VN Lịch sử trường thi – Phần 14
VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – PHẦN 14
Trong bài nầy có một vấn đề gây tranh cãi giữa các sử gia và đến nay chưa có kết luận chính thức. Đó là trách nhiệm của Hồ Quý Ly về sự lệ thuộc nhà Minh của nước ta.
Theo một số sử gia trong đó có cụ Trần Trọng Kim, chính sự soán ngôi nhà Trần của Hồ Quý Ly làm cho Minh có lý do xâm lược nước ta. Nếu họ Hồ đừng tham ngai vàng, tiếp tục trung thành với nhà Trần, đem tài mình ra giúp ích cho quê hương thì dân mình đâu có bị lệ thuộc mà họ Hồ cũng được danh thơm lưu truyền hậu thế.
Theo một số sử gia khác, trong đó có ông Phạm Văn Sơn, một triều đại luôn luôn khởi đầu với những minh quân, quốc gia đươc hùng cường, rồi sau đó kết thúc với những hôn quân, vừa ngu dốt lại vừa ăn chơi trụy lạc làm cho quốc gia lụn bại và đương nhiên tạo nên sự chấm dứ triều đại. Nếu lúc đó, bên Tàu loạn lạc thì nước mình thoát khỏi sự xâm lược. Nhưng nếu lúc đó Tàu bình yên và đang hưng thịnh thì thế nào cũng tìm cách xâm lăng; dùng chuyện soán ngôi làm lý do trừng phạt chỉ là ngụy ngôn để che đậy dã tâm bá chủ mà thôi. Vậy, nhà Trần mất ngôi để bắt đầu một triều đại khác chỉ là một sự kiện tất yếu của lịch sử. Tiếc rằng giai cấp quý tộc vả cả dân chúng lúc đó có đầu óc tôn quân một cách mù quáng làm hại tinh thần yêu nước chân chính, không biết đoàn kết, không hết lòng bảo vệ tổ quốc, thậm chí có nhiều người tiếp tay cho giặc để tỏ lòng trung trung thành với nhà Trần. Vậy, chính những người mù quáng nầy phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, chứ không phải là Hồ Quý Ly. Lịch sử cũng ghi nhận rằng, sau khi đoạt được ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly không chỉ lo hưởng giàu sang, ăn chơi trụy lạc nhưng những vua cuối đời Trần, mà hết lòng chăm lo quốc sự và có được những cải cách đáng khen cho đất nước.
Vậy ta nên xét lại công và tội của họ Hồ cho có sự công bình.
(TIẾP THEO)
Suốt triều Trần gần hai thê kỷ,
Những vua đầu, chính thị minh quân.
Về sau suy yếu dần dần,
Cuối cùng tàn tạ, nhà Trần mất ngôi!
Thiếu Đế mất ngôi rồi bị giáng,
Cũng còn may tánh mạng được toàn.
Trẻ thơ khỏi bị chết oan,
Quý Ly chẳng phải hung tàn lắm đâu.
Đoạt ngôi rồi không lâu sau đó,
Bỏ họ Lê, lấy họ là Hồ. (1690)
Kinh kỳ nay ở Tây đô,
Triều đình trước đã dời vô lâu rồi.
Vì dòng dõi xa xôi thưở trước,
Thuộc họ Ngu ở nước Trung Hoa.
Cho nên sửa hiệu nước nhà
Đại Ngu, nghe gọi quả là chướng tai.
Được một năm, truyền ngai thái tử,
Hồ Hán Thương lên giữ ngai vàng.
Quý Ly làm thái thượng hoàng,
Quyền hành nắm hết, mọi đàng lo toan.(1700)
Hiện xã hội hoàn toàn mục nát,
Vì những năm Trần mạt vừa qua.
Quyết tâm chỉnh đốn quê nhà,
Cha con công sức bỏ ra cũng nhiều.
Trong mấy năm Trần triều suy nhược,
Quân Chiêm Thành được nước tràn sang.
Chúng thường cướp bóc ngang tàng,
Dân mình bỏ xóm bỏ làng mà đi.
Vì thế Hồ Quý Ly quyết định,
Cử đại binh cho lịnh tràn sang.(1710)
Vua Chiêm hoảng sợ xin hàng.
Cắt hai vùng đất vội vàng dâng ta.
Đất Cổ Lụy cùng là Chiêm Động,
Nay là Quảng Ngãi cộng Quảng Nam.
Mình đâu có muốn tham lam.
Nhưng mà họ biếu, biết làm sao hơn (?!).
Bên Trung Quốc đang cơn ly loạn,
Nhà Minh lên thanh toán nhà Nguyên.
Xong rồi Minh ngó xuống liền,
An Nam béo bở để yên sao đành. (1720)
Nay có tin Hồ giành ngôi báu,
Minh rao tìm con cháu nhà Trần
Mượn danh đánh kẻ phản thần,
Thì mong có được người dân đồng tình.
Khi việc xong thì Minh đô hộ,
An Nam thành lãnh thổ của Tàu.
