VN Lịch sử trường thi – Phần 28 HẾT

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – Phần 28 Hết

Bài 28 cuối cùng nầy tiếp tục mô tả sơ lược công lao của các nhà cách mạng trong thời kỳ Pháp thuộc:
9/ Phan Chu Trinh
10/ Phạm Hồng Thái
11/ Nguyễn An Ninh
12/ Nguyễn Thái Học
13/ Phó Đức Chính
14/ Nguyễn Khắc Nhu
15/ Nguyễn Thị Giang
Tôi kết thúc thiên trường thi với cuộc đời ngắn ngủi của Nguyễn Thị Giang vì muốn dành vinh dự cao nhất cho vị liệt nữ nầy.

Thế là bước đầu tôi đã làm xong công việc mà mình dự định từ lâu. Tôi bắt đầu đặt bút vào ngày 30/10, hôm nay vừa đúng 2 tháng 15 ngày. Trong 75 ngày, tôi đã viết được 3554 câu thơ, lại còn lọc cọc gõ máy cả 2 tác phẩm cùng những lời giới thiệu. Do đó, chắc chắn tôi không tránh khỏi những điều sai sót hoặc chưa được hoàn chỉnh trong thiên trường thi. Vậy công việc đến đây chưa thể gọi là hoàn tất được và phải cần thêm thì giờ và công sức để chỉnh đốn.
Ở giai đoạn chỉnh đốn nầy, tôi rất cần sự góp ý của các bạn. Thói thường, do tính chủ quan, người viết không thấy hết được những sai sót của mình nên cần có sự giúp sức của độc giả.
Với những bài thơ diễn tả tình cảm riêng tư thì sao cũng được, nhưng với một trường thi gói ghém toàn bộ lịch sử của cả một dân tộc thì những sai sót là điều vô cùng đáng trách. Tôi luôn luôn có quan niệm rằng lịch sử chính là bài học củng cố lòng yêu nước. Và lòng yêu nước là tình cảm cao quý nhất của con người! Những trang sử sai lệch sẽ làm cho tình cảm cao quý đó lệch lạc đi.

TIẾP THEO)

Ông nhìn về phía Đông phương.
Ra công vận động con đường Đông Du.
Dạy thanh niên căm thù xâm lược.
Đi khắp nơi ông được hoan hô.
Ngại ông chỉnh đốn cơ đồ,
Thực dân vội bắt ông vô ở tù.

Phan Chu Trinh cũng thù giặc Pháp,
Ách thực dân cần đạp đổ đi.

Phong trào chống thuế, Pháp nghi
Do ông sách động, tức thì bắt ngay (3440)

Sau thời gian bị đày Côn đảo,
Ông ra tù tố cáo thực dân,
Hô hào chủ thuyết Duy tân,
Bao nhiêu hủ tục phải cần bỏ ngay.
Thuyết Duy tân mỗi ngày mở rộng,
Giới trẻ đi vận động hăng say.
Dân sinh cần được đổi thay,
Mới mong đất nước có ngày vẻ vang. 

Cơn bệnh nặng dứt ngang hoạt động,
Nằm xót xa vì mộng chưa thành, (3450)
Lìa trần dù được vinh danh,
Tiếc rằng kế hoạch thôi đành dở dang.


Phạm Hồng Thái theo Quang Phục hội,
Và chủ trương đường lối bạo hành.
Nhóm Tâm Tâm Xã lập thành,
Lo mua vũ khí để dành tấn công.
Toàn quyền Pháp thông đồng với Nhật,
Chúng âm mưu dẹp mất Đông Du. 

Phạm công quyết giết kẻ thù,
Mang bom từ ở chiến khu về thành. (3460)
Viên toàn quyền Mẹc Lanh xong việc,
Ghé Quảng Châu dự tiệc chúc mừng,
Quăng bom khi tiệc nửa chừng.
Tiếng bom Sa Diện vang lừng khắp nơi.
Viên toàn quyền số trời còn khá,
Còn Phạm công chí cả không thành,
Bị quân thù đuổi quá nhanh,
Dòng sông định mệnh thôi đành quyên sinh.

Rất cảm phục nghĩa tình vì nước,
Thân mất đi danh được vinh quang. (3470)
Trong hàng liệt sĩ vẻ vang,
Mộ Ngài nằm ở trong Hoàng Hoa Cương.


Nguyễn An Ninh, tấm gương ái quốc,
Lên án nền Pháp thuộc bất nhân.
Ông là trí thức dấn thân,
Tiếng tăm đã được toàn dân tôn sùng.
Ông diễn thuyết vô cùng hấp dẫn,
Lòng hăng say trộn lẫn tài năng. 

Viết văn cũng khó ai bằng.
Đọc bài ông viết, dân tăng căm hờn. (3480)
Lời nói ông còn hơn vũ khí,
Nên thường xuyên ông bị quấy rầy.
Ông luôn đi đó đi đây,
Khắp nơi mật thám của Tây theo rình.
Khi gặp lúc tình hình biến động,
Chúng vu ông và tống giam ngay.
Năm lần chúng đã ra tay,
Và lần chót đã đem đày Côn Sơn. 

