Vạn vật từ đâu mà có?
Cây có cội. Nước nó nguồn. Con người có tổ tiên. Trong tâm trí của con người, nhận thức về nguồn gốc của vạn vật không thống nhất. Có người tin rằng vũ trụ, vạn vật do một đấng thiêng liêng, quyền phép và hằng sống tạo ra. Cũng có người nghĩ rằng vạn vật tự sinh, tự biến. Lại có người cho rằng vũ trụ được sinh ra từ một khối hỗn hoang, như ông Lão Tử; từ cái lý, cái tâm, cái khí như một số triết gia Trung hoa thời nhà Tống. Một số nhà khoa học giải thích sự hiện hữu của vạn hữu bằng những lý thuyết vật lý, trong số đó thuyết Big Bang được chú ý hơn cả. Ngoài những nhận thức trên mà người Việt chúng ta có thể biết được vì đã được hấp thụ văn hóa Đông-Tây, Chắc chắn còn nhiều quan điểm khác từ các nền văn hóa khác mà chúng ta chưa hiểu biết. Tất cả các lý thuyết vừa kể đều xuất xứ từ lòng tin tôn giáo hoặc từ lý luận của lý trí. Thiết tưởng đi tìm nguồn gốc vũ trụ, đối với chúng ta, chỉ là một cách để thỏa mãn cái tính tò mò trong tinh thần học hỏi mà thôi.
Người Việt chúng ta tin rằng Trời sinh dưỡng vạn vật (Trời sinh voi sinh cỏ), quy định đời sống (Trời cho ai nấy hưởng), quyết định vận mạng của mỗi loài (Trời kêu ai nấy dạ), v.v. Câu “Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư” trong bài thơ của Lý Thường Kiệt chứng minh lòng tin của người mình về Thiên mệnh. Người Việt trên cao nguyên gọi Trời là “Giàng” hay “Yang” và họ có lệ cúng Giàng hàng năm. Trời nói ở đây không phải là bầu trời, mặt trời, v.v. mà là một đấng thần linh có quyền thế vô biên mà con người phải thờ kính.
Khổng giáo cũng tin rằng vũ trụ vạn vật do Trời Đất sinh ra. Khổng Tử nói: “Chỉ có Trời Đất sinh ra vạn vật (Duy thiên địa vạn vật chi mẫu)”. Khổng tử hay nói đến “Thiên mệnh” cho nên các nhà Nho xưa hay tin rằng tất cả mọi sự trên đời đều do Trời định (Ngẫm hay muôn sự tại Trời, Truyện Kiều). Đạo Khổng còn tin có Quỷ, Thần mà Khổng tử bảo rằng cần phải kính trọng. Khổng tử không phải là người Trung Hoa đầu tiên cho Trời là đấng tạo hóa vì vào thời Tam Hoàng người Trung Hoa đã có quan niệm vua là con Trời (Thiên tử), được giao phó nhiệm vụ thay trời làm việc chánh đạo.
Giáo lý đạo Thiên Chúa còn chính xác hơn: Thiên Chúa là đấng hằng sống, vô thủy, vô chung, đã dựng nên trời đất, muôn vật trong vòng sáu ngày và ngày thứ bảy là ngày Chúa nghỉ ngơi. Vì lý do đó mà một tuần lễ Dương lịch mới có bảy ngày và ngày Chúa nhật là ngày của Chúa.
Phật giáo không giải thích về nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Trong kinh Di Lan Đà Vấn Đáp (Milindapañha), ở đoạn Na Tiên Tỳ Kheo (Nagasena) nói về cái “Danh Sắc” đã có từ vô thủy đến nay trải qua một thời gian vô tận. Vua liền hỏi về khái niệm thời gian thì Tỳ Kheo giải thích rằng không ai có thể biết được nguồn gốc của thời gian. Vì thế có thể hiểu rằng vũ trụ có từ vô thủy nhưng không biết do đâu mà ra.
Hình như mỗi nền văn minh đều có tín ngưỡng riêng tin vào một đấng thần linh sinh ra vạn vật. Thí dụ như bên Nhật Bản, đa số dân Nhật là tín đồ Thần Đạo (Shinto), họ thờ rất nhiều thần (Kami) trong đó có thần Izanagi và nữ thần Izanami là hai cụ ông cụ bà sinh ra vũ trụ, vạn vật và nước Nhật. Người Inca xưa ở Nam Mỹ thì tin rằng thần Viracocha là đấng tạo hóa, trước hết sinh ra mặt trời và ngày; sau đó sinh ra mặt trăng, các vì sao và các bộ lạc. Văn hóa Ai Cập thì tin rằng thần Rê (hay Râ), tức thần mặt trời, tạo ra vũ trụ. Theo thần thoại của người Hy Lạp, vũ trụ lúc ban đầu chỉ là một khối hỗn hoang. Sau có một sức mạnh huyền bí nào đó, có thể nghĩ là Thượng Đế, đã tạo ra trái đất tròn và dẹp, treo lơ lửng trên không trung. Mặt trái đất được đậy lại bằng một vòm trời như cái lồng bàn. Hai vị thần đầu tiên xuất hiện là thần nữ Gaia (Gaya), nữ thần của mặt đất và thần nam Ouranos (Uranus) cai quản bầu trời.
