VN Lịch sử trường thi – Phần 2

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – PHẦN 2

Các bạn thân mến,

Hôm nay tôi gởi đến các bạn phần thứ hai vừa mới làm xong của VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI. Phần nầy chủ yếu mô tả các sự kiện ở triều đại Triệu nên ngắn hơn phần đầu nhưng lại rất quan trọng vì đề cập đến thời điểm bắt đầu một ngàn năm Bắc thuộc.
Thời điểm khốn khổ nầy là lúc nào? Sau khi Triệu diệt Thục năm 207 (trước Công nguyên) hay sau khi Triệu bị Hán diệt, năm 111 (trước CN)? Nước ta bị Tàu đô hộ 4 lần hay 5 lần?
Hiện nay các sử gia vẫn còn đang bất đồng ý kiến và tựu trung chia làm hai phái:

1/ Phái thứ nhất gồm nhiều sử gia trong đó có Ông Trần Trọng Kim, Lê Ngô Các, thì Bắc thuộc bắt đầu sau khi vị vua cuối cùng của nhà Triệu là Triệu Dương Vương bị giết chết cùng với quan Thái phó Lữ Gia. Như vậy, Việt Nam chỉ bị Bắc thuộc có 4 lần:
– Lần 1 từ năm 111 (trước CN) đến năm 39 (sau CN), gồm 140 năm, chấm dứt với cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng.
– Lần 2 từ năm 43 đến năm 544, gồm 501 năm, chấm dứt với sự lên ngôi của vua Lý Nam Đế.
– Lần 3 từ năm 603 đến năm 939, gồm 336 năm, chấm dứt với chiến thắng của Ông Ngô Quyền trên Bạch Đằng Giang,
– Lần 4 lệ thuộc nhà Minh, từ năm 1414 đến 1427, gồm 13 năm, chấm dứt với sự thành công của vua Lê Lợi.
Vậy, theo phái nầy, nhà Triệu là một triều đại chính thống của nhân dân mình nên khi nhà Triệu bị Hán diệt thì mới bắt đầu thời kỳ lệ thuộc.

2/ Phái thứ hai thì có quan điểm khác hẳn.
Theo phái nầy, Triệu Đà là người Hán 100%, mồ mả ông cha ở tại Trung quốc, được cử về phương Nam làm phiên trấn, giữ gìn biên cương, trấn áp bọn “Nam man”. Đến khi nước Tàu bị loạn to do Lưu Bang và Hạng Vũ nổi lên tiêu diệt nhả Tân rồi quay lại đánh nhau, Triệu Đà bèn đem quân xâm chiếm Âu Lạc và thành lập nước Nam Việt độc lập đối với Trung quốc, đóng đô tại Phiên Ngung, trên tỉnh Quảng Đông ngày nay. Sau khi Lưu Bang thống nhất đất nước, Triệu Đà quay lại thần phục Hán triều và trở thành một nước chư hầu của Hán. Như vậy, nhà Triệu không thể gọi là tổ tiên của mình và việc Triệu Đà tiêu diệt nước Âu Lạc chính là lúc bắt đầu lần Bắc thuộc thứ nhât, từ năm 207 (trước CN) đến năm 111 (trước CN), gồm 97 năm. Cộng với 4 lần đã kể trên, chúng ta bị Tàu đô hộ tất cả đến 5 lần chứ không phải 4 lần như quan điểm của phái thứ nhất.
Tuy thế, quan niệm của phái thứ hai cho rằng dân mình chịu ách nô lệ ngay dưới triều Triệu là không vững lắm vì tài liệu xưa để lại cho thấy rằng sống với nhà Triệu, Âu Lạc không hề bị xem là một thuộc địa, nhân dân ta không hề bị áp bức mà được đối xử bình đẳng với dân của 2 quận Nam Hải, Quế Lâm mà Nam Việt có trước đó.
Hơn nữa, thời đó, nước Nam Việt không thể là lãnh thổ của Tàu được vì vào năm 111, nhà Hán sai sứ sang dụ Cù thị và Ai Vương dâng nước cho Tàu. Không thành công, chúng xua quân sang xâm chiếm, sát nhập Nam Việt vào lãnh thổ của chúng. Kể từ đó nhân dân ta mới thực sự sống dưới quyền cai trị của quan nhà Hán. Vậy, dưới triều Triệu, nước ta chưa hẳn đã chịu ách thống trị của Tàu.