Ở ngoài đảo lâm cơn bịnh nặng,
Làm thân tù thì chẳng thuốc thang. (3490)
Nên chi ở chốn nghĩa trang,
Bạn tù rơi lệ hai hàng tiễn ông.


Nguyễn Thái Học cũng đồng chí hướng,
Hi sinh vì lý tưởng quốc gia.
Con đường giải phóng nước nhà,
Phải dùng vũ lực mới là thành công.
Ông tham gia Nam Đồng Thi Xã,
Bọn thực dân vội vã ra tay.

Lệnh cho mật thám dẹp ngay,
Nhiều người bị bắt đem đày đảo xa. (3500)
Một tổ chức đúng là cách mạng,
Quốc Dân tên chính đảng ra đời.
Lập ra chi bộ nhiều nơi.
Không lâu mật vụ đánh hơi truy tầm.
Cuộc khởi nghĩa âm thầm chuẩn bị.
Dự trù nhiều tỉnh lỵ tham gia.
Mưu toan bị tiết lộ ra,
Thực dân đàn áp thực là thẳng tay. 

Nơi Yên Bái lập ngay tòa xử,
Mười ba người bị tử hình xong. (3510)
Khi nhìn ai cũng đau lòng,
Đứng xem không thể ngăn dòng lệ rơi.
Trong số mười ba người đáng kính,


Có ông Phó Đức Chính oai hùng.
Nằm nhìn dao chém lạnh lùng,
Mà gương mặt vẫn ung dung như thường.
Gương liệt sĩ can cường cao cả,
Toàn dân xin đa tạ hồng ân. 

Bao người đã phải xả thân,
Để cho trang sử thêm phần vẻ vang.(3520)


Nguyễn Khắc Nhu cũng trang liệt sĩ,
Nhưng ông chẳng hề bị chặt đầu.
Tham gia cách mạng từ lâu,
Hiến thân cho nước không cầu lợi danh.
Lúc buổi đầu đấu tranh hợp pháp,
Dùng tuyên truyền chống áp bức dân.
Về sau mới chuyển hướng dần.
Cho rằng bạo lực phải cần chủ trương. 

Để dấn thân vào đường cách mạng,
Quốc Dân là chính đảng tham gia.(3530)
Vì lòng yêu đảng thiết tha,
Nên phần Lập pháp ông là trưởng ban.
Lúc khởi nghĩa bị tan nát hết,
Ông đập đầu và chết trong tù.
Thế là hết oán hết thù,
Khi linh hồn đã chu du thiên đàng.
Đến chuyện Nguyễn Thị Giang liệt nữ.
Đã đi vào lịch sử nước nhà. 

Nhớ thời tuổi trẻ đã qua,
Theo đường cách mạng thiết tha vô cùng.(3540)
Và ở chốn Đền Hùng gặp gỡ.
Có ngờ đâu duyên nợ ba sinh.
Một bên cô gái khá xinh,
Một bên đảng trưởng đa tình oai phong.
Nguyễn Thái Học thực lòng ước nguyện.
Sống suốt đời với Nguyễn Thị Giang.
Kết duyên phu phụ đàng hoàng,
Nhưng trong lễ cưới họ hàng chẳng ai. 

Đường cách mạng cả hai hoạt động,
Có bao giờ được sống an lành.(3550)
Đến khi khởi nghĩa không thành,
Chồng thì bị bắt, vợ đành trốn đi.
Về Yên Bái đúng khi xử tử,
Nguyễn Thị Giang lệ cứ tuôn rơi.
Ra về lòng dạ tơi bời,
Nhớ bao kỷ niệm khắp nơi với chồng.
Đêm không ngủ nằm trông trời sáng.
Khi phương đông lộ áng mây vàng. 

Đi mua một chiếc khăn tang,
Bịt đầu và đốt nén nhang cuối cùng.(3560)
Rút súng ra ung dung tự xử,
Cô làm tròn nghĩa tử cùng chồng.
Mộ người liệt nữ giữa đồng,
Hằng ngày thường có hoa hồng đặt lên.
*
* *
Nước Việt Nam ở trên thế giới.
Từ ngàn xưa cho đến ngày nay.
Qua bao nhiêu cuộc đổi thay,
Vinh quang cũng lắm, đắng cay cũng nhiều.

Trường thi ghi những điều cần thiết,
Để tán dương hào kiệt trung thần.(3570)
Tấc lòng tưởng nhớ tiền nhân,
Lời thơ xin tỏ ngàn lần biết ơn. 

HẾT

 

You may also like...

2 Responses

  1. Kim Hường says:

    Thanks bạn Trí đã post lại bộ VN Lịch sử trường thi của Thầy Võ Phá, dù Thầy đã đi xa nhưng công lao tâm huyết của Thầy được mọi người đón nhận với sự kính trọng nhiệt thành, nhất là các Thầy Cô và học trò THTĐ – HĐ – NHH!

  2. VoChieu K1 says:

    Đại công cáo thành, bộ Trường thi này đã được Ngọc Hạnh, Ngọc Anh, Kim Hường và VôChieu post trong GTĐ, nay được Trí đem ra Trang Nhà để bảo quản tốt hơn và lâu dài hơn
    Cám ơn Trí và tất cả các bạn đã gìn giữ một tài sản quý giá của chúng ta.

Leave a Reply