Vạn vật biến đổi như thế nào?
Vạn vật trong vũ trụ thì vô vàn nếu không muốn nói là vô cùng, thế thì làm sao mà có thể biết được hết các sự vật đó nó biến đổi như thế nào? Thật là một điều không tưởng! Ấy thế mà trong triết học của người Trung Hoa cũng như trong ngành khoa học thực nghiệm phương Tây, nhiều học giả đã biết giải thích vạn vật biến đổi ra làm sao. Vậy có thể đặt câu hỏi làm sao mà họ biết? Và theo họ thì vạn vật biến đổi như thế nào?
A/ Làm sao biết?
Trong triết học Trung Hoa có ba trường phái nói về nguồn gốc của cái biết, đó là các trường phái “chủ ngoại”, “chủ nội” và “kiêm trọng nội ngoại”.
Thuyết “chủ ngoại” cho rằng cái biết có được từ việc nhận thức các sự vật trong vũ trụ qua ngũ quan của mình. Trong số các triết gia thuộc về trường phái này, có các triết gia nổi tiếng như Mạnh tử, Tuân tử, Vương Sung. Riêng ông Mạnh tử còn cho rằng cái biết còn đến từ kinh nghiệm sống của tiền nhân và nhất là có nhiều cái mà ta không học mà biết như lòng yêu thương, biết sợ sệt, v.v. là do tự “Thiên phú” mà được.
Thuyết “chủ nội” thì cho rằng cái biết đến từ chính mình. Thuyết này do các triết gia Trình Hiệu, Lục Tương Sơn và Vương Dương Minh đề ra. Đây là quan điểm của các triết gia theo trường phái “duy tâm” cho rằng nguyên lai của vạn sự là “tâm”. Cái tâm của ta là do đạo Trời mà đến. Trình Hiệu nói rằng “lấy tâm biết Trời…”. Lục Tượng Sơn cho rằng cái tâm bao hàm hết mọi lý lẽ của vũ trụ, và cho rằng chỉ cần “tận tâm” là rõ hết mọi lý lẽ của mọi sự. Vương Dương Minh cũng chủ trương như vậy: “phù vật lý bất ngoại vô tâm (Lý của vật không ở ngoài tâm ta)”
Thuyết “kiêm trọng nội ngoại” chủ trương cái biết vừa đến từ ngoại giới và vừa ở trong ta. Các triết gia theo thuyết này không hoàn toàn thống nhất về quan điểm của tri thức. Phái Mặc gia (đệ tử của Mặc tử) cho rằng cái biết một phần đến từ ngoại giới nhờ quan năng của mỗi người nhưng cũng có cái biết chỉ đến từ cái tâm, như cái biết về thời gian. Triết gia Trương Hoành Cừ nói có cái biết đến từ bên ngoài do mắt thấy, tai nghe nhưng cũng có cái biết về đức tính là do tâm trực hợp với ngoại vật mà biết. Các ông Trình Di và Chu Hy chủ trương tri thức đã có sẵn trong con người nhưng muốn tìm thấy nó thì phải biết “cùng lý”, có nghĩa là phải quan sát cho kỹ sự vật để cho ra cái lý của nó. Hoàng Lê Châu lại cho rằng cái biết vừa đến từ mắt thấy tai nghe vừa do trực giác của mình mà có. Vương Thuyền Sơn nói cái biết về sự vật đến từ ngoại giới còn cái biết về đạo đức là do trong ta.
