VN Lịch sử trường thi – Phần 6

VIỆT NAM LỊCH SỬ TRƯỜNG THI – PHẦN 6

Các bạn thân mến
Khi nghiên cứu lịch sử, người ta luôn luôn xét đến công và tội của những nhân vật có ảnh hưởng đến vận mệnh nước nhà. Trong phần số 6 nầy tôi muốn nói đến công và tội của một người đàn bà khá nổi tiếng, thái hậu Dương Vân Nga.
Lên ngôi xong, Đinh Tiên Hoàng lập ngay 5 chánh cung cho 5 bà hoàng hậu, trong đó đáng kể nhất là Dương Vân Nga, một người đàn bà thông minh và rất xinh đẹp.
12 năm sau, Tiên Hoàng cùng thái tử Đinh Liễn bị tên thái giám Đỗ Thích giết chết. Hoàng tử Đinh Tuệ, con của hoàng hậu Dương Vân Nga mới 6 tuổi, lên nối ngôi. Hoàng hậu trở thành thái hậu buông mành nhiếp chánh.
Lúc đó, chắc chắn bà còn trẻ đẹp lắm nên đã quan hệ tình ái bất chính với quan thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Khi quân Tống bên Tàu tập trung tại biên giới, sửa soạn qua xâm lược nước ta, Dương thái hậu cùng đại tướng Phạm Cự Lượng đưa Lê Hoàn lên làm vua và giáng Đinh Tuệ xuống làm Vệ vương. Nhà Đinh dứt, nhà Tiền Lê thay thế. Lê Hoàn lên ngôi thì phong Dương Vân Nga làm hoàng hậu. Đọc lịch sử Việt Nam và thế giới, tôi chưa hế thấy người đàn bà nào làm hoàng hậu cho 2 đời vua liên tiếp!
Vậy Dương Vân Nga có công hay có tội? Theo tôi thì bà có cả công lẫn tội:

A-/ TỘI.
1.- Đường đường là một quốc mẫu, lúc vua băng hà rồi thì đáng lẽ phải thủ tiết thì lại tư thông với một vị quan to, làm ô uế triều đình, gây tiếng xấu đến muôn đời. Sau khi Lê Hoàn lên ngôi rồi, bà lại được tấn phong hoàng hậu, hợp thức hóa mối tình vi phạm luân thường đạo lý Đông phương.
2.- Bà cùng với đại tướng Phạm Cự Lượng truất ngôi vua của Đinh Tuệ, cho trở thành phế đế, trao ngai vàng lại cho người yêu, chính thức chấm dứt triều đại Đinh do vị anh hùng Đinh Bộ Lĩnh đã sáng lập nên.

B-/ CÔNG.
Đinh Tuệ lên ngôi lúc mới 6 tuổi đầu. Bấy giờ, vua Tống bên Tàu đang cử binh sang xâm lược nước ta. Trong thời quân chủ chuyên chế, vai trò của nhà vua vô cùng trọng đại cho sự tồn vong của đất nước. Nếu Đinh Tuệ vẫn làm vua thì nguy cơ bại trận của chúng ta rất lớn. Người Tàu có thể một lần nữa đặt ách đô hộ lên đầu dân mình. Các triều đại tự chủ sau đó, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, có được sinh ra và tồn tại hay không? Ngày nay, nước Việt nam có còn trên bản đồ thế giới hay đã bị sát nhập vào Trung quốc như rất nhiều những tiểu quốc khác? Chính Lê Hoàn lên làm vua đã cứu nguy tổ quốc và Dương Vân Nga đã góp công lớn trong việc nầy.

Tóm lại, Dương Vân Nga vừa có tội lại vừa có công. Tội và công của bà, bên nào nặng hơn? Xin các bạn, sau khi đọc xong phần 6 của Việt nam Lịch Sử Trường Thi, vui lòng góp ý để làm sáng tỏ một chi tiết quan trọng của lịch sử Việt nam.

Thành thật cám ơn.

Tượng thờ vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Vương Vân Nga ở khu di tích cố đô

(TIẾP THEO)

Sáu năm cai trị bình an,
Nhà vua nhận được vô vàn mến thương.