Song song với lòng tin vào đấng thần linh quyền năng sinh ra vạn vật, có một số nhà tư tưởng lại tin rằng vũ trụ tự nhiên mà có và nó được bắt đầu bằng một cái gì đó tùy vào nhận xét chủ quan của mỗi nhà. Lại có người nghĩ rằng vạn vật tự sinh tự biến hóa.
Triết học Trung hoa có rất nhiều tư tưởng. Trong ba tư tưởng của Khổng tử, Mặc tử và Lão tử, đặt nền móng cho các tư tưởng về sau, chỉ có Lão tử bàn nhiều về vũ trụ quan. Trước thời Tiên Tần cũng đã có Dịch truyện bàn nhiều về nguồn gốc của vũ trụ cùng sự biến hóa của nó. Đến thời nhà Tần, vua cấm sách, các nhà trí thức chỉ bàn về Dịch học vì là sách bói toán còn được cho phép. Từ thời nhà Hán trở đi, có nhiều triết gia hoạt động trở lại nhưng khi luận về vũ trụ vạn vật, các vị này có vẻ rập khuôn theo quan điểm của Dịch truyện, tuy ngôn ngữ có khác đi đôi chút. Tuy nhiên vào thời nhà Ngụy có hai triết gia Hướng Tú và Quách Tượng cho rằng vạn vật tự sinh, tự tồn và tự biến, có nghĩa là không có nguồn gốc gì cả. Từ thời nhà Tống đến thời nhà Thanh, xuất hiện ba trường phái “Duy lý”, “Duy tâm”, “Duy khí”. Tất cả các trường phái này rốt cục đều lấy hai yếu tố Âm và Dương hòa hợp với nhau mà sinh ra vạn vật. Xin đơn cử một vài thí dụ. Thời nhà Hán có ông quan Đổng Trọng Thư cho rằng nguồn gốc của vũ trụ là “Nguyên”. Không hiểu nghĩa là gì, có thể hiểu là nguyên lai hay nguyên khí, nhưng sau đó ông ta cũng cho Âm Dương là hai yếu tố sinh ra vạn hữu. Thời Bắc Tống, triết gia Chu Đôn Hy lấy thuyết của Dịch truyện ra giải thích vũ trụ nhưng ông ta thêm vào là trước khi có Thái Cực thì còn có Vô Cực. Các trường phái Duy lý, Duy tâm cũng vậy. Tuy nói rằng căn nguyên của vạn vật là cái “Lý” hay cái “Tâm” nhưng các trường phái này cũng phải thêm cái “Khí” đi cùng với cái Lý và cái Tâm để có thể giải thích quy luật Âm Dương. Chẳng hạn, triết gia Chu Hi nói rằng bản căn của vũ trụ là cái “Lý” nhưng có chỗ ông ta giải thích “Lý” là Thái cực; triết gia Lục Cửu Uyên cho rằng vũ trụ phát nguồn từ “Tâm” nhưng có chỗ ông nói “Tâm” là “Lý”. Rốt cuộc chỉ có Dịch truyện và Lão tử là bàn thật về vũ trụ luận mà thôi.
Phái Dịch truyện cho rằng trước khi có vũ trụ thì chỉ có Thái cực. Triết gia Chu Hi thời Nam Tống giải thích Thái cực là nguyên khí chưa phân rẽ ra thành hai khí Dương và Âm. Thái cực sinh ra Lưỡng nghi, tức là sinh ra hai khí Âm, Dương. Có lẽ nên hiểu rằng Thái cực phân rẽ ra mà thành Âm, Dương. Từ Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng, tức là hai khí Âm, Dương biến hóa mà thành ra bốn trạng thái khí Dương thịnh, Dương yếu, Âm thịnh, Âm yếu. Khí Âm và Dương từ các trạng thái này hòa hợp với nhau mà sinh ra Bát quái, tức là tám quẻ “Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài”, lần lượt biểu tượng “Trời, Đất, Sấm Sét, Gió, Nước, Lửa, Núi và Đầm Lầy”, là tám yếu tố cơ bản của mọi sự vật (Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái). Từ quan niệm này về trình tự sinh ra vạn vật, có thể nghĩ rằng phái Dịch truyện thuộc về trường phái Duy khí.