Hình như các triết gia Trung Hoa chịu ảnh hưởng quá nhiều về ý niệm “cách vật trí tri” do Khổng tử đề ra khi bàn về tri thức. Tuy nhiên họ hiểu mỗi người một cách về cụm từ này cho nên mới sinh ra các trường phái như đã viết ở trên. Thời Đông Hán, có ông Trịnh Huyền cho rằng “vật là sự vật” và “cách là cách đến cùng”. Đến thời nhà Tống lại có ông Chu Hy giải thich rằng “vật là lý”, “cách là xét đến cùng” và từ đó ông cho ra đời hai chữ “cùng lý”. Chu Hy quan niệm rằng tri thức vốn có ở mỗi người nhưng bị ảnh hưởng của vật dụng nên làm mất đi cái biết của mình. Vậy muốn biết thì phải “cùng lý”. Vào thời nhà Minh, có triết gia Vương Dương Minh chủ trương duy tâm nên cho rằng lời giải thích về “cách vật, trí tri” của Chu Hi làm cho người ta đi sai đường, cứ đi theo sự vật để tìm đạo lý. Theo ông ta nếu muốn “cách vật” thì phải làm cho tâm sáng ra, có nghĩa là làm điều thiện, tránh điều ác. Còn “trí tri” là khuyếch sung đến tận cùng cái “lương tri” của mình. Họ Vương giải thích lương tri là cái “linh giác” của tâm. Không học mà biết, không nghĩ mà hiểu. Nhờ lương tri mà ta biết thế nào là thiện, thế nào là ác.
Không có bằng chứng rằng “cách vật trí tri” là do Khổng tử đề ra. Người đời biết đến bốn chữ này là do đọc được trong quyển sách “Đại Học” được cho là do Tuân tử, học trò của khổng tử, viết ra ghi lại các lời giảng của Khổng tử, trong đó có câu “trí tri tại cách vật, vật cách nhi hậu tri chi (Tri thức do nghiên cứu sự vật mà có, vật được nghiên cứu rồi cái biết mới đến)”. Nếu ta bỏ ra ngoài khía cạnh triết học mà chỉ xét theo tự điển chữ Hán thì “cách” có nghĩa là tiếp xúc, là nghiên cứu và “trí” có nghĩa là đi đến, là suy ra. Như thế thì “cách vật trí tri” có nghĩa là nghiên cứu sự vật để tìm ra tri thức.
Người phương Tây họ có hai phương pháp để tìm hiểu một sự việc nào đó: phương pháp “quy nạp” và phương pháp “suy diễn”.
Phương pháp “quy nạp (induction)”: Phương pháp “quy nạp” chấp nhận một nguyên lý cho rằng nếu một số lượng đáng kể A được quan sát, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, đều có tính chất B thì tất cả tập thể A đều có tính chất B (Chalmers). Theo phương pháp này, nghiên cứu khoa học bắt đầu bằng sự quan sát tự do không thành kiến về các sự kiện. Từ sự quan sát, bằng lý luận và lập luận, đưa ra các quy luật phổ quát liên quan đến các sự kiện đã quan sát. Cuối cùng, bằng các quy nạp bổ sung, đưa ra các mệnh đề tổng quát được gọi là lý thuyết (Mark Blaug). Phương pháp này tuần tự có bốn giai đoạn:
-
Phân tích chủ đề nghiên cứu.
-
Quan sát và ghi lại sự kiện.
-
Phân tích thông tin thu thập được.
-
Kết luận.
Thí dụ: quan sát mười ngàn con gà trong nhiều môi trường khác nhau và nhận thấy rằng tất cả mười ngàn con gà đều có hai chân. Vậy kết luận giống gà có hai chân.
Phương pháp này có vẻ giống như “cách vật trí tri” trong triết học Trung Hoa. Ngoài việc quan sát bằng ngũ quan, khoa học Tây phương còn sử dụng dữ liệu thống kê và nghiên cứu DNA trong quá trình nghiên cứu.
Phương pháp “suy diễn (déduction)”: Phương pháp này bắt đầu bằng việc đề ra một giả thuyết phát sinh từ trí tưởng tượng hay từ một kinh nghiệm của người nghiên cứu. Giả thuyết đặt ra không theo một quy tắc nghiêm ngặt mà chỉ là một phát minh cá nhân có mục đich đưa ra câu trả lời cho những vấn đề đã đặt ra. Sau khi đã đặt ra giả thuyết, nhà nghiên cứu phải làm thí nghiệm để xác nhận hoặc bác bỏ giả thuyết.
