác động đến các cành cây. Các nhánh ở phía Nam có xu hướng phát triển theo chiều ngang hơn, về phía mặt trời, trong khi các nhánh phía Bắc có xu hướng vươn thẳng đứng lên.

Ngoài ra, chúng ta cũng biết hoa hướng dương lúc búp hoa còn non, luôn hướng theo đường đi của mặt trời. Khi đã nở hoa thì luôn quay về hướng Đông.

8. BẰNG GIÓ

Chúng ta có thể căn cứ vào ngọn gió để tìm phương hướng. Gió có thể thổi từ hướng nào, những ngọn cây nghiêng về hướng đó.

8 gio

Việt Nam ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Cho nên nước ta có hai loại gió mùa:

Gió mùa Đông Bắc: Từ tháng 11 đến tháng 3 Dương lịch – Thổi từ Đông Bắc xuống Tây Nam.

Gió mùa Tây Nam: Từ tháng 5 đến tháng 10 Dương lịch – Thổi từ Tây Nam ngược lên Đông Bắc.

Có nhiều cách để biết hướng gió ngoài cách nhìn ngọn cây:

Tạo một đám khói và nhìn hướng khói bay.

Thả rơi một số giấy vụn hay lá khô vò nát.

Ngậm ngón tay trỏ vào miệng trong 10 giây, sau đó lấy ra đưa lên cao. Phía nào lạnh trước là gió đến từ hướng đó (khi ngậm tay trong miệng, các bạn làm cho ngón tay ẩm ướt và ấm lên. Khi đưa ngón tay lên gió, nó sẽ làm cho độ ẩm bốc hơi nhanh làm lạnh phía mà gió tiếp xúc).

Bởi: Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

VoChieu K1

K1

You may also like...

2 Responses

  1. VoChieu K1 says:

    Ngày nay chỉ cần một cái GPS hay Smart Phone bạn có thể tương đối xác đinh vị trí của bạn trên toàn thế giới ! Nhưng ngày xưa không phải dễ đâu nhé!
    Mời đọc để biết và biết đâu một ngày nào chả hữu dụng !! Phone bạn hết pin trong lúc bạn đi lạc trong rừng …một mình thì sao ?
    Mời đọc những bài liên quan:

    – Làm sao định được kinh tuyến và vĩ tuyến
    – Sử Dụng La Bàn Tìm Phương Hướng
    – Xác Định Phương Hướng Trên Biển

  2. Tri Nguyen says:

    Rất là lý thú và hữu ích. Sẽ vào xem thường mới hy vọng nhớ được.
    Cảm ơn VCH sh

Leave a Reply