Lão tử là người khởi xướng ra Vũ trụ luận. Con người ông ta rất huyền bí. Không ai biết rõ ông ta sinh khi nào, ở đâu. Tư Mã Thiên thì cho rằng Lão tử sinh sau Khổng tử mấy thế kỷ. Sách Đông Chu Liệt Quốc thì cho rằng Lão tử sinh trước Khổng tử và hai người đã gặp nhau khi Lão tử làm quan nhà Chu. Có người còn nghi rằng Lão tử không phải là người Trung Hoa mà là người Ấn Độ vì hình vẽ Lão tử cưỡi trâu mà vào thời đó có trâu bên Ấn Độ nhưng không có bên Trung Hoa. Về nguồn gốc vũ trụ, những gì Lão tử nói đều nằm trong sách Đạo Đức Kinh, tổng cộng có 81 bài thơ, rất khó hiểu, nên có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Về nguồn gốc vũ trụ, Lão tử viết trong bài thơ thứ 25, ở câu đầu tiên, rằng “trước khi có vạn vật thì có một cái gì hỗn độn, yên lặng, trống không, đứng một mình mà không thay đổi, đi khắp nơi mà không mệt, có thể là mẹ của thiên hạ (Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu. )”. Đến câu thơ thứ hai, Lão tử bảo “Ta không biết nó gọi là gì, nên viết tên chữ cho nó là Đạo, gượng đặt tên gọi cho nó là Đại. (Ngô bất tri kỳ danh; tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại. )”. Qua hai câu thơ trên, có thể nói Lão tử cho rằng vạn vật bắt nguồn từ một cái “không” và ông đặt tên chữ cho nó là Đạo, đặt tên gọi là Đại. Chỗ này thiết tưởng điều ông nói về cái vật hỗn độn, trống không, có thể là mẹ thiên hạ có phần vô lý. Vô lý vì đã là mẹ thiên hạ thì tất nhiên vũ trụ chưa xuất hiện. Thế nhưng khi ông nói cái vật đó bay đi khắp mọi nơi mà không biết mệt thì chứng tỏ “không gian” đã có rồi. Không gian thuộc về vũ trụ, tức là cái vật hỗn độn kia có sau vũ trụ. Đúng hay sai?
Trong bài thơ thứ 4, Lão tử nói ở câu đầu tiên rằng “Đạo rỗng không mà dùng không hết (Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh)” và ở câu cuối rằng “Ta không biết Đạo là con ai, hình như có trước Thượng Đế (Ngô bất tri thùy chi tử, tượng đế chi tiên)”. Như vậy Lão tử tin có Trời nhưng không phải là đấng sáng tạo ra vũ trụ.
Trong bài thơ thứ 40, ở câu cuối, Lão tử nói rằng “Thiên hạ, vạn vật sinh ra từ cái có, cái có sinh ra từ cái không (Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô. )”. Triết gia Vương Bật đời Ngụy Tam Quốc giải thích “hữu” là Trời Đất, “vô” là Đạo, tức là cái vật hỗn độn tả trong bài thơ số 25 đã nói ở trên. Triết gia Chu Hi đời Tống thì giải thích “hữu” là Thái cực. Học giả Nguyễn Hiến Lê thì cho rằng “vô” là Đạo lúc chưa có hình và “hữu” là Đạo khi đã thành hình ở thể khí khi chưa phân rẽ ra thành hai khí Âm, Dương.
Đến bài thơ thứ 42, Lão tử viết “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Ngoài vạn vật có Âm, trong có Dương, hai khí dung hòa với nhau. (Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa. )”. Câu này thì có nhiểu ý kiến. Triết gia Chu Hi bảo là Đạo là Thái cực, một là khí Âm, hai là khí Dương, ba là hai khí Âm, Dương hòa hợp nhau mà thành khí trung hòa. “Lữ Tổ Đạo Đức Kinh Giải” thì cho rằng “một” là nguyên khí, “hai” là Âm Dương, “ba” là Thiên địa nhân. Sử gia Tư Mã Quang thời Bắc Tống thì nói rằng “Đạo sinh nhất” có nghĩa là Đạo từ Vô danh trở thành Hữu danh. Ý kiến này hợp với ý kiến của ông Nguyễn Hiến Lê đã nói ở câu thơ số 40 trên đây.
Qua các chi tiết trên, có thể nghĩ rằng Dịch truyện và Lão tử đều có cùng một quan điểm về bản căn của vũ trụ: bắt đầu từ trạng thái khí hỗn độn, phân rẽ ra thành hai khí Âm, Dương. Hai thể khí này hòa hợp lại với nhau mà thành vạn hữu.
