Ý NGHĨA CỦA NGÔI CHÙA
Lê Tấn Tài
Chùa là biểu tượng thiêng liêng, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa Phật giáo. Đây không chỉ là nơi lễ Phật, mà còn là nơi con người có thể tìm thấy sự kết nối giữa thế giới vật chất và tinh thần, cũng như sự bình an và thanh thản giữa nhịp sống hối hả. Trải qua hàng ngàn năm thăng trầm, vinh nhục và những biến đổi của thời gian, hình ảnh ngôi chùa vẫn mãi in sâu trong lòng người dân Việt.
Kiến trúc chùa chứa đựng nhiều biểu tượng sâu sắc về triết lý Phật giáo, như hình ảnh hoa sen, bánh xe Pháp luân, hay tháp chuông. Mỗi chi tiết mang ý nghĩa riêng, thể hiện sự gắn kết giữa con người và vũ trụ, giữa đời sống thực tại và sự giác ngộ. Các bức tượng, tranh vẽ và trang trí trong chùa ngoài ý nghĩa tôn giáo còn có giá trị nghệ thuật cao, góp phần tăng thêm vẻ đẹp và sự thanh tịnh cho ngôi chùa, khuyến khích hành trình khám phá nội tâm của mỗi người. Các tượng Phật, Bồ Tát và những biểu tượng khác nhắc nhở người viếng thăm về lòng từ bi, sự kiên nhẫn, trí tuệ và tinh thần vô ngã.
Phật tử đến chùa không chỉ để tu tập và học hỏi giáo lý Phật pháp từ các bậc chân tu, mà còn để rèn luyện tâm hồn, giúp đối mặt với khó khăn và đau khổ trong cuộc sống. Mỗi khi bước vào chùa, con người dễ dàng cảm nhận được sự thanh tịnh và an yên từ cảnh vật. Hình ảnh Đức Phật khơi gợi lòng từ bi trong lòng khách thập phương. Không gian chùa mang lại cảm giác thoát tục, tiếng chuông ngân nhẹ nhàng và hương trầm thoang thoảng, giúp con người xua tan căng thẳng, lo âu, thoát khỏi bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, từ đó tìm lại sự cân bằng và an nhiên trong tâm hồn.
Trong đời sống không ai là không có tham dục, si mê, giận dữ, phiền muộn, lo sợ. Có những nỗi sợ hiển hiện rõ ràng trước mắt và cả những nỗi sợ mơ hồ. Có nỗi sợ khi làm điều đúng, điều tốt, nhưng vẫn có thể gặp tổn thương. Có những lo ngại về môi trường học đường và xã hội, khi trẻ em đôi lúc tiếp thu không phải là kiến thức mà là bạo lực, sự cạnh tranh khắc nghiệt và những thói nhỏ nhen của con người. Chính vì vậy, con người buộc phải tìm đến những thế lực siêu nhiên, hoặc đơn giản hơn là một không gian đủ yên bình để họ có thể tập trung cầu nguyện, mong tìm được sự che chở của Trời Phật. Khi con người cảm thấy thiếu niềm tin vào cuộc sống và sự tồn tại của những điều tốt đẹp, thậm chí nghi ngờ lòng tốt của người khác, họ sẽ rơi vào nỗi sợ hãi, trở nên bất lực và dễ trở thành mục tiêu cho những kẻ lợi dụng danh nghĩa của những ngôi chùa.
Ngày nay, có vẻ như, nhiều người đến chùa không phải để tìm sự an yên trong tâm hồn, mà mang theo những lo toan, sân si và bất an. Nếu như vậy, sẽ không có ngôi chùa hay vị thần Phật nào có thể che chở cho họ, khi trong lòng họ thiếu vắng sự trắc ẩn, bao dung và khát vọng hướng thiện trong hành trình đối mặt với những khổ đau và hạnh phúc của cuộc đời. Bởi lẽ, khi phải bon chen để tìm kiếm sự an yên, thì làm sao còn gọi là an yên được nữa? Và khi ngày càng nhiều người tìm đến các chùa to để cầu an, xin phước, giải hạn, đó là bởi vì họ đang đối diện với quá nhiều nỗi lo sợ. Người ta chen lấn, xô đẩy khắp các chùa, nhưng có lẽ mọi người đã quên rằng chỉ cần có một ngôi chùa trong tim mình. Đó có thể là ngôi chùa nhỏ ở làng quê hẻo lánh hay góc phố thân quen… Những ngôi chùa trong trẻo, thánh thiện của thời thơ ấu. Mỗi người đến chùa với chút hương, chút hoa, chút lòng thành là đủ. Điều quan trọng là mỗi người giữ được lương thiện và lòng trắc ẩn trong mình.
Trong bài thơ Quê Tôi của Nguyễn Bính, có câu:
“Mai nầy tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.”
Vâng, quê Nguyễn Bính có gió bốn mùa, trăng giữa tháng… nhưng chùa thì vẫn còn đó quanh năm. Bỏ quê, bỏ cả gió trăng, nhưng nỗi đau lớn nhất là phải xa rời ngôi chùa! Làm sao có thể quên được, bởi chùa là nơi ngày xưa người ta từng lui tới, gắn bó, chất chứa bao kỷ niệm yêu thương. Phải chăng sự “có” đó như một điều tất yếu, một hiện diện thường trực, không thể tách rời với quê hương. Và có lẽ, sự hiện diện ấy âm thầm trong trái tim mỗi người. Đó là một tình cảm thân thương, sâu sắc, chứng tỏ hình ảnh ngôi chùa đã ăn sâu vào lòng người như một dấu ấn không thể phai nhòa. Vì vậy, nếu đạo Phật mở ra trí tuệ cho con người, thì ngôi chùa chính là nơi khởi đầu cho hành trình khám phá ý nghĩa sâu xa của đức tin, sự tận tụy và giác ngộ.