Thí dụ, nhận thấy thuốc aspirin có tính làm loãng máu nên nhà nghiên cứu có thể nghĩ rằng thuốc có khả năng ngăn ngừa chứng tai biến mạch máu não cho những người bị bệnh tim. Sau khi đã đưa ra giả thuyết này, các bác sỹ cần làm thử nghiệm lâm sàng nhiều lần trên một số bệnh nhân. Nếu cuộc thử nghiệm đạt thành quả tốt đẹp, giả thuyết được xác nhận để trở thành một phương pháp trị liệu.
B/ Vạn vật biến đổi như thế nào?
Triết học Trung Hoa, bắt đầu từ Dịch truyện, cho rằng sự hình thành của sinh vật trải qua bốn giai đoạn là: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Nguyên là lúc khởi đầu của cuộc sống chưa tiếp xúc với ngoại giới. Hanh là lúc tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Lợi là lúc sinh vật thích ứng với hoàn cảnh sống. Trinh là lúc sinh vật hình thành một cách tốt đẹp. Thuyết này được gọi là “Đại hóa lưu hành”. Nó chứng tỏ cho ta biết nếu sinh vật không thích ứng được với ngoại giới sẽ không thể tồn tại được.
Triết học Trung Hoa cũng cho rằng vũ trụ vạn vật luôn biến đổi không ngừng (vô thường) và sự biến đổi không ngừng đó luôn đi theo một trình tự vì nó bị chi phối bởi một quy luật bất di bất dịch được gọi là quy luật thường. Có nghĩa là vũ trụ vạn vật thì vô thường còn luật biến hóa thì thường. Và cái luật biến hóa đó được gọi là luật phản phục.
Luật phản phục có nghĩa là sự vật luôn diễn biến theo một cách nào đó và khi nó không tiến triển thêm hơn nữa thì nó quay nghịch trở lại để trở về trạng thái như ban đầu rồi sau đó nó lại tiếp tục chu kỳ tiếp theo. Sự biến hóa cứ tuần tự như thế không bao giờ ngừng. Bên ta có câu nói có thể dùng để diễn tả luật phản phục này, đó là “qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai” hoặc “lên voi xuống chó”.
Sở dĩ có luật phản phục vì các triết gia Trung Hoa quan niệm sự vật luôn có cặp đôi như nam nữ, nóng lạnh, trắng đen, phải trái, thiện ác… và cái quan niệm này được gọi là quan niệm “lưỡng nhất”. “Lưỡng” là hai vật đối lập nhau và “nhất” là hợp nhất lại. Giả tỷ như khi khí dương thịnh đến cùng cực rồi thì quay trở lại nhường chỗ cho khí âm phát triển cho đến tận cùng rồi sau đó khí âm lại nhường chỗ cho khí dương để tiếp tục cho chu kỳ biến hóa tiếp theo.
Dân Âu châu họ chịu ảnh hưởng rất nhiều vào các nền văn hóa Hy Lạp, La Mã rồi Thiên Chúa giáo cho nên họ tin nhiều vào thuyết “Thần sáng tạo”, thần thánh hoặc Chúa tạo nên muôn vật không bao giờ biến đổi. Phải đợi đến thế kỷ 19 thì thuyết “tiến hóa của các loài vật” mới bắt đầu xuất hiện với nhà sinh học Darwin. Tuy nhiên vào thời kỳ này, Tây phương chưa có đủ khả năng kỹ thuật để các lập luận họ đưa ra được kiểm chứng.
Phải đợi đến đầu thế kỷ 20, nhờ có viễn vọng kính, các nhà khoa học mới có thể quan sát thấy các dải ngân hà càng ngày càng nở rộng ra và cách xa nhau hơn. Vì thế họ mới cho ra đời thuyết Big Bang cho rằng vũ trụ vào thời kỳ thành lập rất nhỏ bé rồi từ từ bành trướng ra để có được không gian như ngày hôm nay.