Mấy chục năm gần đây, các nhà khoa học phương Tây đưa ra một vài lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ trong đó thuyết Big Bang được chú ý nhiều hơn cả. Thuyết này không phải một sớm một chiều mà có mà nó được nhiều nhà khoa học lần lượt đóng góp trong một thời gian dài. Ngay cả cái tên Big Bang cũng chỉ được đặt tên một cách mỉa mai, nhiều năm về sau(1949) trong một chương trình phát thanh, bởi nhà vật lý thiên văn Fred Hoyle, người Anh, chống lại thuyết Big Bang. Thật ra thì thuyết Big Bang đã được bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước kể từ khi ông Einstein công bố thuyết Tương đối rộng vào năm 1916. Trước thế kỷ thứ 20, các nhà khoa học đều cho rằng vũ trụ bất biến, bất di bất dịch.
Vào những năm 1920, một số nhà thiên văn học quan sát các giải ngân hà xa xôi và nhận thấy rằng các ngân hà này càng ngày càng xa trái đất, càng xa nhau . Quan sát này cho thấy vũ trụ càng ngày càng giãn nở không ngừng và như thế đưa đến kết luận là vũ trụ thời sơ khai rất nhỏ bé. Vào thời gian đó, nhà vật lý Georges Lemaitre, linh mục Công giáo, người Bỉ, nói rằng nếu thời gian có thể quay ngược lại, thì vũ trụ lúc ban đầu chỉ là một điểm cực nhỏ, cực đặc, cực nóng đến hàng tỷ tỷ độ C, chứa đựng mọi vật chất. Ông gọi cái điểm cực nhỏ đó là “nguyên tử nguyên thủy”. Và cái điểm đó ngày nay chúng ta gọi nó là Big Bang. Các nhà khoa học cho rằng Big Bang xuất hiện khoảng 13,7 tỷ năm về trước. Theo những tính toán của các nhà khoa học thì trình tự hình thành vũ trụ có thể diễn ra như sau:
-
Trong khoảng thời gian khoảng từ 13 đến 14 tỷ năm về trước, vũ trụ chỉ là một điểm cực nhỏ, chứa đựng mọi vật chất, cực đặc và cực nóng hàng tỷ tỷ độ C.
-
Trong một khoảnh khắc, khoảng một phần trăm tỷ tỷ tỷ giây đồng hồ (10-34 giây), điểm cực đặc và cực nóng kia bùng giãn ra một cách cực mạnh và cực nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng. Sự bùng nở phát triển với tốc độ và nhiệt độ cực kỳ cao, tăng gấp đôi kích thước sau mỗi 10 đến 34 giây, tạo ra không gian. Những hạt (particules) đầu tiên xuất hiện và kết thúc bằng cách tạo nên các hạt nhân hydrogène và hélium.
-
Khoảng từ ba đến bốn trăm năm sau, các électron xuất hiện rồi bị hút vào các hạt nhân để hình thành nguyên tử hydrogène và hélium.
-
Hàng trăm triệu năm sau, vũ trụ càng ngày càng nguội dần. Ở một vài nơi, các hạt kết hợp lại với nhau nhờ vào trọng lực(gravité). Một số ngôi sao đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Phản ứng nhiệt hạch (fusion) bên trong các ngôi sao tạo ra các yếu tố mới nặng hơn như oxygène, carbone, sắt, silicium, v.v.
-
Sau đó các ngôi sao trên tự bùng nổ và phân tán ra khắp vũ trụ để hình thành thêm rất nhiều ngôi sao mới.
-
Khoảng một tỷ năm sau, Các ngân hà bắt đầu xuất hiện.
-
Thái dương hệ được hình thành sau 9 tỷ năm kể từ khi Big Bang bùng phát. Bắt đầu từ một tinh vân (thể khí dưới dạng mây, nébuleuse) trong đó một phần lớn tập trung lại để tạo thành mặt trời và phần còn lại tạo nên những hành tinh.
Trên đây là một số thuyết về nguồn gốc của vũ trụ. Như đã nói trong phần nhập đề, các thuyết trên chỉ dựa vào lòng tin hoặc dựa theo sự lý luận chủ quan. Chúng ta vẫn chưa biết Thái cực, Big Bang, v.v. đã được sinh ra từ đâu. Điều đó cho chúng ta nghĩ rằng có thể trong tương lai còn có thêm các thuyết mới và biết đâu một trong những thuyết mới đó sẽ vén màn bí mật cho mọi người biết rõ về cội nguồn thật sự của vũ trụ. Chờ xem!
Paris 13/03/2024
Phạm Văn Vĩnh
Khảo cứu công phu. Cám ơn Vĩnh.