VN Lịch sử trường thi – Phần 15

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 15

Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi có đặc điểm rất đáng chú ý. Từ trước cho đến lúc bấy giờ, tất cả những người anh hùng nổi danh đều trong hàng ngũ quý tộc, quan liêu. Ngay Đinh Bộ Lĩnh, thuở nhỏ chơi với trẻ chăn trâu, cũng là con quan thứ sử và khi tung hoành cũng nhờ lực lượng của sứ quân Trần Minh thuộc giai cấp quý tộc.
Nhưng Lê Lợi là một người dân thường, một nông dân chính cống, vì vậy đời sau thường gọi Ngài là anh hùng áo vải đất Lam Sơn.
Lúc đó, giai cấp quý tộc, sau mấy trăm năm ở triều Lý và Trần hưởng đặc quyền, đặc lợi, giàu sang nên đã bị thoái hóa, chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng dòng họ mình nên không có ai xứng đáng lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo thực sự là chiến tranh nhân dân, trong khi giai cấp quý tộc hoặc im hơi lặng tiếng hoặc chạy theo giặc để được hưởng giàu sang.
Từ một xã hội mục nát, Bình Định Vương, xuất thân từ đồng ruộng, đã kích thích được ý chí quật cường của toàn dân và đã thắng được quân xâm lược Trung Hoa một cách vẻ vang.

Mời các bạn xem tiếp bài thứ 15 Trường thi Lịch sử Việt Nam .

(TIẾP THEO)

Thỏa lòng dân khắp nơi chờ đợi,
Làng Lam Sơn, Lê Lợi khởi binh.

Xuất thân từ một gia đình,
Phú nông và được dân tình mến thương.
Giặc nghe tiếng cũng thường dụ dỗ,
Nếu bằng lòng được bổ làm quan.
Tiếp tay với bọn tham tàn, 
Để dân phải chịu lầm than thêm à?
Ngài luôn bảo mình là dân Việt,
Phải góp công tiêu diệt kẻ thù, (1830)
Để lưu tiếng tốt thiên thu,
Vì dân, vì nước cho dù gian nguy. 

Lê Lợi ( Anh hùng áo vải)- 10 năm kháng chiến chống giặc Minh

Lời của Ngài khác chi ngọn lửa, 
Nung nóng lên lòng chứa căm hờn,
Quyết tâm giải phóng giang sơn,
Ào ào dũng khí còn hơn sóng thần.
Ngài đứng lên đích thân truyền hịch
Đến khắp nơi kích thích lòng người.
Nêu lên tội ác tày trời
Mà Minh giáng xuống cuộc đời dân ta. (1840)
Đuổi quân thù, đó là mục đích,
Gởi vào trong lời hịch truyền đi.

Ngàn người hưởng ứng tức thì,
Lam Sơn tìm đến, thoát ly gia đình.
Lê Lợi chọn Chí Linh trấn đóng,
Để rèn quân giải phóng quê hương.
Trước khi xuất phát lên đường,
Quân xin Lê Lợi xưng vương cho rồi.
Bình Định Vương lên ngôi cửu ngũ,
Và từ nay minh chủ toàn dân. 
Lúc đầu vương có ít quân, (1850)
Đánh thua nên phải dần dần rút lui. 

Núi Chí Linh phải lui về ẩn.
Địch đã vây khó lẫn trốn đi.
Bấy giờ tình thế rất nguy,
Địch bao tứ phía dễ gì thoát thân.
Khi tình thế đã gần tuyệt vọng,
Lê Lai xin được đóng vai vương.
Long bào vua tạm hãy nhường, 
Lẫn vào quân lính tìm đường thoát đi. (1860)
Trên mình voi giống y vua thiệt,
Tướng Lê Lai quyết liệt xông ra. 

Lê Lai cứu chúa

Địch lầm đó chính vua ta,
Xúm vào đâm chém, thực là thảm thương.
Trong khi đó thì vương thoát được,
Lại xả thân vì nước vì dân.
Quân mình khôi phục dần dần,
Anh hùng nghĩa sĩ xa gần đều theo.
Sau thảm cảnh hiểm nghèo qua khỏi,
Lòng dân càng mong mỏi nơi vương. (1870)
Danh vương sáng tựa vầng dương,
Nên ông Nguyễn Trải tìm đường đến nơi. 