Từ khoảng 50 năm trở lại đây, với khả năng khám phá DNA, các nhà khảo cổ mới tìm ra rằng con người và các loài khỉ Tinh tinh và Bonobo có cùng trình tự di truyền giống, cho thấy người và khỉ có cùng một tổ tiên. Hàng nghìn hóa thạch của các loài cho thấy sự tiến hóa thành loài người sau khi tách khỏi các loài vượn lớn khác rồi sau đó là khỏi Tinh tinh và Bonobo. Nhờ vào DNA, khoa học đã tìm ra khủng long Theropod là ông tổ của cả chục ngàn loài chim hiện nay trong khi đó các loài khủng long khác đã tuyệt chủng. Câu hỏi được đặt ra là vì lý do gì chỉ có loài khủng long Theropod còn truyền lại đến ngày nay trong khi đó các loài khủng long khác đều bị huỷ diệt? Các nhà sinh học đã quan sát cả ngoài thiên nhiên lẫn trong phòng thí nghiệm cho thấy còn có sự tiến hóa của nhiều loài khác. Thí dụ sự xuất hiển của vi khuẩn có khả năng vô hiệu hóa thuốc kháng sinh đã từng giệt nó là một dạng tiến hóa.
Có một nhận xét kỳ lạ dường như các loài vật đều hòa nhập với thiên nhiên như các con gấu trắng sống ở miền băng tuyết, gấu đen và nâu sống trong rừng hay trên núi; Con tắc kè khi ở trong lùm cây xanh thì da nó trở thành màu xanh, khi trong bụi hoa thì da nó trở thành muôn sắc; con cá sống trên mặt nước thì lưng nó màu xám, bụng nó màu trắng; con cá sống dưới đáy biển thì lưng nó màu vàng như cát; các con chim cỡ nhỏ như chim sẻ thì mỏ nó nhọn nếu là chim ăn sâu bọ, còn nếu là chim ăn mễ cốc thì mỏ nó to bành ra…
Thuyết tiến hóa của các loài cho rằng tất cả các loài vật nào không hội nhập được với môi trường sống để tiến hóa sẽ bị tiêu diệt. Khi biết hội nhập với môi trường sống, cơ thể của mỗi loài vật sẽ tiến hóa sao cho phù hợp với thiên nhiên để chịu được với môi trường sống và tránh cho các loài vật khác mạnh hơn nhìn thấy chúng để tiêu diệt. Thí dụ như con cá sống trên mặt nước thì lưng nó màu xám như nước biển để các con chim bói cá không nhìn ra nó, bụng nó màu trắng để các con cá to ở dưới thấp nhìn lên chỉ thấy toàn màu trắng. Sự tiến hóa diễn ra bằng sự chọn lọc tự nhiên hoặc nhân tạo. Bằng sự chọn lọc tự nhiên, loài vật tìm cách biến đổi hình dạng và cơ thể của mình sao cho hợp với môi trường. Sự biến đổi hình dạng được thể hiện qua hành động “bắt chước” hoặc “giả trang”. Bằng phương pháp này, con gấu sống trên tuyết sẽ đổi màu lông của nó thành màu trắng, gấu trong rừng sâu sẽ đổi thành màu đen, dưới ánh nắng mặt trời, lớp da bên ngoài sẽ dần dần đổi thành màu nâu… Sự biến đổi này nhiều khi cần phải trải qua nhiều thế hệ mới trở thành vĩnh viễn và DNA của loài vật cũng biến đổi theo để rồi sự biến đổi trở thành tính di truyền. Sự chọn lọc nhân tạo chính là sự lai giống giữa các loài khác nhau được thể hiện trong thiên nhiên hoặc trong các phòng thí nghiệm, trại chăn nuôi, vườn ươm cây…
Hè 2024,
Phạm Văn Vĩnh
Tham khảo:
- Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê – Đại Cương Triết Học Trung Quốc.
-
Dòng Tên Jesuits – Cách Vật Trí Tri Theo Kiến Giải Của Vương Dương Minh
-
Tăng Tử – Đại Học – Phan Văn Các dịch nghĩa.
-
Mark Blaug (1982), La méthodologie économique, Economica, Paris.
-
Alan F. Chalmers (1976) – What is this thing called Science?
-
Société Française de Pharmacologie et de Thérapeutique – Livre blanc – GT méthodologie.
-
Nadia Drake (National Geographic) – L’évolution humaine en sept questions.
-
Timothée Bonnet (École Normale Supérieure 2018) – L’évolution en action.