Tóm lại, thời điểm khởi đầu khổ nạn Bắc thuộc vẫn chưa được các sử gia nhất trí.

Vì các lý lẽ nêu trên, tôi đã phân vân rất nhiều khi tác phẩm Trường thi Lịch sử Việt Nam đi vào giai đoạn nầy. Nhất định tôi phải chọn cho mình một quan điểm dứt khoát thì những câu thơ mới có thể hình thành được.
Mời các bạn xem tiếp phần thứ hai của tác phầm để xem quan điểm của tôi về giai đoạn nầy có thể chấp nhận được hay không.

Diệt Thục xong yên bề chinh phục,
Triệu Đà cho đến lúc xưng vương. (210)
Nguyên là phiên trấn biên cương,
Giữ yên bờ cõi Nam phương của Tàu.
Là tướng giỏi, ước cao chí cả,
Mộng đế vương khắc họa trong tâm.
Hai vùng Nam Hải, Quế Lâm,
Chiếm thêm Âu Lạc đúng tầm ước mơ.
Nước vua Thục bây giờ bị hủy,
Chia ra thành Giao Chỉ, Cửu Chân.
Bây giờ thân phận người dân,
Nửa phần bị trị nửa phần tự do! (220)

Khi Trung quốc phải lo đại loạn,
Thì Triệu Đà sửa soạn thoát ra,
Lập thành riêng một quốc gia,
Đặt tên Nam Việt đô là Phiên Ngung.
Nước lập rồi thì dùng vương hiệu.
Nên tự xưng là Triệu Vũ Vương.
Bên Tàu, Hán ổn triều đường,
Sứ thần bèn xuống Nam phương chiêu hàng.
Triệu Vương mới mọi đàng tính kỹ,
Xét sức mình suy nghĩ đàng hoàng. (230)

Ích gì cái tật bướng ngang,
Trở về thân phận phiên bang cho rồi.
Bảy mươi năm ở ngôi liên tiếp,
Tuổi trăm hai một kiếp luân hồi.
Văn Vương cháu nội nối ngôi,
Sứ Tàu qua gọi vua tôi sang chầu.
Vương biết rõ mưu sâu kẻ dữ,
Nếu qua chầu bị giữ lại luôn.
Con tin thì phải liệu hồn,
Triều đình muối mặt mà luồn cúi thôi. (240)

Văn Vương sợ nhưng rồi gắng gượng,
Đưa Anh Tề con trưởng sang thay.
Sang chầu cũng tựa đi đày,
Nhớ quê chẳng được một ngày về thăm.
Gặp Cù thị, ăn nằm làm vợ,
Sau mười năm mới trở về nhà.
Văn Vương vừa mới băng hà,
Gọi về nối tiếp vua cha trị vì.
Cù thị thành mẩu nghi thiên hạ.
Chức chánh cung cao cả vinh quang. (250)

Anh Tề thì nhận ngai vàng,
Minh Vương lấy hiệu rỡ ràng tấm thân.
Mệnh không thọ, lìa trần khá sớm,
Con là Hưng, bú mớm chưa xong.
Nối ngôi vú bế trong lòng,
Ai Vương chỉ thích lông bông chơi đùa.
Cù thái hậu thay vua nhiếp chánh,
Nam Việt e khó tránh nguy cơ.
Hán triều chẳng phải đợi chờ,
Phái ngay sứ giả vác cờ mà qua. (260)

Sang dụ dỗ vua ta dâng nước,
Hứa sẽ cho người rước về Tàu.
Nàng Củ chấp thuận rất mau.
Vì cùng sứ giả thưở nào tình nhân.
An Thiếu Quý xưa thân biết mấy,
Tận khi chưa có lấy Anh Tề.
Lòng dâm nay vẫn còn mê,
Xin dâng nước để cùng về với nhau.
Gặp cố nhân trước sau bàn bạc,
Hẹn mai sau hưởng lạc quê nhà. (270)