Lâm trọng bệnh hết đường cứu chữa,
Vua không còn đứng giữa cõi trần,
Chúc thư để lại triều thần,
Trưởng nam Xương Ngập được phần nối ngôi.
Nhưng vận nước đến hồi ly loạn,
Chiếc ngai vàng bị soán mất rồi.
Em bà hoàng hậu đứa tồi,
Dương Tam Kha đó thích ngồi ngai cao.(720)
Tranh ngôi cháu khác nào nghịch tặc,
Xương Ngập đành tức khắc lánh thân. 

Phạm Linh Công có lòng nhân,
Giấu người tị nạn, ân cần chăm lo.
Dương Tam Kha cố dò chẳng được,
Nên họp triều cất bước lên ngai.
Ngô Xương Văn, đứa em trai,
Đành làm nghĩa tử của loài bất nhân.
Rồi được sai xuất quân đánh giặc,
Văn quay về tìm tặc ở nhà.(730)
Bắt ngay tên phản Tam Kha,
Nghĩ tình cậu cháu nên tha tử hình. 

Rồi lập tức phái binh đi rước.
Đưa anh về cùng được giàu sang.
Anh em cùng hưởng vinh quang,
Cùng chung có một ngai vàng ngồi lên.
Hậu Ngô Vương là tên sử gọi,
Lúc bấy giờ lửa khói ngập tràn.
Khắp nơi loạn lạc miên man,
Tranh quyền đoạt lợi điêu tàn quê hương.(740)
Ngô Xương Ngập cõi dương đành biệt,
Bệnh nặng thầy hết biết thuốc thang.
Xương Văn chết ở chiến tràng, 

Khi đang dẹp loạn, lỡ làng công danh.
Ngôi báu truyền con anh nối nghiệp.
Xương Xí lên gánh tiếp cơ đồ.
Vô tài, trí lại ngây ngô,
Nên lòng tôn trọng nhà Ngô mất dần.
Vua hèn kém lòng dân ly tán,
Giặc giã gây hoạn nạn tơi bời,(750)
Thổ hào mới chớp cơ trời,
Họp quân chiếm đóng một nơi tranh hùng.
Mười hai ông đều cùng cát cứ. 

Mỗi người thành một sứ quân riêng.
Mặc tình đánh trống khua chiêng,
Xua quân hỗn chiến ngã nghiêng đất trời.
Kể từ nay cuộc đời Xương Xí,
Lam vua mà cũng chỉ sứ quân.
Cha ông cai trị toàn dân,
Thì nay còn có một phần nhỏ thôi.(760)
Loạn vẫn chưa đến hồi kết thúc,
Hăm hai năm chẳng lúc nào yên.
Đời dân cứ khổ triền miên, 

Hết cơn bị trị thì liền phân tranh.
Mong một đấng hùng anh xuất hiện,
Đủ đức tài cải biến thành an.
Dẹp đi cái bọn ngang tàn,
Để đời dân được hoàn toàn an cư.
Có người ở Hoa Lư quê chính,
Tên là Đinh Bộ Lĩnh con quan.(770)

Cuộc đời chẳng được chu toàn,
Vì cha mất sớm, lo toan mọi bề.
Theo chân mẹ về quê sinh sống, 

Nhỏ mà nuôi vương mộng trong đầu.
Thường chơi với bọn chăn trâu,
Tự xưng thống soái mặc dầu còn thơ.
Lấy bông lau làm cờ ra trận,
Cờ phất lên phải khẩn xung phong.
Bạn bè tất cả đồng lòng,
Tôn làm anh cả, xóm trong làng ngoài.(780)
Lớn lên quyết đem tài cứu nước,
Được sứ quân đón rước nhiệt tình.
Đó là kiện tướng Trần Minh, 

Đến khi ông chết thì Đinh nắm quyền.
Nhiều hào kiệt biết liền tìm tới,
Xin đầu quân chẳng đợi phải mời.
Thế rồi chinh phục nơi nơi,
Đánh đâu được đó tơi bời địch quân.
Chiến thắng mãi nên dân quen gọi,
Vạn Thắng Vương tài giỏi tột cùng. (790)
Xứng danh là bậc anh hùng,
Một năm chinh phục mọi vùng đã xong.
Các sứ quân tiêu vong tất cả,