Mưu nầy xúc tiến cho mau,
Cử người đi kiếm đời sau của Trần.
Cùng lúc đó gom quân chuẩn bị,
Với quân lương vũ khí sẵn sàng.
Trần Thiêm Bình bỗng chạy sang, (1730)
Xưng mình con cháu Trần hoàng mất ngôi.
Minh hớn hở, đây rồi dịp tốt,
Đưa Bình về để cốt thăm dò.
Quý Ly không chút đắn đo.
Đem quân chặn đánh, địch lo chạy dài.
Trần Thiêm Bình là loài bán nước,
Bị bắt rồi chẳng được thứ tha.
Biết rẳng khó tránh can qua.
Nên Hồ chuẩn bị thực là gắt gao. (1740)
Lo sắm sửa dồi dào vũ khí,
Mọi nơi cùng chuẩn bị chiến tranh.
Ra công đắp lũy xây thành,
Lòng sông đóng cọc, hào quanh mặt bằng.
Minh chúa phái Chu Năng, Trương Phụ,
Mộc Thạnh cùng đầy đủ quân lương.
Rần rần quân giặc lên đường.
Quân Hồ yếu thế vô phương tranh hùng.
Thành Đa Bang cùng chung sức giữ,
Nhưng cũng không chống cự được lâu. (1750)
Quân Minh quyết đánh phủ đầu,
Đông đô thất thủ thì hầu như xong.
Quân giặc vào Thăng Long tàn phá,
Cha con Hồ về cả Nghệ An.
Nhưng rồi vương mệnh chẳng toàn,
Cha con đành chịu nghiệt oan cõi trần.
Xong bảy năm hưởng phần phú quý,
Bây giờ Hồ phải chịu lưu đày.
Dân mình chịu cảnh đắng cay,
Làm thân nô lệ từ rày thuộc Minh. (1760)
Nhớ xưa kia quân mình anh dũng.
Nguyên hùng cường mình cũng đánh tan.
Vì từ dân đến vua quan,
Một lòng một dạ bền gan diệt thù.
Đến bây giờ Minh dù không mạnh,
Nhưng dân mình lâm cảnh chia ly.
Trần, Hồ hai ngã phân kỳ.
Lòng dân như thế ắt thì bại thôi.
Minh diệt Hồ xong rồi tuyên bố,
Con cháu Trần mọi chỗ chẳng còn. (1770)
Từ nay toàn thể nước non,
Dân Nam phải nhận làm con Minh triều.
Nhưng mặc chúng đặt điều nói láo.
Hậu duệ Trần quyết tạo thời cơ.
Đứng lên hiệu triệu dưới cờ,
Nước mình bị chiếm làm ngơ sao đành.
Giản Định Đế khởi hành trước nhất.
Được tướng tài Đặng Tất theo phò.
Thắng Minh mấy trận khá to,
Tướng Tàu Mộc Thạnh phải lo trốn về. (1780)
Vua Giản Định u mê giết mất,
Lão trung thần Đặng Tất, tiếc thay,
Hai con bèn bỏ đi ngay,
Đến phò Quý Khoách ra tay giết thù.
Nhưng giang san chưa thu phục được,
Thì bị Tàu dồn bước đường cùng.
Minh sai Trương Phụ sang lùng.
Mọi người bị bắt cùng chung số phần.
Viên tướng Tàu cho quân áp tải,
Để đưa về giam tại Yên Kinh. (1790)
Lựa khi lính gác vô tình,
Mọi người tuẩn tiết, trầm mình biển sâu.
Cuộc kháng chiến cho dầu thất bại,
Nhưng dân Nam cũng phải ghi ơn.
Từ nay toàn cõi giang sơn.
Quân thù giày xéo, căm hờn biết bao!
Quan lại Minh, ôi chao độc ác!
Xem dân mình chẳng khác ngựa trâu.
Bắt người lặn xuống biển sâu.
San hô phải lấy, ngọc châu phải tìm. (1800)
Vào rừng sâu, bắt chim thú lạ,
Giết voi già, lấy cả cặp ngà.
Kiếm sừng tê giác cho ra,
Sơn lam chướng khí thực là khổ đau.
Chúng bắt dân phải mau đồng hóa,
Tục cổ truyền tất cả bỏ đi.
Học hành, ăn mặc, lễ nghi,
Thứ gì cũng phải giống y như Tàu.
Bọn quan lại đua nhau tìm kỹ,
Tác phẩm mình chúng hủy cho mau.(1810)
Thay vào là sách của Tàu,
Bắt dân theo đó cùng nhau học hành.
Ngoài vẻ mặt mình đành chấp nhận,
Nhưng trong lòng mối hận tăng thêm.
Nhồi lâu thì đá cũng mềm,
Hận lâu, phản lực có kềm được sao?
Dân chờ đợi anh hào xuất hiện.
Là lao vào chuộc chiến đấu ngay.
Thế rồi cũng đến một ngày.
Có người khởi nghĩa để thay mệnh trời. (1820)