Nội dung bia có nghĩa: “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách
Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi

Đâu ngờ Thái phó Lữ Gia,
Nhìn qua là biết lòng tà mưu gian.
Lấy hết lời tâu can vô ích,
Lữ Gia bèn thảo hịch truyền rao.
Ngăn ngừa vận nước lao đao,
Cấm binh huy động tràn vào hậu cung.
Cù thị, Ai Vương cùng sứ giả,
Nhát gươm đưa tất cả bay đầu.
Ngai vàng không thể trống lâu,
Mau tìm vua mới ngõ hầu dân yên. (280)

Chọn hoàng tử người hiền lập tức,
Con Minh Vương, Kiến Đức lên ngôi.
Dương Vương chọn hiệu xong rồi,
Truyền quân bố trí khắp nơi hiểm nghèo.
Nghe tin dữ Hán triều tức giận,
Nhất định sang rửa hận không dung.
Đùng đùng năm đạo binh hùng,
Đoàn quân Nam Việt cuối cùng ra ma.
Lộ Bát Đức, Phục Ba dũng tướng,
Xua binh tràn bốn hướng mười phương (290)

Lữ Gia cùng với Dương Vương.
Hai người bỏ chạy tìm đường thoát thân.
Đến bờ biển Hán quân đuổi kịp.
Không có thuyền hết dịp ra khơi.
Than ôi chấm dứt cuộc đời,
Thành công, thất bại, do Trời định ra.
Từ lúc đó quốc gia cũng mất,
Nam Việt thành vùng đất Hán hoàng.
Chia ra chin quận rõ ràng,
Đặt quan cai trị nghĩ càng đớn đau. (300)

Quan thái thú đứng đầu mỗi quận.
Có người hung cũng có người hiền.
Tích Quang cùng với Nhâm Diên,
Hai quan thái thú cầm quyền dân thương.
Đã dạy dân cương thường, lễ giáo
Chuyện yêu đương đúng đạo vợ chồng.
Dạy dân nghề nghiệp canh nông,
Khẩn hoang cày cấy gieo trồng đủ ăn.
Dân cũng đỡ khó khăn cuộc sống,
Nên an tâm không chống chánh quyền. (310)

Than ôi quá ít quan hiền,
Lại nhiều quan dữ như điên như cuồng.
Hiếp nhân dân luông tuồng bạo ngược,
Tội ác nhiều như nước biển khơi.
Làm thân nô lệ, hỡi ơi!
Dân mình quá khổ kêu trời liên miên!

 

(Xem tiếp Phần 3)

You may also like...

2 Responses

  1. Tri Nguyen says:

    Thầy kính,
    Em nhớ ngày xưa đã đọc qua đâu đó việc Cù thị và Ai Vương như thầy nhắc hôm nay. Em cũng nghĩ…thời đó nước ta chưa thuộc ách nô lệ của giặc Tàu.
    Em cảm ơn thầy thật nhiều.
    Trò Bích Hợp.

  2. Tri Nguyen says:

    Kính thưa thầy,

    Hồi trước em học về khoa học, học sử không kỹ, cũng không có làm thơ, khi đọc bài của anh Hưng viết, thầy làm thơ song thất lục bát, bấy giờ em mới xem và đếm lại 2 câu bẩy , 1 câu 6, 1 câu 8, đọc mấy bài thầy viết và những dòng thơ thầy đã mất rất nhiều thời gian công sức sáng tạo, em được hiểu biết về lịch sử Việt Nam và sẽ còn hiểu biết nhiều nữa. Cám ơn thầy nhiều lắm.
    Em thì chỉ ” dựa cột mà nghe “, thì ra lịch sử thời nào cũng có những cái nhìn khác nhau. Chuyện đời xưa nhìn nhận và viết khó nhưng các vị đó đã không còn nữa mình có nói thật cũng không sao.
    Em nghỉ lịch sử từ 1975 đến nay mới khó viết vì phải viết sao cho trung thực.
    Em kính chúc thầy luôn vui vẻ, mạnh khỏe, tìm được niềm vui trong công việc
    VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI.

    Ngọc Hạnh

Leave a Reply