Cha của ông vừa rời đất nước,
Vì quân Tàu bạo ngược bắt đi.
Nam Quan trong lúc phân ly,
Phụ thân dặn bảo: “ Phải vì nước non.
“Nay dân mình vẫn còn thống khổ,
“Con hãy về tìm chỗ đấu tranh.
“Cha già thôi chết cũng đành,
Mong con xứng đáng với danh Tiên Rồng.” (1880)
Gạt nước mắt rồi ông từ biệt,
Nhớ lời cha: phải diệt quân thù. 

Ông tìm vào tận chiến khu,
Vua Lê tiếp chuyện thì thu nhận liền.
Được Nguyễn Trải tôi hiền tài giỏi,
Bình Định Vương không khỏi vui mừng.
Riêng ông cố gắng không ngừng,
Giúp cho uy thế vua lừng lẫy thêm.
Ông khuyên tướng nên kềm binh sĩ, 
Hiếp đáp dân phải trị thẳng tay. (1890)
Dạy quân thành thật thẳng ngay,
Với dân thủ tín không thay đổi lòng. 

Nhờ như thế suốt trong cuộc chiến,
Quân đến thì dân hiến đủ lương.
Quân thêm ý chí hùng cường,
Quyết tâm dấn bước trên đường vinh quang.
Vương càng đánh thì càng chiến thắng,
Lấy Nghệ An, tiến thẳng Bắc hà.
Quân Tàu hoảng sợ kêu la,
Minh triều gởi tiếp quân qua tức thì. (1900)
Vương Thông dẫn quân đi cứu viện,
Mười vạn quân thiện chiến đưa sang. 

Ở nơi Tụy Động thôn làng,
Quân mình phục kích, sẵn sàng tấn công.
Đội quân của Vương Thông vừa đến,
Mình bèn xông lên nện tơi bời.
Chục ngàn quân địch chầu trời,
Chục ngàn quân khác về nơi lao tù.
Vũ khí Tàu mình thu vô số,
Quận huyện nay nhiều chỗ xin hàng. (1910)
Vương Thông hoảng vía vội vàng,
Xin thêm quân viện đưa sang tức thì. 

Liễu Thăng dẫn quân đi vội vã,
Vượt biên thùy qua ngã Chi Lăng.
Phục quân xông đánh rất hăng,
Quân Tàu tán loạn, Liễu Thăng bay đầu.
Tin bại trận không lâu sau đó,
Khiến Vương Thông bèn tỏ ý hòa.
Hắn cho người đến xin ta,
Để yên quân hắn rút ra biên thùy. (1920)
Vua chấp nhận cho tùy chúng rút,
Dân reo mùng giờ phút vinh quang.

Mười năm chiến đấu hiên ngang,
Viết vào lịch sử một trang oai hùng.
Ông Nguyễn Trải vô cùng phấn khởi,
Nên xin vua Lê Lợi chuẩn y.
Để ông trước tác tức thì,
Bình Ngô đại cáo để ghi mọi điều.
Bản văn nầy có nhiều giá trị,
Nên được truyền cho chí ngày nay: (1930)
“Khởi đầu là chuyện chẳng may,
“Họ Hồ soán đoạt để thay nhà Trần. 

“Quân Minh có nguyên nhân rồi đó,
“Chúng dại gì mà bỏ dịp nầy.
“Đúng là cường đạo một bầy,
“Qua đây vơ vét cho đầy túi tham.
“Tội ác làm dân Nam thống thiết,
“Khiến Lam Sơn cương quyết dựng cờ.
“Nhờ Trời chiếm được thời cơ,
“Toàn dân ngóng cổ đề chờ hôm nay. (1940)
“Lấy chí nhân để thay cường đạo,
“Đại nghĩa nầy thắng bạo tàn kia. 

“Liễu Thăng chết trận đầu lìa,
“Vương Thông đành phải xin chia tay về.
“Tướng sĩ mình từng thề cứu nước,
“Và lời thề đã được chu toàn.
“Nay xin bá cáo nhân gian,
“Dân Nam rày được cư an thái bình”
Bản đại cáo đem trình dân chúng,
Ai xem qua thì cũng hả hê. (1950)

 

(Xem tiếp Phần 16)

You may also like...

Leave a Reply