Thống nhất công lao đã hoàn thành,
Ngài Đinh mới chọn ngày lành,
Lên ngôi hoàng đế lưu danh muôn đời.
Tiên Hoàng Đế rạng ngời tên quý,
Và Đại Cồ Việt thị quốc danh.
Hoa Lư thì đã trở thành,
Kinh đô cả nước, đất lành quê hương.(800)
Xét công trạng tỏ tường chu đáo,
Phong Lê Hoàn Thập đạo tướng quân.
Năm ngôi hoàng hậu một lần, 

Dương Vân Nga đáng dự phần đầu tiên.
Mọi việc xong, vua truyền sai sứ,
Qua bên Tàu xin cứ hằng niên,
Đem đồ triều cống sang liền,
Để cầu cho được bình yên nước nhà.
Loạn sứ quân vừa qua đã hết,

Nhưng còn lưu dấu vết loạn ly.(810)

Bao năm chẳng luật lệ chi

Thói quen vẫn sống thời kỳ nhiễu nhương.

Để chỉnh đốn kỷ cương xã hội

Vua Đinh theo lề lối thật kinh.

Vạc dầu đặt ở sân đình

Vườn nuôi hổ để hành hình phạm nhân

Nhờ như thế đời dân yên ổn

Xã hội dần hết chốn nguy nan

Mười hai năm được bình an,
Nhưng rồi thảm họa hung tàn xảy ra.(820)
Tên Đỗ Thích vốn là quan hoạn,
Lại mưu toan chuyện soán ngai vàng.
Dùng dao hạ sát Tiên Hoàng,
Giết luôn thái tử, bàng hoàng toàn dân.
Gả thích khách, triều thần băm xác,
Đáng đời tên đại ác đại gian.
Để cho tổ quốc được an, 

Chọn người nối nghiệp lo toan nước nhà.
Con Tiên Hoàng tên là Đinh Tuệ,
Được đưa lên thay thế vua cha.(830)
Nhìn vua mà thấy xót xa,
Trẻ thơ, trọng trách quốc gia biết gì.
Khi lâm triều hoặc khi hữu sự,
Thái hậu Dương tham dự triều đình.
Giành quyền chiếp chính cho mình.
Buông màn đã có nhân tình giúp cho.
Ai nhân tình đang lo chu đáo?

Chính Lê Hoàn thập đạo tướng quân.
Trai tài gái sắc trao thân,
Tiên Hoàng khuất bóng, ái ân thêm nồng.(840)
Chịu họa trong cũng đồng họa ngoại.
Mình loạn ly, Tàu khoái biết bao.
Bên ta lâm cảnh lao đao,
Tồng triều lập tức ào ào động binh.
Bọn sứ giả mặc tình hậm họe,
Buộc ấu vương cùng mẹ sang chầu.
Bên mình cương quyết lắc đầu, 

Đồng thời chuẩn bị nhu cầu chiến tranh.
Binh sĩ sắp khởi hành nghênh chiến,
Phạm tướng quân xuất hiện bảo rằng: (850)
“Tống triều đã quyết xâm lăng.
“Quân Tàu đã định san bằng nước ta.
“Nhân dân mình chẳng thà chịu chết,
“Không cúi đầu giống hệt kẻ hèn.
“Bây giờ hoàn cảnh rối ren,
“Mà vua thơ ấu chưa quen chiến trường.
“Có một tướng thuộc phường gươm giáo,

“Đó là quan Thập đạo tướng quân,
“Trước khi ra trận liều thân,
“Ta nên xin được xưng thần cùng ông.”(860)
Quân nghe nói thì đồng lòng cả,
Thái hậu Dương vội vã bước vào.
Tay cầm chiếc áo long bào,
Khuất thân quỳ xuống mà trao Lê Hoàn.
Nhà Đinh vừa hoàn toàn dứt nghiệp,
Nhà Tiền Lê nối tiếp ra đời.
Lê Hoàn công bố khắp nơi, 
Đại Hành vương hiệu, tế trời lên ngai.

Tức vị xong đem tài cứu nước
Chống quân Tàu mới được đưa sang. (870)

 

(Xem tiếp Phần 7)

 

 

You may also like...

Leave a Reply